Những khó khăn, vướng mắc thi hành Thông tư 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự.

05/05/2014
Thông tư số 22/2011/TT-BTP về cơ bản đã góp phần tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc tồn tại khi áp dụng các thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự, đồng thời giúp các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện thống nhất và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau đây xin được nêu ra để Ban soạn thảo của Tổng cục sửa đổi và các đồng nghiệp có cách nhìn mới hơn khi áp dụng:


1. Thông tư số 22/2011/TT-BTP không hướng dẫn cụ thể các khoản tiền phạt và tịch thu từ các vụ án về ma túy phải nộp vào tài khoản của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 16/7/2009 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng quỹ phòng chống ma túy theo quy định tại Quyết định số 110/2008/QĐ-TTg ngày 13/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng chống ma túy. Do vậy, cơ quan Thi hành án dân sự khi xử lý các khoản tiền này đều nộp sung công quỹ Nhà nước mà không nộp vào Sở Tài chính theo Thông tư liên tịch số 114/2009. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 144/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 16/7/2009: “3.Cơ quan Thi hành án các cấp chịu trách nhiệm thi hành theo quy định của pháp luật ngay sau khi bản án, quyết định xử lý của Toà án đối với các vụ án phạm tội về ma tuý trên địa bàn các địa phương có hiệu lực pháp luật và chuyển giao toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, tang vật (trừ ma tuý), phương tiện thu được cho Sở Tài chính. Sở Tài chính thay mặt Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, tang vật, phương tịên do cơ quan Thi hành án các cấp chuyển giao; tổ chức việc bán đấu giá đối với tài sản, tang vật, phương tiện bị tịch thu theo đúng quy định hiện hành …”.

2. Khoản 1, Điều 10 Thông tư 22/2011/TT-BTP hướng dẫn:

“1. Đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan Thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan Thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự”. Trong khi đó Điều 126 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự”.

3. Khoản 4, Điều 10 Thông tư 22/2011/TT-BTP hướng dẫn:

“4. Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án ở cùng một nơi, chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được, hoặc khi tiến hành giải quyết thi hành án tại cơ quan Thi hành án, chấp hành viên có thể tạo điều kiện cho người phải thi hành án và người được thi hành án tự thoả thuận chi trả tiền cho nhau và tiến hành tạm thu hoặc thu phí thi hành án theo quy định tại Điều 60 của Luật Thi hành án dân sự, Điều 33 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009, Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 /09/2010”. Trong khi đó hướng dẫn tại công văn 1209 tại mục 19 “….., cơ quan Thi hành án dân sự không thu được tiền, mà các bên tự giao nhận với nhau thì không thu phí thi hành án (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010)”.

4. Khoản 7, Điều 10 Thông tư 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 hướng dẫn:

“7. … Trường hợp ủy quyền cho người khác nhận thay, người nhận thay phải có giấy ủy quyền hợp pháp kèm theo chứng minh nhân dân (bản chính) hoặc giấy tờ tùy thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ thi hành án lưu bản chính giấy ủy quyền, bản phôtô chứng minh nhân dân; chứng từ kế toán lưu bản phôtô giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân của người nhận tiền…”. Trong khi đó tại khoản 4 điều 18 thông tư 91/2010 ngày 17/6/2010 quy định: Chứng từ lưu ở bộ phận kế toán nghiệp vụ phải là bản chính”.

Đinh Đức Trọng

Chi cục THADS thành phố PRTC tỉnh Ninh Thuận