Những vướng mắc trong hoạt động Thi hành án dân sự

19/03/2011
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đ, bị cáo Đặng Quốc Bình nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư xây dựng tỉnh Đ, cùng bị cáo Nguyễn Thị Định nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng kế toán Công ty tư vấn đầu tư xây dựng tỉnh Đ, các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Tại phiên tòa ngày 24/9/2010 các bị cáo đã thừa nhận các hành vi của mình trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2009 các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình rút tiền ở quỹ Công ty để chi cho các chủ đầu tư, các đối tác và cảm ơn các cơ quan đơn vị đã tạo điều kiện cho Công ty có việc làm và các chi phí ngoại giao khác không đúng quy định của pháp luật gây thất thoát tiền của Công ty tổng số tiền là 600.000.000 đồng. Bản án số 56/2010/HSST ngày 24/9/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ nhận định bị cáo Đặng Quốc Bình, Nguyễn Thị Định đã có hành vi “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.Trách nhiệm dân sự các bị cáo chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền đã bị thất thoát cho Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư, xây dựng tỉnh Đ tổng số tiền 600.000.000 đồng mỗi bị cáo chịu trách nhiệm ½ số tiền. Bị cáo Định đã khắc phục hậu quả nộp 300.000.000 đồng, bị cáo Bình nộp 150.000.000 đồng tại cơ quan công an để khắc phục hậu quả. Tổng số tiền bị cáo Bình còn phải có nghĩa vụ bồi hoàn cho Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng là 150.000.000 đồng.

Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự ra, tại phần quyết định của Bản án còn  tuyên phần trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo như sau:

Trả lại Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng tỉnh Đ 450.000.000 đồng;

Buộc bị cáo Đặng Quốc Bình phải bồi hoàn cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng tỉnh Đ số tiền 150.000.000 đồng (Một số nghĩa vụ  của các bị cáo khác không đề cập ở đây).

Ra Quyết định thi hành án phần nghĩa vụ dân sự và vấn đề thu phí thi hành án có 2 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất

Yêu cầu tòa án giải thích, làm rõ phần Quyết định Bản án, cùng một nghĩa vụ thi hành theo phần nhận định của Bản án các đương sự có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 600.000.000 đồng cho Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng tỉnh Đ, tuy nhiên phần quyết định Bản án tuyên một phần trả lại, phần khác tuyên bồi hoàn dẫn tới làm sai bản chất vụ việc. Bản chất của tiền này là khoản tiền bồi thường do tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khoản tiền này các bị cáo đã làm thất thoát từ trước nay các bị cáo tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả do lỗi cố ý làm trái gây nên; khoản tiền 450.000.000 đồng trên không phải khoản tiền cơ quan  Công an thu giữ phục vụ cho việc điều tra, truy tố xét xử (Không phải là vật chứng vụ án). Mặc dù trường hợp này các đương sự chưa có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền 450.000.000 đồng xong trên thực tế các bị cáo đã tự nguyện nộp, đồng nghĩa với việc người phải thi hành án yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng để được thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình vì thế Ra quyết định thi hành án đối với khoản tiền này cơ quan Thi hành án áp dụng qui định người phải thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án để ra Quyết định, mà không thuộc diện chủ động thi hành án.

Về phí thi hành án: Tại Điều 60 Luật Thi hành án dân sự ngày 14/11/2008 qui định người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự; Điều 1 Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP qui định người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo Bản án, Quyết định của Tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người nộp đơn yêu cầu thi hành án; Mặt khác khoản tiền 450.000.000 đồng là tiền bồi hoàn khắc phục hậu quả do hành vi cố ý làm trái không thuộc một trong những trường hợp theo quy định tại Điều 34 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, qui định về những trường hợp không phải chịu phí thi hành án:

“Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:

1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;

2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận;

3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi;

4. Số tiền hoặc giá trị tài sản theo các đơn yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định;

5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội.”

Mức thu phí thi hành án cơ quan Thi hành án dân sự áp theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP.

Quan điểm thứ hai

Khoản tiền 450.000.000 đồng Tòa án nhân dân tỉnh Đ tuyên trả lại Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng thuộc diện chủ động thi hành án. Cơ quan thi hành án phải áp dụng Điểm b, khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự để ra Quyết định chủ động thi hành án.

Tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự qui định như sau:

1. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Về phí thi hành án: Đối với khoản chủ động thi hành án cơ quan Thi hành án dân sự không thu phí, bởi vì: Khoản tiền 450.000.000 đồng thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng tỉnh Đ do Đặng Quốc Bình và Nguyễn Thị Định làm thất thoát nay đã nộp lại do đó phải tuyên trả lại cho chủ sở hữu.

Về nguyên tắc thu phí thi hành án: Chỉ được thu phí khi những hoạt động đó phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự, mục đích số tiền phí thu được xử dụng nhằm bù đắp một phần các chi phí của hoạt động thi hành án do đó khoản tiền các bị cáo nộp trong quá trình điều tra tại cơ quan Công an không phải là khoản tiền phát sinh trong giai đoạn cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý giải quyết vì vậy không thể thu phí của người được thi hành án.

Trên đây là những vướng mắc trong thực tế của hoạt động thi hành án dân sự rất mong nhận được sự chia sẻ từ quí bạn đồng nghiệp.

Trần Ngọc Bản