Bộ Tư pháp - JICA: Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự

22/08/2014
Ngày 20/8/2014, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tư pháp và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Vụ Hợp tác quốc tế và Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Tham dự Tọa đàm có ông Takesi Masimoto - Cố vấn trưởng dự án JICA, ông Tsukahara Masanori - Luật sư, chuyên gia dài hạn dự án JICA, một số chuyên gia của JICA, ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đại diện Vụ Tư pháp của Ủy ban Tư pháp, một số thành viên Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và đại diện một số Cục, Chi cục Thi hành án dân sự.

Ông Takesi Masimoto - Cố vấn trưởng dự án JICA cho biết, các chuyên gia của JICA đã được cung cấp thông tin về quá trình xây dựng cũng như các nội dung của dự án Luật. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã thảo luận kỹ về việc sửa đổi, bổ sung luật này và ý kiến của đại biểu quốc hội đã được nghiên cứu, tiếp thu, thể hiện trong dự thảo; các vấn đề sửa đổi bổ sung đã rõ ràng hơn - đây là những luận điểm để các bên cùng trao đổi. Mỗi cơ quan, tổ chức với những góc độ khác nhau sẽ thể hiện những ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật, và JICA mong muốn tọa đàm được tổ chức để tổng hợp các ý kiến đó nhằm xây dựng một dự án Luật phù hợp, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả thực thi trên thực tế.

Trên cơ sở thông tin về việc tiếp thu, chỉnh lý sau khi trình Quốc hội cho ý kiến và các chuyên đề nghiên cứu dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cũng như trao đổi các thông tin và kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản. Cụ thể:

Thứ nhất, về vấn đề nên giữ hay nên bỏ cơ chế thi hành án theo yêu cầu: Các đại biểu nhất trí theo hướng nên giữ cơ chế thi hành án theo đơn yêu cầu như hiện nay. Chia sẻ về vấn đề này, ông Takesi Masimoto cho biết, Nhật Bản cũng quy định thi hành án theo cơ chế có đơn yêu cầu thi hành án. Năm 2013, việc dân sự Tòa án Nhật Bản giải quyết khoảng 480.000 vụ, thì chỉ có 120.000 vụ là có yêu cầu thi hành án (chiếm tỉ lệ 25%). Còn đối với pháp luật Việt Nam, xét trong mối tương quan giữa Luật Thi hành án dân sự với các luật khác thì việc bỏ quy định về yêu cầu thi hành án về mặt lý thuyết là có thể, vì bản án, quyết định của Tòa án là mệnh lệnh phải thực thi thì phải thi hành nghiêm chỉnh, án dân sự, hôn nhân gia đình cũng không khác án hình sự và phải được thi hành triệt để. Tuy nhiên, ngoài vấn đề lý thuyết như trên, còn cần tính đến vấn đề khác, đó là tính khả thi và tính phù hợp với hệ thống pháp luật. Nếu số lượng việc thi hành án tăng lên thì sẽ đòi hỏi phải tăng số lượng cán bộ, tăng thù lao - đây không phải là định hướng tốt để sửa đổi luật. JICA cũng đang tham gia vào quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự, và bộ luật này được xây dựng theo hướng đảm bảo cá nhân có quyền tự định đoạt về việc thực hiện các quyền lợi của mình.

 

Thứ hai, về vấn đề miễn giảm khoản thu cho ghân sách Thàn nước. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, pháp luật Nhật Bản cũng có quy định về việc miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách Nhà nước và có quy định để quản lý tốt các khoản nợ ngân sách, đảm bảo không để tình trạng “Đốt đuốc tìm que diêm”. Tuy nhiên, án tham nhũng và các khoản tiền phạt thì không được miễn giảm và phải thi hành đầy đủ. Pháp luật Nhật Bản có quy định nếu không trả được tiền phạt thì phải lao động bắt buộc, và Việt Nam nên bổ sung quy định này trong pháp luật hình sự.

Thứ ba, về vấn đề xử lý tài sản chung theo Điều Điều 74, Điều 75 Luật Thi hành án dân sự 2008. Thực tiễn thi hành án gặp khó khăn như sau: Chấp hành viên hướng dẫn đương sự khởi kiện để phân chia phần sở hữu của mình nhưng đương sự không khởi kiện; chấp hành viên áp dụng khoản 7 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung (Tòa án có thẩm quyền giải quyết “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”) và đề nghị Tòa án giải quyết nhưng Tòa án không thụ lý giải quyết. Việc thi hành án mặc dù có điều kiện (đương sự có tài sản nằm trong khối tài sản chung) nhưng vẫn không thể thi hành được.

Về vấn đề này, dự thảo Luật quy định theo hướng chấp hành viên vẫn áp dụng khoản 7 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung để yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung. Tuy nhiên, nếu pháp luật tố tụng không quy định cụ thể trình tự thủ tục, không xác định nghĩa vụ tham gia tố tụng của các đồng chủ sở hữu, không có cơ chế giải quyết trong trường hợp các đồng chủ sở hữu không tham gia tố tụng, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan... thì cũng khó khả thi trên thực tế.

 

Vấn đề này tại Nhật Bản đã được giải quyết khá triệt để. Vì cơ quan Thi hành án dân sự của Nhật Bản trực thuộc Tòa án, và có Tòa thi hành án, nên cơ chế giải quyết đơn giản hơn so với Việt Nam. Pháp luật Nhật Bản cho phép người có quyền thi hành án có thể thay thế cho người phải thi hành án yêu cầu Tòa án phân chia khối tài sản chung đó và đề nghị cơ quan thi hành án thi hành đối với phần tài sản đã phân chia. Tòa án Nhật Bản không có quyền từ chối thụ lý việc này, và khi có yêu cầu phân chia tài sản để thi hành án thì các đồng chủ sở hữu đều trở thành bị đơn. Tuy nhiên, cũng có khó khăn trong trường hợp này, đó là giá trị khối tài sản bị phân chia sẽ giảm xuống hoặc không có người mua vì chỉ là một phần tài sản trong khối tài sản chung.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và góp ý đối với các quy định khác của dự thảo, như vấn đề xác minh điều kiện thi hành án tại Điều 44; án chưa có điều kiện thi hành tại Điều 44a, các vướng mắc trong việc thực hiện các điều: 26, 47, 104, 105, 109, 116; vấn đề thi hành các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại nhưng bị đình chỉ sơ thẩm do nguyên đơn không theo kiện; vấn đề thi hành các vụ việc phá sản; vấn đề chi phí cưỡng chế thi hành án v.v…

Các ý kiến, trao đổi, thảo luận tại buổi Tọa đàm sẽ là cơ sở để cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Tư pháp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Nguyễn Thị Ngân


Các tin khác