Kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự (từ ngày 01/7/2009 đến 01/7/2013)
Công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ: Chi cục Thi hành án dân sự thành phố tham mưu cho Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận nhằm kiện toàn công tác tổ chức cán bộ như: Quy hoạch, bổ nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng. Đồng thời cử công chức học chính trị, tập huấn nghiệp vụ, học ngoại ngữ, vi tính, tạo điều kiện để công chức tự nâng cao trình độ về mọi mặt để phục vụ công tác tốt. Về biên chế hiện có 18/18 người; lãnh đạo có 01 Chi cục trưởng, 01 Phó Chi cục trưởng, 05 chấp hành viên, 01 thẩm tra viên, 02 Thư ký thi hành án, 05 chuyên viên, 02 kế toán, 01 văn thư - thủ quỹ. So với chỉ tiêu phân bổ, Chi cục còn thiếu 01 chức danh Phó Chi cục trưởng. Có 15/18 công chức có trình độ Cử nhân Luật (chiếm 83%) và 01 công chức có trình độ Cử nhân Kế toán - Tài chính; 01 công chức có trình độ Trung cấp Văn thư - lưu trữ; 01 công chức có trình độ Trung cấp Kế toán, 03/18 công chức được bồi dưỡng ngạch chuyên viên quản lý hành chính nhà nước (chiếm 16%); 02 công chức đã học xong và 01 công chức đang học lớp nghiệp vụ thi hành án.
- Kết quả công tác thi hành án dân sự: Kết quả công tác thi hành án dân sự của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính từ ngày 01/7/2009 đến ngày 01/7/2013 đơn vị đã đạt kết thi hành như sau: Tổng thụ lý là 8.673 việc tương ứng với số tiền là 196.146.218.000 đồng; đã thi hành xong 7.853 việc tương ứng với 151.942.336.000 đồng (đạt 90% về việc và 77% về tiền).
Việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự giữa các cơ quan Tư pháp thành phố trong những năm qua luôn được đánh giá cao. Việc chuyển giao bản án, quyết định từ Toà án nhân dân cho cơ quan Thi hành án dân sự cơ bản được thực hiện kịp thời, tạo thuận lợi cho cơ quan Thi hành án tiếp nhận, thụ lý, đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định pháp luật, đơn vị đã chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp trong công tác xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự được tiến hành theo định kỳ hàng quý. Chính vì vậy, công tác xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, tính từ ngày 01/7/2009 đến ngày 01/7/2013 đã xét miễn được 368 việc với số tiền 219.290.902 đồng.
- Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án: Tập thể lãnh đạo Chi cục đã có sự đổi mới trong công tác quản lý, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn. Phân công, bố trí hợp lý trong việc tổ chức thi hành án, sự chỉ đạo kịp thời của tập thể lãnh đạo Chi cục; các chấp hành viên mạnh dạn, chủ động, tự giác trong công việc hơn, kịp thời đôn đốc, động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, tích cực giải quyết xử lý xong nhiều hồ sơ tồn đọng kéo dài nhiều năm. Đồng thời, cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc có điều kiện nhưng đương sự không tự nguyện thi hành, chủ động trong công việc báo cáo số liệu cho đơn vị tổng hợp, báo cáo; không có chấp hành viên, công chức vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án. Duy trì, họp giao ban để đánh giá các mặt công tác cụ thể đã đề ra theo kế hoạch công tác chi tiết hàng tuần của từng công chức, chấp hành viên, thông qua đó để phản ánh, đánh giá rút kinh nghiệm, xác định những mặt thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong từng vụ việc, từng tình hình cụ thể; lãnh đạo đơn vị tổng hợp có kế hoạch và giải pháp chỉ đạo thực hiện công việc đạt hiệu quả hơn.
Thực hiện theo Luật Thi hành án và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và chỉ đạo nghiệp vụ của ngành cấp trên. Chi cục Thi hành án dân sự thành phố đã phân công thẩm tra viên thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác thẩm tra các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật; đồng thời tham mưu cho Chi cục trưởng thẩm tra các văn bản trước khi ban hành.
