Tham gia Đoàn công tác của Thứ trưởng có đồng chí Nguyễn Hồng Diện - Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục: Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Nghiệp vụ 2, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giải quyết, khiếu nại tố cáo, Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin điển tử Bộ Tư pháp.
Báo cáo tại buổi làm việc, Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội cho biết trong 10 tháng năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự toàn thành phố đã thi hành xong 21.224 việc, đạt tỷ lệ 64,19% về việc (tăng 1.204 việc so với cùng kỳ năm 017) còn thiếu 8% so với chỉ tiêu được giao là trên 72%; về tiền thi hành xong 2.460 tỷ, 954 triệu, 491 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 13,30% (giảm 507.538.374.000 đồng và giảm 4,59% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2017), còn thiếu 19% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao là trên 32%.
Đánh giá kết quả thi hành án 10 tháng của các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn khẳng định kết quả thi hành án dân sự về tiền của thành phố Hà Nội hiện đang đạt rất thấp so với toàn quốc. Để tìm giải pháp khắc phục, đồng chí Phó Tổng cục trưởng đã yêu cầu đồng chí Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ, huyện Thạch Thất, quận Ba Đình là những đơn vị có kết quả đạt rất thấp nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và đưa ra các giải pháp để tập trung nâng cao kết quả thi hành án trong 2 tháng cuối năm 2018 (Chi cục Chương Mỹ đạt 32% về việc, về tiền đạt 3,9%, Chi cục Thạch Thất đạt 37.2% về việc, về tiền đạt 6.2% về tiền, Chi cục Ba Đình đạt 65.6% về việc, về tiền đạt 5.1%...)
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chương Mỹ thừa nhận kết quả thi hành xong về việc và về tiền của Chi cục Chương Mỹ hiện đạt thấp và còn khoảng cách rất xa so với chỉ tiêu được giao. Do đó trong thời gian tới, Lãnh đạo Chi cục tập trung vào việc chỉ đạo các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức giao tài sản đối với các vụ việc đã tổ chức bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, phối hợp với Tòa án xét miễn giảm đối với một số vụ việc đủ điều kiện…
Đối với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạch Thất, Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình các đồng chí Chi cục trưởng nêu lên khó khăn khi trong 10 tháng năm 2018 đơn vị đã thụ lý số tiền rất lớn và nhiều vụ việc trong đó liên quan đến án tín dụng, ngân hàng rất phức tạp. Quá trình tổ chức thi hành án có vụ việc ngân hàng tuy đồng ý nhận tài sản nhưng lại không giao được do có các vấn đề vướng mắc phát sinh hoặc việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cũng rất khó khăn khi phải tổ chức cưỡng chế để giao tài sản cần sự huy động lực lượng. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: có hồ sơ có quá nhiều tài sản, giá trị thực của tài sản thấp, kinh nghiệm vận động thuyết phục của Chấp hành viên còn yếu… Để tháo gỡ thực trạng này, Chi cục mong muốn sớm được bổ sung đội ngũ Chấp hành viên để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của địa phương và ý kiến phản hồi của các đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định trong 10 tháng năm 2018 Cục thi hanh án dân sự thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả thi hành xong về việc về cơ bản bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tuy nhiên bên cạnh đó kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế: kết quả thi hành xong về tiền đạt rất thấp (đứng thứ 61/63), toàn thành phố hiện mới chỉ có một số Chi cục có khả năng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại cơ bản không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong đó có cả Cục. Việc Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội không hoàn thành chỉ tiêu về tiền đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của toàn quốc (do số tiền các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội phải thi hành chiếm 15,3% toàn quốc); công tác chỉ đạo, điều hành chưa sâu sát; việc chỉ đạo giao tài sản bán đấu giá thành còn trì trệ, có hiểu hiện ngại cưỡng chế; công tác tổ chức cán bộ còn hạn chế, số công chức, Chấp hành viên bị xử lý kỷ luật có chiều hướng gia tăng.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó vấn đề mấu chốt chính là để nâng cao kết quả thi hành về tiền, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan THADS Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, tập trung tổ chức đối với các vụ việc có giá trị lớn, vụ việc có điều kiện thi hành có thể giải quyết được ngay. Lãnh đạo Cục và các Chi cục tập trung đôn đốc, chỉ đạo nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ án trọng điểm, tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng; tiếp tục bám sát và kịp thời báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện công tác THADS trên địa bàn, đặc biệt là việc chỉ đạo cưỡng chế các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, kéo dài.
Về phía Tổng cục Thi hành án dân sự, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa với địa phương có nhiều đặc thù như Hà Nội, trong đó phải khẩn trương xây dựng Đề án kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án để sớm triển khai áp dụng với các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội; quan tâm tới vấn đề kinh phí, trả lời các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, xin ý kiến chỉ đạo của Cục Hà Nội. Cùng với đó, Thanh tra Bộ cần tích cực theo dõi, giám sát các vụ việc tham nhũng lớn để kịp thời phối hợp, hỗ trợ cơ quan THADS giải quyết các vướng mắc.
Võ Thu Ba