Thi hành án dân sự góp phần thượng tôn tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa

10/07/2023


Tôn trọng, thượng tôn pháp luật là nguyên tắc mang tính nền tảng cho các hoạt động tổ chức và quản lý xã hội. Có thể nói, trong thực tiễn, vị trí thượng tôn của pháp luật chỉ có thể đạt được khi pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh và được các tổ chức, cá nhân tuân thủ một cách nghiêm túc, triệt để. Pháp luật nghiêm minh là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, ổn định, qua đó, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân vào lẽ phải, lẽ công bằng, sự tiến bộ và tính ưu việt của chế độ.
Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Điều đó chứng minh rằng thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Thi hành bản án, quyết định dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc thượng tôn tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững và củng cố lòng tin của Nhân dân vào Nhà nước và chế độ. Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) không những bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân mà còn góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và từng địa phương; cụ thể như góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy, khơi thông phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy, chỉ khi nào bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, thì mới được mọi người tôn trọng; tội phạm bị trừng phạt, người bị hại được khắc phục một phần thiệt hại; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngược lại, nếu bản án, quyết định của Toà án được tuyên rõ ràng, chính xác, công bằng, nhưng không được thi hành hoặc thi hành không có hiệu quả, thì bản án, quyết định đó chỉ có ý nghĩa trên giấy, thậm chí còn phản tác dụng, làm cho người phải chấp hành án coi thường pháp luật. Vì vậy, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được chấp hành trên thực tế phải là mục đích tối thượng và công tác thi hành án dân sự là khâu then chốt của quá trình tố tụng; khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự trong đời sống, xã hội; là nhân tố không thể thiếu trong hệ thống chính trị./.
                                                                                                Đặng Ngọc Kính