Tổng cục tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 23 Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

07/08/2019
Sáng ngày 7/8/2019, Tổng cục thi hành án dân sự đã tổ chức buổi làm việc trực tuyến với 23 Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng việc, tiền phải thi hành án lớn hoặc có kết quả thi hành án thấp ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của toàn Hệ thống. Tham dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Mai Lương Khôi - Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Lực, Trần Thị Phương Hoa cùng Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục. Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo Cục thi hành án dân sự, Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Hải Phòng, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Yên Bái, Kon Tum, Bắc Kạn, Tây Ninh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Hoàng Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin báo cáo kết quả công tác 10 tháng năm 2019, nhiệm vụ và giải pháp trong 2 tháng cuối năm của toàn Hệ thống nói chung và của 23 địa phương được triệu tập tham dự buổi làm việc.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2019, toàn Hệ thống đã thụ lý 877.913 việc, tăng 39.106 việc (tăng 4,66% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả đã thi hành xong 448.263 việc, tăng 5.677 việc (tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2018), đạt tỉ lệ 68%.
Về tiền, tổng số thụ lý là 264.560 tỷ 869 triệu 898 nghìn đồng, tăng 74.490 tỷ 878 triệu 692 nghìn đồng (tăng 39,19% so với cùng kỳ năm 2018). Kết quả đã thi hành xong 43.434 tỷ 225 triệu 247 nghìn đồng, tăng 18.363 tỷ 103 triệu 978 nghìn đồng (tăng 73,24% so với cùng kỳ năm 2018); đạt tỉ lệ 26,87% (tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2018).
Đối với 23 địa phương tham dự buổi làm việc, trong 10 tháng đầu năm đã thụ lý 397.605 việc (chiếm 45,3% so với toàn quốc). Kết quả đã thi hành xong 195.886 việc, đạt tỷ lệ 65,99% (chiếm 43,69% so với toàn quốc). Về tiền đã thụ lý 197.777 tỷ 357 triệu 536 nghìn đồng (chiếm 74,75% so với toàn quốc). Kết quả đã thi hành xong là 30.062 tỷ 794 triệu 816 nghìn đồng, đạt 23,72% (chiếm 69,21% so với toàn quốc).
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc hầu hết các địa phương đều tập trung vào việc đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Hiện nay có một số địa phương như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, tỉnh Phú Thọ các cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành số tiền rất lớn trong các vụ “đại án”, quá trình tổ chức thi hành cần nhiều thời gian và phải phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức để thực hiện hoặc có địa phương có vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành các vụ việc có số tiền phải thi hành rất lớn, cơ quan Thi hành án dân sự đang xử lý tài sản nhưng phải hoãn thi hành án theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền do đó cơ quan Thi hành án không thể tiếp tục thi hành nhưng theo quy định hiện các vụ việc này vẫn được xác định thuộc loại có điều kiện cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của chấp hành viên nói riêng và cơ quan thi hành án dân sự nói chung.
Đánh giá nguyên nhân của một số tồn tại, bên cạnh các nguyên nhân khách quan đã được nêu trong báo cáo, các địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ có những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ năng lực, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án trong thực hiện nhiệm vụ dẫn đến kết quả thi hành về việc, về tiền ở một số cơ quan thi hành án dân sự còn thấp và có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu nếu không tập trung chỉ đạo quyết liệt trong 2 tháng cuối năm 2019 .
Đồng tình với ý kiến phát biểu của các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa đã yêu cầu các Cục trưởng cần phải sát sao trong công tác chỉ đạo, đặc biệt đối với các vụ việc trọng điểm, các vụ việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng, đồng chí Cục trưởng phải thường xuyên nắm tình hình và nghe chấp hành viên báo cáo để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành. Về các vướng mắc trong quá trình thực hiện ủy thác các vụ việc tham nhũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương tổng hợp, báo cáo về Tổng cục để các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan họp liên ngành Trung ương giải quyết.
Đối với các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục, đồng chí Phó Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần chủ động hơn trong việc tham mưu để giải quyết những vướng mắc về mặt thể chế; tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển dụng biên chế cho các địa phương phía nam hiện đang  gặp khó khăn trong tuyển dụng công chức để đảm bảo cho các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi chia sẻ với các địa phương về những khó khăn khi số việc, số tiền thụ lý mới đều tăng, đặc biệt có những địa phương số thụ lý mới về tiền tăng đột biến (tăng trên 100%) so với cùng kỳ năm 2018. Thay mặt lãnh đạo Tổng cục đồng chí Tổng cục trưởng ghi nhận và biểu dương đối với các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt kết quả khả quan. Đồng chí hi vọng trong 2 tháng cao điểm (tháng 8,9) các địa phương vẫn tiếp tục giữ được nhịp độ như hiện nay để hoàn thành được chỉ tiêu, nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giao cho Hệ thống thi hành án dân sự. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế mà tại hội nghị ngày hôm nay, cũng như tại hội nghị sơ kết công tác thi hành án 6 tháng đầu năm các địa phương đã trao đổi, thảo luận và lãnh đạo Bộ đã phát biểu, cho ý kiến cho thấy về cơ bản các địa phương đều đã nhận diện được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân từ đó đã đưa ra được một số giải pháp khả thi để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Đồng chí nhấn mạnh việc hoàn thành chỉ tiêu việc, tiền là mục tiêu cụ thể, còn mục tiêu chung hết sức quan trọng và là sứ mạng của các cơ quan Thi hành án dân sự là các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được tổ chức thi hành. Bất cứ bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành phải được tổ chức thi hành nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Chấm dứt tình trạng kéo dài việc tổ chức thi hành án, chậm giao tài sản. Cũng trong 10 tháng năm 2019, tình trạng khiếu nại, tố cáo có chiều hướng tăng, vi phạm trong thi hành án dân sự chưa khắc phục mà nguyên nhân có thể nhận thấy do Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chưa sát sao trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Việc xử lý kỷ luật đối với công chức khi phát hiện sai phạm chưa nghiêm túc dẫn đến chưa đủ sức răn đe do đó đồng chí Tổng cục trưởng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự phải ý thức được tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng ngừa, xử lý sai phạm.
Đối với việc tổ chức thi hành các bản án tín dụng, việc xử lý tài sản đã kê biên, định giá cần phải tập trung giải quyết, đặc biệt việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng có số lượng tài sản phải xử lý nhiều, số tiền phải thi hành rất lớn đề nghị các đồng chí Cục trưởng cần sâu sát, nghiêm khắc với Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành; quá trình tổ chức thi hành không để sẩy ra vi phạm, sai phạm, tiêu cực. Đồng chí Tổng cục trưởng cũng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục phải chủ động, tích cực trong công tác tham mưu hướng dẫn nghiệp vụ; theo dõi sát sao các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cuối cùng đồng chí Tổng cục trưởng mong muốn các đơn vị thuộc Tổng cục, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tăng cường đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ giao cho toàn Hệ thống thi hành án dân sự.

Trung tâm Thống kê, quản lý dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin