Một số vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án dân sự cần có sự thống nhất của Tòa án nhân dân tối cao trong giai đoạn hiện nay

19/09/2023


Công tác THADS là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự. Để thực hiện, Cơ quan THADS phải tiến hành nhiều thủ tục như: tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án, .v.v… Tuy nhiên, cơ quan THADS không thể tự mình thực hiện toàn bộ các hoạt động nêu trên hiệu quả mà cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban, ngành liên quan trong THADS là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác THADS.
Có thể thấy mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan THADS với các cơ quan hữu quan trong THADS thực chất là mối quan hệ mang tính pháp lý. Cơ sở của các mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ này được thiết lập dựa trên các quy định của pháp luật và được pháp luật điều chỉnh. Trong đó, mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan THADS và cơ quan tòa án nhân dân các cấp là một trong mối quan hệ trọng tâm, quan trọng. Tại trung ương, Điều 170 Luật THADS đã quy định Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn: (1) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về THADS; (2) Chỉ đạo Toà án các cấp phối hợp với Cơ quan THADS trong công tác THADS, giải quyết các yêu cầu của Cơ quan THADS trong thời hạn quy định của pháp luật; (3). Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác THADS. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ký Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Hệ thống THADS luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của tòa án nhân dân tối cao, nhờ đó, công tác THADS đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó phải kể đến việc TANDTC đã phối hợp tích cực, hỗ trợ Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS nói riêng và hệ thống THADS nói chung tháo gỡ vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thể hiện qua các mặt sau: (i)Tham gia buổi làm việc, cuộc họp liên ngành Trung ương do Bộ Tư pháp đề xuất tổ chức; (ii) Kịp thời có văn bản góp ý đối với dự thảo Thông tư liên tịch, trên cơ sở đó, ngày 16/6/2018, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC đã được ban hành, giúp tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan THADS trong việc thi hành quyết định của Tòa án về giải quyết phá sản; (iii) Phối hợp trong việc rà soát, thống kê số liệu án tuyên không rõ khó thi hành, trong việc giải trình báo cáo về công tác thi hành án trước Quốc hội hàng năm...; (iv) Việc cấp, chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án, hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án được triển khai thực hiện nghiêm túc đúng quy định; (v) Việc trích xuất, chuyển giao và xử lý vật chứng, tài sản thu giữ trong vụ án hình sự cho cơ quan THADS được TAND các cấp phối hợp bàn giao kịp thời, bảo đảm quy định; (vi) Việc phối hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước được quan tâm chỉ đạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và cơ quan tòa án nhân dân các cấp, viện kiểm sát nhân dân các cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cụ thể như sau:
1. Vướng mắc chung
- Về việc phối hợp trong công tác giải thích bản án, quyết định: Trong những năm qua, có nhiều bản án, quyết định của TAND các cấp tuyên không rõ, khó thi hành án dẫn đến khó khăn rất lớn cho Cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Việc phối hợp trong việc THADS đối với người đang thi hành án phạt tù. Để thi hành các khoản án phí, tiền phạt, trả lại tài sản đối với những người đang thi hành án tại trại giam, không phải mọi trường hợp Chấp hành viên đều gặp thuận lợi, rất nhiều trường hợp phạm nhân phải chấp hành án dài hạn, trong quá trình thụ án, phạm nhân phải chuyển đi nhiều trại giam khác nhau, do đó để xác minh, giải quyết việc thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù cũng gặp nhiều khó khăn, Chấp hành viên tiến hành xác minh tại trại giam nơi cải tạo giam giữ ban đầu của phạm nhân, nhưng trại giam không nắm chính xác, cụ thể trại giam nơi phạm nhân hiện đang thụ hình, tình hình nhân thân, tài sản của họ. Theo qui định của pháp luật, Tòa án là cơ quan ra quyết định thi hành án phạt tù, nhưng việc theo dõi tình hình chấp hành án của các đối tượng trên cũng không được thường xuyên, kịp thời, vì thế việc xác minh các thông tin của phạm nhân, nơi trại giam mà phạm nhân đang chấp hành án rất khó được xác định.
