Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng biện pháp bảm đảm thi hành án dân sự và một số giải pháp

23/04/2014
Trong thực tế tổ chức thi hành án cho thấy, nhiều trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án có tài sản nhưng trốn tránh, tẩu tán, hủy hoại tài sản dẫn đến không còn điều kiện thi hành án.Trong khi đó, thời gian từ khi xác minh đến khi tổ chức cưỡng chế phải thực hiện rất nhiều thủ tục, trình tự kéo dài, khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Để ngăn chặn các hành vi nêu trên của người phải thi hành án, kịp thời khắc phục những bất cập và tạo hành lang pháp lý cho chấp hành viên thực thi nhiệm vụ, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án trong Mục 1 Chương IV, từ Điều 66 đến Điều 69 gồm 03 biện pháp: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản của người phải thi hành án. Các quy định trên đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009. Đây hoàn toàn là điểm mới của Luật thi hành án dân sự và Nghị định hướng dẫn thi hành so với các quy định về thi hành án dân sự trước đây, đặt những cơ sở pháp lý để chấp hành viên tiến hành các hoạt động thi hành án nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án của người phải thi hành án, đảm bảo các bản án, quyết định được thi hành một cách triệt để và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian gần 5 năm thi hành theo Luật thi hành án dân sự, các chấp hành viên rất hạn chế áp dụng các biện pháp bảo đảm này, vì quá trình áp dụng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, trong tiến trình sửa đổi Luật thi hành án dân sự, một trong những nội dung đề xuất cần sửa đổi là các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án.


1.Một số khó khăn vướng mắc

Thứ nhất, Luật Thi hành án dân sự không quy định việc thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Điều 11 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định “Quyết định phong tỏa tài khoản phải xác định số tiền bị phong tỏa”. Hiện nay, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự đã xác định rõ vấn đề này trong Điều 67. Vì vậy, để xác định số tiền bị phong tỏa được chính xác, chấp hành viên cần phải tiến hành các hoạt động thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước. Thực tế đã xảy ra trường hợp chấp hành viên do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ, đã vội vàng ra quyết định phong tỏa tài khoản không đúng đối tượng, dẫn đến việc người phải thi hành án có cơ hội đã rút hết tiền trong tài khoản của mình.

Khi áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, việc thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án do người được thi hành án tiến hành xác minh gặp nhiều khó khăn do vướng phải các quy định về bảo mật thông tin khách hàng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, kho bạc Nhà nước. Các tổ chức này sẽ viện dẫn các quy định tại Điều 17 và Điều 104 Luật các Tổ chức tín dụng để từ chối cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Do đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, kho bạc Nhà nước lấy lý do đó không hợp tác trong việc cung cấp thông tin cho người được khi hành án. Điều 176 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chỉ quy định về trách nhiệm của kho bạc, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự chứ không quy định chế tài xử lý khi các tổ chức này không thực hiện hết trách nhiệm.

Thứ hai, Khoản 1 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự có quy định việc chấp hành viên có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng, trên thực tế thi hành nhiều trường hợp gặp khó khăn. Mặc dù, Điều 11 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thi hành án và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên theo quy định của Luật này”, nhưng thực tế, việc này gặp rất nhiều khó khăn.

