Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (LTHADS). Các biện pháp cưỡng chế thi hành án nói chung và biện pháp kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án nói riêng là biện pháp nghiêm khắc nhất mà Chấp hành viên áp dụng khi tổ chức thi hành án (THA). Do đó, các biện pháp này cần phải được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự đồng thời phải bảo đảm được hiệu quả của công tác THA. Trong thực tế, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế THA Chấp hành viên luôn phải cân nhắc kĩ lưỡng và phải tuân thủ triệt để trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhìn chung, hiện nay LTHADS và các văn bản hướng dẫn đã quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp chúng tôi nhận thấy một số quy định vẫn còn vướng mắc cần phải tháo gỡ để công tác cưỡng chế THA đạt được hiệu quả cao hơn. Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến việc áp dụng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (Thông tư 14).
Cụ thể, khoản 1 Điều 6 Thông tư 14 hướng dẫn:
“1. Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.
Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.”
Về mặt lý luận, có thể nói quy định như trên nhằm hạn chế việc đương sự tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA, gây khó khăn cho công tác THA. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân với mục đích cuối cùng là bảo đảm hiệu lực thi hành trên thực tế các bản án quyết định của Tòa án. Mặc dù vậy, khi áp dụng các quy định trên vào thực tế đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc, do thiếu các quy định chi tiết, cũng như thiếu sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Để thấy rõ các vướng mắc đó, chúng ta phải đi sâu phân tích căn cứ xác định chủ sở hữu tài sản trong trường hợp giao dịch của người phải THA được thực hiện kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm làm cơ sở cho việc kê biên, xử lý tài sản.
Trong thực tiễn công tác THA dân sự, biện pháp kê biên tài sản được áp dụng khi người phải THA phải thi hành nghĩa vụ trả tiền và mặc dù người này có điều kiện thi hành (có tài sản) nhưng không tự nguyện thi hành. Để tiến hành kê biên tài sản, Chấp hành viên (CHV) hoặc người được THA phải tiến hành xác minh tài sản của người phải THA và khi có căn cứ cho thấy người phải THA có tài sản nhưng không tự nguyện THA thì CHV mới tiến hành kê biên để THA. Do đó, căn cứ để xác định một tài sản có phải là của người phải THA hay không là rất quan trọng vì CHV chỉ kê biên, xử lý tài sản khi có căn cứ xác định tài sản đó thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản là đất đai (sau đây gọi chung là quyền sở hữu) hợp pháp của người phải thi hành án.
Khi xác định quyền sở hữu tài sản của người phải THA theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14 chúng ta nên chia thành hai nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất gồm các hành vi: bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho của người phải THA cho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm.
Nhóm thứ hai gồm các hành vi: thế chấp, bảo lãnh và cầm cố tài sản cho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm.
Nhóm thứ nhất là nhóm những hành vi nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản sang cho người khác. Nhóm thứ hai là nhóm các hành vi chưa dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác, mà theo quy định của pháp luật thì người phải thi hành án vẫn đang là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản. Do đó, việc kê biên xử lý tài sản mà người phải THA đã thực hiện các hành vi ở nhóm thứ hai được tiến hành theo các quy định hiện hành của pháp luật thi hành án dân sự mà không có vướng mắc về việc xác định chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, việc xác định chủ sở hữu để tiến hành kê biên, xử lý tài sản chỉ đặt ra đối với nhóm thứ nhất gồm các hành vi bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho của người phải thi hành án cho người khác kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm.
