Trong 02 ngày 26 và 27/3/2018, Đoàn khảo sát của Tổng cục THADS và Dự án GIG đã làm việc với một số cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp tại Tp.Đà Nẵng: Cục THADS Tp.Đà Nẵng, Chi cục THADS quận Hải Châu, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ đấu giá Bảo Việt, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Đà Năng (SHB) và Chi cục THADS quận Cẩm Lệ.
Tại Cục THADS Tp.Đà Nẵng, đồng chí Lê Văn Sáu - Phó Cục trưởng đã báo cáo một cách khái quát về tình hình thực hiện Quy trình tổ chức THADS và triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS tại cơ quan Cục THADS Tp.Đà Nẵng. Theo đó, Cục THADS Tp.Đà Nẵng đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình tổ chức THADS (được ban hành kèm theo Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS) đến tât cả các cơ quan THADS trên địa bàn và đến từng Chấp hành viên, cũng như triển khai thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS (được ban hành kèm theo Quyết định số 1557/QĐ-BTP ngày 26/8/2015), triển khai hiệu quả việc thực hiện thí điểm cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến. Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát cũng đã được nghe y kiến phát biểu của một số Chấp hành viên, Thư ký THADS - những người trực tiếp làm công tác THADS đánh giá cao việc thực hiện Quy trình tổ chức THADS đa góp phần tạo cơ sở vững chắc cho tác nghiệp của Chấp hành viên, hạn chế sai sót không đáng có, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Thủ trưởng cơ quan THADS. Các ý kiến phát biểu cũng cho biết thêm, bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì hiện nay, việc thực hiện Quy trình tổ chức THADS và triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập: vướng mắc trong việc xác minh điều kiện thi hành án của doanh nghiệp (Chấp hành viên chưa có chuyên môn sâu trong việc xem xét về sổ sách tài chính của doanh nghiệp); thủ tục thông báo, tống đạt phải thực hiện quá rườm rà, mất nhiều thời gian; việc thực hiện quy định niêm yết Quyết định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành tại UBND xã, phường nơi người phải thi hành án cư trú dường như lại đang mang lại kết quả không tích cực vì người phải thi hành án lấy lý do rằng việc thi hành án của họ đã được công khai là chưa có điều kiện nên càng có tâm lý ỷ lại, không chịu thi hành án; mặc dù đã triển khai việc hỗ trợ nộp đơn yêu cầu trực tuyến nhưng người dân vẫn thường đến nộp trực tiếp hồ sơ yêu cầu thi hành án... Trên cơ sở đó, Cục THADS tỉnh Đà Nẵng đề nghị nên sửa đổi quy định về thời gian thông báo quyền ưu tiên mua tài sản chung theo hướng rút ngắn (khoản 3 Điều 74 đang quy định thời gian quá dài); đề nghị có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục…trong trường hợp hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để tiến tới sửa đổi tổng thể các quy định pháp luật về THADS…
Tại Chi cục THADS quận Hải Châu và Chi cục THADS quận Cẩm Lệ, bên cạnh việc lắng nghe ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Chi cục, đội ngũ Chấp hành viên và công chức của Chi cục, Đoàn khảo sát đã được làm việc và trực tiếp lắng nghe ý kiến phát biểu của một số tổ chức, công dân (người phải thi hành án, người được thi hành án). Hầu hết các ý kiến khi được hỏi đều cho biêt lúc đầu hiểu biết của họ về Quy trình tổ chức THADS, về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS là rất hạn chế, tuy nhiên, khi đến các cơ quan THADS thì đã được Chấp hành viên, công chức cơ quan THADS hướng dẫn tận tình giúp họ hiểu hơn và cảm thấy khá hài lòng, thậm chí có trường hợp người phải thi hành án bị kê biên bán đấu giá tài sản nhưng phát biểu rằng họ vẫn cảm thấy hài lòng với cơ quan THADS vì vừa thi hành án xong lại vừa có được một khoản tiền còn dư để có động lực làm lại từ đầu. Tuy nhiên, các tổ chức, công dân cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật về THADS với hình thức đa dạng, phong phú hơn nữa (tờ gấp, tờ rơi, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của Tổ dân phố, của thôn, xóm...) để giúp người dân có thể hiểu biết rõ hơn về công tác THADS nói chung và quy trình tổ chức thi hành án, thủ tục hành chính về THADS nói riêng. Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cũng đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, đạo đức công vụ của đội ngũ Chấp hành viên các cơ quan THADS trên địa bàn Tp.Đà Nẵng nói chung và 02 Chi cuc Hải Châu và Cẩm Lệ nói riêng, nhìn chung việc tổ chức thi hành án được thực hiện tương đối bảo đảm về trình tự, thời gian nhưng một số trường hợp cũng có sự chậm trể, nhât là liên quan đến việc tống đạt thông báo, chậm xác minh, chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá...
