Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định về hoà giải thương mại

23/03/2023


Để thúc đẩy đầu tư và bảo vệ hoạt động kinh doanh thương mại, đã có nhiều chủ trương lớn, quan trọng của Đảng về nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp và thi hành án trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại như: Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hoà giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế. Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định trọng tài thương mại”[1]; “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài; Toà án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”[2]; “Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận”[3]; Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi”[4].
Trên tinh thần đó, ngày 03/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm, trong đó nêu rõ: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại. Tăng cường tính độc lập của hệ thống thi hành án dân sự, kinh tế”. Theo đó, hàng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2022) với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát các chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín[5]
Mới đây, ngày 06/01/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, bảo đảm quyền lợi của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp; tích cực xử lý các vướng mắc pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước, thỏa thuận, cam kết quốc tế...”.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngày 27/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, để hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, giám sát đầu tư, Nghị quyết 58/NQ-CP đã chỉ rõ nhiệm vụ“rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế phòng ngừa, giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp”, gắn với yêu cầu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh thương mại”.
Cụ thể hoá Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, ngày 13/01/2023, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028, trong đó nhấn mạnh: Tập trung nghiên cứu về thực trạng, kết quả công tác THADS đối với các bản án KDTM trong thời gian qua, tập trung vào đánh giá kết quả 05 năm (2017-2021), đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan THADS từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành các bản án, quyết định KDTM. Đề án đặt trọng tâm thi hành các bản án, quyết định KDTM, bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền ban hành để giải quyết những tranh chấp hoặc yêu cầu về KDTM; Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật TTTM về thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài, về thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài, giải thích đối với phán quyết trọng tài,...
Những chủ trương của Đảng và quy định pháp luật nêu trên đã đặt nền tảng cơ sở chính trị, pháp lý cho việc không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp thương mại nói chung, công nhận và thi hành quyết định hoà giải thương mại nói riêng ở Việt Nam. Trong đó, việc nghiên cứu gia nhập Công ước Singapore về hoà giải[6] là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thông qua hoà giải ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích phạm vi hoà giải thương mại thành được công nhận và thi hành liên quan đến nội dung của Công ước Singapore về hoà giải và quy định của pháp luật Việt Nam về công nhận và thi hành quyết định hoà giải thương mại trong tương quan so sánh với Công ước Singapore về hoà giải.
1. Phạm vi hoà giải thương mại thành được công nhận và thi hành liên quan đến nội dung Công ước Singapore về hoà giải
Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại 4 phương thức giải quyết tranh chấp là Thương lượng, Hoà giải, Trọng tài và Toà án, trong đó Thương lượng, Hoà giải, Trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative dispute resolution – ADR).[7] Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cũng bao gồm các phương thức giải quyết tranh chấp nên trên gồm Thương lượng (hay phương thức Khiếu nại), Trung gian Hoà giải, Toà án và Trọng tài.[8] Phương thức Hòa giải trong giải quyết tranh chấp cơ bản được chia làm 2 loại là hoà giải bắt buộc theo thủ tục tố tụng dân sự và tự nguyện thoả thuận hoà giải.
(1) Hòa giải bắt buộc theo thủ tục TTDS của Tòa án được quy định tại Chương XIII Bộ luật TTDS năm 2015. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn (Điều 205). Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 212). Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 1 Điều 213).
Đây là phương thức hòa giải bắt buộc (hoà giải trong thủ tục tố tụng) theo thủ tục TTDS tại Tòa án, là hoạt động được thực hiện một cách chủ động bởi các chủ thể tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục pháp luật về TTDS. Đây là lĩnh vực giải quyết tranh chấp được loại trừ theo phạm vi điều chỉnh của Công ước Singapore về hoà giải nên tham luận này không đề cập đến việc thi hành quyết định của Toà án công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án theo thủ tục TTDS.
Ngoài ra, năm 2020, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã quy định thêm hình thức hoà giải, đối thoại mới tại Toà án nhưng không phải do Thẩm phán thực hiện. Theo đó, hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự. Đây là hình thức hoà giải tiền tố tụng (hoà giải ngoài thủ tục tố tụng), không phải do người tiến hành TTDS thực hiện, là hình thức tự nguyện do Hoà giải viên (người được Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm) thực hiện. Kết quả hoà giải thành cũng được Toà án công nhận và thi hành theo thủ tục THADS, tương tự như thủ tục công nhận đối với kết quả hoà giải ngoài Toà án. Sau gần 02 năm thực hiện, Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án đã phát huy tác dụng và đạt được những kết quả nhất định.[9] Tuy nhiên, thủ tục hoà giải để giải quyết tranh chấp được thực hiện tại Toà án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Singapore về hoà giải nên tham luận không đề cập đến việc công nhận và thi hành kết quả hoà giải này. Ngoài ra, hình thức tự hoà giải cũng không thuộc phạm vi nghiên cứu của chuyên đề.
