Thực trạng công tác thi hành bản án, quyết định kinh doanh, thương mại mà bên phải thi hành án là Doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay

19/09/2023


1. Thực trạng công tác thi hành bản án, quyết định kinh doanh, thương mại
Thi hành án dân sự là hoạt động nhằm đưa bản án, quyết định ra thi hành trên thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Nằm trong yêu cầu chung đó, công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực thực tế của các bản án, quyết định này; qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp và thực thi giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Trong thời gian vừa qua, hoạt động thi hành án dân sự nói chung, thi hành án kinh doanh, thương mại nói riêng đã có những chuyển biến tích cực,nét, góp phần quan trọng thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Kết quả thi hành án xong về việc, về tiền loại án này ngày càng cao, qua đó kịp thời giải phóng các nguồn lực kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu báo cáo thống kê hàng năm, kết quả tổ chức thi hành án của 63 cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong 05 năm từ năm 2017 đến năm 2021, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 2,8 triệu việc, thu được số tiền trên 221.000 tỷ đồng, trong đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 70.300 việc về kinh doanh, thương mại, thu được tổng số tiền trên 56.166 tỷ đồng (chỉ chiếm 2,53% tổng số việc nhưng chiếm gần 26% tổng số tiền đã thi hành xong của toàn hệ thống trong 05 năm). Nhìn chung, tỷ lệ thi hành xong về việc và về tiền của các cơ quan thi hành án dân sự đối với án kinh doanh, thương mại có biến chuyển theo hướng tính cực, trung bình mỗi năm đạt 51,21% về việc và 36,58% về tiền, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn hệ thống, nhất là tỷ lệ thi hành xong về việc chỉ đạt 51,21% trong khi tỷ lệ trung bình của toàn hệ thống đạt 79,07%, thấp hơn 27,86%.
Kết quả thi hành án thi hành án dân sự nói chung, thi hành án kinh doanh, thương mại nói riêng chưa cao do những bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại có xu hướng tặng mạnh về cả về số lượng việc, số lượng tiền, giá trị tài sản qua các năm trong khi quá trình thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022) và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định pháp luật khác liên quan trên thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; đặc thù của loại việc này thường liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng kinh tế giữa các pháp nhân kinh tế, hợp đồng tín dụng, ngân hàng, nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn Nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài..., nên đa số có giá trị lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề mang tính chất kinh tế đã gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho tính thanh khoản của thị trường thấp là nguyên nhân trực tiếp làm cho kết quả thi hành án kinh doanh, thương mại không cao; chất lượng công chức thi hành án dân sự tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn một số công chức thi hành án dân sự kỹ năng làm việc còn yếu, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có trường hợp vi phạm pháp luật. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và trong công tác chuyên môn còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật về hoạt động thi hành án dân sự chưa hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn hạn chế.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành bản án, quyết định kinh doanh, thương mại mà bên phải thi hành án là doanh nghiệp
Đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án) trong thi hành án kinh doanh, thương mại chủ yếu là các thương nhân (cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh). Xuất phát từ các quy định của Luật Thương mại, Bộ luật Tố tụng dân sự, đặc điểm để xác định các vụ án, việc kinh doanh, thương mại là tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh với nhau và hướng tới mục đích lợi nhuận, trong đó, các tranh chấp chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và thực hiện hoạt động thương mại. Thực tế thời gian vừa qua, phần lớn các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại thường diễn ra giữa một bên là ngân hàng, tổ chức tín dụng với một bên là doanh nghiệp, với mục đích của việc vay vốn nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận. Do những đặc thù riêng, việc thi hành án đối với chủ thể doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trong vai trò là người phải thi hành án. Việc đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng công tác thi hành án kinh doanh, thương mại đối với chủ thể này, trong đó, xác định những hạn chế, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, góp phần giải phóng nguồn lực vật chất của nền kinh tế; nâng cao chất lượng thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng.
2.1. Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 10, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.
Tên riêng: Doanh nghiệp phải có tên riêng, theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tên tiếng Việt của Doanh nghiệp bao gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Tên doanh nghiệp là yếu tố hình thức nhưng là dấu hiệu đầu tiên xác định tư cách chủ thể của doanh nghiệp, là cơ sở để nhà nước thực hiện quản lý đối với doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Tài sản: Mục đích của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh nhằm thu lợi nhuận và tài sản. Do vậy, điều kiện đặc trưng của doanh nghiệp là phải có tài sản. Ở góc độ THADS, tài sản có thể được hiểu là bất cứ thứ gì có giá trị như: đất đai, nhà xưởng, trang thiết bị, vật tư và những tài sản hữu hình khác; nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu và các tài sản vô hình khác, các khoản nợ có thể đòi từ các công ty và các quyền tài sản khác.
