Án khó thi hành

13/01/2014
Thuật ngữ "án khó thi hành" thường được cơ quan Thi hành án dân sự hay dùng để chỉ những bản án, quyết định của Tòa án khó thi hành trên thực tế. Vậy, thế nào được gọi là án khó thi hành?


Thực tiễn thi hành án thường gặp "án khó thi hành"

Thi hành án là giai đoạn cuối cùng trong quá trình giải quyết vụ án. Đúng vậy, bởi bản án, quyết định của Tòa án chưa được đưa ra thi hành trên thực tế, đương nhiên vụ án chưa được giải quyết triệt để, Tòa tuyên mới chỉ là trên giấy. Hoạt động thi hành án nhằm bảo đảm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được đưa ra thi hành trên thực tế kịp thời, có hiệu quả. Bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, công lý được thực thi trên thực tế. Không những thế, công tác thi hành án còn kiểm tra tính chính xác, có căn cứ, phù hợp với thực tế khách quan của vụ án.

Tuy vậy, có những vụ án sau khi án có hiệu lực, đưa ra thi hành thì không biết phải thi hành thế nào cho đúng. Có những bản án, quyết định của Tòa án khi đưa ra thi hành chính quyền không ủng hộ, dư luận không đồng tình, người phải thi hành án kêu oan, chống đối quyết liệt, hàng năm trời không thi hành được, …

Bản án số 03/2013/DSST ngày 29/7/2013 của Tòa án nhân dân huyện ST, tuyên: Buộc vợ chồng ông C và bà K phải trả cho Ngân hàng ĐA số tiền 334.600.000 đồng. Nếu chậm trả số tiền này, ông C và bà K còn phải trả tiền lãi phát sinh, kể từ ngày xét xử là ngày 29/7/2013 cho đến khi thi hành án xong theo hợp đồng vay vốn. Cũng trong bản án này, Tòa án còn tuyên "Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu vợ chồng ông C và bà K không trả số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán".

Cơ quan Thi hành án dân sự "bí" không biết tính lãi suất theo cách nào? đành phải làm Công văn yêu cầu Tòa giải thích những điểm chưa rõ. Tại Công văn số 90/CV-TA ngày 14/10/2013 Tòa khẳng định: Tòa án nhân dân huyện ST không dùng Công văn này (Công văn của cơ quan Thi hành án) để nhằm giải thích cho bản án đã tuyên. Việc xét xử của Tòa án nhân dân huyện ST là hoàn toàn đúng với qui định của pháp luật, không có gì là khó khăn cho việc thi hành án". Đến đây, cơ quan Thi hành án dân sự bó tay, dở khóc, dở cười khi phải thi hành một bản án như vậy.

Ở một vụ án khác, cán bộ thi hành án toát mồ hôi khi đến nhà người phải thi hành án để tống đạt quyết định thi hành án. Chưa ngồi nóng chỗ đã bị chủ nhà xua đuổi và cho rằng không biết gì về việc Tòa án giải quyết. Điềm tĩnh, nhẹ nhàng, kiên trì giải thích, lúc này đương sự mới "hạ hỏa".

Chuyện là thế này, theo hợp đồng sang nhượng đất do ông ĐXS viết ngày 29/01/2010, ông ĐXS sang nhượng của bà NTS 01 lô đất, diện tích 2.511 m2 (81m x 31m) với giá 97 triệu đồng (đất của bà S chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chưa được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực - NV).

Năm 2011, toàn bộ lô đất này Nhà nước quy hoạch, thu hồi để xây dựng Trung tâm dạy nghề. Gia đình ông ĐXS đã được Nhà nước chi trả tiền bồi thường vào ngày 18/02/2011. Ngày 02/11/2011 ông ĐXS khởi kiện đòi hủy hợp đồng sang nhượng đất với bà NTS. Đã được Tòa án thụ lý vụ án số 06/2011/TLST ngày 01/11/2011. Đến ngày 16/11/2011 ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 03/2011/QĐST-DS. Tại quyết định này, xử: Nguyên đơn anh ĐXS với bị đơn bà NTS cùng thống nhất hủy hợp đồng sang nhượng đất (giấy viết tay) đề ngày 29/01/2010. Bà NTS trả lại cho anh ĐXS số tiền 93 triệu đồng, vào ngày 01/3/2012.

Sau khi cơ quan Thi hành án dân sự vào cuộc tổ chức thi hành, bị vợ chồng bà NTS phản đối quyết liệt. Bà S cho rằng không hề nhận được bất cứ giấy tờ gì của Tòa án, khi cơ quan Thi hành án đến làm việc bà mới biết? Theo bà NTS, quá trình giải quyết vụ án, bà chỉ nhận được hai cuộc điện thoại của Tòa án. Ngoài ra, bà không nhận được bất cứ giấy tờ gì của Tòa án. Cả hai lần đến Tòa án, đều có mặt bà TTMT (vợ ông ĐXS-NV), không có mặt ông ĐXS. Lần đầu đến theo điện thoại của Tòa án, bà đã trình bày với Tòa: Hai bên mua bán đã xong, vợ chồng ông ĐXS đã nhận tiền đền bù của nhà nước. Vì thế, bà không đồng ý trả lại tiền cho ông ĐXS. Thế là bà ra về mà không hề ký vào bất cứ một giấy tờ gì của Tòa án. Sau đó ít hôm, bà lại đến Tòa án theo yêu cầu của Tòa án qua điện thoại. Lần này, bà nhất trí trả lại tiền cho ông ĐXS và ông ĐXS trả lại đất cho bà. Sau đó cán bộ Tòa án đưa biên bản bảo bà ký vào, bà ký chứ không biết biên bản gì, vì bà không biết đọc?.

