Hội thảo về một số nội dung cơ bản của Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự”

24/05/2018
Ngày 24/5/2018, tại Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và Viện khoa học pháp lý đã phối hợp tổ chức Hội thảo về một số nội dung cơ bản của Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng những vấn đề lý luận,thực tiễn và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự tại Việt Nam. Đồng thời, Ban tổ chức Hội thảo mong muốn nhận được nhiều góp ý của các đại biểu đối với những nội dung nghiên cứu của đề tài.

Tham dự Hội thảo có Ts. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ tư pháp.
Tới dự và phát biểu tại Hội thảo gồm trên 60 đại biểu trong đó có các chuyên gia trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo thuộc các Bộ ngành có liên quan như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Viện Khoa học pháp lý; Thanh tra Bộ Tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Tạp  chí Dân chủ và Pháp luật, Văn phòng Bộ; các cơ quan thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và đại biểu làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Hội thảo đã nghe các đại biểu trình bày tham luận cùng nhiều ý kiến tham gia thảo luận về một số nội dung cơ bản của Đề tài, cụ thể: (01) Một số vấn đề lý luận về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự; (02) Vai trò của Tòa án trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; (03) Kinh nghiệm giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và việc áp dụng trong lĩnh vực thi hành án dân sự; (04) Thực trạng và giải pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; (05) Kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nước trên thế giới; (06) Thực trạng và giải pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay;(07) Kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự; (08) Giải pháp hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy đã trao đổi kết quả nghiên cứu về một số nội dung cơ bản của đề tài. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự để tìm ra những vướng mắc, bất cập và tồn tại, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó xác định các định hướng và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự; bảo đảm pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự phải là công cụ chung; giảm khiếu nại, tố cáo; khiếu nại, tố cáo được giải quyết xong, dứt điểm, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; đảm bảo quyền của người khiếu nại, tố cáo.
Dẫn đề Hội thảo, Ts. Nguyễn Thắng Lợi, Vụ Trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thư ký Đề tài phát biểu về thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể:
- Theo dõi, tổng hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự cho thấy có nhiều vụ việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một thời gian dài liên tục có nhiều đơn khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; có trường hợp công dân trong một thời gian dài liên tục có nhiều đơn tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
- Nguyên nhân dẫn đến vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài chủ yếu là do bản án, quyết định của tòa án tuyên khó thi hành, vụ việc phức tạp, không được sự đồng tình ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương; người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, Chấp hành viên có sai sót trong việc thực hiện các trình tự thủ tục về thi hành án. Có những trường hợp người phải thi hành án lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để cố tình dây dưa không thực hiện nghĩa vụ thi hành án, làm kéo dài việc thi hành án, gây bức xúc cho người được thi hành án nên họ có nhiều đơn khiếu nại.
- Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều vướng mắc từ quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như đối tượng được quyền khiếu nại, đối tượng bị khiếu nại, thẩm quyền giải quyết và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, cụ thể:
1. Việc thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại vận dụng theoĐiều 37 Luật Thi hành án dân sựchưa quy định, giải thích rõ khái niệm “quyết định về thi hành án”
2. Quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án mới có quyền khiếu nại về thi hành án theo khoản 1 Điều 140 và khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự
3. Quy định về thẩm quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành của Bộ trưởng tại điểm b khoản 4 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự 
Đồng thời, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề pháp luật chưa quy định:
1. Luật tố cáo, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định trình tự thủ tục giải quyết trường hợp tượng tố cáo bị thu hồi, hủy bỏ (quyết định về thi hành án) trước và trong khi người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có xem xét, giải quyết tố cáo không?
2. Pháp luật chưa quy định trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại khi đương sự khiếu nại văn bản, hành vi của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại, bao gồm khiếu nại thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại, trả lời đơn; khiếu nại chậm giải quyết khiếu nại; không thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại như: Không xác minh, không đối thoại, không giám định.