Trụ sở giao dịch: Là nơi đặt văn phòng doanh nghiệp phục vụ hoạt động giao tiếp với các bạn hàng và các cơ quan chức năng và được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn địa điểm kinh doanh là nơi giao nhận hàng hóa. Trên thực tế, có khi trụ sở giao dịch là địa điểm kinh doanh.
Trách nhiệm tài sản trong kinh doanh: Căn cứ vào mức độ của việc chịu trách nhiệm về tài sản trong kinh doanh, phân chia trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn. Đây chính là tính chất của chế độ bảo đảm tài sản khi tham gia các quan hệ tài sản.
Trách nhiệm vô hạn: Được hiểu là sự tận cùng (hay đến cùng) của việc trả nợ. Khi doanh nghiệp phải thi hành án, nếu tài sản của doanh nghiệp không đủ trả nợ, thì cơ quan THADS tiếp tục kê biên tài sản của cá nhân, các thành viên để trả cho bằng hết số nợ (bao gồm cả toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp mà không tham gia vào quá trình kinh doanh). Sau khi kê biên và phát mãi tất cả tài sản mà cũng chưa trả hết nợ, các cá nhân những thành viên này tiếp tục làm việc để trả nợ cho đến khi nào trả xong hoặc chết. Đó chính là tính vô hạn của nghĩa vụ trả nợ. Theo pháp luật nước ta thì đó là những trường hợp của doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Trách nhiệm hữu hạn: Là giới hạn của việc chịu trách nhiệm về tài sản khi thanh toán nợ. Khi thành lập doanh nghiệp, họ xác định trách nhiệm về tài sản, tuyên cáo với các bạn hàng là có giới hạn việc trả nợ và nhà nước chuẩn y cho cam kết đó. Trong quá trình kinh doanh, nếu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp. Tài sản riêng của cá nhân các thành viên, hoàn toàn không liên quan đến tài sản của doanh nghiệp và cá nhân các thành viên này được pháp luật bảo vệ về tài sản riêng. Theo pháp luật nước ta thì đó là những trường hợp của công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định bốn loại hình doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, đó là:
Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty hợp danh: Công ty hợp danh được định nghĩa là một loại hình doanh nghiệp có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh); Ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân. Trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới. Chủ nợ có quyền yêu cầu bất kỳ thành viên hợp danh nào thanh toán các khoản nợ của công ty đối với chủ nợ. Mặt khác, các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình (tài sản đầu tư vào kinh doanh và tài sản không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh).
- Thành viên góp vốn có thể là tổ chức, hoặc cá nhân. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Công ty cổ phần: Công ty cổ phần là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn, gồm 2 loại:
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng tài sản của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một thành viên là tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu (chủ sở hữu công ty); Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cũng như người chủ sở hữu, công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong kinh doanh trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2.2. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành bản án, quyết định kinh doanh, thương mại đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp
Hiện nay, số việc và tiền phải thi hành trong các bản án kinh doanh, thương mại, trong đó, các vụ việc mà bên phải thi hành án là doanh nghiệp ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao; có giá trị phải thi hành lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp, một số vụ có số lượng tài sản phải xử lý nhiều, nằm ở nhiều nơi, nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý của tài sản nhiều khi chưa rõ ràng do chưa có đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu; một số vụ việc có tính chất phức tạp (liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài...) trong khi đó công tác thi hành án dân sự đang ngày càng được dư luận và xã hội quan tâm đã tạo áp lực không nhỏ cho đội ngũ Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Phần lớn nguyên nhân hiệu quả công tác thi hành án đối với loại án này bắt nguồn từ chế độ sở hữu về tài sản của các loại hình doanh nghiệp khác nhau cũng có khác nhau. Hơn nữa, do đặc thù của doanh nghiệp là thực hiện việc kinh doanh; Sự vận động, biến động các nguồn tài sản trong doanh nghiệp rất nhanh và đa dạng, nên việc áp dụng pháp luật THADS vào việc thi hành các bản án kinh doanh thương mại, kinh tế gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn, bất cập chung mà các cơ quan THADS trong cả nước phải đối mặt khi tổ chức thi hành án đối với doanh nghiệp, cụ thể:
2.2.1. Vướng mắc do tính chất, loại hình doanh nghiệp