(2) Hoà giải tự nguyện hay thoả thuận hoà giải giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba (thông thường là hoà giải viên thương mại) được chia làm hai loại: (i) Thoả thuận hoà giải theo quy định tại Luật TTTM 2010 hoặc (ii) Thoả thuận hoà giải theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hoà giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP), cụ thể:
(i) Đối với phương thức hoà giải tự nguyện theo tố tụng trọng tài, Điều 58 Luật TTTM 2010 về hoà giải, công nhận hòa giải thành quy định: “Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài”. Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật TTTM 2010 thì: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài”. Đây là phương thức hoà giải trong quy trình tố tụng trọng tài.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì có hai loại quyết định trọng tài được xác định là phán quyết trọng tài, trong đó quyết định công nhận thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài được hình thành từ việc Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp (Điều 58 Luật TTTM 2010) thuộc phạm vi nghiên cứu của chuyên đề. Trên cơ sở biên bản thỏa thuận giải quyết tranh chấp của các bên, Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó. Quyết định này là chung thẩm, có giá trị như phán quyết trọng tài. Sau khi ban hành phán quyết sẽ chấm dứt tố tụng. Việc thi hành đối với phán quyết trọng tài loại này sẽ được thực hiện theo quy định từ Điều 65 đến Điều 67 Luật TTTM 2010 và Luật THADS. Theo đó, bên được thi hành phán quyết trọng tài có thể trực tiếp yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành mà không cần phải yêu cầu Toà án ra quyết định công nhận hoà giải thành. Trong khi đó, đối với văn bản hoà giải thương mại thành  theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP (do trung tâm hoà giải thương mại ban hành hay do trung tâm trọng tài được thực hiện hoạt động hoà giải thương mại ban hành) đều phải được Toà án công nhận bằng quyết định của Toà án thì mới được thi hành theo thủ tục THADS.
Đối với loại quyết định trọng tài được ban hành trên cơ sở hoạt động của Hội đồng trọng tài sau khi đã giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp, là loại phán quyết trọng tài đạt được không phải trên cơ sở thoả thuận hoà giải của các bên và cũng không thuộc phạm vi áp dụng của Công ước Singapore về hoà giải nên không được phân tích trong bài viết này.
(ii) Phương thức thoả thuận hoà giải giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP là đối tượng so sánh chính với các quy định pháp luật Việt Nam với nhau và Công ước Singapore về hoà giải nên sẽ được phân tích cụ thể về nội dung quy định, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện khi Việt Nam là thành viên của Công ước Singapore về hoà giải.
2. Quy định của pháp luật về công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định hoà giải thương mại
Trên cơ sở giới hạn phạm vi nghiên cứu như đã đề cập ở phần trên, nội dung dưới đây sẽ phân tích quy định về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định hoà giải thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến các nội dung của Công ước Singapore về hoà giải, cụ thể tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, Bộ luật TTDS năm 2015, Luật TTTM năm 2010, Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014:
2.1. Quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP:
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.
Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức hòa giải.
Kết quả hòa giải thành là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp phát sinh (Điều 1, 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP). Kết quả hoà giải thành đối với các tranh chấp thương mại do bên thứ ba thực hiện được lập thành văn bản, được Toà án xem xét công nhận và các bên có nghĩa vụ thi hành.[10]
Điều 18, Điều 33 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định tổ chức hòa giải thương mại được phép thành lập, hoạt động tại Việt Nam gồm: (1) Trung tâm hòa giải thương mại của Việt Nam; (2) Trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại có đăng ký bổ sung thực hiện hoạt động hòa giải thương mại và (3) Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phép hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức: chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
Tính đến nay, cả nước đã có 17 Trung tâm hòa giải thương mại được Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập, 08 Trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại và hơn 100 hoà giải viên thương mại đã đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn[11]. Tuy nhiên, chưa có số liệu báo cáo về vụ việc tranh chấp thương mại được giải quyết theo phương thức hòa giải thương mại[12].