Những lời trình bày của bà S có hay không, đúng hay sai chúng tôi chưa đề cập đến. Ở đây, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông ĐXS với bà S, khi đất của bà S chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chưa được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Là vi phạm pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đây là một trong những trường hợp không được hòa giải qui định tại Điều 181 Bộ luật tố tụng dân sự. Hơn nữa, ông ĐXS đã nhận đủ tiền bồi thường và giao đất cho Nhà nước để xây dựng Trung tâm dạy nghề. Thế nhưng, Tòa án vấn hòa giải? Đơn khởi kiện của ông ĐXS đề ngày 02/11/201, cấp sơ thẩm thụ lý ngày 01/11/2011 là trái pháp luật.

Sau khi cấp sơ thẩm giải quyết, dư luận băn khoăn về việc giải quyết vụ án, cho rằng ông ĐXS là cán bộ mà tham, "ăn hai mang, đã nhận tiền đền bù còn được Tòa án buộc bà S trả lại tiền bán đất, còn bà S tiền mất, tật mang". Chính quyền địa phương không đồng tình, ủng hộ. Người phải thi hành án kêu oan, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Gia đình người được thi hành án chuyển về thành phố KT công tác, sinh sống.

Muôn kiểu “án khó thi hành”, hai ví dụ trên trong nhiều vụ án mà cơ quan Thi hành án dân sự thường gặp phải trên thực tế. Đặc biệt, loại án (đa số là án tranh chấp dân sự) sau khi đưa ra thi hành thì người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ luôn kêu oan, chống đối quyết liệt, liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đi nhiều nơi, nhiều cấp yêu cầu xem xét lại bản án, tạm dừng việc thi hành án. Dư luận cũng không đồng tình, chính quyền sở tại cũng không đồng tình ủng hộ.

Pháp luật qui định

“Án khó thi hành” chưa có văn bản pháp luật nào qui định. Trong các bộ Luật Tố tụng hình sự, bộ Luật Tố tụng dân sự cũng như bộ Luật Tố tụng hành chính chỉ có một số điều luật mang tính khắc phục đối với những bản án, quyết định của Tòa án, khi phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai, thì mới được sữa chữa, bổ sung. Đối với những trường hợp này, thì cơ quan Thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Trong thời hạn mười lăm ngày (trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày), kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

Thực tế có những trường hợp khi cơ quan Thi hành án có văn bản yêu cầu. Toà án đã ra bản án, quyết định cứ làm “thinh” hoặc có văn bản trả lời không đúng những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu như ví dụ đầu đã nêu, thì pháp luật chưa quy định chế tài xử lý.

Đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Mà cá nhân, cơ quan, tổ chức phát hiện có một trong những căn cứ kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; việc điều tra xét hỏi tại phiên Tòa phiến diện hoặc không đầy đủ. Thì thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm theo qui định của pháp luật. Còn người có quyền kháng nghị sau khi nhận được thông báo bằng văn bản có kháng nghị hay không? khi nào thì kháng nghị? luật không qui định.

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự là: Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

Tại Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Hướng dẫn một số vấn đề về thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự. Hướng dẫn: “Đối với những trường hợp đã có văn bản kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định mà không nhận được văn bản trả lời khi đã hết thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự hoặc tuy chưa hết thời hạn mà nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc không có cơ sở chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó”. Hướng dẫn này có trái với qui định của Luật Thi hành án dân sự?.

Khi đưa các vụ án "khó thi hành" “kiểu” này ra hi hành, cơ quan thi hành án cũng boăn khoăn, day dứt, thấy “chết” mà không cứu được, mặc dù đã cố hết sức. Theo qui định của pháp luật, buộc cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành, dẫn đến người phải thi hành án phản ứng quyết liệt, khiếu nại kéo dài. Vì thế, có những vụ án kéo dài hàng năm vẫn không thi hành được hoặc có những vụ việc đã thi hành xong lại nhận được quyết định giám đốc thẩm, xử ngược lại, hậu quả rất khó khắc phục.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại trong thi hành án dân sự ngày càng tăng, cũng là một trong những nguyên nhân án tồn đọng, kéo dài khó giải quyết cho thấu tình đạt lý. Thiết nghĩ, khi xây dựng pháp luật, nhất là các luật tố tụng và thi hành án. Nhà làm luật cần phải dự liệu các tình huống xảy ra trên thực tế, có qui định chặt chẽ xem xét lại những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật còn nhiều vướng mắc trên thực tế thi hành án.

Phạm Công Ý