Một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng Luật Thi hành án dân sự 2008

16/09/2013
Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực Tư pháp phù hợp với mục tiêu của chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng năm 2020 và Chiến lược cải cách Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị, ngày 14/11/2008 Quốc Hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự gồm 9 chương, 183 điều. Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009.


Luật Thi hành án dân sự cùng với Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự,… đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, từng bước cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược của công cuộc cải cách tư pháp nói chung. Tuy nhiên, qua thực tiễn bốn năm thực hiện cho thấy Luật Thi hành án dân sự còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung như:

1. Quy định về việc ra quyết định thi hành án.

“Khoản 1, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định:

1. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

Trong thực tiễn một số bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết việc dân sự, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài,… khi ra quyết định thi hành án đối với khoản “lệ phí Tòa án” cơ quan Thi hành án dân sự còn gặp khó khăn về căn cứ pháp lý do điều luật chưa quy định cụ thể.

2. Quy định về xác minh điều kiện thi hành án.

“Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định:

1. Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.

Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.”

Như vậy, theo quy định tại Khoản 2, Điều 44 thì thời hạn xác minh trong thi hành án chủ động là 10 ngày, quy định này trong quá trình áp dụng có một số bất cập như sau:

Theo Điều 45, Luật Thi hành án dân sự thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Như vậy, trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án thì kết quả xác minh của chấp hành viên không có giá trị.

Trường hợp kết quả xác minh xác định người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, mà theo quy định tại Khoản 3, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định “Thời hạn ra quyết định hoãn thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án quy định tại Khoản 1 điều này... ”. Như vậy, nếu ra quyết định hoãn thì không đúng quy định vì chưa hết thời gian tự nguyện thi hành án, nếu không ra quyết định hoãn thì không đúng Khoản 3, Điều 48.

Việc đảm bảo thời hạn xác minh theo quy định hiện hành là vấn đề rất khó thực hiện trên thực tế nhất là đối với các cơ quan Thi hành án dân sự có số lượng việc thi hành án lớn hoặc trường hợp Tòa án thực hiện việc chuyển giao bản án, quyết định theo từng đợt.

3. Quy định về miễn, giảm.

“Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định:

1. Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 5.000.000 đồng.

2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng.

3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:

a) 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b) 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng.

4. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được tiến hành thường xuyên nhưng mỗi người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm. Trường hợp một người phải thi hành nhiều khoản nộp ngân sách nhà nước trong nhiều bản án, quyết định khác nhau thì đối với mỗi bản án, quyết định, người phải thi hành án chỉ được xét miễn hoặc giảm thi hành án một lần trong 01 năm”.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 61 thì một trong những điều kiện để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là người phải thi hành án phải thi hành được một phần nghĩa vụ. Quy định này rất khó thực thi vì rất nhiều vụ việc đủ điều kiện về thời gian nhưng người phải thi hành án không có khả năng thi hành dù khoản tiền rất nhỏ, gia đình người phải thi hành án thuộc hộ nghèo ở địa phương hoặc người phải thi hành án là người nước ngoài, không rõ địa chỉ,…đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng kéo dài nhiều năm nhưng không có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Điểm a, Khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định: “05 năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Tuy nhiên, trên thực tế một số vụ việc đã đủ điều kiện về thời gian nhưng giá trị còn lại trên 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng khi đề nghị giảm không được Tòa án, Viện Kiểm sát chấp nhận do Luật Thi hành án dân sự không quy định, thậm chí có những trường hợp đã đề nghị và được xét giảm đến dưới 10 triệu đồng phải dừng lại không được xét giảm tiếp mà phải đợi đủ thời gian 10 năm để xét miễn.

Chu Thị Thúy Hằng

Cục THADS Lào Cai