Kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2015 và giai đoạn 2011-2015

14/12/2015
Có thể nói rằng việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2015 nói riêng và giai đoạn 2011-2015 nói chung, đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 “về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2013” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 37/2012/QH13). Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các giải pháp chủ động, quyết liệt, mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, hằng năm Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về thi hành án dân sự.

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2015

Theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác tư pháp (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 37/2012/QH13) của Quốc hội giao 04 chỉ tiêu, nhiệm vụ là: (1) Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; (2) Tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành; (3) Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; (4) Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án.

Căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, Bộ Tư pháp giao thêm 05 chỉ tiêu, nhiệm vụ: (1) Giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm 2014 chuyển sang và 90% đơn, thư khiếu nại, tố cáo mới thụ lý trong năm 2015 thuộc thẩm quyền; Cơ bản giải quyết xong đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài; (2) Giảm ít nhất 3% đến 5% số việc chuyển sang năm 2016 so với số chuyển kỳ sau của năm 2014 chuyển sang năm 2015; (3) Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đối với 100% số văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp theo Kế hoạch đã được Bộ Tư pháp phê duyệt; (4) Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự phải trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 85% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới; (5) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các địa phương thí điểm Thừa phát lại có trách nhiệm thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại tham gia xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án dân sự. Chuyển giao đúng, đầy đủ 100% văn bản của cơ quan thi hành án dân sự cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Thi hành án dân sự giao thêm 01 chỉ tiêu: Có văn bản đôn đốc thi hành án hành chính đối với 100% số việc có yêu cầu đôn đốc thi hành án”.

Như vậy, bộ chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2015 gồm 10 chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Xác định việc thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, vì vậy, Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự. Kết quả như sau:

1.1. Chỉ tiêu “Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật".

Đây là chỉ tiêu mang tính tuyệt đối, vì vậy, Tổng cục thường xuyên chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự phấn đấu thực hiện chỉ tiêu này; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chậm trễ ra quyết định thi hành án và kết quả có chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết.

1.2. Về chỉ tiêu "Tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành".

- Về việc, năm 2015 tổng số thụ lý là 791.412 việc (trong đó, các cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 790.338 việc, các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý 1.074 việc), tăng 12.114 việc (1,55%) so với năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại có: 599.436 việc có điều kiện giải quyết, chiếm tỷ lệ 75,74% (giảm 861 việc và giảm 1,29% về tỷ lệ so với năm 2014) và 191.976 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 24,26%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%, vượt 1,08% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao (tăng 2.890 việc và tăng 0,61% về tỷ lệ so với năm 2014).

- Về tiền, tổng số tiền thụ lý là 125.956 tỷ 77 triệu 210 nghìn đồng (trong đó, các cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 125.869 tỷ 995 triệu 216 nghìn đồng, các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý 86 tỷ 81 triệu 994 nghìn đồng), tăng 30.847 tỷ 421 triệu 820 nghìn đồng (32,43%) so với năm 2014. Kết quả xác minh, phân loại có: 56.342 tỷ 815 triệu 341 nghìn đồng có điều kiện giải quyết, chiếm tỷ lệ 44,73% (tăng 5.534 tỷ 836 triệu 938 nghìn đồng nhưng giảm 8,69% về tỷ lệ so với năm 2014) và 69.613 tỷ 261 triệu 864 nghìn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 55,27%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 42.819 tỷ 191 triệu 766 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 76%, còn thiếu 1% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao (tăng 3.837 tỷ 686 triệu 324 nghìn đồng nhưng giảm 0,72% về tỷ lệ so với năm 2014). Số chuyển kỳ sau là 83.136 tỷ 885 triệu 439 nghìn đồng, tăng 27.009 tỷ 735 triệu 491 nghìn đồng (48,12%) so với số tiền còn phải giải quyết của năm 2014 chuyển sang năm 2015.

Như vậy, chỉ tiêu này vượt về việc nhưng thiếu 01% về tiền.

1.3. Về nhiệm vụ: "Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành".

Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng để cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án có hiệu quả cũng như đảm bảo chính xác số liệu thống kê thi hành án, phản ánh thực chất kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, vì vậy, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra nghiêm túc và xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác xác minh, phân loại án nên trong những năm qua về cơ bản các cơ quan thi hành án dân sự xác minh, phân loại án đáp ứng yêu cầu.

