Một số nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với công tác thi hành án dân sự

30/08/2007

Thi hành án dân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt dộng tư pháp, luôn được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo sát sao. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2007 nhiều vụ án khó khăn, phức tạp đã được các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tổ chức thi hành dứt điểm.



Các khiếu nại, tố cáo bức xúc luôn được xử lý kịp thời và giải quyết dứt điểm ngay tại nơi phát sinh, đã dần gây dựng được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì trong công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều tồn tại cần được tháo gỡ, đặc biệt là tình trạng án có điều kiện nhưng không thi hành được. Theo báo cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc, thì trong 6 tháng đầu năm 2007 (từ 1/10/2006 đến 31/3/2007) trong toàn quốc còn tồn chưa giải quyết 65% số lượng việc thi hành án có điều kiện và 80% số giá trị tiền, tài sản có điều kiện thu. Để giải quyết tình trạng này, nhằm đạt được chỉ tiêu đề ra là thi hành xong 75% số việc có điều kiện thi hành và 55% số giá trị tiền, tài sản có điều kiện thu, tại Hội nghị chuyên đề công tác Tư pháp năm 2007 tháng 6 năm 2007, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có nhiều chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự.

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành

Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cần sát sao với công việc, tiến hành giao ban hàng tháng để kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ trong tháng của cơ quan và từng Chấp hành viên, đồng thời triển khai công việc của tháng tiếp theo, đôn đốc thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ thi hành án, chỉ đạo quyết liệt việc thi hành những vụ việc phức tạp, kéo dài. Tăng cường sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thi hành án với các ngành, các tổ chức ở địa phương để tháo gỡ những vướng mắc trong việc cưỡng chế thi hành án.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động thi hành án (đột xuất và thường xuyên), nhất là đối với những nơi có đơn thư khiếu nại kéo dài, hoặc bị dư luận, báo chí phản ánh có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thi hành án ngay từ cơ sở. 

Thứ hai, công tác tổ chức

      Từ nay đến hết năm 2007 phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu Trưởng Thi hành án cấp huyện và cơ quan Thi hành án chỉ có 01 Chấp hành viên. Ở những địa phương không có nguồn bổ nhiệm Trưởng thi hành án cấp huyện thì có thể xem xét điều chuyển Chấp hành viên cấp tỉnh, Trưởng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ của Sở Tư pháp để tạo nguồn bổ nhiệm Trưởng thi hành án.

Tăng cường đội ngũ Chấp hành viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Địa phương nào gặp khó khăn về nguồn cử nhân luật để tuyển dụng vào biên chế cơ quan Thi hành án thì đề nghị có văn bản báo cáo rõ và đề nghị Bộ tuyển dụng giúp. Bộ sẽ có kế hoạch tuyển dụng và bố trí công chức cho cơ quan Thi hành án các địa phương. Giao Cục Thi hành án dân sự phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ lên phương án rà soát, giới thiệu nguồn cử nhân luật cho những cơ quan Thi hành án địa phương có khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ vào cơ quan Thi hành án. Đối với những cán bộ thuộc biên chế cơ quan Thi hành án dân sự đã có bằng cử nhân luật thì có thể xem xét để thực hiện thủ tục chuyển ngạch hoặc nâng ngạch công chức theo đúng quy định của pháp luật. Việc cử cán bộ đi đào tạo cử nhân luật phải theo chế độ chung, đặc biệt, phải đúng quy hoạch sử dụng cán bộ.

Ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn thiếu Chấp hành viên có thể xem xét để linh động bổ nhiệm Chấp hành viên đối với những cán bộ thi hành án đã đủ thời gian công tác trong cơ quan Thi hành án theo quy định nhưng chưa được đào tạo nguồn Chấp hành viên hoặc đã được đào tạo nguồn Chấp hành viên nhưng chưa đủ thời gian công tác. Sau khi được bổ nhiệm, những người này phải “trả nợ” điều kiện bổ nhiệm trong thời gian ngắn nhất.

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Thừa phát lại tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai áp dụng thí điểm Đề án Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ ba, quan hệ với Sở Tư pháp

Thực hiện nghiêm mối quan hệ công tác giữa Giám đốc Sở Tư pháp với cơ quan Thi hành án dân sự theo đúng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004; các Quy chế uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ban hành theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2005 và Quyết định số 01/2007/QĐ-BTP ngày 26 tháng 4 năm 2007. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những điểm bất hợp lý, có thể đề xuất với Lãnh đạo Bộ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Giao Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức và chủ trì cuộc họp góp ý kiến, nhận xét đối với Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh khi làm thủ tục bổ nhiệm lại theo quy định. 

Thứ tư, đối với công tác chuyển giao án có giá trị dưới 500.000 đồng cho Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trân đôn đốc thi hành

Đối với những vụ việc đã chuyển giao cho cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành thì cơ quan Thi hành án phải có biện pháp hướng dẫn để xã đôn đốc thi hành có hiệu quả; trường hợp cấp xã không thể đôn đốc thi hành được thì cơ quan Thi hành án phải lấy lên để thi hành. Giao Cục Thi hành án dân sự nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của việc chuyển giao cho cấp xã đôn đốc thi hành những việc có giá trị không quá 500.000 đồng theo Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đồng thời đề xuất phương án trình Lãnh đạo Bộ xem xét.

Thứ năm, về kỷ luật, kỷ cương hành chính

Thời gian qua, số lượng cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật công vụ bị buộc thôi việc hoặc bị xử lý hình sự có chiều hướng gia tăng. Nhiều sai sót về nghiệp vụ của cán bộ thi hành án phải khắc phục hậu quả rất phức tạp, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện tượng cán bộ thi hành án bỏ việc hoặc xin thuyên chuyển công tác khác xuất hiện ngày càng nhiều. Các cơ quan thi hành án cần xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời những cán bộ cố tình gây phiền nhiễu, hạch sách trong thi hành nhiệm vụ để trục lợi; đồng thời có biện pháp giải quyết tốt chế độ, chính sách trên cơ sở quy định của pháp luật, góp phần cho đội ngũ cán bộ thi hành án yên tâm công tác.

Các Chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải thực hiện nghiêm quy định về trang phục khi đi làm, hội họp và khi thi hành công vụ.

Thế Bảo