Các nội dung sẽ thẩm tra tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai mươi mốt của Ủy ban Tư pháp bao gồm: Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành trong năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13; dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.
Tại Phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ và được sự phân công của Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2015 (Báo cáo số 410/BC-CP ngày 01/9/2015), trong đó có công tác thi hành án dân sự.
Theo đó, năm 2015 trong điều kiện kinh tế trong nước tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, song với sự nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án năm 2015, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, nhờ đó, công tác thi hành án nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng trong 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Thứ nhất, chủ động thực hiện đồng bộ việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Năm 2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015). Sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, ngày 15/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 55/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể (Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày 14/02/2015, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 1516/QĐ-BQP ngày 06/5/2015 kèm theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự). Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt nghiêm túc, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và Nhân dân, sự ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với hoạt động thi hành án dân sự.
Đến nay, đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng theo Kế hoạch, như: (i) Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Hội nghị đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình triển khai thi hành Luật; (ii) Tại địa phương, Cục Thi hành án dân sự cũng đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung; (iii) Ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và hiện đang chuẩn bị ký ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước; (iv) Hoàn thành việc rà soát 42 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự thuộc trách nhiệm của các Bộ, Ngành Trung ương, 118 văn bản thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự…
Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp cũng đã quan tâm xây dựng các văn bản quy định, chi tiết, hướng dẫn thi hành: đã xây dựng, ban hành 02 Thông tư trong lĩnh vực thi hành án dân sự; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; hiện đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự; Thông tư hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác…
Thứ hai, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn cả về giá trị tuyệt đối và về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2014
Về việc, đến hết tháng 9/2014, số cũ chuyển sang là 248.203 việc; từ 01/10/2014 đến 31/7/2015 thụ lý mới 461.402 việc, tăng 102 việc (0,02%) so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tổng số thụ lý là 709.605 việc, tăng 9.148 việc (1,3%) so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại có: 559.070 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 78,79%, giảm 1,11% so với cùng kỳ năm 2014), giảm 577 việc so với cùng kỳ năm 2014 và 150.535 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 21,21%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 404.526 việc, đạt tỷ lệ 72,36%. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 13.670 việc (3,5%) và tăng 2,52% về tỷ lệ. Một số địa phương đạt kết quả khá cao về việc như: Vĩnh Phúc (88,46%), Đăk Lăk (85,9%), Đồng Tháp (79,63%), Bến Tre (79,38%), Nghệ An (79,39%), Tp.Hồ Chí Minh (72,07%)...
Về tiền, đến hết tháng 9/2014, số cũ chuyển sang là 56.127 tỷ 149 triệu 948 nghìn đồng; từ 01/10/2014 đến 31/7/2015 thụ lý mới 65.905 tỷ 598 triệu 195 nghìn đồng, tăng 18.091 tỷ 701 triệu 964 nghìn đồng (37,83%) so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, tổng số tiền thụ lý là 122.032 tỷ 748 triệu 143 nghìn đồng, tăng 32.621 tỷ 257 triệu 645 nghìn đồng (36,48%) so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại có: 72.276 tỷ 164 triệu 571 nghìn đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 59,23%, giảm 8,06% so với cùng kỳ năm 2014), tăng 12.112 tỷ 593 triệu 886 nghìn đồng (20,13%) so với cùng kỳ năm 2014 và 49.756 tỷ 583 triệu 572 nghìn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 40,77%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 34.629 tỷ 405 triệu 949 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 47,91%. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 10.025 tỷ 453 triệu 522 nghìn đồng (40,74%) và tăng 7,01% về tỷ lệ. Một số địa phương đạt kết quả khá cao về tiền như: Quảng Nam (82%), Lâm Đồng (65,07%), Đăk Lăk (74,65%), Khánh Hòa (59,4%), Tp.Hồ Chí Minh (54,9%)....
Thứ ba, công tác triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa một số nội dung công tác thi hành án
Cả nước hiện có 53 Văn phòng Thừa phát lại với 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên. Các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, với tổng doanh thu tính đến ngày 31/7/2015 đạt 119 tỷ đồng. Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, song nhìn chung, sau 6 năm thí điểm, chế định Thừa phát lại đã chứng tỏ được tính đúng đắn và được xã hội đón nhận, đặc biệt là ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển.
Nhằm đánh giá một cách khách quan kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra các giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả chế định này, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định này (ngày 25/8/2015); trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thực hiện chính thức chế định này (trong tháng 10/2015), chuẩn bị cho việc xây dựng Luật Thừa phát lại trong thời gian tới.
Thứ tư, tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc Hệ thống tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường, số lượng công chức bị xử lý kỷ luật giảm so với cùng kỳ năm 2014
Năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng và triển khai nghiêm túc Kế hoạch luân chuyển cán bộ và Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác trong toàn Hệ thống; tập trung kiện toàn lãnh đạo các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự, nhất là các địa bàn còn hạn chế, yếu kém hoặc những đơn vị mới thành lập; tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết thay thế cán bộ quản lý có vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc hạn chế về năng lực, trình độ nghiệp vụ. Đến nay, về cơ bản đã kiện toàn xong đội ngũ lãnh đạo quản lý tại các cơ quan thi hành án dân sự, cả nước hiện có 60/63 Cục trưởng, 03 Quyền Cục trưởng, 135 Phó Cục trưởng, đối với cấp huyện có 659/710 đơn vị đã có Chi cục trưởng; 14 đơn vị có Quyền Chi Cục trưởng.