1.4. Về nhiệm vụ: "Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án".

Năm 2015, Bộ Tư pháp, Tổng cục tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất toàn diện các mặt công tác của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, qua đó đã kịp thời phát hiện và có nhiều biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tính đến hết ngày 30/9/2015 đã xử lý kỷ luật đối với 28 trường hợp vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ.

1.5. Chỉ tiêugiảm ít nhất 3% đến 5% số việc chuyển sang năm 2016 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2014 chuyển sang năm 2015: Tính đến 30/9/2015, số việc chuyển kỳ sau là 257.427 việc, tăng 9.224 việc (3,72%) so với số việc còn phải giải quyết của năm 2014 chuyển sang năm 2015. Như vậy, chỉ tiêu này không đạt (năm 2014, theo Quyết định số 3005/QĐ-BTP ngày 06/12/2013, Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu cho hệ thống thi hành án dân sự “Giảm 7% đến 10% số việc chuyển sang năm 2015 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2013 chuyển sang năm 2014” nhưng chỉ tiêu này cũng không đạt được).

1.6. Chỉ tiêu “Tổng cục Thi hành án dân sự hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đối với 100% số văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp theo Kế hoạch đã được Bộ Tư pháp phê duyệt”

Năm 2015, Tổng cục đã hoàn thành 02 văn bản theo Kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự tại Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày 14/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước).

 Bên cạnh đó, từ thực tiễn thi hành án và qua rà soát, Tổng cục cũng đã hoàn thành việc xây dựng Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, Thông tư số 09/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

Như vậy, chỉ tiêu này đạt về số lượng văn bản, tuy nhiên vẫn chậm về tiến độ nên cả 04 văn bản đều có hiệu lực thi hành sau ngày 01/7/2015 chưa đáp ứng được yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Mặt khác, thực tiễn phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật khác, như: Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự và cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự”, Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức, cán bộ thi hành án dân sự.v.v. chậm triển khai thực hiện.

1.7. Chỉ tiêuTổng cục, Cục Thi hành án dân sự phải trả lời đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 85% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới”

Chỉ tiêu này đã được Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc thực hiện nên đạt yêu cầu: Tính đến hết ngày 30/9/2015, Tổng cục đã tiếp nhận tổng số 223 văn bản xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan thi hành án dân sự (trong đó, số cũ chuyển sang 12, tiếp nhận mới 211). Kết quả, đã giải quyết được 214/223 văn bản xin ý kiến, đạt tỷ lệ 95,96%. Cục Thi hành án dân sự cơ bản hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời cho các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền quản lý. Như vậy, chỉ tiêu này đạt.

1.8. Chỉ tiêu: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự các địa phương thí điểm Thừa phát lại có trách nhiệm thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại tham gia xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án dân sự. Chuyển giao đúng, đầy đủ 100% văn bản của cơ quan thi hành án dân sự cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt theo quy định của pháp luật”.

Chỉ tiêu này cơ bản đã đạt được yêu cầu thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại tham gia xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, đối với việc chuyển giao văn bản của cơ quan thi hành án dân sự cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt còn có lúc, có nơi chưa kịp thời.

1.9. Chỉ tiêu “Giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm 2014 chuyển sang và 90% đơn, thư khiếu nại, tố cáo mới thụ lý trong năm 2015 thuộc thẩm quyền; Cơ bản giải quyết xong đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài”.

Trong năm 2015, số đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận là 9.125 đơn (gồm có 7.958 đơn khiếu nại và 1.167 đơn tố cáo), giảm 831 đơn (8,35%) so với năm 2014, tương ứng với 7.559 vụ việc về thi hành án. Kết quả, trong số 3.767 việc thuộc thẩm quyền, đã giải quyết xong 3.645 việc (gồm: 3.393 việc khiếu nại và 252 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 96,76%, tăng 0,08% so với năm 2014; số việc đang tiếp tục giải quyết là 122 việc (102 việc khiếu nại và 20 việc tố cáo).