- Về giao nhận vật chứng trong thi hành án: Tại khoản 1 Điều 122 Luật THADS qui định về việc chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ cụ thể như sau: “Vật chứng, tài sản tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự do yêu cầu phục vụ việc xét xử mà chưa được chuyển cho Cơ quan THADS trong giai đoạn truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì phải chuyển giao cho Cơ quan THADS tại thời điểm Toà án chuyển giao bản án, quyết định”. Nhưng thực tế vẫn tồn tại có một số việc thi hành án ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, vật chứng là tiền, tài sản. Cơ quan công an không tiến hành chuyển vật chứng, tài sản sang cơ quan thi hành án và có văn bản đề nghị cơ quan tài chính, UBND cùng cấp xin giữ lại tài sản nếu được bản án tuyên sung ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhiệm vụ công tác của ngành. Mặc dù, những trường hợp trên, bản án vẫn tuyên vật chứng, tài sản của vụ án được sung ngân sách Nhà nước, thực tế Cơ quan THADS không nhận được vật chứng từ cơ quan Công an chuyển sang và cũng không nhận được chứng từ thể hiện việc tài sản đã được sung ngân sách nhà nước. Vì vậy, các khoản khác của bản án đã được Chấp hành viên, Cơ quan THADS thực hiện xong, tuy nhiên, việc hoàn tất hồ sơ đưa vào lưu trữ gặp khó khăn bởi hồ sơ thi hành án không có chứng từ thể hiện Cơ quan THADS đã thực hiện xong phần quyết định của bản án.
2. Một số vướng mắc, khó khăn cụ thể cần có sự thống nhất của Tòa án nhân dân tối cao
2.1. Vướng mắc trong xác định, phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014
- Quy định pháp luật:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản chung nếu các bên đương sự không thỏa thuận được và không yêu cầu Tòa án giải quyết việc xác định, phân chia tài sản chung, cụ thể:“Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án”.
Việc yêu cầu này của Chấp hành viên cũng bảo đảm và phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015“...9. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.”
- Khó khăn, vướng mắc:
Trên thực tế, việc Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết, xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung đã gặp phải khó khăn như sau:
+ Thứ nhất, vướng mắc trong việc thụ lý yêu cầu của Chấp hành viên: Một số nơi, Tòa án địa phương không thụ lý và cho rằng Chấp hành viên không có quyền yêu cầu khởi kiện với các lý do sau đây: (i) Chấp hành viên không liên quan đến các tài sản yêu cầu xác định phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất mà đây là tài sản của người phải thi hành án và những người khác có liên quan nên họ mới có quyền khởi kiện; (ii) Tài sản mà Chấp hành viên yêu cầu xác định phần quyền sở hữu chưa phải là tài sản đã bị cưỡng chế theo quy định tại khoản 12 Điều 26[1] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; (iii) Chấp hành viên khởi kiện trong trường hợp này không phải là để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 187[2] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
+ Thứ hai, vướng mắc trong việc cung cấp chứng cứ: Trường hợp Tòa án đã thụ lý nhưng Chấp hành viên không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp chứng cứ của Tòa án xem xét giải quyết theo Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (bởi vì tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án và những người khác thường là người thân thích của họ: vợ, chồng, người thân trong gia đình của người phải thi hành án, họ lại thường có tâm lý chống đối, không hợp tác thì việc thu thập, cung cấp chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn).
- Đề xuất: đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án địa phương thụ lý yêu cầu của Chấp hành viên đề nghị phân chia tài sản chung.
2.2. Vướng mắc khi thực hiện quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS về hoãn thi hành án khi Tòa án có Thông báo thụ lý tranh chấp theo quy định tại Điều 74, 75 Luật THADS
- Quy định pháp luật:
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS thì:
“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
... d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm”
Như vậy, theo quy định này thì về nguyên tắc, trường hợp tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 Luật THADS (xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án) và Điều 75 Luật THADS (giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án), cơ quan THADS sẽ phải ra quyết định hoãn thi hành án.
- Khó khăn, vướng mắc:
Hiện nay, cơ quan THADS gặp phải rất nhiều vướng mắc liên quan đến việc hoãn thi hành án, bởi vì trên thực tế, có rất nhiều trường hợp đương sự cố tình chống đối, tạo ra các tranh chấp giả tạo (tranh chấp quyền thuê tài sản, cho mượn tài sản...) để trốn tránh nghĩa vụ, khiến cho việc thi hành án bị gián đoạn, có những vụ việc kéo dài hàng chục năm. Theo đó, nếu Tòa án có thông báo thụ lý tranh chấp về tài sản thi hành án theo quy định tại Điều 74, 75 Luật THADS mà cơ quan THADS không hoãn thi hành án thì có khả năng bị cơ quan Viện kiểm sát kháng nghị, hoặc người phải thi hành án khiếu nại, tố cáo.
Ngược lại, có những vụ việc sau khi nhận được thông báo thụ lý giải quyết tranh chấp của Tòa án, cơ quan THADS đã ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS nhưng Tòa án có thẩm quyền lại chậm đưa vụ việc ra xét xử trong một thời gian dài, khiến cho việc thi hành án bị trì hoãn, kéo dài, dẫn tới khiếu nại, tố cáo của người được thi hành án đối với cơ quan THADS về việc chậm tổ chức thi hành án.