Ví dụ: Chấp hành viên trong quá trình tống đạt quyết định thi hành án cho đương sự là ông Lê Văn Vượng về việc ông Vượng phải trả cho ông Lê Văn Quang số tiền 30.000.000 đồng và lãi chậm thi hành án. Qua đơn yêu cầu thi hành án của ông Quang, được biết hiện nay ông Vượng đang sử dụng một chiếc xe máy hiệu Vision biển kiểm soát 29F-26288. Chi cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án và giao cho chấp hành viên tổ chức thi hành. Chấp hành viên tiến hành tống đạt quyết định thi hành án theo đúng quy định. Khi đến nhà ông Vượng, chấp hành viên phát hiện trong nhà ông Vượng có chiếc xe máy đúng như ông Quang đã cung cấp. Chấp hành viên tiến hành lập biên bản tạm giữ ngay chiếc xe máy. Trong quá trình lập biên bản tạm giữ tài sản, thì ông Vượng cho rằng, chiếc xe máy này không phải của ông mà do em trai ông gửi, ông Vượng quyết liệt chống đối việc tạm giữ tài sản của chấp hành viên. Chấp hành viên đã yêu cầu công an xã (được chấp hành viên mời đến làm việc) và trưởng thôn hỗ trợ để tạm giữ chiếc xe, nhưng công an xã không phối hợp với lý do họ không có trách nhiệm trong việc tạm giữ tài sản của đương sự, nhất là lại không có chỉ đạo của cấp trên về việc tạm giữ tài sản. Do đó, việc lập biên bản tạm giữ và việc tạm giữ chiếc xe máy trên không thể thực hiện được.

Phân tích tình huống trên thấy rằng, mặc dù Luật trao quyền cho chấp hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án tại bất cứ thời điểm nào của quá trình thi hành án, nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán hủy hoại tài sản của người phải thi hành án. Tuy nhiên, nếu không có được sự phối hợp của các cấp, các Ngành liên quan, nhất là lực lượng tại chỗ như công an xã, trưởng thôn…, thì chấp hành viên hoàn toàn “Đơn thương độc mã”, rất khó thực hiện được nhiệm vụ này, và có thể thấy quy định này sẽ chỉ nằm trên giấy mà không có giá trị trên thực tế.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm dừng đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản của người phải thi hành án bằng hình thức ra quyết định.

Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp cần linh hoạt, không nên áp dụng việc ra quyết định mà nên soạn thảo công văn vì thời hạn kể từ ngày khi ra quyết định tạm dừng 15 ngày là quá ngắn, chấp hành viên phải thực hiện việc kê biên tài sản hoặc phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Ví dụ:

Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận dân sự số 15/QĐ-DS ngày 21/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện T, chị Lê Thị Lan phải trả chị Lê Thị Bình số tiền: 159.158.000 đồng. Quá trình tổ chức thi hành án, qua cung cấp thông tin của người được thi hành án và qua xác minh, chấp hành viên đã xác minh được chị Lan có tài sản là 100m2 đất. Nhưng ngay sau đó, chị Lan và chị Bình trực tiếp đến gặp chấp hành viên đề nghị ghi nhận thỏa thuận của hai bên đương sự xin tạm hoãn việc thi hành án trong thời hạn 02 tháng để chị Lan thu xếp trả chị Bình số tiền trên. Vậy trong trường hợp này, chấp hành viên không thể ra quyết định tạm dừng việc chuyển dịch quyền sử dụng đất của chị Lan được vì sau thời hạn 15 ngày phải xử lý tài sản, trong khi thời hạn thỏa thuận của hai bên là 02 tháng? Mà nếu không có văn bản gì thì trong thời gian đó, có thể chị Lan sẽ chuyển dịch, tẩu tán tài sản. Trong trường hợp này, chấp hành viên chỉ có thể xây dựng công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện (quận), Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tạm dừng việc chuyển dịch tài sản trên cho đến khi hết thời gian hoãn thi hành án sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo.

Hơn nữa, đối với trường hợp chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đều chưa quy định trong trường hợp nào thì chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án. Như vậy, chấp hành viên chỉ có thể linh hoạt vận dụng và tham khảo theo quy định tại Điều 77 Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án.

Thứ tư, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về thời hạn ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, do đó sau khi có thông tin bao nhiêu ngày thì ra quyết định hay sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án có thông tin và yêu cầu của người được thi hành án thì ra quyết định, hay hết thời gian tự nguyện mới ra quyết định? Nếu không có quy định cụ thể thì chắc chắn khi áp dụng, chấp hành viên sẽ gặp phải những khó khăn vướng mắc nhất định.