Chỉ tiêu này đạt về số liệu nhưng cũng còn một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài chưa giải quyết xong.

1.10. Chỉ tiêu có văn bản đôn đốc thi hành án hành chính đối với 100% số việc có yêu cầu

Tổng cục Thi hành án dân sự giao cho các cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiêucó văn bản đôn đốc thi hành án hành chính đối với 100% số việc có yêu cầu”. Năm 2015, số việc phải đôn đốc là 267 việc, giảm 185 việc (40,93%) so với năm 2014, trong đó, số cũ chuyển sang là 57 việc, số thụ lý mới là 210 việc thì kết quả thực hiện: Đã có văn bản đôn đốc đối với 267 việc, đạt tỷ lệ 100%; trong số 267 việc đã có văn bản đôn đốc, có 193 việc đã thi hành xong (đạt tỷ lệ 72,28%), số việc chưa thi hành xong là 74 việc. Như vậy, chỉ tiêu này đạt.

Có thể nói năm 2015, mặc dù có những khó khăn, vướng mắc và còn một số tồn tại, hạn chế với những nguyên nhân chủ quan, khách quan, tuy nhiên Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng, tích cực trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự. Kết quả về cơ bản đạt yêu cầu, có 08 chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản đạt yêu cầu, 01 chỉ tiêu vượt về việc và đạt 99% về tiền, 01 chỉ tiêu không đạt (chuyển kỳ sau).

2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự giai đoạn 2011 - 2015

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 37/2012/QH13. Trong giai đoạn này, nhất là sau khi Quốc hội khóa XII ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 thì kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến tích cực.

2.1. Chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án xong đạt được năm sau cao hơn năm trước và ngày càng thực chất, bền vững

Mặc dù số việc và tiền thụ lý mới liên tục tăng cao, song các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực tổ chức thi hành án, đạt kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước và ngày càng thực chất, bền vững. Năm 2011 thi hành xong 379.990 việc, thu được trên 10.169 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,05% về việc và 76,07% về tiền. Năm 2012 thi hành xong 395.284 việc, thu được trên 10.337 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,58% về việc và 76,97% về tiền. Năm 2013 giải quyết xong 492.975 việc, thu được gần 29.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,53% về việc và 73,17% về tiền. Năm 2014 giải quyết xong 531.095 việc, thu được gần 39.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,47% về việc và 76,72% về tiền. Năm 2015 giải quyết xong 533.985 việc, thu được gần 42.820 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,08% về việc và 76% về tiền. So với năm đầu nhiệm kỳ 2011 thì số thi hành, giải quyết xong của năm 2015 tăng 153.995 việc = 40,52% và tăng 32.651 tỷ đồng = 321%.

2.2. Chỉ tiêu, nhiệm vụ phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện giải quyết ngày càng bảo đảm chính xác hơn, từng bước khắc phục tình trạng chậm ra quyết định thi hành án

 Các cơ quan thi hành án, Chấp hành viên đã chú trọng trong việc xác minh, phân loại án và các quy định cụ thể, chặt chẽ về các trường hợp chưa có điều kiện thi hành án (so với năm đầu nhiệm kỳ 2011; năm 2011, số có điều kiện thi hành là 431.979 việc, tương ứng với số tiền là 13.366 tỷ 290 triệu 661 nghìn đồng, chiếm tỷ lệ 68,29% về việc và 37,74% về tiền), số có điều kiện thi hành của năm 2015 tăng 167.457 việc = 39% và tăng 42.977 tỷ đồng = 321,5%). Việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn được chú trọng hơn, vì vậy tình trạng chậm trễ ra quyết định thi hành án từng bước được chấn chỉnh, khắc phục, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

2.3. Chỉ tiêu, nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự và các Cục Thi hành án dân sự ngày càng đi vào nề nếp và đã đạt được những tiến bộ rõ rệt

Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đã được ban hành kịp thời giải đáp tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn của cấp cơ sở. Riêng ở Tổng cục năm 2011: 361 văn bản, năm 2012: 316 văn bản, năm 2013: 264 văn bản, năm 2014: 214 văn bản); tỷ lệ giải quyết các văn bản xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ luôn đạt cao (năm 2011: 94,26%, năm 2012: 95%, năm 2013: 96%, năm 2014: 95,96%).

2.4. Chỉ tiêu, nhiệm vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cơ bản đạt yêu cầu

Tổng cục và các cơ quan THADS đã chú trọng việc bố trí công chức thường xuyên trực, tiếp công dân; tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; ban hành tiêu chí cụ thể và thường xuyên thực hiện việc rà soát, lập danh sách, kế hoạch giải quyết, tổ chức các cuộc họp liên ngành hoặc cử các đoàn công tác làm việc, đối thoại trực tiếp với đương sự để giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài. Vì thế, trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng mạnh (so với năm đầu nhiệm kỳ 2011, số đơn thư khiếu nại, tố cáo của năm 2015 tăng 3.830 đơn = 72,33%) nhưng tỷ lệ giải quyết luôn đạt trên 93% (năm 2011: 93,18%, năm 2012: 96,06%, năm 2013: 97,6%, năm 2014: 96,68%, năm 2015: 96,76%); nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài nhiều năm đến nay đã được giải quyết, cơ bản không để xảy ra tình trạng khiếu nại vượt cấp, đông người trong lĩnh vực thi hành án dân sự, từng bước gây dựng hình ảnh tốt về công tác thi hành án dân sự.

2.5. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự

- Chỉ tiêu, nhiệm vụ về đốn đốc thi hành án hành chính mới được Tổng cục Thi hành án dân sự giao từ năm 2015, tuy nhiên trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17, công tác đôn đốc thi hành án hành chính đã có những chuyển biến và ngày càng đi vào nề nếp, hầu hết các vụ việc thi hành án hành chính đều được các cơ quan THADS kịp thời có văn bản đôn đốc, đạt tỷ lệ gần 100% (năm 2013 đã có văn bản đôn đốc đối với 350/352 vụ việc, năm 2014: 449/452 vụ việc, năm 2015: 267/267 vụ việc).

- Các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác mới được giao năm 2015 đã được chú trọng thực hiện đạt kết quả như đã đánh giá ở phần nêu trên về kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhệm vụ thi hành án dân sự năm 2015.

Như vậy, trong giai đoạn 2011-2015, nhất là sau khi có Nghị quyết số 37/2012/QH13 nói chung và năm 2015 nói riêng, kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công átc thi hành án dân sự.

3. Những khó khăn, vướng mắc; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự có những khó khăn, vướng mắc; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau đây:

3.1. Những khó khăn, vướng mắc

- Số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 tăng 1,6% về việc và 22,03% về tiền; năm 2013 tăng 13,89% về việc và 63,27% về tiền; năm 2014 tăng 6,43% về việc và 34,78% về tiền; riêng năm 2015 tăng 1,55% về việc và 32,43% về tiền so với năm 2014 và cao nhất từ trước đến nay với gần 790.338 việc, số tiền 125.869.995.221.000 đồng. Tuy nhiên, việc thi hành án có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, đặc biệt là chỉ tiêu tỷ lệ thi hành án xong và giảm việc thi hành án chuyển kỳ sau.

- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự mới chỉ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề[1]. Vì thế, việc ban hành văn bản quy định và hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thi hành án dân sự có khó khăn do còn những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thi hành án dân sự đòi hỏi được điều chỉnh bằng văn bản Luật, do đó việc ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự chưa đảm bảo tiến độ và thực sự chất lượng.

- Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự mang tính định tính[2] hoặc tuyệt đối hóa[3] vì vậy việc triển khai, thực hiện và chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chính xác kết quả rất khó khăn.

3.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Tồn tại, hạn chế

- Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự chưa đạt hoặc đạt nhưng kết quả chưa cao, thậm chí chỉ tiêu giảm việc thi hành án dân sự chuyển kỳ sau không những không giảm mà còn tăng (năm 2015 toàn quốc tăng 9.602 việc = 3,88% so với số chưa thi hành năm 2014 chuyển năm 2015, một số địa phương có tỷ lệ tăng lên rất nhiều như: An Giang (28,88%), Gia Lai (28,20%), Vĩnh Long (24,14%), Sóc Trăng (21,24%), Quảng Trị (16,61%), Hậu Giang (15,24%), Cần Thơ (14,97%), Kon Tum (13,97%), Hà Nội (13,48%).

- Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm; vẫn còn một số sai phạm trong việc ra quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án, vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án.

- Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự tuy đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng song tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự còn chậm so với Kế hoạch.

- Một số địa phương chưa thực sự chú trọng triển khai, thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu năm, do đó có những địa phương tăng khá lớn tỷ lệ thi hành án hai tháng cuối năm.

- Số liệu thống kê kết qảu thi hành án dân sự ở một số cơ quan thi hành án phải đính chính dẫn đến chậm thời hạn báo cáo thống kê.

b) Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế                                     

- Nguyên nhân khách quan:

+ Số lượng việc và tiền thi hành án dân sự thụ lý ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, thế nhưng biên chế thi hành án dân sự không được tăng, dẫn tới tình trạng quá tải công việc tại nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở những tỉnh, thành phố lớn.

+ Nền kinh tế còn khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc trở lại nên nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá nhưng rất khó bán, nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua. Tính đến hết ngày 30/9/2015 cả nước có tổng số 14.611 việc đã kê biên, thẩm định giá nhưng bán đấu giá không thành, tương ứng với số tiền là 17.558 tỷ 587 triệu 376 nghìn đồng (chiếm 2,44% về việc và 31,16% về tiền trong tổng số việc và tiền có điều kiện giải quyết), trong đó số việc bán đấu giá từ 03 lần trở lên vẫn không có người mua là 10.128 việc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài, hạn chế kết quả thực hiện chỉ tiêu được giao.

+ Vẫn còn lượng án tương đối lớn về giá trị thuộc diện chưa có điều kiện thi hành, tồn đọng trong nhiều năm không thi hành được, phải tiến hành đôn đốc, xác minh theo định kỳ, mất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, những năm gần đây có nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước, giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp do tài sản của đương sự có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án như vụ Vinashin, vụ Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như[4].

+ Các Bộ luật, luật quan trọng (Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự...) liên quan đến công tác thi hành án dân sự, các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế quản lý sử dụng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, tổ chức còn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nên việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, hạn chế đáng kể kết quả thi hành án.

+ Cơ sở vật chất của các cơ quan thi hành án dân sự còn khó khăn, nhất là tình trạng thiếu kho vật chứng, trụ sở làm việc, một số đơn vị vẫn phải đi thuê trụ sở, kho vật chứng, đã phần nào hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan thi hành án dân sự.

+ Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án còn chưa cao, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, thậm chí là chống đối quyết liệt, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án hoặc cố tình khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Công tác tổ chức, cán bộ chưa thực sự đi trước một bước, một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức, Chấp hành viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ.

+ Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn Ngành đã có nhiều tiến bộ nhưng một số nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn trường hợp vi phạm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, nhất là ở cấp Chi cục.

+ Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự quyết liệt, thiếu sâu sát; công tác kiểm tra, tự kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; có nơi, có lúc chưa tranh thủ tốt sự quan tâm của cấp Ủy và chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự đối với công tác thi hành án dân sự, nhất là trong chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài.

+ Công tác phối hợp liên ngành, tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập nên đã ảnh hưởng đến kết quả thi hành án, nhất là trong phối hợp thực hiện việc xác minh, áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án trong các vụ án lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước; công tác phối hợp với cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải thích bản án, rà soát, lập hồ sơ miễn, giảm thi hành án dân sự của một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự chủ động, tích cực, dẫn đến hiệu quả thấp.

+ Một số Cục Thi hành án dân sự thống kê chưa chính xác, phân loại số việc, tiền chưa có điều kiện giải quyết; biểu hiện chạy theo thành tích thống kê kết quả thi hành án dân sự tăng đột biến, số chuyển kỳ sau lớn.

Ạnh Tuấn

 

[1] Những vấn đề đã được Bộ Chính trị kết luận, những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, đã được nghiên cứu rõ về lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp.

[2] Chỉ tiêu “Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án”.

[3] Chỉ tiêu “Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật”.

[4] Vụ Huyền Như, số tiền phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, nhưng ước tính sơ bộ tài sản kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ có khoảng 1.000 tỷ đồng.