Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Bí thư Đảng bộ Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện Vụ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Cục Bổ trợ Tư pháp, Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam; các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; một số Cục Thi hành án dân sự; đặc biệt là đại diện của nhiều Chi cục Thi hành án dân sự, đơn vị trực tiếp thi hành nhiều việc thi hành án tham gia và phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc, chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khằng định ngày 25/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015.
Trên cơ sở đó, năm 2015, 2016 là năm hoàn thiện cơ bản thể chế về thi hành án dân sự. Việc ban hành Luật, Nghị định và các Thông tư liên tịch, Thông tư đã tạo ra hệ thống pháp luật thi hành án cơ bản đồng bộ, từ chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức bộ máy; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án, tạo điều kiện rất thuận lợi để các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập; một số nội dung của Luật chưa được quy định cụ thể, phù hợp với thực tế, thiếu thống nhất với các lĩnh vực pháp luật có liên quan, chưa có sự điều chỉnh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn thi hành án dân sự. Việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành có ý nghĩa rất quan trọng và là việc làm cấp bách. Bởi đó sẽ là cơ sở, là căn cứ để các cơ quan thi hành án dân sự áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Thứ trưởng đề nghị tại Hội thảo này, chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn để từ đó bàn bạc thống nhất phương án hướng dẫn chung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự theo thẩm quyền, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: Một là, những nội dung khó khăn, vướng mắc nào, các đồng chí còn thắc mắc, chưa hiểu rõ có thể cùng nhau trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về cách hiểu ngay tại Hội thảo này mà không nhất thiết phải có văn bản hướng dẫn chung. Hai là, những nội dung khó khăn vướng mắc nào cần phải có văn bản hướng dẫn chung thống nhất? (những vướng mắc pháp luật chưa quy định thực sự cụ thể hoặc đã được Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, nhưng trong quá trình thực hiện, cơ quan THADS địa phương còn hiểu chưa thống nhất). Ba là, những nội dung khó khăn, vướng mắc nào mang tính quan trọng, cần được nghiên cứu tổng thể để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế. Bốn là, tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Thông tư mới thay thế Thông tư quy định về chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, nhất là về các tính chỉ tiêu việc, tiền thi hành xong; chỉ tiêu giảm số việc, tiền có điều kiện chuyển kỳ sau; chỉ tiêu chưa có điều kiện thi hành án. Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu, tham luận của Đại biểu tham dự để báo cáo Lãnh đạo Bộ nghiên cứu, phục vụ cho quá trình rà soát, hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự cũng như trong thực tiễn chỉ đạo điều hành.
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự trình bày báo cáo về những vướng mắc và dự kiến phương án giải quyết trong việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
|
|
Sau khi thống nhất với Vụ 11, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành và pháp luật khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Qua phân loại có 154 vướng mắc địa phương đề nghị, cụ thể: Phân loại theo văn bản, có 113 nội dung có vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự, 17 nội dung có vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ; 24 nội dung có vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Kết quả xử lý có 30 vướng mắc cần xây dựng công văn hướng dẫn đây là những vướng mắc pháp luật chưa quy định thực sự cụ thể hoặc đã được Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, nhưng trong quá trình thực hiện, cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn hiểu chưa thống nhất. Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội thảo, tọa đàm với một số đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương (
bằng phương pháp trực tuyến); đồng thời, có văn bản xin ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Kiểm tra văn bản, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu ý kiến, ngày 30/3/2017, Tổng cục đã ban hành Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 để hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc thực hiện đối với 18 vướng mắc; còn 12 nội dung chưa được hướng dẫn (trong đó, vướng mắc liên quan đến Luật Thi hành án dân sự là 09 vướng mắc, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là 01 vướng mắc, văn bản khác 01 vướng mắc). Có 53 nội dung (35 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật THADS; 06 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; 12 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản hướng dẫn liên quan khác) - Đây là những nội dung cần được nghiên cứu tổng thể để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế. Còn 71 nội dung đã được pháp luật quy định nhưng địa phương vẫn còn thắc mắc, chưa hiểu rõ, không cần hướng dẫn chỉ cần giải đáp đăng tại Mục “nghiên cứu, trao đổi”; Mục “hỏi đáp pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự để các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, cán bộ, Chấp hành viên toàn quốc tham khảo, thực hiện.
Đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin những khó khăn, vướng mắc về quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự và định hướng xây dựng Thông tư mới. Theo đó, định hướng sửa đổi toàn diện bằng việc xây dựng Thông tư mới, với tên gọi “Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS”, bổ sung quy định về thống kê đối với nhiều lĩnh vực trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; cách tính tỷ lệ chỉ tiêu thi hành xong; sửa đổi biểu mẫu phân tích chi tiết chỉ tiêu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, chưa có điều kiện thi hành theo hướng phân tích chi tiết hơn; sửa đổi nội dung các biểu mẫu, hướng dẫn ghi chép; bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê thi hành án dân sự; trình tự, thủ tục, nội dung thẩm tra thống kê thống kê thi hành án dân sự. Gợi ý những vẫn đề tập trung thảo luận như phạm vi điều chỉnh của Thông tư; cách tính chỉ tỷ lệ chỉ tiêu thi hành xong; chỉ tiêu chưa có điều kiện thi hành án trong trường hợp: Tài sản đã kê biên định giá, bán đấu giá nhiều là những chưa bán được và giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành án thì có ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án đối với khoản chênh lệch chưa có điều kiện không ? Nếu có thì cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn như thế nào ? Cách thức thống kê và quản lý thống kê đối với loại này ? Có ra quyết định chưa có điều kiện và thống kê chưa có điều kiện đối với khoản án phí và các việc thi hành án khi đang xử lý tài sản để xử lý nợ xấu ? Có hay không ra quyết định chưa có điều kiện trong trường hợp một việc thi hành án có nhiều người phải thi hành nhưng chỉ có một số người có điều kiện ? Nếu có thì thống kê về việc như thế nào vì chỉ có 01 quyết định thi hành án. Trong trường hợp Chi cục đã thi hành được một phần thì phần còn tiền đã thi hành xong thì thống kê cho chỉ tiêu về việc và tiền đã và sẽ thi hành cụ thể như thế nào, phần nào thống kê cho Cục, phần nào thống kê cho Chi cục ?
|
|
Rất nhiều đại biểu (16 ý kiến) đã tập trung trao đổi, thảo luận trực tiếp, có bài tham luận về những vấn đề, như: Những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật về thi hành án dân sự; giải pháp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định những bản án, quyết định được đưa ra thi hành; về ra quyết định thi hành án và thông báo văn bản về thi hành án dân sự; xác minh, phân loại án trong thi hành án dân sự; áp dụng biện pháp bảo đảm và chuyển giao quyền và nghĩa vụ; kê biên tài sản để thi hành án, bán đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án; xác định, phân chia, xử lý tài sản chung; giải quyết tranh chấp tài sản đã kê biên; cưỡng chế quyền sử dụng đất, bán đấu giá tài sản; thẩm định giá, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án dân sự; thứ tự thanh toán tiền thi hành án; thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; bảo đảm tài chính từ Ngân sách Nhà nước để thi hành án và bồi thường Nhà nước trong thi hành án dân sự; trong việc xác định tiêu chí phân loại án, thống kê thi hành án dân sự; về giải quyết khiếu nại, tố cáo và một số nội dung khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng bên cạnh kết quả đạt được thì còn nhiều bất cập. Đề nghị hội thảo thống nhất có những nội dung đề nghị sửa đỏi nội dung thuộc phạm vi của Luật, Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư, bên cạnh đó có những vấn đề có thể thống nhất hướng dẫn, như ủy thác thi hành án trong trường hợp tài sản ở nhiều nơi hoặc ra quyết định thi hành án trong trường hợp cấp dưỡng định kỳ, tài sản không có giá trị sử dụng, góp vốn, thi hành án đối với cổ đông, vì vậy, cần có kế hoạch sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Về thống kê thi hành án đã có hiệu quả rất tốt, tuy vậy còn rườm rà, có những quy định chưa thực sự hợp lý, vì vậy phải cân nhắc rất kỹ để làm sao đơn giản nhưng vẫn phải phục vụ quản lý, điều hành, tránh gian dối, lãng phí, Tổng cục Thi hành án dân sự sớm trình lãnh đạo Bộ Tư pháp. Có thể khẳng định rằng hội thảo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.