3. Nhiều trường hợp, công dân khiếu nại đã được giải quyết thấu tình đạt lý nhưng vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại để chây ỳ, kéo dài việc thi hành án nên cần có quy định xử lý, đặc biệt là chế tài.
4. Trường hợp người bị khiếu nại, tố cáo là công chức đã chuyển đến cơ quan khác, hoặc đã chuyển ngành thì phát sinh khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định, hành vi trong quá trình tổ chức thi hành án khi còn công tác tại cơ quan trước khi chuyển công tác. Có 02 quan điểm xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo: Hoặc tại thời điểm có khiếu nại, tố cáo hoặc tại thời điểm thực hiện hành vi bị khiếu nại, tố cáo.
5. Khó phân biệt khiếu nại với tố cáo trong thi hành án dân sự
Thực tiễn cho thấy người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân định rõ ràng, chính xác giữa khiếu nại và tố cáo để giải quyết theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân của sự khó phân định này là do quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng, do ý chí chủ quan của đương sự, khi thì có đơn khiếu nại, khi thì có đơn tố cáo, thậm chí rất nhiều đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo.
Phát biểu tại Hội thảo Ts. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ tư pháp phát biểu đánh giá cao việc Tổng cục Thi hành án dân sự được Bộ Tư pháp giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ này rất hay và cần thiết, ngoài ý nghĩa khoa học Đề tài còn liên quan đến hoạt động thực tiễn của Bộ, Ngành thi hành án dân sự. Đồng chí cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Viện khoa học pháp lý trong việc thực hiện Đề tài. Việc chuẩn bị các chuyên đề, tham luận phục vụ Hội thảo đã đi theo đúng hướng của Chủ nhiệm Đề tài. Đồng thời, Ts. Phạm Quý Tỵ đề nghị Ban Chủ nhiệm bổ sung thêm một số nội dung về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; phần lý luận về phân biệt rõ khiếu nại, tố cáo; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Lê Hữu Hòa, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu về kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự. Tại  Thành phố Hồ Chí Minh, do công tác giải quyết quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, chịu nhiều áp lực, chế độ chính sách hiện nay chưa thu hút được nhiều cán bộ làm công tác này nên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận, phân công cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được công tác này.
Tại Hội thảo có nhiều ý kiến phát biểu trao đổi về cần phải có phân biệt giữa khiếu nại với tố cáo trong thi hành án dân sự; những tình huống xảy ra nhưng pháp luật chưa quy định, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, gồm:
Một là, giải pháp trước mắt:
- Sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; khắc phục những vấn đề pháp luật chưa quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay; Tạo hành lang pháp lý cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Củng cố bộ máy, tăng cường con người: Bổ sung biên chế; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo;
- Về cơ chế phối hợp: Xây dựng quy chế phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan có liên quan tạo thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự khi xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Tăng cường cơ sở vật chất và hoạt động bổ trợ khác đảm bảo cho hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. 
Hai là, giải pháp lâu dài: Về lâu dài, do pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự gắn liền với pháp luật về thi hành án dân sự nên khi Luật Thi hành án dân sự thay đổi, đặc biệt trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy phù hợp với xu thế chung của thế giới về lĩnh vực thi hành án dân sự thì quy định về thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đó cũng sẽ thay đổi theo.
Trước thực trạng cơ sở lý luận và thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự hiện nay,việc nghiên cứu một số mô hình giải quyết khiếu nại và cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của một số nước trên thế giới,nghiên cứu thiết lập mô hình giải quyết khiếu nại và cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự phù hợp với Việt Nam hiện nay là cần thiết. Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy cơ chế giải quyết khiếu nại bằng con đường Tòa án cho phép đảm bảo một cách khách quan, chính xác, công bằng đối với quyền lợi của các bên; hạn chế được tình trạng quan liêu, phiến diện, bao che cho nhau giữa cơ quan Thi hành án cấp trên và cấp dưới… tạo được niềm tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Kết thúc Hội thảo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu đã phát biểu tại Hội thảo. Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự”.
Nguyễn Hằng - Vụ GQKNTC, Tổng cục THADS