Về quy định thời hạn áp dụng tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên ra một trong các quyết định sau: Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án hoặc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sỡ hữu của người phải thi hành án, việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.” Như vậy, nếu ngay tại thời điểm người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án và đề nghị áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp bảo đảm mà cần áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ dẫn đến vướng mắc vì thời hạn tự nguyện thi hành án theo Điều 45 Luật Thi hành án dân sự là 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Tương tự như vậy, tại Điều 69 Luật thi hành án dân sự quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”.

Rõ ràng trên thực tế, việc xác định chủ sở hữu tài sản không dễ dàng, phụ thuộc nhiều vào việc phản hồi của các cơ quan chức năng quản lý tài sản. Việc quy định thời hạn 15 ngày là quá ngắn để chấp hành viên xác định được chủ sở hữu tài sản để có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, tạm dừng việc đăng ký chuyển quyền sỡ hữu hoặc trả lại tài sản được. Để tiến hành các công việc tiếp theo sau khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm dừng thì thời hạn 15 ngày trong đa phần các trường hợp, chấp hành viên không thể kịp thời giải quyết được, từ đó dẫn đến tâm lý “Ngại” áp dụng các điều luật này để ra các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm.

2. Đề xuất một số giải pháp

Để các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án được chấp hành viên áp dụng trong thực tế được triệt để, góp phần tổ chức thi hành án dân sự đạt hiệu quả, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự về lĩnh vực này như sau:

Một là, cần thắt chặt hơn nữa các chế tài đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc từ chối phối hợp thực hiện yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên như: Phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thiết lập nên các quy chế, chế định, chế tài để xử lý các hành vi làm cản trở đến công tác thực thi pháp luật thi hành án trên cơ sở tuân thủ Điều 106 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định: “Các bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 tại Điều 176 quy định về trách nhiệm của kho bạc, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự cần  quy định chế tài xử lý khi các tổ chức này không thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Hai là, quy định rõ thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định hướng dẫn thi hành chưa có quy định nào hướng dẫn thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng tuỳ thuộc vào ý chí chủ quan và không thống nhất giữa các chấp hành viên, như vậy dễ dẫn đến việc khiếu nại của đương sự. Trong thực tiễn, có những trường hợp khi đương sự nộp đơn đề nghị cơ quan Thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm, có thể chấp hành viên sẽ ra ngay quyết định áp dụng, nhưng cũng có thể vài ngày, thậm chí là lâu hơn chấp hành viên mới ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm. Việc chậm trễ này có thể ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi hành, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Ba là, cần mở rộng, kéo dài thời hạn áp dụng quyết định bảo đảm để thời hạn sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm đủ để chấp hành viên tiến hành các biện pháp xử lý do việc xác định chủ sở hữu tài sản không dễ dàng, phụ thuộc nhiều vào việc phản hồi của các cơ quan chức năng quản lý tài sản. Do đó, đối với biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự cần quy định thời gian 30 ngày hoặc 45 ngày để chấp hành viên có thời gian xử lý; đối với biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, để đảm bảo chấp hành viên có thời gian xử lý thì cần quy định trong thời hạn 45 ngày, trường hợp phức tạp thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định, chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Bốn là, để các chấp hành viên có thể áp dụng các quy định trên triệt để, nhất là biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự đạt hiệu quả, cần thiết và quan trọng phải có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án với chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan Công an cấp xã (phường) phải đưa nhiệm vụ này vào nhiệm vụ chung để thực hiện trong quá trình phối hợp với chấp hành viên đôn đốc và giải quyết việc thi hành án. Chỉ khi có sự đồng lòng, quyết tâm như vậy thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án nói riêng và công tác thi hành án dân sự nói chung trong thực tế mới đạt hiệu quả cao.

Nguyễn Thị Nhàn

Vụ Nghiệp vụ 2 - Tổng cục Thi hành án dân sự