Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành án đối với Doanh nghiệp và Ủy thác tư pháp trong thi hành án dân sự”

23/12/2016
Trong khuôn khổ Chương trình Đoàn đại biểu Cục Thực thi pháp luật Bộ Tư pháp Vương quốc Thái Lan sang thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp, được sự phê duyệt của Lãnh đạo Bộ Tư pháp theo Đề án hợp tác quốc tế của Tổng cục năm 2016, tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, ngày 21/12/2016, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả thi hành án đối với Doanh nghiệp và ủy thác tư pháp trong thi hành án dân sự”. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Việt Nam và bà Sasivimol Tanasarnti, Phó Cục trưởng Cục Thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp Vương quốc Thái Lan đồng chủ trì Hội thảo. 

Tham dự Hội thảo, về phía Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Thái Lan có bà Parichat Sriprasird Chuyên viên cao cấp  Vụ Hợp tác quốc tế, ông Thamwit Nawachainant, Chấp hành viên Cục Thực thi pháp luật; các Trưởng Văn phòng thi hành án cấp tỉnh bà Niramom Sukawillai, ông Plalat Hiransirisombat và ông Suttichai Klosawa. Về phía đoàn Việt Nam có sự tham dự của bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS, ông Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục THADS, các Báo cáo viên và Lãnh đạo, Chấp hành viên thuộc 16 Cục THADS tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tham dự.
Sau lời phát biểu khai mạc Hội thảo của Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe các báo cáo viên trình bày một số bài tham luận, trao đổi các nội dung xoay quanh vấn đề trọng tâm của Hội thảo, như quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với Doanh nghiệp; tình hình, kết quả thi hành án đối với người phải thi hành án là Doanh nghiệp; thực trạng, tình hình thi hành án có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và quy định pháp luật về ủy thác Tư pháp trong thi hành án dân sự. Về phía Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Thái Lan cũng đã trình bày tham luận giới thiệu khái quát về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự tại Thái với hơn 3000 biên chế, 115 Văn phòng thi hành án tại 76 tỉnh được tổ chức không theo địa giới hành chính mà theo nhu cầu thực tế, ví dụ như tại Băng Cốc có đến 6 Văn phòng thi hành án.  Bên cạnh thông tin về cơ chế thi hành án và đặc biệt là về kết quả trong việc công khai thông tin, đăng ký và mua bán đấu giá tài sản theo hình thức trực tuyến tại 04 địa điểm thí điểm trong cả nước. Bà Sasivimol Tanasarnti cho biết, việc thi hành án đối với doanh nghiệp tại Thái Lan cơ bản là thuận lợi, các đương sự tự giác chấp hành án. Khi tài sản tại doanh nghiệp là của Nhà nước thì không thực hiện việc kê biên, xử lý để thi hành án. Đối với tài sản là lương của người phải thi hành án thì không thực hiện việc khấu trừ để thi hành án mà tìm tài sản khác. Đối với việc thi hành án có yếu tố nước ngoài thì tại Thái Lan cũng có gặp một số khó khăn trong bối cảnh thi hành án đa quốc gia, người nước ngoài không được phép sở hữu nhà đất tại Thái Lan mà chỉ có thể được mua căn hộ chung cư. Để hoạt động thi hành án được hiệu quả hơn, hiện nay Cục Thực thi pháp luật đang tích cực xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự và dự kiến được thông qua trong tháng 6/2017.
Các đại biểu tham dự Hội thảo của hai bên đã trao đổi thảo luận, nêu ra các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn tổ chức thi hành các vụ việc có yếu tố nước ngoài, các vụ việc đối với Doanh nghiệp nhằm tìm ra các giải pháp thi hành án hiệu quả; đặt các câu hỏi, tập trung làm rõ, làm sâu sắc thêm các vấn đề về hệ thống tổ chức bộ máy thi hành án, các ngạch cán bộ, công chức quản lý, tổ chức thi hành án. Các đại biểu phía Việt Nam tỏ ra quan tâm sâu sắc đối với hình thức bán đấu giá tài sản thi hành án thông qua hệ thống bán đấu giá trực tuyến mà nước bạn đang thí điểm hoặc chức danh Chấp hành viên đặt tại Cục Thực thi pháp luật. Qua Hội thảo cho thấy hai nước cũng có những điểm tương đồng như về chỉ tiêu tổ chức thi hành án, trong nhận định một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án.
Kết thúc Hội thảo, bà Sasivimol Tanasarnti gửi lời cảm ơn tới Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp Việt Nam đã đón tiếp nhiệt tình, tạo điều kiện cho đại biểu hai nước có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời, bà mong muốn trong thời gian tới tiếp tục được hợp tác sâu sắc hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực thi hành án nói riêng, lĩnh vực Tư pháp nói chung của hai nước.
PTH