2.2. Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
Bộ luật TTDS năm 2015 đã quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nói chung và chỉ đặt ra vấn đề công nhận tại Việt Nam đối với bản án, quyết định của Toà án nước ngoài hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài. Do đó, trong lĩnh vực hoà giải thương mại thì việc công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án của trung tâm hoà giải thương mại Việt Nam (hoặc của nước ngoài) và của trọng tài thương mại Việt Nam (hoặc của nước ngoài) có hoạt động hoà giải thương mại là những vấn đề hoàn toàn mới, chưa được quy định trực tiếp tại Bộ luật TTDS 2015, cụ thể:
Bộ luật TTDS 2015 đã dành Chương XXXIII (từ Điều 416 đến Điều 419) để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, cụ thể:
Thứ nhất, chỉ những kết quả hòa giải thành thỏa mãn điều kiện theo quy định mới được Tòa án xem xét công nhận theo thủ tục việc dân sự
Theo Điều 416 Bộ luật TTDS năm 2015 thì kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải.
Như vậy, không phải tất cả kết quả hòa giải thành vụ việc ngoài Tòa án đều được công nhận. Để được công nhận, kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải do người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải, ví dụ, theo quy định về hòa giải cơ sở (Luật hòa giải ở cơ sở 2013), quy định về hòa giải trong lĩnh vực đất đai (Luật đất đai 2013), quy định về hoà giải viên trong lĩnh vực lao động (Bộ luật lao động 2019), quy định về hoà giải trong đầu tư kinh doanh (Luật Đầu tư 2020), quy định về hoà giải trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán (Luật Chứng khoán 2019), ... và quy định về hoà giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.
Thứ hai, về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Điều 417 Bộ luật TTDS 2015 quy định cụ thể điều kiện để những kết quả hoà giải thành ngoài Toà án được Tòa án công nhận. Theo đó, để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải thoả mãn các điều kiện sau đây:
Một là, các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (khoản 1 Điều 417). Tương tự như những quan hệ pháp luật khác, để có thể tham gia vào việc thỏa thuận hòa giải thì điều kiện tiên quyết là các bên tham gia phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Chỉ khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì các bên mới có đủ khả năng thể hiện ý chí của mình một cách chính xác và đầy đủ nhất. Do vậy, pháp luật tố tụng quy định kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án chỉ có thể được công nhận khi và chỉ khi kết quả đó do những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tham gia thỏa thuận.
Yêu cầu này của pháp luật Việt Nam phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 5 Công ước Singapore về hoà giải về năng lực ký kết thoả thuận giải quyết tranh chấp đối với các bên khi tham gia, cụ thể: Cơ quan có thẩm quyền của Bên tham gia Công ước nơi cần có biện pháp trợ giúp theo Điều 4 có thể từ chối trợ giúp theo yêu cầu của bên phải thực hiện nếu bên đó cung cấp cho quan thẩm quyền chứng cứ chứng minh rằng: (a) Một bên tham gia thỏa thuận giải quyết tranh chấp không có năng lực ký kết thỏa thuận đó”.
Hai là, các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải (khoản 2 Điều 417). Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý. Khi phát sinh tranh chấp các bên trong quan hệ đó có quyền tham gia thỏa thuận hòa giải để giải quyết. Trong trường hợp thỏa thuận hòa giải thành thì các bên tham gia thỏa thuận có nghĩa vụ tuân thủ những nội dung mà mình đã cam kết.
Ba là, một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận (khoản 3 Điều 417). Theo quy định hiện nay, việc Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thực hiện theo thủ tục việc dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật TTDS, do đó, Tòa án không đương nhiên xem xét, công nhận kết quả hoà giải thành. Nói cách khác, Tòa án chỉ thực hiện việc xem xét, công nhận khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên đã tham gia thỏa thuận hòa giải. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật TTDS 2015: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Bốn là, nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba (khoản 4 Điều 417). Những nội dung thỏa thuận hòa giải vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba thì không được công nhận và không được bảo vệ bởi pháp luật bởi lẽ nó xâm phạm đến trật tự xã hội, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người khác. Quy định này phù hợp với quy định tôn trọng chính sách công được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Công ước Singapore về hoà giải.