Toàn Hệ thống đã thực hiện 9.675/9.807 biên chế. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tổ chức tuyển đủ, sử dụng có hiệu quả số biên chế được giao, thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014; chỉ đạo việc điều chuyển, biệt phái Chấp hành viên hỗ trợ các địa bàn quá tải công việc. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã tổ chức 01 kỳ thi nâng ngạch Chấp hành viên Trung cấp, Thẩm tra viên chính; 01 kỳ thi nâng ngạch Chuyên viên, kế toán viên và tương đương; 02 kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, qua đó, góp phần bổ sung đáng kể lực lượng cho đội ngũ Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Cả nước hiện có tổng số 4.128 Chấp hành viên, 593 Thẩm tra viên, 1.731 Thư ký thi hành án.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được đổi mới căn bản theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư pháp đã xây dựng, ban hành Kế hoạch và tổ chức 03 lớp Thư ký thi hành án, 06 lớp đào tạo nguồn Chấp hành viên sơ cấp cho 300 học viên (theo Kế hoạch, tháng 10/2015, sẽ mở 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên cao cấp và 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên trung cấp).
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; tổ chức tự kiểm tra, kiểm tra và thanh tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm; tính đến ngày 31/7/2015, đã tiến hành xử lý kỷ luật tổng số 67 trường hợp (trong đó vi phạm về nghiệp vụ là 21, vi phạm khác là 46), giảm 20 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014. Hiện, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý” trình Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; khi Đề án được triển khai sẽ góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, xây dựng đội ngũ công chức thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh.
Thứ năm, việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo giải quyết, công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo.
Chính phủ, Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với những vụ án lớn, những vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, những vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%; tổ chức làm việc với 23 địa phương có lượng án lớn hoặc còn những tồn tại, hạn chế về kết quả thi hành án dân sự 5 tháng đầu năm 2015; ban hành Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống thi hành án dân sự, Quy định tạm thời về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm, đồng thời, hướng dẫn rà soát, lập danh sách, xây dựng và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch giải quyết các vụ việc loại này; ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong nghiệp vụ thi hành án dân sự. Tính đến ngày 31/7/2015, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận tổng số 195 văn bản xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan thi hành án dân sự; kết quả: đã giải quyết được 183 văn bản, đạt tỷ lệ 93,84%. Một số địa phương (Hà Nội, Nam Định, Bình Định, Bến Tre...) đã giải quyết xong 100% công văn xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Chi cục.
Trong 10 tháng năm 2015, đã tiếp nhận tổng số 7.455 đơn, thư khiếu nại, tố cáo (giảm 695 đơn = 8,52% so với cùng kỳ năm 2014), tương ứng với 6.488 vụ việc về thi hành án. Kết quả, trong số 3.019 việc thuộc thẩm quyền, đã giải quyết xong 2.721 việc, đạt tỷ lệ 90,12%, tương đương cùng kỳ năm 2014 (90,11%). Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự tiến hành rà soát, thống kê, ban hành Kế hoạch và có các biện pháp tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật; tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để giải quyết các vụ việc này. Đến nay, đã chỉ đạo giải quyết xong 22 vụ việc của năm 2014 chuyển sang (một số vụ việc khiếu nại kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm: Vụ Dương Thị Thông - Bắc Giang, vụ Phạm Thị Sang - Long An, vụ Trần Thị Xanh - Quảng Ngãi, vụ Bạch Ngọc Giáp - Hà Nội); hiện còn 30 vụ việc loại này đang tiếp tục theo dõi, giải quyết (19 vụ việc năm 2014 chuyển sang, 11 vụ việc phát sinh mới năm 2015).
Công tác phối hợp liên ngành được tăng cường ở cả Trung ương cũng như địa phương: tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phối hợp trong việc rà soát, tổng hợp các vụ việc án tuyên không rõ, có sai sót hoặc các vụ việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trong việc giải thích bản án, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp và ban hành văn bản hướng dẫn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức cán bộ, thi hành án dân sự, hành chính; ban hành Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Quy chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đặc biệt, năm 2015, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện công tác đặc xá theo Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước, Hướng dẫn số 91/HD-HĐTVĐX ngày 15/7/2015 của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương.
Với những kết quả đạt được nêu trên, cho thấy công tác thi hành án dân sự đã có những tiến bộ rõ rệt, kết quả thi hành án dân sự có xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, biểu dương tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, báo cáo cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của công tác thi hành án dân sự trong 10 tháng năm 2015, đó là: Số việc và tiền chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về giá trị; Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm; Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn chưa đáp ứng yêu cầu; Một số mặt của công tác hoàn thiện thể chế còn chưa đảm bảo tiến độ; Việc triển khai Đề án xây dựng trụ sở, kho vật chứng còn chậm so với Kế hoạch (còn 534 đơn vị chưa được đầu tư xây dựng kho vật chứng).
Tại Phiên họp, báo cáo của Nhóm nghiên cứu bước đầu của Ủy ban Tư pháp đã đánh giá “Trong năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trên phạm vi cả nước. Nhìn chung, công tác thi hành án dân sự được đôn đốc, chỉ đạo triển khai đều trên các mặt, từ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo đến công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ và đạt được nhiều tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm trước; kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức và hoạt động cơ quan thi hành án dân sự được thắt chặt, kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm”. Bên cạnh ý kiến thẩm tra bước đầu của Nhóm nghiên cứu, công tác thi hành án dân sự cũng nhận được các ý kiến chia sẻ đầy tâm huyết của các vị Đại biểu, thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao về những kết quả thi hành án dân sự đạt được trong 10 tháng đầu năm 2015.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Tư pháp và kết luận tại Phiên họp thẩm tra của đồng chí Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp đã chuẩn bị nội dung tiếp thu, giải trình một số vấn đề liên quan đến Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2015 để phục vụ Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ mười của Quốc hội khóa XIII trong thời gian tới.
Huy Hùng-VPTC