Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin; đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Chánh Văn phòng; đồng chí Hà Huy Lục, Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1; đồng chí Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2; đồng chí Văn Thị Tâm Hồng và Trần Thị Lan Hương, Thẩm tra viên chính thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự. Về phía các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội có Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ thuộc Cục và Chi cục trưởng trên địa bàn.
Đánh giá kết quả thi hành án dân sự của các cơ quan thi hành án dân sự ở thành phố Hà Nội trong 05 tháng đầu năm 2018 cho thấy kết quả thi hành án dân sự về việc tổng số thụ lý là 31.899 việc, đứng thứ 2/63, tăng 3.350 việc (tăng 11,73% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó: Số cũ chuyển sang là 17.268 việc; tố thụ lý mới là 14.631 việc, tăng 1.828 việc (tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số phải thi hành là 31.453 việc, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 21.528 việc, tăng 1.728 việc (tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2017); chiếm 68,44% trong tổng số phải thi hành (giảm 1,81% so với cùng kỳ năm 2017); số chưa có điều kiện thi hành là 9.925 việc, chiếm 31,56% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 9.317 việc, tăng 587 việc (tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2017); đạt tỉ lệ 43,28% (giảm 0,81% so với cùng kỳ năm 2017), còn thiếu trên 28,72% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là trên 72,00%. Số việc chuyển kỳ sau 22.136 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 12.211 việc (05 tháng năm 2017 là 11.070 việc), tăng 1.141 việc (tăng 10,31%) so với cùng kỳ năm 2017, tăng 5.689 việc (tăng 87,23%) so với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018 (6.522 việc). Qua so sánh kết quả về việc cho thấy Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nội đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả thi hành án dân sự về tiền, tổng số thụ lý là 22.243 tỷ 456 triệu 658 nghìn đồng, đứng thứ 2/63, tăng 6.931 tỷ 312 triệu 687 nghìn đồng (tăng 45,27% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó: Số cũ chuyển sang là 15.671 tỷ 656 triệu 295 nghìn đồng; Số thụ lý mới là 6.571 tỷ 800 triệu 362 nghìn đồng, tăng 1.258 tỷ 017 triệu 500 nghìn đồng (tăng 23,67% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số phải thi hành là 21.689 tỷ 896 triệu 130 nghìn đồng, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 14.344 tỷ 981 triệu 171 nghìn đồng, tăng 2.709 tỷ 389 triệu 130 nghìn đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2017); chiếm 66,14% trong tổng số phải thi hành (giảm 12,35% so với cùng kỳ năm 2017); Số chưa có điều kiện thi hành là 7.344 tỷ 914 triệu 959 nghìn đồng, chiếm 33,86% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 833 tỷ 831 triệu 484 nghìn đồng, tăng 36 tỷ 481 triệu 674 nghìn đồng (tăng 4,58% so với cùng kỳ năm 2017); đạt tỉ lệ 5,81% (giảm 1,04% so với cùng kỳ năm 2017), còn thiếu trên 26,19% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là trên 32,00%. Số tiền chuyển kỳ sau 20.856 tỷ 064 triệu 645 nghìn đồng, trong đó số tiền có điều kiện thi hành là 13.511 tỷ 149 triệu 686 nghìn đồng (05 tháng năm 2017 là 10.838 tỷ 242 triệu 231 nghìn đồng), tăng 2.672 tỷ 907 triệu 456 nghìn đồng (tăng 24,66%) so với cùng kỳ năm 2017, tăng 5.873 tỷ 988 triệu 271 nghìn đồng (tăng 76,91%) so với số tiền có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018 (7.637 tỷ 161 triệu 415 nghìn đồng). Qua so sánh kết quả về tiền cho thấy Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nội đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố.
Tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm; xử lý các vụ việc đã kê biên, bán đấu giá nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá và nhiều biện pháp khác đã được các Chấp hành viên, đơn vị thi hành án dân sự thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.
Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại cũng được các đại biểu phân tích, đánh giá, chỉ ra, như do sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của người dân. Nhiều vụ việc xuất phát từ nguyên nhân người có tài sản bị kê biên, xử lý, bán đấu giá là bên thứ ba bảo lãnh, thế chấp tài sản để cho người phải thi hành án vay nợ ngân hàng. Do sự hiểu biết pháp luật hạn chế, do tin tưởng người thân, bạn bè hoặc có trường hợp cần vay một số tiền nhỏ mà người có tài sản thế chấp giao tài sản, thế chấp tài sản và bảo lãnh để cho người phải thi hành án vay ngân hàng số tiền lớn. Khi bị xử lý tài sản thế chấp, người bảo lãnh mới vỡ lẽ về trách nhiệm bảo lãnh, bị mất tài sản nhưng khó buộc được trách nhiệm của người phải thi hành án dẫn đến tâm lý hoang mang, bức xúc, chống đối quyết liệt, thậm chí manh động, để cản trở việc thi hành án, cản trở việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Mặc dù chiếm số lượng vụ việc không nhiều nhưng vẫn còn một số trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên, xử lý liên tục gửi đơn thư đi nhiều nơi, nhiều cấp nhằm tạo sức ép, kéo dài, cản trở việc thi hành án dân sự trong khi giữa các cơ quan liên quan không có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả dẫn đến có trường hợp cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn, thư với nội dung công văn trả lời không rõ ràng gây hiểu không đúng phát sinh khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra, có một số vụ việc do còn tồn tại các quan điểm khác nhau về cách hiểu, áp dụng pháp luật đã dẫn đến chưa có sự đồng thuận, nhất trí giữa các ngành liên quan hoặc không được sự ủng hộ của chính quyền địa phương hoặc của cơ quan liên ngành địa phương dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế bị gián đoạn, chưa thực hiện được, tồn đọng, kéo dài.
Nhiều giải pháp được đề ra đòi hỏi thực hiện ngay trong thời gian tới như: Tổ chức rà soát, phân loại các vụ việc thi hành án trọng điểm; các vụ việc thi hành án phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự; các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng của năm 2017 chuyển sang và số vụ việc thụ lý mới năm 2018, trên cơ sở đó đề ra những biện pháp, giải pháp xử lý đối với từng vụ việc. Yêu cầu Chấp hành viên phải thường xuyên rà soát, phân loại, nhóm ra các loại việc theo hướng những việc có điều kiện giải quyết dứt điểm sớm, phải chỉ đạo Chấp hành viên tổ chức thi hành ngay; xử lý dứt điểm các vụ bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản; tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành án đạt kết quả đối với các vụ việc thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước, đặc biệt là các vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên tịch thu, kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án; những việc phải tổ chức cưỡng chế kê biên, có giá trị lớn phải tập trung xây dựng kế hoạch thi hành án chi tiết, cụ thể (trọng tâm là án liên quan đến tín dụng ngân hàng), khẩn trương báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp để chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc đã có điều kiện thi hành án, đương sự có nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, rà soát giám sát chặt chẽ quy trình vận hành kho tang vật của Cục và các Chi cục theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện kiểm tra công vụ năm 2018; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ, công chức, người lao động trong việc tổ chức thi hành án dân sự. Tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự; các Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm và nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu, tự rèn luyện, đồng thời khích lệ tinh thần tự rèn luyện của công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị trở thành những công dân gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của các cá nhân trong đơn vị, không được xét thi đua, khen thưởng nếu để xảy ra tình trạng cán bộ công chức, người lao động trong đơn vị vi phạm pháp luật. Tiếp tục phát động và theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ hưởng ứng các phong trào thi đua và xử lý vi phạm bằng cách trừ điểm thi đua của tập thể đơn vị và đánh giá thi đua đối với cá nhân đồng chí là Thủ trưởng đơn vị đối với những đơn vị không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự. Duy trì và phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành; tiếp tục tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án và các ban, ngành liên quan, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thi hành án. Phối hợp chặt chẽ với các trại giam, trại tạm giam trong việc thu, trả tiền, tài sản của người phải thi hành án.
Thanh Tùng