- Thứ nhất, đặc trưng của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là tính chịu trách nhiệm hữu hạn. Điều này có nghĩa là nghĩa vụ của cổ đông hay thành viên công ty phải trả các khoản nợ của công ty được giới hạn trong số vốn đã cam kết góp vốn vào công ty. Nếu đã thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết góp vốn, về nguyên tắc, cổ đông hay thành viên không phải đem tài sản cá nhân ra trả nợ cho công ty. Nếu công ty vỡ nợ và bị tuyên bố phá sản, chủ nợ chỉ có thể mong chờ phần thanh toán từ khối tài sản còn lại sau thanh lý. Tính chịu trách nhiệm hữu hạn đã trở thành bức tường che chắn cho thành viên trước yêu cầu đòi nợ của các đối tác kinh doanh với công ty. Do đó, việc thi hành án đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là rất khó khăn. Nhiều vụ việc người phải thi hành án là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần phải thi hành với giá trị tài sản lớn, nhưng công ty không có tài sản để thi hành. Trong khi đó thành viên, cổ đông của công ty lại sở hữu nhiều tài sản có giá trị, thậm chí tham gia hoạt động ở các công ty khác, nhưng cơ quan THADS không thể xử lý tài sản của họ để trả nợ cho công ty được.
- Thứ hai, hiện nay, tình trạng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn bắt đầu xuất hiện từ những năm 2003 - 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý cũng như ngăn chặn tình trạng này. Nhiều trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không còn ở Việt Nam, thậm chí có trường hợp toàn bộ doanh nghiệp bỏ trốn, không ai quản lý tài sản. Những trường hợp này cơ quan THADS không thể yêu cầu (hoặc thông báo, liên lạc) đến cơ quan THADS để giải quyết vụ việc theo thủ tục quy định tại Điều 40, 41, 42, 43 của Luật THADS mà phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định của Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007 và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn nhưng còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, lương công nhân, tiền thuế khá phổ biến. Khi cơ quan THADS án xử lý tài sản thì số đông công nhân, người lao động đã đến trụ sở của cơ quan THADS để đề nghị xem xét, giải quyết quyền lợi của họ. Cơ quan THADS phải phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan để hướng dẫn, giải quyết những trường hợp này. Đối với các khoản hoàn trả cho cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài một khoản tiền tạm ứng án phí không lớn. Tuy nhiên, do địa chỉ của doanh nghiệp ở nước ngoài nên cơ quan THADS chưa thể hoàn trả được số tiền nêu trên, trong khi việc ủy thác tư pháp lại tốn kém chi phí, thậm chí nhiều hơn số tiền hoàn trả gấp nhiều lần. Mặt khác, về mặt hợp tác tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Việt Nam mới ký kết được 16 Hiệp định và thỏa thuận với một số quốc gia và lãnh thổ khác nhau các nước. Trong khi đó, phạm vi quan hệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam với các nước, lãnh thổ lại rộng hơn rất nhiều. Với các nước chúng ta chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp thì không thể thực hiện ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
- Thứ ba, đối với doanh nghiệp nhà nước: Theo quy định của pháp luật, vốn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước như công ty nhà nước là do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ; Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là công ty nhà nước, hoặc tổ chức nhà nước được nhà nước ủy quyền góp vốn…, và theo quy định tại Khoản 1, Điều 87 Luật THADS: Tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức không được kê biên. Vì vậy, trong trường hợp tài sản của doanh nghiệp do nhà nước đầu tư ban đầu hoặc tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thì cơ quan THADS không có quyền quyết định đối với số tiền đó.
Chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án đối với doanh nghiệp nhà nước giải thể, cổ phần hoá: Khi tham gia các quan hệ kinh tế, một số doanh nghiệp nhà nước đã giao kết hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp khác và có nghĩa vụ phải thanh toán cho các doanh nghiệp đó khoản tiền, hàng theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp nhà nước đó bị thua lỗ nên vi phạm hợp đồng. Tranh chấp được các bên đưa ra giải quyết tại cơ quan tài phán và kết quả là doanh nghiệp nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho bên vi phạm. Trong khi cơ quan THADS tiến hành các thủ tục thi hành án theo quy định, được biết doanh nghiệp đó đã bị cơ quan chủ quản của doanh nghiệp đã ra quyết định giải thể doanh nghiệp. Trong quyết định giải thể doanh nghiệp không xem xét đến việc thi hành nghĩa vụ theo phán quyết trên, cũng không có nội dung về việc ai sẽ là người kế thừa nghĩa vụ đó.