Làm việc với Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ đấu giá Bảo Việt, ông Huỳnh Tấn Dũng - Giám đốc Công ty đã báo cáo với Đoàn khảo sát về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác bán đấu giá tài sản thi hành án, theo đó, Công ty bán đấu giá cho rằng, so với các loại tài sản khác thì trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án được quy định một cách chặt chẽ hơn; Công ty cũng có những lợi thế mang tính cạnh tranh, linh hoạt và năng động hơn, trong quá trình hoạt động, thường xuyên nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan THADS nên việc tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn Tp.Đà Nẵng đã thu được những kết quả tương đối khả quan, bảo đảm về doanh thu. Bên cạnh những thuận lợi chung về điều kiện pháp lý của tài sản thi hành án đem ra bán đấu giá ở Đà Nẵng (đa phần là tài sản “sạch, rõ ràng”) thì việc bán đấu giá tài sản thi hành án cũng gặp không ít khó khăn: người phải thi hành án thường có tâm lý chống đối nên không hợp tác, không tạo điều kiện khi Công ty bán đấu giá đưa người đăng ký mua tài sản đến xem trước hoặc chống đối quyết liệt khiến cho việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thường bị kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty bán đấu giá...
Làm việc với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội chi nhánh Đà Nẵng (SHB), ông Nguyễn Việt Anh - Giám đốc chi nhánh và bà Trần Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng xử lý nợ cho biết, trong quá trình liên hệ, trao đổi về việc thi hành án, phía Ngân hàng đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan THADS, qua đó góp phần giải quyết tương đối nhanh các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, phía Ngân hàng cũng cho biết thêm về một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đó là: một số trường hợp xác minh điều kiện thi hành án còn gặp khó khăn (xác minh về khoản lương hưu tại cơ quan bảo hiểm xã hội, xác minh đối với tài sản là động sản như ôtô, xe môtô còn chưa được kịp thời…); có một số trường hợp thi hành án trong thời gian khá dài do tài sản được thẩm định giá, định giá quá cao nên giảm giá, hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua; người phải thi hành án chống đối quyết liệt nên chưa giao được tài sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng... Trên cơ sở đó, phía Ngân hàng đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có thể sửa đổi quy trình thi hành án theo hướng rút ngắn hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngân hàng trong công tác thu hồi nợ; đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn các quy định pháp luật về thi hành án dân sự….
Trong các ngày 28 và 29/3/2018, Đoàn khảo sát tiếp tục làm việc với Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, Chi cục THADS thành phố Hạ Long, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hạ Long (Vietcombank), Công ty cổ phần đấu giá Quảng Ninh và Văn phòng Thừa phát lại thành phố Hạ Long.