- Đề xuất: Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4467/BTP-TCTHADS gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất quan điểm[3]. Do đó, thời gian tới, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét, sớm có văn bản trả lời để Bộ Tư pháp hướng dẫn thống nhất các cơ quan THADS, đồng thời, chỉ đạo cơ quan Tòa án địa phương xét xử theo đúng quy định tố tụng các vụ việc tranh chấp đã thụ lý và thông tin kết quả cho cơ quan THADS được biết để có cơ sở tiếp tục tổ chức thi hành án vụ việc theo quy định.
2.3. Vướng mắc trong việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật THADS
- Quy định pháp luật:
Pháp luật về dân sự (Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015), pháp luật về đấu giá tài sản (Điều 7 Luật Đấu giá tài sản năm 2016) cũng như pháp luật về THADS (Điều 103 Luật Thi hành án dân sự) đều quy định về nguyên tắc phải bảo vệ người mua tài sản đấu giá ngay tình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS thì: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”.
- Khó khăn, vướng mắc: Tuy nhiên, thực tế hiện nay, rất nhiều vụ việc cơ quan THADS đang tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tài sản thi hành án đã bán đấu giá thành nhưng bản án, quyết định đó lại bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:
 (i) Bản án, quyết định đang tổ chức thi hành bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm nhưng bản án xét xử mới lại xác định người đó không còn là người phải thi hành án hoặc tài sản đó không phải là tài sản thi hành án nữa.
(ii) Bản án, quyết định đang tổ chức thi hành bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải hủy bản án và đình chỉ giải quyết vụ án hoặc phải sửa một phần hoặc toàn bộ bản án nhưng Tòa án lại không xem xét đến việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án trước đó.
Kết quả xét xử trên tạo nên nhiều khó khăn cho cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành án lại cũng như giải quyết hậu quả của việc thi hành án trước đó, nhiều vụ việc bị bế tắc, không tổ chức thi hành được.
- Đề xuất: đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án các cấp khi xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm cần phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án trước đó theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
2.4. Vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm của người thứ ba khi doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
- Quy định pháp luật:
Luật Phá sản (khoản 1 Điều 41 và khoản 2 điều 71)[4] và Luật THADS (Điều 49, Điều 50 và Điều 137)[5] đều quy định về mặt nguyên tắc: cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án và ra quyết định đình chỉ thi hành án khi nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Khó khăn, vướng mắc: Theo quy định của pháp luật phá sản và pháp luật thi hành án dân sự, khi Tòa án thông báo thụ lý hoặc ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, đối với việc trường hợp người thứ ba dùng tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người phải thi hành án thì cơ quan THADS có tạm đình chỉ, đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm của họ hay không? Vấn đề này hiện vẫn còn có quan điểm khác nhau, chưa thống nhất.
Quan điểm 1: Theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Luật THADS thì: “Sau khi nhận được văn bản của Tòa án thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ đối với các trường hợp thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản”, tức là việc ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án trong trường hợp này chỉ áp dụng đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản mà không áp dụng đối với người thứ ba có tài sản bảo đảm. Do đó, khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Thủ trưởng cơ quan THADS chỉ đình chỉ đối với phần xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà không đình chỉ đối với phần xử lý tài sản đảm bảo của người thứ ba.
Quan điểm 2: Quan điểm này cho rằng, khi Tòa án đã có Thông báo thụ lý đơn, đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản thì cơ quan THADS phải ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ quá trình tổ chức thi hành án mà thực chất là tạm đình chỉ, đình chỉ việc xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó (bởi vì phần lớn nghĩa vụ thi hành án liên quan đến việc xử lý tài sản), theo đó, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tài sản của chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó và tài sản của người thứ ba bảo đảm cho khoản nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
 - Đề xuất: Liên quan đến nội dung này, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4467/BTP-TCTHADS ngày 21/11/2018 gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã quan điểm đề xuất giải quyết và được Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất theo hướng: Cơ quan THADS ban hành quyết định tạm đình chỉ sau khi nhận được văn bản của Tòa án thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; ban hành quyết định đình chỉ khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, không phân biệt đó là tài sản của doanh nghiệp hay bên thứ ba. Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét, sớm có văn bản trả lời để Bộ Tư pháp hướng dẫn thống nhất các cơ quan THADS./.
Phạm Thị Hiền - Vụ NV1

[1] Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
... 12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”
[2]Điều 187. Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước
... 4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”
[3] Công văn số 462/VKSTC-V11 ngày 31/01/2019
[4] Khoản 1 Điều 41 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản…Cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động”
Khoản 2 Điều 71 quy định: “Trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân, Trọng tài, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này phải ra quyết định đình chỉ và chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân đang tiến hành thủ tục phá sản để giải quyết”
[5] Khoản 2 Điều 49 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án”
Khoản 1 Điều 50 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây…g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án”
Điều 137 Luật THADS quy định: “Sau khi nhận được văn bản của Tòa án thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ đối với các trường hợp thi hành về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản”