Tọa đàm Thực trạng triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh Nam Trung Bộ

19/03/2016
Ngày 15/3/2016, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA) tổ chức Tọa đàm “Thực trạng triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh Nam Trung Bộ”. Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí là Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo một số Chi Cục, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn, các Chấp hành viên, Thẩm tra viên của các Cục THADS TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.

Buổi tọa đàm được đồng chủ trì bởi đồng chí Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và ông Tsukahara Masanori chuyên gia Dự án JICA – Nhật Bản.
Về phía Cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, có ông Vũ Tiến Đức - Phó Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và các đồng chí là Thẩm tra viên, Chuyên viên Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự;
Về phía Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp có bà Đinh Thị Bích Ngọc, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế khu vực Châu Á, Châu Úc, Châu Phi và các chuyên viên của Vụ Hợp tác quốc tế.
Về phía chính quyền địa phương, tham dự buổi Tọa đàm còn có bà Trần Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Nội chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, đại diện Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng; đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã cảm ơn phía Dự án JICA trong thời qua đã hỗ trợ Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến xây dựng văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, cảm ơn Dự án JICA đã tài trợ cho Tổng cục tổ chức Tọa đàm “Thực trạng triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh Nam Trung Bộ”. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh nội dung và mục đích của việc tổ chức Tọa đàm để đánh giá thực trạng triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh Nam Trung Bộ, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở đó kiến nghị xây dựng hoàn thiện pháp luật.
Về phía Dự án JICA Nhật Bản, ông Tsukahara Masanori - Chuyên gia Dự án JICA thể hiện niềm vinh dự khi có mặt tại buổi tọa đàm, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc triển khai các hoạt động do Dự án JICA hỗ trợ. Đánh giá thực trạng triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, ông Tsukahara Masanori nhấn mạnh pháp luật có hoàn thiện đến đâu nhưng không được thực hiện trên thực tế thì pháp luật đó mới chỉ là hoàn thiện trên giấy tờ. Ông Tsukahara Masanori đánh giá cao vai trò của các Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trực tiếp đưa bản án có hiệu lực được thi hành trên thực tế.  Ông Tsukahara Masanori cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Việc khiếu nại phát sinh do người khiếu nại cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng bởi quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự. Việc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi tiếp nhận khiếu nại xem xét thấy nội dung khiếu nại có đủ điều kiện để thụ lý giải quyết hay không là rất quan trọng. Do đó, việc trao đổi và phổ biến các quy định về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại Tọa đàm hôm nay là cần thiết trong việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự. Tại buổi Tọa đàm ông Tsukahara Masanori cũng chia sẻ về pháp luật và kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự ở Nhật Bản. Tại Nhật Bản người được thi hành án và người phải thi hành án khi đều có quyền khiếu nại nếu họ thấy bị thiệt hại. Nếu không đồng ý thì đương sự phản đối, không chia ra là khiếu nại hay tố cáo.
Tại Tọa đàm, các Báo cáo viên của Tổng cục Thi hành án dân sự cũng có các bài tham luận: Pháp luật về giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự; Pháp luật về giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự; Pháp luật và thực tiễn khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế của Chấp hành viên trong thi hành án dân sự; Một số sai phạm phổ biến trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác thi hành án dân sự; Thực trạng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh các bài tham luận, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về thực trạng áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế. Các đại biểu cũng trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các việc thi hành án dân sự trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Các đại biểu chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, do đương sự không nắm rõ trình tự, thủ tục thi hành án hoặc có lúc, có nơi còn có hiện tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân, làm đơn khiếu nại, tố cáo không đúng hoặc nhằm trì hoãn việc thi hành án. Nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo, cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết khiếu nại hết thẩm quyền nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gửi đến nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương làm ảnh hưởng đến hoạt động công tác của cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, do quy định pháp luật một số lĩnh vực hiện nay còn chưa thống nhất nên trong một số trường hợp giải quyết một số vụ việc thi hành án các ngành không thống nhất quan điểm giải quyết, phải tổ chức nhiều cuộc họp và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên hoặc phải chờ trả lời của cơ quan có thẩm quyền mới có căn cứ để giải quyết. Do đó, việc giải quyết khiếu nại kéo dài không đảm bảo về mặt thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Hai là, một số Chi cục Thi hành án dân sự không có Thẩm tra viên hoặc cán bộ chuyên trách tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; cán bộ, Thẩm tra viên tham mưu giải quyết khiếu nại không ổn định do chuyển sang ngạch Chấp hành viên nên đơn vị phải phân công lại, cán bộ, công chức mới được phân công lại mất một thời gian để tiếp cận công việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, công tác này tại một số địa phương còn có những hạn chế nhất định.
Ba là, việc phân biệt đơn khiếu nại và đơn tố cáo gặp khó khăn do hiện nay quy định về khiếu nại và tố cáo là chưa cụ thể. Có trường hợp nội dung là khiếu nại nhưng đương sự lại viết đơn có tiêu đề là tố cáo hoặc qua đối thoại khẳng định tố cáo, có trường hợp cơ quan thi hành án dân sự mời đến làm việc nhưng người làm đơn không đến, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc xử lý đơn.
Bốn là, trong thời gian nhận đơn khiếu nại, tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết chưa thụ lý hoặc sau khi thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo mà đối tượng bị khiếu nại hoặc tố cáo (hành vi, quyết định) đã được khắc phục hoặc thu hồi quyết định bị khiếu nại, tố cáo và không gây ra hậu quả thì xử lý đơn này như thế nào đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.
Năm là, đối với việc rà soát, chỉ đạo các việc thi hành án dân sự trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo Quyết định số 813/QĐ-TCTHADS ngày 01/12/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, còn gặp nhiều khó khăn, ví dụ: tại Khoản 6 Điều 1 quy định: “Có giá trị tài sản phải thi hành án lớn...”, quy định này rất khó xác định được các vụ việc phải thi hành giá trị bao nhiêu là lớn. Đề nghị sửa đổi tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm phức tạp, kéo dài cho phù hợp thực tiễn công tác thi hành án dân sự.
Sáu là, hiện nay chưa có quy định về thẩm quyết giải quyết đối với người bị khiếu nại, tố cáo đã về hưu hoặc chuyển công tác khác thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết; tố cáo đối với vụ việc xảy ra từ thời điểm thi hành án còn nằm trong cơ quan Tòa án, khi bàn giao công tác sang cơ quan thi hành án không có vụ việc này thì cơ quan nào giải quyết tố cáo? 
Hầu hết các đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự sớm mở lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; tăng cường công tác kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; kiến nghị Tổng cục nghiên cứu xây dựng quy định về chế tài đối với người tố cáo không đúng sự thật, đặc biệt đối với người phải thi hành án lợi dụng việc tố cáo nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án; đề nghị quy định rõ thế nào là “vụ việc có tính chất phức tạp” theo quy định tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự để việc áp dụng kéo dài thời hạn giải quyết khiếu nại được thống nhất.
Kết thúc buổi Tọa đàm, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy đã phát biểu trân trọng cảm ơn Dự án JICA, ông Tsukahara Masanori - Chuyên gia của Nhật Bản và các đại biểu tham dự Tọa đàm. Tổng cục Thi hành án dân sự ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu và sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp để hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo hệ thống pháp luật được đồng bộ, tạo thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời nâng cao hình ảnh, uy tín của Cơ quan Thi hành án dân sự, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, của xã hội.
Nguyễn Hằng
Vụ GQKNTC – Tổng cục THADS