Tại Cục THADS tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Hoàng Đức Nam - Phó Cục trưởng đã báo cáo một cách khái quát về tình hình thực hiện Quy trình tổ chức THADS và triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS trong hệ thống các cơ quan THADS của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời, tập trung làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật và thực hiện Quy trình tổ chức thi hành án dân sự, trong đó nổi bật là vướng mắc trong việc xác minh số dư tài khoản của người phải thi hành án tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản (ngân hàng thường bảo vệ bí mật của khách hàng nên việc xác minh rất khó khăn, nhiều trường hợp khi Chấp hành viên đến nơi, Ngân hàng đã kịp tư vấn cho người phải thi hành án chuyển hết tiền sang một tài khoản khác); vướng mắc trong việc xử lý tiền vật chứng, việc niêm phong vật chứng theo quy định hiện nay phải có xác nhận của UBND phường hoặc của người làm chứng nhưng thực tế việc mời những trường hợp này rất khó khăn (họ thường cáo bận, không có kinh phí để họ thực hiện việc này…); trên thực tế, Chấp hành viên không có chuyên môn sâu như thẩm định giá viên nên việc xác định “nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất” để tiến hành ủy thác là rất khó khăn. Một vướng mắc nữa đó là, Tổng cục đã có hướng dẫn về việc thi hành án theo định kỳ đối với án cấp dưỡng nhưng hiện nay có nhiều trường hợp bản án, quyết định của Tòa án về tranh chấp liên quan đến kinh doanh, thương mại cũng tuyên việc thi hành án theo định kỳ (không phải án cấp dưỡng) nên gây lúng túng trong việc tổ chức thi hành; việc quy định cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền tổ chức thi hành án đối với các Quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam gây rất nhiều khó khăn (vì hiện nay, số lượng các vụ việc loại này không nhiều với số tiền không lớn nhưng lại trải rộng trên nhiều địa bàn cấp huyện, nhiều nơi rất xa trong khi việc tổ chức thi hành vẫn phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục nên mất rất nhiều thời gian, công sức của Chấp hành viên). Trên cơ sở đó, Cục THADS tỉnh Quảng Ninh kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng Chấp hành viên có quyền phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án tại Ngân hàng mà không cần phải xác minh số dư tài khoản; kiến nghị Tổng cục THADS sớm có hướng dẫn về hướng xử lý đối với số tiền vật chứng đang tạm gửi niêm phong tại Ngân hàng…
Làm việc với Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hạ Long (Vietcombank), ông Nguyễn Việt Hoàng – Phó Giám đốc chi nhánh và ông Trần Thanh Tuấn - Trưởng phòng xử lý nợ cho biết, trong quá trình liên hệ, trao đổi về việc thi hành án, phía Ngân hàng đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan THADS nhưng trên thực tế, phía Ngân hàng không thực sự tìm hiểu, nắm rõ về quy trình tổ chức thi hành án mà hầu như mới chỉ dừng ở việc làm đơn yêu cầu thi hành án. Đồng thời, phía Ngân hàng cũng cho rằng, quá trình tổ chức thi hành án hiện nay vẫn mang tính chất ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, trong khi ngay từ giai đoạn xét xử ở Tòa, các bên đã được thỏa thuận, hòa giải rồi nhưng đến giai đoạn thi hành án lại tiếp tục được thỏa thuận khiến cho việc thi hành án kéo dài. Trên cơ sở đó, phía Ngân hàng cho rằng, khi ký các hợp đồng thế chấp, tín dụng, Ngân hàng và các bên đã bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, bảo đảm tính pháp lý, do vậy, phía ngân hàng kiến nghị khi có tranh chấp xảy ra thì có thể trực tiếp chuyển hợp đồng cho cơ quan thi hành án để tổ chức thi hành luôn mà không cần phải đợi kết quả xét xử của cơ quan Tòa án.