Theo quy định của pháp luật TTDS hiện nay thì kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án cần phải thỏa mãn tất cả các điều kiện nêu trên mới được Tòa án ra quyết định công nhận. Việc không thỏa mãn một hay một số điều kiện sẽ dẫn đến kết quả không được Tòa án công nhận. Có thể thấy pháp luật tố tụng hiện nay quy định cụ thể các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện quyền yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, quy định này cũng là căn cứ giúp cho Tòa án xem xét, quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo thủ tục việc dân sự.
Thứ ba, về thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Trước tiên, người yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải làm đơn yêu cầu gửi Toà án (Điều 418 Bộ luật TTDS 2015). Đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án ngoài thông tin cá nhân người yêu cầu còn phải có thông tin của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải; nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận. Ngoài ra, còn phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan. Về chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là một hoặc cả hai bên tham gia thỏa thuận hòa giải. Về thời hạn yêu cầu, việc yêu cầu phải được thực hiện trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.
Về nội dung này, Công ước Singapore về hoà giải chỉ yêu cầu thoả thuận giải quyết tranh chấp “bằng văn bản”, còn thủ tục thi hành theo quy định của pháp luật quốc gia thành viên và phù hợp với các điều kiện của Công ước (khoản 1 Điều 3 Công ước).
Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Công ước quy định: “Nếu một tranh chấp phát sinh liên quan đến yêu cầu của một bên đã được giải quyết bằng thỏa thuận giải quyết tranh chấp, bên tham gia Công ước phải cho phép bên đó viện dẫn thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo các quy tắc về thủ tục của mình và với các điều kiện được quy định tại Công ước này, để chứng minh rằng yêu cầu đã được giải quyết. Theo một kết quả nghiên cứu thì khoản 2 này đã gián tiếp đề cập đến việc pháp luật quốc gia thành viên có thể quy định thủ tục công nhận kết quả hoà giải thương mại thành đã được giải quyết bằng hoà giải và đã được phản ánh trong văn bản đã được ký kết giữa các bên. Để đạt được đồng thuận, những người soạn thảo Công ước đã cố tình tránh đề cập đến thuật ngữ “công nhận” trong khoản 2 Điều 3 của Công ước do sự phản đối của một số quốc gia châu Âu lục địa có hệ thống pháp luật hạn chế việc áp dụng tư pháp quốc tế “công nhận” đối với các bản án của Toà án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài, vì việc “công nhận” thoả thuận giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, về cơ bản là hợp đồng tư nhân giữa các bên là không tương thích trong hệ thống pháp luật của họ.[13]
Thứ tư, về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Nhằm tạo cơ sở cho Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, Điều 419 Bộ luật TTDS 2015 đã quy định khi yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải, người yêu cầu phải gửi kèm theo văn bản về kết quả hòa giải thành. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Sau khi hết thời hạn này Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu và phiên họp này phải được mở trong thời hạn 10 ngày tiếp theo kể từ ngày ra quyết định nêu trên.
Về thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu, những người tham gia phiên họp, thủ tục tiến hành phiên họp được thực hiện theo thủ tục chung. Tòa án chỉ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong trường hợp có đủ các điều kiện công nhận theo quy định. Quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp. Quy định này vừa giúp cho thủ tục giải quyết việc dân sự này được đơn giản hơn, từ đó bảo vệ được tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, vừa tiết kiệm được công sức, thời gian, chi phí cả người tham gia tố tụng lẫn cơ quan tiến hành tố tụng mà vẫn không vi phạm nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử trong TTDS. Bởi lẽ, nếu đồng ý việc kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án trong trường hợp này thì vô hình chung đã hợp pháp hóa việc vi phạm nguyên tắc tự nguyện, tự do ý chí trong quan hệ dân sự.
Trong trường hợp không đủ một trong các điều kiện quy định thì Tòa án ra quyết định không công nhận. Tuy nhiên, việc không công nhận của Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Quy định này là hợp lý bởi vì trong trường hợp Tòa án có công nhận hay không thì về nguyên tắc các bên tham gia thỏa thuận đều có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết của mình một cách thiện chí và trung thực. Do vậy, việc không được Tòa án công nhận kết quả hòa giải một cách hợp lý không phải là lý do để các bên viện dẫn cho việc không tuân thủ cam kết của mình.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp kết quả hòa giải thương mại thành nhưng một trong các bên không tự nguyện thực hiện cam kết của mình thì việc thực hiện thỏa thuận sẽ không có cơ sở giải quyết vì Điều 419 BLTTDS 2015 chỉ quy định chung chung là “việc không công nhận của Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”.
Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường hoà giải, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP chỉ dừng lại ở quy định kết quả hoà giải thành phải lập thành văn bản và đề nghị Toà án công nhận. Bộ luật TTDS chỉ quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về THADS. Trong khi đó, Luật THADS chưa có quy định cụ thể nào về trình tự, thủ tục thi hành đối với quyết định công nhận kết quả hòa giải thương mại thành ngoài Tòa án cũng như cách thức giải quyết trong trường hợp các bên không tự nguyện thi hành kết quả hoà giải thành.
Kể từ khi có quy định của Bộ luật TTDS thì chưa có trường hợp nào đề nghị công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, báo cáo sơ kết của 63 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, từ ngày 01/7/2016 (ngày Bộ luật TTDS 2015 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/7/2018, chưa có Tòa án nào thụ lý, giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án[14].
2.3. Quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010:
Theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì trung tâm trọng tài thành lập và hoạt động theo pháp luật trọng tài thương mại nếu có đăng ký hoạt động hoà giải thương mại thì cũng có tư cách pháp lý như là tổ chức hoà giải thương mại (Điều 18). Hiện nay, ngoài việc thực hiện thủ tục hoà giải theo Quy tắc Hoà giải hoặc tố tụng trọng tài theo Quy tắc tố tụng trọng tài độc lập thì một số trung tâm trọng tài Việt Nam đã mở rộng thêm loại hình hoạt động kết hợp, đó là Hoà giải - Trọng tài hoặc Trọng tài - Hoà giải - Trọng tài, ví dụ tại Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) hoặc tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)[15]. Loại hình hoà giải thương mại này không được đề cập trong Công ước Singapore về hoà giải.
Luật TTTM 2010 quy định về hoà giải thương mại thành, quyết định công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài thương mại như sau:
- Về kết quả hoà giải và công nhận hòa giải thành, Luật TTTM 2010 quy định: Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài” (Điều 58).
- Về cơ chế thi hành phán quyết trọng tài, Điều 65 Luật TTTM 2010 quy định: Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.
- Về quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, Điều 66 Luật TTTM 2010 quy định: Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định.
- Về thi hành phán quyết trọng tài, Luật TTTM 2010 quy định: Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” (Điều 67).
2.4. Quy định của Luật Thi hành án dân sự:
Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại, trong đó bao gồm cả quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 1, Điều 2 Luật THADS).
Luật THADS chưa có quy định trực tiếp về trình tự, thủ tục thi hành quyết định của Toà án về công nhận và thi hành văn bản hoà giải thương mại thành ngoài Toà án. Trong khi đó, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và Bộ luật TTDS đều quy định văn bản hoà giải thương mại thành sau khi được công nhận bằng quyết định của Toà án trên cơ sở yêu cầu của một hoặc hai bên sẽ được thi hành theo thủ tục THADS.
Từ những phân tích trên cho thấy Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, Bộ luật TTDS năm 2015, Luật TTTM 2010 và Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho việc công nhận và thi hành văn bản hoà giải thương mại thành ngoài Toà án ở Việt Nam, trong đó:
(i) Nghị định số 22/2017/NĐ-CP xác định hình thức pháp lý của kết quả hoà giải thương mại là văn bản hoà giải thành và các bên phải có nghĩa vụ thi hành kết quả hoà giải thành, chủ thể ban hành quyết định hoà giải thành là trung tâm hoà giải thương mại Việt Nam (hoặc của nước ngoài), trung tâm trọng tài Việt Nam (hoặc của nước ngoài) có đăng ký thực hiện hoạt động hoà giải thương mại;
(ii) Bộ luật TTDS 2015 quy định chủ thể yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành; điều kiện; trình tự, thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án; dẫn chiếu thi hành quyết định của Toà án công nhận kết quả hoà giải thành theo thủ tục THADS;
(iii) Luật TTTM 2010 quy định về quyết định của Hội đồng trọng tài công nhận sự hoà giải thành giữa các bên về giải quyết tranh chấp thương mại và thi hành phán quyết trọng tài, đồng thời dẫn chiếu thi hành phán quyết, quyết định của Hội đồng trọng tài theo thủ tục THADS; quy định về tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài (thông qua chi nhánh và văn phòng đại diện) tại Việt Nam.
(iv) Luật THADS quy định trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định về dân sự nói chung, trong đó chưa có quy định trực tiếp về trình tự, thủ tục thi hành quyết định của Toà án công nhận văn bản hoà giải thương mại thành. Việc thi hành quyết định công nhận của Toà án đối với các yêu cầu về KDTM; thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận tại Việt Nam đều áp dụng theo trình tự, thủ tục chung về THADS như thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự thông thường.
