Nhiều công việc trọng tâm sẽ được Cục Thi hành án dân sự tập trung thực hiện

03/03/2009

Căn cứ Kế hoạch của Bộ Tư pháp về thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này ban hành kèm theo Quyết định số 2425/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 1141/QĐ-BTP ngày 07/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.



Để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2009 đối với công tác thi hành án dân sự được đề ra tại Báo cáo Quốc hội năm 2008, Báo cáo tổng kết công tác Tư pháp năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2009, cũng như phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2009 của Cục Thi hành án dân sự, thực sự tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, trong Kế hoạch công tác năm 2009 của Cục Thi hành án dân sự đã được Bộ Tư pháp phê duyệt, xác định tập trung thực hiện những công việc trọng tâm sau đây:

1. Công tác rà soát, xây dựng văn bản pháp luật

a) Rà soát văn bản pháp luật:

Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành, xác định những văn bản, quy định còn hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự, trên cơ sở đó đề xuất việc huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung bảo đảm có hiệu lực cùng với Luật này từ ngày 01/7/2009.

b) Xây dựng văn bản pháp luật:

- Nghị định quy định về hệ thống tổ chức thi hành án và công chức làm công tác thi hành án.

- Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển. 

 

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên; bổ nhiệm Chấp hành viên không thông qua thi tuyển.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề phối hợp liên ngành về thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn trại giam, trại tạm giam thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về bảo đảm tài chính để thi hành án.

- Quy chế mẫu về thực hiện dân chủ với dân trong thi hành án dân sự.

- Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật khác về thi hành án phù hợp với Luật thi hành án dân sự.

2. Công tác tổ chức cán bộ

Kiện toàn một bước tổ chức, cán bộ Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự:

a) Kiện toàn tổ chức, cán bộ Cục Thi hành án dân sự theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp xong trước ngày 01/7/2009. Từ tháng 7 năm 2009, thực hiện việc kiện toàn tổ chức, cán bộ Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự.

b) Xác định mô hình tổ chức, cơ cấu cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự; xây dựng tiêu chuẩn cụ thể từng ngạch Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

c) Rà soát đội ngũ Chấp hành viên theo tiêu chuẩn của Luật thi hành án dân sự để xác định những người đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định mới. Giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp xong trước ngày 31/12/2009 và bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án.

d) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa chủ trì, cùng với Sở Tư pháp, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương đánh giá thực trạng về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay và báo cáo Bộ Tư pháp để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quy định những cơ quan thi hành án dân sự cụ thể ở các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển.

đ) Theo dõi, tổng hợp kết quả tổng kết việc thực hiện uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự, bàn giao hồ sơ, tài liệu về cán bộ thi hành án sang Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh và việc Trưởng Thi hành án dân sự tổ chức lễ ra mắt, tiếp nhận nhiệm vụ mới theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

e) Nâng cao tính tự giác, sức sáng tạo trong mỗi cán bộ, công chức thi hành án, khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự; tổ chức thực hiện đi vào chiều sâu cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành án đi đôi với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên, giảm thiểu tình trạng cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật, pháp luật. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp Chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự.

g) Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự, trong đó tập trung vào việc kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan thi hành án các cấp; tiếp tục điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ đến những địa bàn còn yếu, thiếu nguồn hoặc tồn đọng lớn về công tác thi hành án; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ thi hành án dân sự nhằm thu hút những người có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề thi hành án.

3. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án

a) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự giải quyết cơ bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng, hạn chế làm phát sinh việc tồn đọng mới, tiếp tục phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành, giảm 10 đến 15% số lượng việc thi hành án tồn đọng so với năm 2008.

b) Xây dựng chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ cho từng địa phương với chỉ tiêu cụ thể thi hành xong về việc, tiền thi hành án và theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện chỉ tiêu đó.

c) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện và chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tổng rà soát các việc thi hành có khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng), mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật thi hành án dân sự có hiệu lực nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án để phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp lập danh sách đề nghị Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở ra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó trước ngày 10 tháng 7 năm 2009.

d) Chỉ đạo những địa phương có nhiều việc thi hành án dân sự tồn đọng tập trung tổ chức các đợt cao điểm thi hành án, tranh thủ tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án các địa phương nhằm tăng cường sự phối kết hợp trong công tác thi hành án dân sự.

đ) Tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về Luật thi hành án dân sự tại 03 miền: Bắc, Trung và Nam theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp.

e) Giải quyết kịp thời các đề nghị của cơ quan thi hành án xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án.

4. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án

a) Tiếp tục giải quyết hiệu quả đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác thi hành án dân sự; giải quyết dứt điểm từ 20% đến 25% số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, làm giảm thiểu các vụ việc khiếu nại mới phát sinh.

b) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo, xác định những vụ việc tồn đọng, bức xúc là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan và có biện pháp giải quyết hiệu quả ngay tại nơi phát sinh, với phương châm quán triệt “quyết liệt, thận trọng” trong việc tổ chức thi hành án và giải quyết khiếu nại để hạn chế tối đa sai sót, kéo dài.

5. Công tác kiểm tra, thanh tra về thi hành án

a) Kiểm tra từ 03 đến 05 tỉnh về thực hiện Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này.

Kiểm tra liên ngành từ 03 đến 05 tỉnh về thực hiện quy định xét miễn, giảm thi hành án.

b) Giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp thanh tra về thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

6. Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên)

Giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp:

a) Trình Chính phủ thông qua Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại trong tháng 01 năm 2009.

b) Xây dựng Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

c) Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ tháng 7 năm 2009, sau đó triển khai ở một số địa phương khác cuối năm 2009.

7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thi hành án dân sự

a) Phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và các đơn vị liên quan giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật thi hành án dân sự trong cán bộ, công chức và nhân dân nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật thi hành án dân sự trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

b) Phối hợp với Học viện Tư pháp, Trường đại học Luật Hà Nội, Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh chỉnh lý, biên soạn tài liệu đào tạo, giảng dạy pháp luật về thi hành án dân sự phù hợp với Luật thi hành án dân sự.

c) Phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp, Cục Công nghệ thông tin phối hợp mở chuyên trang hoặc phát hành các ấn phẩm chuyên đề về Luật thi hành án dân sự.

8. Công tác tài chính, văn phòng và các công tác khác

a) Thực hiện điều hòa phí thi hành án năm 2007; theo dõi, tổng hợp, giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện chế độ kế toán nghiệp vụ, quản lý tài chính trong thi hành án dân sự; thực hiện việc giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp về kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

b) Giúp lãnh đạo Bộ xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2009 tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa XII.

c) Giúp lãnh đạo Bộ xây dựng Báo cáo về công tác thi hành án năm 2009 theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

d) Rà soát cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, công cụ hỗ trợ của các cơ quan thi hành án dân sự để kịp thời trang bị bổ sung đáp ứng yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, góp phần bảo đảm hoạt động hiệu quả cho các cơ quan thi hành án dân sự.

đ) Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh lực thi hành án dân sự:

- Nghiên cứu, xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự, đảm bảo đến năm 2010 cập nhật thông tin kịp thời từ Bộ Tư pháp đến các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

- Thực hiện hiệu quả Quyết định số 1579/QĐ-BTTT ngày 24/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 - 2010 của Bộ Tư pháp. 

- Hoàn thiện phần mềm tin học về quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; phần mềm quản lý cán bộ thi hành án dân sự.

e) Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về thi hành án để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật cho công tác nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, thủ tục thi hành án dân sự và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thi hành án.

g) Thực hiện tốt các công việc thường xuyên, đột xuất khác của Cục trong năm 2009.

Anh Tuấn