Tại Chi cục THADS thành phố Hạ Long, bên cạnh việc lắng nghe ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Chi cục, đội ngũ Chấp hành viên và công chức của Chi cục, Đoàn khảo sát đã được làm việc và trực tiếp lắng nghe ý kiến phát biểu của một số tổ chức, công dân (người phải thi hành án, người được thi hành án). Tại buổi làm việc, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh (Vietcombank) cho biết, nhiều trường hợp người phải thi hành án có thái độ chây ỳ, không hợp tác, thậm chí chống đối, trong khi Chấp hành viên thực tế phải thực hiện rất nhiều tác nghiệp, nhiều loại thông báo gây tốn kém thời gian, do vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian thông báo, tống đạt; một số trường hợp thi hành án liên quan đến việc kê biên, phát mại tài sản kéo dài…
Làm việc với Công ty cổ phần đấu giá Quảng Ninh, bà Trần Thị Ngọc - Giám đốc Công ty đã báo cáo với Đoàn khảo sát về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác bán đấu giá tài sản thi hành án, theo đó, từ năm 2015 trở về trước thì giá khởi điểm của doanh nghiệp thẩm định giá quá cao nhưng từ năm 2016 trở về đây thì giá khởi điểm đã được định giá khá sát so với thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán đấu giá. Bên cạnh đó, việc bán đấu giá tài sản thi hành án cũng gặp không ít khó khăn: người phải thi hành án thường có tâm lý chống đối nên không hợp tác, không tạo điều kiện khi Công ty bán đấu giá đưa người đăng ký mua tài sản đến xem trước hoặc chống đối quyết liệt khiến cho việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thường bị kéo dài... Theo quy định mới thì hiện nay, Công ty bán đấu giá không còn được thanh toán khoản chi phí đi lại, niêm yết, đăng tải thông báo bán đấu giá nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động; bên cạnh đó, Công ty bán đấu giá đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kéo dài thời gian thông báo bán đấu giá tài sản…
Kết thúc chuyến khảo sát, Đoàn đã có Buổi làm việc với Văn phòng Thừa phát lại thành phố Hạ Long, ông Nguyễn Văn Kha – Trưởng Văn phòng đã chia sẻ với Đoàn công tác về cơ cấu tổ chức và tóm tắt về một số kết quả đạt được của Văn phòng trong công tác THADS, theo đó, Văn phòng có thuận lợi là có 02 Thừa phát lại đã từng có kinh nghiệm làm công tác THADS trước đây nên cơ bản nắm được quy trình tổ chức thi hành án; một thuận lợi nữa đó là Cục, Chi cục cũng thường xuyên quan tâm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình hoạt động. Đặc biệt là, năm 2016, lần đầu tiên, Văn phòng Thừa phát lại thành phố Hạ Long đã tổ chức thành công vụ cưỡng chế thi hành án (vụ Ngân hàng TM CP phát triển nhà ĐBSCL được thi hành với số tiền hơn 3 tỷ đồng: Đây là trường hợp vay nợ ngân hàng có sử dụng tài sản thế chấp nhưng đến hạn không thực hiện theo hợp đồng nên bị ngân hàng kiện ra tòa. Sau khi tòa xử, bản án có hiệu lực pháp luật thì ngân hàng yêu cầu được thi hành án. Căn cứ vào yêu cầu phía ngân hàng lựa chọn Văn phòng Thừa Phát Lại để thực hiện thay cho việc lựa chọn Chi cục THADS)… Bên cạnh đó, công tác THADS của Văn phòng Thừa phát lại thành phố Hạ Long nói riêng và các Văn phòng Thừa phát lại nói chung gặp không ít khó khăn, vướng mắc do: hiện nay, hiểu biết của người dân, cơ quan, tổ chức về thừa phát lại còn rất hạn chế; hệ thống các quy định pháp luật về thừa phát lại vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ; sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức với Văn phòng Thừa phát lại chưa tích cực, kém hiệu quả, cùng với đó là năng lực của các Thừa phát lại trong công tác THADS vẫn còn có những hạn chế nhất định, cần phải được tăng cường hỗ trợ, tập huấn…
Trên cơ sở các kết quả khảo sát từ ngày 26-29/3/2018 tại Đà Nẵng và Quảng Ninh, Đoản khảo sát đã tổng hợp các số liệu, kiến nghị để cùng phối hợp với Dự án GIG hoàn thiện báo cáo để báo cáo lên Bộ Tư pháp về đánh giá việc thực hiện Quy trình tổ chức THADS và triển khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS. Dự kiến trong thời gian tới, trong khuôn khổ Dự án GIG, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục phối hợp với Dự án GIG tổ chức 02 cuộc hội thảo chuyên sâu và 01 đợt khảo sát tại Đồng Nai và Cần Thơ.
Huy Hùng - Vụ NV1