Trên cơ sở Thông báo số 160/TB-KHPL ngày 26/5/2017 của Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp Bộ của Bộ Tư pháp bắt đầu thực hiện từ năm 2018, Tổng cục Thi hành án dân sự đã nộp hồ sơ đăng ký tuyển chọn. Căn cứ Quyết định số 750/QĐ-BTP ngày 29/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ để tuyển chọn, xét giao trực tiếp bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và Quyết định số 1476/QĐ-BTP ngày 18/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt đặt hàng bổ sung nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ để tuyển chọn, xét giao trực tiếp bắt đầu thực hiện từ năm 2018, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức thông báo và tiến hành thu hồ sơ đăng ký tuyển chọn. Kết thúc thời hạn nộp hồ sơ, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức mở, kiểm tra tính hợp lệ của các hồ sơ và tổ chức các Hội đồng tư vấn, đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp Bộ năm 2018. Kết quả nhiều tổ chức và cá nhân trúng tuyển, trong đó Tổng cục Thi hành án dân sự trúng tuyển với Đề tài nêu trên. Theo Quyết định số 390/QĐ-BTP ngày 07/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì thời gian thực hiện đề tài là 18 tháng, kể từ ngày 07/3/2018; Tổ chức chủ trì là Viện Khoa học pháp lý; Chủ nhiệm đề tài là TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
|
|
Luận giải cho sự cần thiết cần thiết, vấn đề về thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng đang là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hoạt động phạm tội, che giấu, tẩu tán tài sản ngày càng tinh vi và có tính xuyên quốc gia. Ở nước ta, việc thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng là vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều hơn của xã hội, đặc biệt là trong các vụ án lớn. Thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của dư luận xã hội và người dân, nhất là thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu thi hành các vụ việc loại này. Điều này thể hiện rõ trong các Văn kiện của Đảng qua các thời kỳ khác nhau, mà cụ thể là trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI, IX, X, XI, đặc biệt là, tại Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã nhận định: "
Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta". Đảng ta cũng đặt ra mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng thì thu hồi tài sản trong các vụ án này là hoạt động quan trọng, bởi nếu tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát không thu hồi được thì có thể nói việc xử lý các hành vi tội phạm này chưa chưa triệt để, chưa thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng như dư luận của xã hội quan tâm, bởi vậy, bằng mọi cách, tài sản trong các vụ án này cần phải được thu hồi do giá trị tài sản, thiệt hại rất lớn.
Về phương diện lập pháp, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; các quy định về công khai, minh bạch tài sản, các quy định về kiểm soát, chống rửa tiền...Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng chống các tội phạm tham nhũng như vậy nhưng theo nhận định chung, tình hình các tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo và bất công bằng xã hội, đặc biệt là các vụ án lớn được phát hiện, điều tra và xét xử gần đây. Điều này trở thành những thách thức cho công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng và đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
|
|
Trong thực tiễn, nhiều vụ án tham nhũng đã được phát hiện, điều tra, xử lý và tổ chức thi hành án thu hồi nhiều tiền, tài sản cho Nhà nước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều trong hợp không thu hồi được hoặc rất khó thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án này. Số việc thi hành án thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng khá nhiều và tính chất phức tạp, hậu quả rất lớn được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến các tội danh như cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (ví dụ như: vụ Phạm Thanh Bình (Vinashin), vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), vụ Vũ Quốc Hảo (Công ty Đầu tư tài chính ALC II), vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) và sắp tới là vụ Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng Việt Nam- VNCB), vụ Hà Văn Thắm (Oceanbank). Trong các vụ án như trên, ngoài việc các bị cáo bị tuyên phạt các hình phạt nghiêm khắc (tử hình, chung thân, tù giam), thì còn phải thi hành phần trách nhiệm dân sự với giá trị phải thi hành rất lớn (có trường hợp số tiền phải thi hành án hàng trăm tỷ đồng). Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, việc thi hành đối với phần dân sự gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cả về thể chế và thực tiễn; hiệu quả thu hồi tài sản còn thấp. Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy loại việc thi hành án thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng thu hồi rất khó khăn, phức tạp.
Về cơ cấu tổ chức, có thể nói rằng mô hình tổ chức các cơ quan chỉ đạo, theo dõi, giảm sát việc xét xử các vụ án lớn đã được kiện toàn ở các cấp, đặc biệt là ở Trung ương có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng...Trong thực tế phạm vi hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng không chỉ tập trung vào các vụ án tham nhũng mà còn cả đối với các vụ án tham nhũng để tăng cường các biện pháp chỉ đạo điều tra, xét xử và thi hành án đối với các vụ án này. Tuy nhiên, riêng việc thu hồi tài sản trong các vụ án này cũng còn gặp nhiều khó khăn cả về thể chế và thực tiễn, cụ thể như: Hệ thống thể chế chưa đồng bộ, chưa cụ thể, đặc biệt là còn thiếu cơ chế tương trợ tư pháp trong việc thu hồi tài sản mà người phạm tội tẩu tán, tẩy rửa ở nước ngoài; việc phát hiện, truy tìm tài sản để đảm bảo tính hợp pháp trong việc thu giữ, tịch thu còn nhiều rào cản, đặc biệt là chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản dẫn đến khi phát hiện có dấu hiệu bị khởi tố, điều tra thì người vi phạm đã tẩu tán tài sản, chuyển giao người sở hữu, sử dụng tài sản nên sau khi xét xử thì không có cơ sở thu giữ, kê biên tài sản và hiệu quả thu hồi tài sản, thi hành án trong các vụ án này gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp.
Từ thực trạng, yêu cầu nêu trên, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đồng bộ công tác này cả ở góc độ lý luận, thể chế và thực tiễn. Vì vậy, việc thực hiện đề tài
“Các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án tham nhũng” có ý nghĩa cấp thiết, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án vụ án tham nhũng ở nước ta.
Anh Tuấn