Thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung, vấn đề vướng mắc nảy sinh từ một vụ việc cụ thể

27/04/2011


Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 09/QĐST-HNGĐ, ngày 13/3/2009 của Toà án nhân dân huyện B giải quyết việc ly hôn giữa:

Nguyên đơn: anh Vũ Văn T, sinh năm 1972.

Trú tại: thôn P - xã T - huyện B - tỉnh T.

Bị đơn: chị Vũ Thị P, sinh năm 1974.

Trú tại: thôn P - xã T - huyện B - tỉnh T.

Tại phần quyết định đã công nhận:

" ... về quan hệ con chung: Vợ chồng có hai con chung là Vũ Thị Tuyến, sinh ngày 13/11/1996 và Vũ Thị Vân Anh, sinh ngày 07/9/2000. Hai bên thống nhất thoả thuận giao cho chị P được nuôi dưỡng cả hai con chung, anh T cấp dưỡng nuôi con cho chị P 275.000 đ/ một cháu/ một tháng (nộp theo tháng) kể từ tháng 3/2009 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Anh T được quyền đi lại thăm nom con chung, không ai được ngăn cản quyền này..."

Ngày 27/3/2009, chị Vũ Thị P có đơn yêu cầu thi hành án khoản cấp dưỡng nuôi con như trên gửi cơ quan thi hành án dân sự huyện B. Căn cứ nội dung đơn yêu cầu, ngày 30/3/2009, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện B đã ra quyết định thi hành án đối với khoản anh Vũ Văn T phải cấp dưỡng nuôi con chung cho chị Vũ Thị P với mức cấp dưỡng cho hai cháu là 550.000 đ/tháng và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

Sau khi được phân công tổ chức thi hành, Chấp hành viên đã tiến hành các thủ tục tống đạt theo đúng quy định của pháp luật đồng thời động viên, thuyết phục anh Vũ Văn T thi hành nghĩa vụ của mình. Trong quá trình làm việc, anh Vũ Văn T đã nộp được tiền cấp dưỡng nuôi con của tháng 3/2009. Chấp hành viên đã tiến hành chi trả cho chị Vũ Thị P theo đúng quy định.

Đến ngày 03/7/2009, anh Vũ Văn T có đơn đề nghị gửi cơ quan thi hành án dân sự huyện B, nội dung trong đơn trình bày là sau khi nhận được tiền cấp dưỡng nuôi con 01 tháng, chị Vũ Thị P đã bỏ mặc hai con ở nhà với bà ngoại, chị đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài và hiện tại anh T phải đón hai con về trực tiếp nuôi dưỡng.

Quá trình làm việc tiếp theo, cơ quan thi hành án xác định được chị Vũ Thị P đang đi lao động tại Đài Loan, đại diện chính quyền địa phương cũng xác nhận việc anh T đang phải trực tiếp nuôi dưỡng hai con là có thực đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án xem xét đến việc thi hành khoản anh T phải cấp dưỡng nuôi con chung theo quyết định của Toà án nhân dân huyện B vì thực tế hiện nay chị P không trực tiếp nuôi dưỡng nên không thể buộc anh T phải cấp dưỡng.

Để tổ chức thi hành vụ việc này, hiện nay có một số ý kiến xin đưa ra để các đồng nghiệp cùng tham khảo và đóng góp ý kiến. Mục đích cuối cùng là đảm bảo được quyền, lợi ích thực tế và hợp pháp của các đương sự cũng như quyền lợi của hai cháu là đối tượng trong quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng.

Ý kiến thứ nhất: Chấp hành viên vẫn tiến hành đôn đốc thi hành khoản anh T phải cấp dưỡng cho chị P theo đúng quyết định thi hành án đã ban hành và trình tự do pháp luật quy định. Cụ thể, hàng tháng anh Vũ Văn T vẫn phải nộp khoản tiền 550.000 đ cho cơ quan thi hành án. Sau khi thu được tiền, Chấp hành viên phải tiến hành chi trả theo đúng quy định tại điểm 3.2 mục III Thông tư số 06/2007/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự.

Về cách xử lý này, có thể nói là đảm bảo được tính liên tục, chặt chẽ của hồ sơ thi hành án nhưng có điều bất hợp lý cá nhân tôi không đồng ý vì lý do theo khoản 1 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: " Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con". Nếu căn cứ vào thực tế và đối chiếu với quy định này thì anh Vũ Văn T không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng vì thực tế là anh đang trực tiếp nuôi dưỡng hai con. Tuy nhiên trách nhiệm của Chấp hành viên đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 20 Luật THADS đó là tổ chức thi hành đúng bản án, quyết định... Mà tại quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự đã ghi nhận anh Vũ Văn T cấp dưỡng cho chị Vũ Thị P.

Chấp hành viên đã hướng dẫn anh Vũ Văn T căn cứ quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình để liên hệ với Toà án nhân dân huyện B làm thủ tục yêu cầu thay đổi người nuôi con, tuy nhiên khi anh T liên hệ với Toà án thì lại gặp phải vướng mắc do Toà án trả lời rằng việc thay đổi người nuôi con phải có mặt của cả hai người (anh T và chị P) mới giải quyết được?

Đến đây, việc thi hành án gặp phải khó khăn vì theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người nuôi con, về phía đương sự là anh Vũ Văn T thì không thể thực hiện được quyền này. Về quan hệ thi hành án dân sự thì anh Vũ Văn T vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo như Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự đã được ghi nhận tại Toà án, nhưng như vậy lại trái với tinh thần đã được quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình.

Ý kiến thứ hai: Chấp hành viên hướng dẫn anh Vũ Văn P liên hệ với Toà án nhân dân huyện B để yêu cầu thay đổi người nuôi con, đồng thời Chấp hành viên lập biên bản về việc thực tế anh Vũ Văn P đang là người trực tiếp nuôi con chung và sẽ không đôn đốc tổ chức thi hành đối với anh P nữa.

Về ý kiến này có thể nói là hợp tình nhưng không hợp lý. Bởi vì, nó vẫn đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của hai đứa trẻ (Vẫn có người nuôi dưỡng thực tế là anh Vũ Văn P), nhưng xét về góc độ pháp luật, nó chưa đảm bảo được quyền lợi của chị Vũ Thị T đã được pháp luật ghi nhận, mặc dù chị Vũ Thị T chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ nuôi con chung của mình nhưng cũng chỉ có bằng bản án hoặc quyết định của Toà án mới có thể làm thay đổi quyền, nghĩa vụ nuôi con cũng như quyền được cấp dưỡng của chị Vũ Thị T.

Trên đây là hai ý kiến xoay quanh việc giải quyết vụ việc này, để có thể đưa ra cách giải quyết tối ưu nhất đòi hỏi trong các quy định của pháp luật phải thực sự thống nhất và Chấp hành viên cần phải khéo léo, linh hoạt để việc thi hành án có thể kết thúc, không xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tóm lại, hiện nay giữa các quy định của pháp luật còn có nhiều bất cập và chưa thực sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Xuất phát từ vụ việc thực tiễn nêu trên, xin được tiếp thu các ý kiến đóng góp, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp.

Xin chân thành cảm ơn!

Lương Thanh Tùng