Giao chỉ tiêu thi hành án: Tránh tạo áp lực, “Chạy” theo thành tích

21/10/2014
Tại Tọa đàm về chỉ tiêu thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp và dự án JICA tổ chức. Mới đây, nhiều địa phương kiến nghị giảm, thậm chí bỏ một số chỉ tiêu, bởi quá trình thực hiện cho thấy thiếu tính khả thi…

Giao chưa phù hợp

Nói về ý nghĩa của việc giao chỉ tiêu thi hành án dân sự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Chỉ tiêu là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn bình xét thi đua, đánh giá cán bộ, tìm các giải pháp chuyên môn…Mặc dù việc thực hiện các chỉ tiêu thi hành án dân sự những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là từ năm 2013, Quốc hội có Nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó giao những chỉ tiêu cụ thể cho Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, việc thực hiện các chỉ tiêu cũng nảy sinh một số bất cập.

Một trong những bất cập đó theo ông Hoàng Thế Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu, thông tin và thống kê thi hành án dân sự là chỉ tiêu xong 88% về việc và 77% về tiền là quá cao so với khả năng thi hành của các cơ quan Thi hành án dân sự, mặc dù họ đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều. “Cơ bản số việc có điều kiện, cơ quan Thi hành án dân sự đã cố gắng xử lý, số còn lại cơ bản là việc khó thi hành”. Ông Thế Anh nói và cho rằng cùng với sự suy giảm kinh tế kéo theo nhiều tài sản kê biên nhưng không bán được, nhất là các tài sản thế chấp, bảo đảm, bảo lãnh trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, ở nhiều cơ quan Thi hành án dân sự lượng án cả về việc và tiền đều tăng cao trong khi biên chế, và cơ sở vật chất không tăng tương xứng.

 

 

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Dương Minh Công đánh giá chỉ tiêu thi hành xong về việc và về tiền như hiện giao là quá cao, chưa phù hợp và không đúng thực chất. Trên địa bàn Hà Nội, hàng năm lượng án phải thi hành rất lớn, tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt lượng án kinh doanh thương mại tăng đột biến nên thực hiện chỉ tiêu là hết sức khó khăn. Theo ông Công, cần xây dựng phương án giao chỉ tiêu thi hành xong về việc, về tiền phù hợp với từng vùng, địa phương và thực trạng từng giai đoạn, không mang tính cào bằng, tránh tạo thêm áp lực cho cơ quan Thi hành án dân sự.

Đề nghị bỏ chỉ tiêu giảm án tồn

Nhằm ngăn chặn việc chấp hành viên có thể biến việc có điều kiện sang không có điều kiện thi hành, Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu giảm 7-10% số việc chuyển kỳ sau. Tuy nhiên, theo phân tích của Trung tâm Dữ liệu, thông tin và thống kê thi hành án dân sự thì việc giao chỉ tiêu này không thực tế. Bởi, nhiều đơn vị án chuyển kỳ sau không còn hoặc số chuyển kỳ sau rơi vào tình trạng không thể giải quyết do nguyên nhân khách quan thì không thể đạt các chỉ tiêu này.

 

 

Là địa bàn có lượng án cao nhất cả nước, năm qua thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng đột biến số lượng việc và tiền. Và mặc dù là địa phương được đánh giá năng động, sáng tạo và có nhiều giải pháp bứt phá trong công tác thi hành án dân sự nhưng Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh vẫn cho biết một chỉ tiêu thành phố không đạt đó là chỉ tiêu giảm án chuyển kỳ sau. Theo ông Doanh, việc thực hiện chỉ tiêu này rất khó khăn bởi những hồ sơ tồn lại chủ yếu những hồ sơ mới, khó giải quyết, thậm chí không thể giải quyết cũng không thể miễn giảm. “Tôi đề nghị bỏ chỉ tiêu này vì nó không khả thi, nếu ta cứ đặt ra chỉ tiêu mà không làm được sẽ mang tính áp đặt chủ quan, dễ báo cáo một cách không thực chất để chạy theo thành tích”. Ông Doanh nói và cho rằng việc giao chỉ tiêu đến từng đơn vị nhất thiết phải xem xét đến khối lượng công việc, số chấp hành viên, số việc phát sinh mới, biến động kinh tế xã hội hay vấn đề nhân sự…

Ông Hoàng Thế Anh cũng khuyến nghị “Chỉ tiêu giảm án chuyển kỳ sau cần cân nhắc tính toán cho phù hợp. Những đơn vị không có số chuyển kỳ sau thì không giao chỉ tiêu này. Đồng thời khi giao chỉ tiêu chuyển kỳ sau cần loại bỏ những việc không do lỗi chủ quan của cơ quan Thi hành án dân sự, ví dụ như trường hợp người phải thi hành án không có tài sản thi hành, tài sản kê biên đến lần thứ hai vẫn bán đấu giá không thành, người phải thi hành án không có thu nhập…”

 

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến cho rằng chỉ tiêu quá cao hoặc không khả thi, vẫn có ý kiến đề xuất trong điều kiện hiện nay vẫn cần thiết phải duy trì để bảo đảm làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự.

Thu Hằng


Các tin khác