Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu cơ chế pháp lý bảo đảm thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự”.

24/10/2014
Thực hiện Quyết định số 549/QĐ - BTP ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Bộ năm 2014 với đề tài “Nghiên cứu cơ chế pháp lý bảo đảm thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự”, ngày 24/10/2014, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức Hội thảo với sự chủ trì của Phó Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi, chủ nhiệm Hội thảo là đồng chí Vũ Thị Hằng - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2.

Đến dự Hội thảo có Trung tướng Tạ Xuân Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII - Bộ Công an; các đồng chí đại diện Cục C83 - Tổng cục VIII - Bộ Công an; đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Thanh tra Bộ Tư pháp; đại diện Đoàn Luật sư Hà Nội, đại diện Cục Thi hành án dân sự Bộ Quốc phòng; Cục trưởng và Trưởng phòng nghiệp vụ một số Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc thành phố Hà Nội.

Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan thực trạng công tác thi hành án dân sự phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự trong giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn vướng mắc, nhằm hoàn thiện các quy định về thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, Ban, Ngành có liên quan trong công tác thi hành án phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự. Đồng thời, để tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về việc, về tiền vượt tỷ lệ được giao, đảm bảo chất lượng, chính xác, ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật, nhất là tổ chức thi hành án đạt hiệu quả cao đối với các bản án, quyết định thi hành án hình sự.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Mai Lương Khôi khẳng định công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều địa phương có số lượng việc và tiền thi hành án lớn song kết quả đạt rất thấp, nhất là việc thi hành án phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự chưa hiệu quả, án tồn đọng do nhiều nguyên nhân, trong đó, các đối tượng phải thi hành án phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự đa phần có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người đang chấp hành hình phạt tù giam, một số bản án thi hành số tiền quá lớn (như vụ Epco - Minh Phụng, Vinashin...), một số bản án liên quan đến người nước ngoài,.... Trong khi hệ thống pháp luật thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, dẫn đến công tác tổ chức thi hành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu cơ chế pháp lý bảo đảm thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự” là hết sức cấp bách, cần thiết, đồng thời có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với tham luận của các đồng chí Vũ Thị Hằng - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 về thực trạng công tác thi hành án phần nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định hình sự trong tình hình hiện nay; đồng chí Lê Viết Lĩnh - Phó Cục trưởng Cục C83 - Tổng cục VIII về thực tiễn việc thi hành án dân sự phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự tại các Trại giam, Trại tạm giam; tham luận của đồng chí Lê Quang Tiến về mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan thi hành án hình sự trong việc thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định hình sự; tham luận của đồng chí Phạm Thị Thanh Loan về thực tiễn thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự vụ án lớn như Epco - Minh Phụng...

 

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo có rất nhiều ý kiến của phát biểu trao đổi xung quanh các vấn đề về mối quan hệ giữa cơ quan Thi hành án dâ sự với cơ quan Thi hành án hình sự trong việc thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định hình sự, nhất là thực trạng khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý khoản tiền tồn đọng tại trại giam, cũng như những khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ thi hành án phần dân sự trong bản án hình sự như các ý kiến của đồng chí Phạm Hoài Thuận (Cục Thi hành án dâ sự tỉnh Đồng Nai), đồng chí Trần Văn Quân (Cục Thi hành án dâ sự tỉnh Nam Định), đồng chí Phạm Thị Thanh Loan (Cục Thi hành án dâ sự thành phố Hồ Chí Minh)...

Đặc biệt, ý kiến của đồng chí Tạ Xuân Bình - Trung tướng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII đã nhấn mạnh những vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền của Tổng cục VIII sẽ được chỉ đạo giải quyết ngay và sẽ thông báo kịp thời về việc chấp hành án phạt tù cho cơ quan thi hành án dân sự. Đối với khó khăn trong việc giải quyết án liên quan đến người nước ngoài: Các nghĩa vụ dân sự, hình phạt trục xuất cần có sự tích cực phối hợp giải quyết của hai ngành. Đối với việc trại giam đã thu tiền nhưng phải có giải pháp dứt điểm. Trong thời gian tới, hai ngành có thể xây dựng quy chế phối hợp để giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam.

 

Bế mạc Hội thảo, đồng chí Mai Lương Khôi khẳng định Hội thảo đã đạt được chất lượng, hiệu quả như mục tiêu đã đề ra. Đến năm 2015, toàn ngành thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về việc, về tiền được giao, đảm bảo ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định. Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đã trình bày, ý kiến trao đổi thảo luận, các giải pháp và bài học kinh nghiệm để giải quyết; sẽ nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với cơ quan Thi hành án hình sự; đồng thời quán triệt, triển khai và chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung, giải quyết phần dân sự trong bản án hình sự, góp phần nâng cao chất lượng và tỷ lệ thi hành án dân sự nói chung.

 

Nguyễn Nhàn