05 khó khăn cơ bản trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án dân sự

09/07/2014
Xác minh điều kiện thi hành án là một thủ tục rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, là cơ sở pháp lý để chấp hành viên đề ra những biện pháp thi hành phù hợp đối với từng vụ việc cụ thể. Do đó, làm thế nào để việc xác minh thi hành án có được kết quả chính xác nhất, hiệu quả nhất luôn là vấn đề được các chấp hành viên nói riêng, các cơ quan Thi hành án dân sự hết sức quan tâm.


Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng các quy định về xác minh thi hành án lại gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tác nghiệp của chấp hành viên, quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, đồng thời đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các vụ án dân sự tồn đọng, kéo dài thời gian thi hành, từ đó gây ra những tác động trực tiếp đến chỉ tiêu thi hành án dân sự của từng địa phương, của toàn cơ quan Thi hành án dân sự và nhiều hệ quả về mặt xã hội khác.

Trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án dân sự đã phát sinh 05 khó khăn cơ bản như sau:

Một là, quy định người được thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là khó khăn cơ bản khiến thời gian thi hành án kéo dài.

Tại khoản 1, Điều 44, Luật Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể “Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”. Tuy nhiên, đây lại là khó khăn đối với người được thi hành án bởi vì:

- Người được thi hành án và người phải thi hành án có thể cư trú trên cùng 01 địa phương hoặc 02 địa phương ở cách xa nhau, đường sá, chi phí đi lại khó khăn, tốn kém, đó là chưa kể đến trường hợp người được thi hành án có sức khỏe yếu không thể đi lại, hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn thì họ khó có thể tiến hành các biện pháp xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật được;

- Ngoài ra, tài sản của người phải thi hành án có thể nằm ở nhiều địa phương khác nhau, cũng không loại trừ trường hợp tài sản nằm ở nước ngoài thì việc tiến hành xác minh điều kiện thi hành án càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều;

- Không những thế, khi người được thi hành án đi xác minh rất khó để có thể nhận được sự hỗ trợ, phối hợp từ các cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, sự giúp đỡ tận tình của các công dân khác dẫn đến việc xác minh thi hành án trở nên khó khăn hơn, vất vả hơn và mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại.

Để khắc phục những vướng mắc này thì tại Điều 6, Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự có quy định thêm “Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình đi xác minh điều kiện thi hành án, người được thi hành án cũng gặp không ít khó khăn nêu trên và đã không ít trường hợp, mặc dù tốn rất nhiều thời gian, công sức nhưng họ vẫn không thể xác minh được điều kiện thi hành án của người được thi hành án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình và việc ủy quyền không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được bởi nó còn liên quan đến chi phí và tiến độ hoàn thành công việc.

Hai là, Luật chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các cơ quan phối hợp trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án.

Một khi người được thi hành án đã “bó tay” trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, “đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được” và “Yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh” thì trong quá trình tác nghiệp của mình, để xác minh được chính xác tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, chấp hành viên phải liên hệ với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đây là những cơ quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan Thi hành án thi hành nhiệm vụ và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, Luật lại không quy định rõ, cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các cơ quan này do đó có địa phương thì tham gia nhiệt tình, có địa phương lại không thật sự hỗ trợ các cơ quan Thi hành án dân sự. Chính vì vậy, cũng gây ra một số khó khăn không nhỏ cho chấp hành viên khi xác minh điều kiện thi hành án, có nhiều biên bản xác minh phải đi lại nhiều lần mới có thể hoàn thành, rất lãng phí thời gian và công sức trong khi lượng án cần thi hành ngày một nhiều, ngày một khó khăn hơn, phức tạp hơn.

Ba là, có sự mâu thuẫn về quy định thời hạn xác minh điều kiện thi hành án dẫn đếnnhiều trường hợp kết quả xác minh trở nên không có giá trị.

Khoản 2, Điều 44 , Luật Thi hành án dân sự quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay. Nhưng tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự lại quy định thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Như vậy, trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án vào ngày thứ 11 đến ngày thứ 15 thì kết quả xác minh của chấp hành viên trở nên vô nghĩa, gây lãng phí thời gian, công sức.

Bốn là, thủ đoạn che giấu tài sản, thu nhập của người phải thi hành án ngày càng trở nên tinh vi hơn, khó xác định hơn.

Ngày nay người phải thi hành án có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của mình như: Che giấu các nguồn thu nhập, tẩu tán tài sản bằng nhiều hình thức khác nhau, thay đổi chỗ ở liên tục nhưng không có sự trình báo với chính quyền địa phương và tất nhiên là không có bất kỳ sự phối hợp nào với người được thi hành án… Do đó, để người được thi hành án xác minh được tài sản, thu nhập của người phải thi hành án càng trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn rất nhiều.

Năm là, các loại phương tiện hỗ trợ chấp hành viên trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án còn chưa đầy đủ.

Hiện nay, phương tiện đi lại dùng để xác minh điều kiện thi hành án chủ yếu là xe máy của các cán bộ, công chức trong khi đó số lượng chấp hành viên vẫn còn ít so với yêu cầu, dẫn đến 01 chấp hành viên phải phụ trách nhiều địa bàn rộng lớn cũng gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc xác minh, có nhiều trường hợp chấp hành viên đi cơ sở 01 ngày nhưng vẫn không thể xác minh được. Ngoài ra, có một số phương tiện có tác dụng hỗ trợ tích cực cho chấp hành viên trong quá trình xác minh như máy ảnh, máy ghi âm,… thì đa số các đơn vị vẫn chưa được trang bị.

Mặc dù biết quá trình xác minh điều kiện thi hành án dân sự đóng một vai trò rất quan trọng để có thể quyết định các hình thức tác nghiệp tiếp theo, mặc dù các cơ quan Thi hành án dân sự vẫn luôn nỗ lực hết sức để ngày một nâng cao hiệu quả công tác xác minh điều kiện thi hành án nhưng hiện nay trong thực tiễn công tác của các địa phương, việc xác minh điều kiện thi hành án vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, và tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức của các cán bộ, công chức thi hành án dân sự, đòi hỏi cần phải có một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật sao cho cụ thể hơn, rõ ràng hơn đồng thời cần quy định trách nhiệm, quyền lợi của các cơ quan phối hợp, hỗ trợ và cuối cùng là không thể kể đến việc trang bị các phương tiện hỗ trợ để quá trình xác minh điều kiện thi hành án được chính xác hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn. Đây chính là một trong những điều kiện cơ bản, là giải pháp quan trọng để công tác thi hành án dân sự được đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa, góp phần giảm mạnh lượng án tồn đọng, kéo dài, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi hành án dân sự từ đó nâng tầm vị thế cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng và Ngành Tư pháp nói chung trên những tầm cao mới trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

Hạnh Nguyên