Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành
Từ những vướng mắc bất cập như đã nêu tại Phần 1, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN) và các văn bản hướng dẫn thi hành, như sau:
1. Đối với Luật TNBTCNN năm 2017
Thứ nhất, bổ sung một số các điều, khoản mới quy định:
(1) Thủ tục kết thúc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp thương lượng không thành và thời hạn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường đã hết;
(2) Thủ tục kết thúc giải quyết BTNN đối với trường hợp người có lỗi đã chủ động khắc phục hậu quả, thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại theo đúng nội dung bản án, quyết định giải quyết bồi thường mà không lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí theo quy định tại Điều 62 của Luật TNBTCNN;
(3) Trình tự, thủ tục cấp kinh phí để thi hành nghĩa vụ bồi thường của cơ quan nhà nước phát sinh do người thi hành công vụ gây ra theo bản án, quyết định của Tòa án đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự.
Thứ hai, sửa đổi một số các quy định:
(1) Tại Điều 39 Luật TNBTCNN quy định về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS theo hướng tập trung một cơ quan, một đầu mối giải quyết (cụ thể Tòa án có thẩm quyền) để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường;
(2) Tại điểm a khoản 1 Điều 51 Luật TNBTCNN quy định về việc đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường, theo hướng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường khi người yêu cầu bồi thường rút đơn yêu cầu bồi thường, không phân biệt người yêu cầu bồi thường rút đơn yêu cầu trước hay sau khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý, xác minh thiệt hại;
(3) Tại khoản 2 Điều 45, khoản 1 Điều 46 và khoản 1 Điều 62 của Luật TNBTCNN, theo hướng tăng thời hạn xác minh, thương lượng và lập, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường nhà nước để đảm bảo tính khả thi trong thực tế;
(4) Sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí cho thống nhất với Luật ngân sách nhà nước, theo đó quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động THADS phải chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên, để cơ quan quản lý cấp trên chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trước khi chuyển cơ quan tài chính thẩm định, cấp kinh phí;…
2. Đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 (Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN)
Thứ nhất, bổ sung một số các điều, khoản mới quy định:
(1) về việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Để khắc phục khó khăn trong thực tiễn một số vụ việc giải quyết bồi thường khi xác minh thiệt hại mà thị trường cấp huyện trong phạm vi tỉnh, thành phố không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thì tại Điều 3 của Nghị định 68/2018/NĐ-CP cần bổ sung: Trường hợp thị trường cấp huyện nơi phát sinh thiệt hại thực tế không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng thì thị trường là thị trường cấp huyện gần nhất với nơi phát sinh thiệt hại thực tế trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trường hợp, thị trường cấp huyện nơi phát sinh thiệt hại thực tế hoặc thị trường cấp huyện gần nhất nơi phát sinh thiệt hại thực tế trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng thì thị trường là thị trường cấp huyện ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gần nhất với nơi phát sinh thiệt hại thực tế;
(2) về việc thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, thì tại Điều 13 cần bổ sung: Trường hợp người yêu cầu bồi thường đã nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến một trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước quy định tại Điều 73 của Luật trong thời hiệu yêu cầu bồi thường nhưng tại thời điểm cơ quan được xác định là cơ quan giải quyết bồi thường nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường mà đã hết thời hiệu theo Điều 6 của Luật thì cơ quan giải quyết bồi thường đó vẫn phải thụ lý hồ sơ;
(3) về việc yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, thì tại Điều 16 cần bổ sung thêm quy định về việc cơ quan giải quyết bồi thường có quyền kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường đôn đốc việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong trường hợp cá nhân, tổ chức có liên quan không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật…
Thứ hai, sửa đổi quy định về việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người có lỗi gây ra thiệt hại phải thực hiện trách nhiệm BTNN theo hướng tăng mức hoàn trả để đảm bảo tính răn đe, giáo dục trong việc thực thi công vụ…
Trên đây là một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như lợi ích của Nhà nước.