Từ những phân tích trên cho thấy Luật THADS 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về thi hành quyết định của Tòa án về công nhận kết quả hòa giải thương mại thành ngoài Tòa án và kết quả hòa giải thương mại của nước ngoài ngoài Tòa án hoặc kết quả hoà giải thương mại quốc tế thành ngoài Toà án (Điều 1, 2 Luật THADS). Do đó, cần nghiên cứu bổ sung tại Luật THADS các quy định về thi hành quyết định của Tòa án về công nhận kết quả hòa giải thương mại thành của nước ngoài ngoài Tòa án, kết quả hòa giải thương mại quốc tế thành ngoài Toà án nhằm chuẩn bị nền tảng chính sách pháp luật THADS trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Singapore về hoà giải, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới./.
 
 
TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Học viện Toà án, Toà án nhân dân tối cao
 
 

[1] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
[2] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
[3] Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về hội nhập quốc tế
[4] Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030
[5] Ví dụ, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016…, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chỉnh phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
[6] The United Nations Convention on International Settlement Agreements Resulting from Mediation, “Singapore Convention on Mediation”. Công ước Singapore về hoà giải được kí vào ngày 7/8/2019 với 46 quốc gia tham gia, có hiệu lực từ ngày 12/9/2020. Tính đến ngày 12/3/2023 đã có 55 quốc gia đã kí Công ước và 10 trong số đó đã phê chuẩn Công ước, xem: https://www.singaporeconvention.org, truy cập ngày 12/3/2023
[7] Vi dụ 1: Điều 317 Luật Thương mại năm 2005 quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp như sau:
1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.
Ví dụ 2: Điều 14 Luật Đầu tư 2020 về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh quy định:
1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây: a) Tòa án Việt Nam; b) Trọng tài Việt Nam; c) Trọng tài nước ngoài; d) Trọng tài quốc tế; đ) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
4. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
[8] PGS. TS. Nông Quốc Bình (Chủ biên), Giáo trình Luật Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. Công an nhân dân, 2017, tr. 386, 394, 400, 408.

[9] Sau gần hai năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/7/2022), các Tòa án trên toàn quốc đã nhận được 541.962 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu về dân sự, hành chính, đưa ra hòa giải, đối thoại được 114.332 vụ việc, hòa giải thành, đối thoại thành được 64.676 vụ việc, trong đó, năm 2021 hòa giải thành, đối thoại thành được 10.430/28.004 vụ việc (chiếm tỷ lệ 37.2%); 7 tháng đầu năm 2022 (từ 01/01/2022 đến 01/7/2022) hòa giải thành, đối thoại thành được 54.246/86.332 vụ việc (chiếm tỷ lệ 62,8%), xem TS. Nguyễn Văn Du, Kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án  - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, ngày đăng 13/9/2022, ngày truy cập 12/3/2023.

[10] Điều 11, Điều 13 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP
[11] Bộ Tư pháp, Pháp luật, thực trạng hoà giải thương mại tại Việt Nam và triển vọng từ việc gia nhập Công ước Singapore, tài liệu hội thảo: “Công ước Singapore: Kinh nghiệm quốc tế về việc gia nhập và bài học cho Việt Nam”, tháng 3/2023.

[12] Thảo Anh, Một số loại hình hòa giải trước tố tụng hiện nay, https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/Hoa-Giai-Co-So.aspx?ItemID=106, ngày đăng 24/4/2020 hoặc Hồ Hương, Thực trạng các tranh chấp dân sự được hoà giải ngoài tố tụng dân sự, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=44825, ngày đăng 17/4/2020, ngày truy cập 12/3/2023.

[13] The New UN Convention On Mediation (Aka The ‘Singapore Convention’) – Why It’s Important For Hong Kong, https://www.hk-lawyer.org/content/new-un-convention-mediation-aka-%2%80%98singapore-convention%E2%80%99-%E2%80%93-why-it%E2%80%99s-important-hong-kong

[14] Thảo Anh, Một số loại hình hòa giải trước tố tụng hiện nay, https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/Hoa-Giai-Co-So.aspx?ItemID=106, ngày đăng 24/4/2020 hoặc Hồ Hương, Thực trạng các tranh chấp dân sự được hoà giải ngoài tố tụng dân sự, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=44825, ngày đăng 17/4/2020, ngày truy cập 12/3/2023.