Kết quả thi hành án dân sự quý I năm 2008 ở Đắc Nông đạt tỷ lệ thấp

14/04/2008

Kết quả thi hành án dân sự quý I năm 2008 ở Đắc Nông đạt tỷ lệ thấp (39,5% về việc và 10, 39% về tiền), trong đó đơn vị Thi hành án dân sự thị xã Gia Nghĩa đạt tỷ lệ thấp nhất về việc (25,2%), tiếp đến đơn vị Thi hành án dân sự huyện Đắk Mil đạt tỷ lệ 27,2% về việc; Thi hành án dân sự huyện Cư Jút đạt thấp nhất về tiền (4,45%).



Nguyên nhân là do lượng việc phải thi hành án phát sinh ngày càng nhiều, địa bàn phức tạp, quá trình tổ chức thi hành án có nhiều vụ việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến việc kê biên quyền sử dụng đất và ở xử lý tài sản gắn liền với đất…Bên cạnh đó, một số Chấp hành viên, chuyên viên, cán bộ thi hành án chưa đề cao trách nhiệm trong công tác, còn lúng túng trong việc phân loại, xử lý tài sản kê biên, dẫn đến hiệu quả công tác đạt chưa cao; án chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành không mang lại hiệu quả cao.

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác, phấn đấu đến kỳ báo cáo cuối năm phải đạt chỉ tiêu thi hành xong hoàn toàn 75% về việc và 55% về tiền trên số có điều kiện thi hành và thi hành giảm lượng án tồn trong năm cũ xuống 10 đến 15% theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng thi hành án dân sự tỉnh Đắc Nông đã yêu cầu Trưởng Thi hành án dân sự các đơn vị Thi hành án dân sự trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh và nghiêm khắc kiểm điểm đối với các Chấp hành viên, chuyên viên, cán bộ thuộc đơn vị mình nếu thiếu tinh thần trách nhiệm, trì trệ trong công tác, chấp hành kỷ luật lao động kém. Có kế hoạch, giải pháp và phương pháp quản lý, chỉ đạo công việc cụ thể cho từng Chấp hành viên, chuyên viên, cán bộ thi hành án thuộc đơn vị mình quản lý.

Tiến hành rà soát, phân loại án theo quy định của pháp luật. Những vụ việc có điều kiện thi hành phải cương quyết đưa ra thi hành, tổ chức giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành, không được tự ý cho đương sự thi hành chậm, trả góp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, tẩu tán tài sản. Qua công tác phân loại án, những vụ việc nào không có điều kiện thi hành thì phải xử lý theo quy định (trả đơn đối với loại thi hành án theo đơn, hoãn đối với loại án chủ động) tránh tình trạng nể nang, không xử lý, để “câu giờ”; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân làm tốt công tác xét miễn, giảm thi hành án nhằm giảm số lượng án tồn, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của toàn đơn vị.

Thường xuyên thông báo danh sách các đối tượng phải thi hành án đến từng địa bàn, địa phương và các cơ quan liên quan để phối hợp có biện pháp phù hợp giải quyết. Kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những đối tượng phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành.

Khi kê biên, xử lý tài sản là nhà ở và đất, nhất thiết phải tuân thủ đúng các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ, đồng thời nhanh chóng xử lý tiền bán tài sản theo quy định. Trường hợp có vướng mắc phải kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh và Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự ở địa phương để xem xét chỉ đạo.

Đối với các vụ việc hoãn thi hành án, cần xác minh làm rõ điều kiện thi hành án của đương sự để áp dụng hoãn phù hợp với quy định, không được tuỳ tiện cho đương sự hoãn thi hành án. Đối với những vụ việc chưa thể thi hành được vì lý do khác, Trưởng Thi hành án dân sự cần phải kiểm tra, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để có biện pháp chỉ đạo tổ chức thi hành ngay hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên tổ chức thi hành án dứt điểm.

Trong quá trình tác nghiệp, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để tổ chức thi hành đúng trình tự, thủ tục của pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất đơn thư khiếu nại của đương sự; nếu có khiếu nại phải giải quyết dứt điểm trong thời hạn luật định để làm cơ sở cho việc thi hành án.

Bảo Minh