2.2.2. Vướng mắc xuất phát từ cơ chế xử lý tài sản, thu hồi tài sản, định giá, bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp
- Thứ nhất, trong các vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng mà bên phải thi hành án là doanh nghiệp, số tài sản thế chấp mà cơ quan THADS phải thu hồi để tiến hành giao cho các ngân hàng có số lượng và giá trị rất lớn, nhiều chủng loại và thuộc nhiều địa phương khác nhau, hầu hết tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất đều bị mất mốc giới, không xác định được vị trí. Trong đó, có nhiều tài sản là các khu đất chưa thực hiện xong việc đền bù, đang có hàng trăm hộ dân sinh sống và hàng chục hộ dân khác lấn chiếm từ nhiều năm. Để thu hồi số tài sản trên thì ngoài công tác đền bù giải tỏa, chính quyền địa phương cần phải giải quyết cả việc tái định cư, quản lý hành chính đối với hàng ngàn nhân khẩu. Mặt khác, việc xử lý các danh mục tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất diện tích lớn tập trung tại các địa phương, không những phải bảo đảm hiệu quả thu hồi nợ, mà còn phải đáp ứng yêu cầu thống nhất trong kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Những vấn đề dân sinh, kinh tế - xã hội phát sinh nêu trên đòi hỏi phải có sự chỉ đạo trực tiếp, thống nhất của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng mới có thể thực hiện được.
- Thứ hai, hiện nay số lượng vụ việc thi hành án kinh doanh, thương mại liên quan đến tài sản là vốn góp, cổ phần, cổ phiếu đang có xu hướng gia tăng nhưng quá trình giải quyết còn gặp không ít khó khăn. Theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án dân sự, Chấp hành viên có quyền kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án, đồng thời cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin nơi nhận góp vốn của người phải thi hành án. Tuy nhiên, việc xác định giá trị phần vốn góp và cách kê biên xử lý phần vốn góp gặp không ít khó khăn: Theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty; góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Theo đó, tài sản mang vào góp vốn rất đa dạng, bao gồm rất nhiều loại tài sản cả vô hình và hữu hình (đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị bất động sản, động sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được…). Vì vậy, để thẩm định chính xác tài sản là vốn góp, phải xác minh được toàn bộ giá trị tài sản của công ty nhưng giá trị đó được tổng hợp từ nhiều yếu tố như tài sản vô hình, hữu hình, các khoản nợ của tổ chức, cá nhân với doanh nghiệp trong khi đó cơ chế công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp còn thiếu, chưa phổ biến nên Chấp hành viên rất khó có thể xác định được…
- Thứ ba, pháp luật doanh nghiệp không quy định trách nhiệm của doanh nghiệp phải đăng ký đầy đủ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục thuế về các tài khoản đã mở tại ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác nhưng Chấp hành viên không xác minh được tài khoản để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản. Mặt khác, về quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước không quản lý được danh sách chủ tài khoản đang có tại các ngân hàng thương mại, nên không có đầu mối hỗ trợ các cơ quan THADS khi cần tìm kiếm chủ tài khoản phải thi hành án.
- Thứ tư, tài sản của doanh nghiệp rất đa dạng, phức tạp trong khi đó Chấp hành viên còn chưa có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong việc xử lý, nhất là tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, tài sản là phần vốn góp trong doanh nghiệp. Đối với vốn góp là cổ phần, cổ phiếu, Chấp hành viên cũng gặp lúng túng trong việc thẩm định giá, bán đấu giá (xác định cổ phiều đã lên sàn hay chưa lên sàn giao dịch, mã chứng khoán đã lên sàn, cơ sở xác định giá khởi điểm của cổ phiếu như thế nào, việc khớp lệnh như thế nào…).
Vì vậy, trong thời gian tới, cần đánh giá tổng thể các quy định pháp luật về doanh nghiệp cũng như pháp luật THADS để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên./.
Phạm Thị Hiền - Vụ NV1