Theo quy định của pháp luật, để xác định chủ sở hữu tài sản phải căn cứ theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Dân sự quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu, bao gồm các căn cứ sau:
1. Do lao đông, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
3. Thu hoa lợi, lợi tức;
4. Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
5. Được thừa kế tài sản;
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
7. Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;
8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Đồng thời, tại Điều 167 Bộ luật Dân sự quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản, quy định như sau: “Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với bất động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, quyền sở hữu tài sản của một người có thể được chứng minh bằng văn bản (đối với bất động sản và một số động sản theo quy định của pháp luật) hoặc bằng việc thể hiện đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu trên thực tế (đối với động sản). Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14 thì việc xác định một tài sản được coi là của người phải THA có bị kê biên hay không lại căn cứ vào thời điểm người phải THA chuyển quyền sở hữu cho người khác. Theo đó, thì nếu như kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thực tế khi áp dụng quy định này vào giải quyết việc THA sẽ gặp phải các vướng mắc sau:
Thứ nhất: quy định trên không có sự phân biệt việc bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho là hợp pháp hay không hợp pháp mà chỉ căn cứ vào thời điểm thực hiện giao dịch là kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm. Do đó, nếu là một giao dịch hợp pháp, người phải thi hành án đã bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho tài sản của mình cho người khác thông qua một hợp đồng công chứng hoặc một hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật, thì tài sản bây giờ đã không thuộc quyền sở hữu của người phải THA. Như vậy, để kê biên được thì phải hủy bỏ giao dịch trên vì chúng ta không thể kê biên xử lý tài sản khi mà nó không thuộc quyền sở hữu của người phải THA. Có thể nói, chúng ta chưa có một căn cứ pháp lý cụ thể nào để hủy bỏ giao dịch giữa người phải THA với người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản được thực hiện kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm. Vì hiện nay pháp luật chưa quy định việc có bản án, quyết định sơ thẩm là một căn cứ để hạn chế quyền tài sản đối với chủ sở hữu (người phải THA), trừ trường hợp tài sản đó là đối tượng tranh chấp trong vụ án hoặc đã bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc là đã bị cơ quan THA áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Do vậy, mặc dù đã có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng người phải THA vẫn có thể chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác một cách hợp pháp nếu không thuộc các trường hợp đã loại trừ nêu trên. Khi đó việc hủy bỏ các giao dịch này là rất khó khăn. Trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng cho thấy đây là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo nhằm lẫn tránh nghĩa vụ với người thứ ba theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự.
Thứ hai: nếu CHV vẫn tiến hành kê biên xử lý tài sản của người phải THA đã bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho người khác kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm và hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thực ra trong trường hợp này, việc đương sự khởi kiện tại Tòa án là rất khó xảy ra, vì giữa người bán và người mua không có tranh chấp về tài sản. Hơn nữa, nếu giao dịch này nhằm lẫn tránh nghĩa vụ trả nợ thì người phải THA sẽ cố tình không thừa nhận tài sản là của mình, mà trong thực tế sẽ xảy ra tình huống khác, đó là người nhận chuyền quyền sở hữu tài sản từ người phải THA sẽ khiếu nại đến Cơ quan thi hành án đối với quyết định kê biên của CHV, vì họ cho rằng CHV đã kê biên tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ. Lúc này Cơ quan THA lại phải thêm một bước giải quyết khiếu nại. Còn nếu khi hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án. Như vậy, khi tài sản được phát mãi bán đấu giá để thi hành án, thì việc chuyền quyền sở hữu cho người trúng đấu giá sẽ được thực hiện theo quy định nào, khi mà giao dịch giữa người phải THA với người mua vẫn còn hiệu lực?
Trên đây là những vướng mắc mà hiện nay Cơ quan thi hành án dân sự ở nhiều nơi đang gặp phải. Đặc biệt, các giao dịch mà người phải THA thực hiện kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm hoặc là các giao dịch đã được thực hiện trước đó nhưng chưa tiến hành các thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật, và các giao dịch này thường có giá trị lớn như chuyển nhượng nhà, đất hay ôtô... Do đó, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác thi hành án. Một số ý kiến cho rằng, căn cứ theo hướng dẫn trên, khi có cơ sở xác định người phải THA đã thực hiện giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác kể từ khi có bản án, quyết định sơ thẩm thì vẫn tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản. Tuy nhiên khi đã kê biên, thì cũng chưa thể xử lý tài sản để thi hành án được, vì gặp phải những vướng mắc như đã nêu. Ngược lại, một số ý kiến khác thì cho rằng chỉ căn cứ theo hướng dẫn trên thì chưa đủ cơ sở để kê biên xử lý tài sản. Do vậy, những vụ việc thi hành án thuộc trường hợp được quy định như đã phân tích trên, hiện nay vẫn chưa có hướng xử lý, gây bức xúc cho người được THA và người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản từ người phải THA. Đồng thời cũng làm cho lượng án tồn đọng ở các Cơ quan thi hành án ngày càng nhiều thêm.
Tóm lại, để tiến hành kê biên xử lý tài sản của người phải THA theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư nói trên thì cần sớm có một văn bản hướng dẫn cụ thể để hủy bỏ giao dịch (kể cả giao dịch hợp pháp và giao dịch không hợp pháp) giữa người phải THA với người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản. Lúc đó chúng ta mới có đủ cơ sở xác định tài sản đã giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phải THA làm căn cứ cưỡng chế kê biên xử lý tài sản để thi hành án, tạo điều kiện cho CHV tổ chức thi hành án nhanh chóng, đúng pháp luật đảm quyền và lợi ích chính đáng cho các bên đương sự.
Hồ Quân Chính – Chi cục thi hành án dân sự quận Thủ Đức