Hàng năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác nghiệp vụ tại đơn vị theo định kỳ, qua đợt kiểm tra của cấp trên Lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Công tác tự kiểm tra và kiểm tra hằng năm được lãnh đạo đơn vị chú trọng, hằng năm đơn vị đã tự tổ chức tập trung rà soát, phân loại án, trong đó chú ý nhất đến việc giải quyết những vụ việc phức tạp kéo dài, tồn đọng của các năm trước chuyển sang, tránh tình trạng chưa tổ chức xác minh mà đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành hoặc vì chạy theo thành tích của một bộ phận chấp hành viên, công chức vì “bệnh chạy theo thành tích, chạy chỉ tiêu” mà nảy sinh khâu phân loại không chính xác.
- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự trong những năm qua đã đi vào nề nếp. Các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đều giải quyết đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật, hạn chế được tình trạng đơn thư gửi nhiều cấp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án trong toàn ngành. Qua công tác tiếp công dân, nhằm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc tiếp công dân sẽ giúp cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị được tiến hành một cách hiệu quả, khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng đối với quần chúng nhân dân. Tính từ ngày 01/7/2009 đến ngày 01/7/2013, cơ quan Thi hành án đã thụ lý và giải quyết số đơn thư khiếu nại đạt tỷ lệ 100%, không có đơn tố cáo.
- Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan, chính quyền địa phương: Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong việc tham gia giải quyết, xác minh, cưỡng chế thi hành án; đặc biệt, phối hợp có hiệu quả cùng Ban Tư pháp phường, xã trong việc giáo dục thuyết phục, vận động, đôn đốc, xác minh người phải thi hành án và các đối tượng có liên quan tại cơ sở.
Duy trì họp giao ban công tác nội chính; tham gia các cuộc họp do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố mời và tranh thủ được kịp thời sự chỉ đạo trong việc giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp khi cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp.
- Tình hình về việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đối với các hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự: Quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản dưới luật đã tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng quy định pháp luật trong việc giải quyết thi hành án, đồng thời với sự tuân thủ triệt để quy định pháp luật của chấp hành viên và các công chức khác của đơn vị, nên qua quá trình kiểm tra sự tuân thủ pháp luật đối với công tác thi hành án dân sự của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đã không phát hiện vụ việc nào sai phạm và không có vụ việc nào bị kháng nghị, kiến nghị.
- Các mặt công tác khác:
+ Công tác bảo quản xử lý tang vật, tài sản thi hành án: Việc tiếp nhận, bảo quản tang tài vật đúng theo quy định của ngành; không có trường hợp nào làm hư hỏng, mất mát hoặc không xử lý tang tài vật khi có đủ điều kiện theo quy định.
+ Công tác quản lý kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ họat động thi hành án dân sự được đảm bảo thực hiện đúng quy định.
+ Chế độ báo cáo thống kê: Lập, gửi báo cáo thống kê đúng kỳ hạn, đầy đủ, đúng mẫu biểu. Số liệu trong báo cáo đầy đủ, kịp thời, đặc biệt chính xác về số liệu, thông tin.
+ Đối với hoạt động giám sát, kiểm sát: Hàng năm Hội đồng nhân dân, Viện Kiểm sát huyện tổ chức kiểm tra, giám sát theo chương trình công tác, đơn vị đã báo cáo công tác và giải trình những vấn đề có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát.
+ Về thực hiện quy chế dân chủ, công tác phòng chống tham nhũng: Chi bộ, Lãnh đạo, Ban chấp hành công đoàn cơ sở luôn luôn quan tâm đến việc nâng cao nhận thức, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đảng viên, công chức các vấn đề có liên quan đến hoạt động của cơ quan, chế độ chính sách, quyền lợi cũng như trách nhiệm của đảng viên, công chức, thông tin kịp thời trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt công đoàn, họp cơ quan dựa trên quy chế dân chủ của đơn vị; qua kiểm tra đơn vị được đánh giá thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở.
Đinh Đức Trọng