Trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước giành nhiều sự quan tâm cho công tác thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan thi hành án từng bước giải quyết căn bản các loại án, đặc biệt việc xét miễn giảm đối với án ma túy; án phạm tội có tổ chức thu lời bất chính có số tiền phải thi hành lớn. Tuy nhiên tỉ lệ án tồn đọng từ nhiều năm trước đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá cao trong đó có những việc thi hành án mà nghĩa vụ thi hành là người nước ngoài, hoặc có liên quan đến người nước ngoài. Từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 đến Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chưa có qui định cụ thể nào áp dụng cho việc thi hành án đối với người nước ngoài do đó việc giải quyết, xử lý những vụ việc này các Chấp hành viên Cơ quan thi hành án hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Luật THADS 2008 cũng chỉ qui định rất chung về vấn đề tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án: Điều 181 Luật THADS quy định như sau:
1. Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
2. Cơ quan Thi hành án dân sự có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ uỷ thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp
Tuy nhiên về ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định như sau:
1. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đã có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp là ngôn ngữ được quy định trong điều ước quốc tế đó.
2. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hồ sơ phải kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ của nước được yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc dịch ra một ngôn ngữ khác mà nước được yêu cầu chấp nhận.
3. Cơ quan lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp phải dịch hồ sơ ra ngôn ngữ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Cơ quan lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp phải dịch ngôn ngữ đó ra ngôn ngữ nước ngoài. Việc cơ quan Thi hành án dân sự phải dịch các văn bản có liên quan đến tài liệu ủy thác tư pháp cũng là những vướng mắc đối với chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp, tài liệu đó thuê tổ chức, cá nhân nào dịch ra ngôn ngữ nước ngoài, tính pháp lý của văn bản dịch ra sao; Trình tự thủ tục ủy thác tư pháp về thi hành án dân sự đối với người nước ngoài cũng chưa được Luật THADS năm 2008 hay các văn bản dưới luật quy định cụ thể; có những trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài đang thụ hình nhưng không có tài sản để thi hành; trường hợp thay đổi nơi giam giữ, cải tạo; trường hợp khác có thể đã được Tòa tuyên vô tội nhưng tang vật vụ án vẫn đang ở kho cơ quan thi hành án chưa xử lý được vì nhiều lý do có thể chỉ là những giấy tờ liên quan đến nhân thân người nước ngoài như giấy tờ tùy thân, Giấy phép lái xe… hoặc có những tài sản là tiền kíp Lào, tiền nhân dân tệ nhưng giá trị tài sản không lớn. Những tài sản này Bản án tuyên trả cho các đối tượng là người nước ngoài xong một số đối tượng đã hồi hương về nước việc xử lý các tài sản trên cũng là những khó khăn cho Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Giải pháp của cơ quan Thi hành án dân sự đối với các đối tượng hiện đang chấp hành hình phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam là tích cực phối hợp với cơ quan này để giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ theo Bản án, Quyết định mà họ được hưởng và trách nhiệm dân sự phải thực hiện.
Đối với các trường hợp người phải thi hành án đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc vì lý do khác mà đã hồi hương về nước, phần dân sự của Bản án, Quyết định của Tòa án cơ quan Thi hành án dân sự hiện tại không có căn cứ để hoãn hay đình chỉ thi hành án. Theo Điều 48 Luật THADS 2008 Thủ trường cơ quan thi hành án ra Quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp: Người phải thi hành án ốm nặng có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo Bản án, Quyết định; người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án; người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên; tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết; việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này. Các trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài địa chỉ cư trú đã được ghi cụ thể trong Bản án. Tuy nhiên việc để xác minh về nhân thân, tài sản của người phải thi hành án ở nước ngoài hiện nay cơ quan Thi hành án không thể thực hiện do đó cơ quan Thi hành án dân sự không có cơ sở để hoãn thi hành án theo Điều 48 Luật THADS 2008 và cũng không có căn cứ để đình chỉ thi hành án theo Điều 50 Luật THADS 2008.
Căn cứ xét miễn giảm theo Điều 61 Luật THADS 2008 điều kiện để xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án trước tiên là người phải thi hành án không có tài sản. Tuy vậy để xác minh người phải thi hành án có tài sản hay không Chấp hành viên phải tiến hành tổ chức xác minh tài sản, nơi cư trú của người phải thi hành án xong như đã nêu ở trên việc xác minh người phải thi hành án là người nước ngoài không có địa chỉ cư trú tại Việt Nam thì Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án hiện tại không thực hiện được vì thế những vụ việc thi hành án liên quan đến người nước ngoài các Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền do vậy số lượng án tồn mà người phải thi hành án là người nước ngoài tại một số địa phương đang ngày một nhiều thêm.
Trần Ngọc Bản