Bàn về các quy định liên quan đến trình tự thủ tục xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong công tác thi hành án dân sự (Phần I)

28/11/2024


Trong thời gian vừa qua, số vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước (BTNN) ngày càng tăng lên cả về số lượng và mức độ phức tạp, tập trung chủ yếu ở các khu vực các tỉnh miền Tây và miền Nam và tỉnh, thành phố lớn; vì vậy, đặt ra nhiều yêu cầu đối với việc thực hiện các kỹ năng giải quyết BTNN trong Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) trong đó có thủ tục xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ là giai đoạn cuối cùng trong quy trình giải quyết BTNN.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017: “Hoàn trả là trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại một khoản tiền cho ngân sách nhà nước”. Theo đó, trách nhiệm hoàn trả được hiểu là người thi hành công vụ phải trả lại cho Nhà nước một khoản tiền (toàn bộ hoặc một phần) mà Nhà nước đã chi để bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
Luật TNBTCNN quy định về trách nhiệm hoàn trả từ Điều 64 đến Điều 72 Chương VII và nội dung này được quy định cụ thể từ Điều 26 đến Điều 31 Chương IV của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
1. Nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ
Theo quy định tại Điều 64 của Luật TNBTCNN năm 2017 thì nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ được thực hiện theo nguyên tắc sau:
(1) Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
(2) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
          2. Xác định mức hoàn trả, giảm mức hoàn trả
          2.1. Căn cứ xác định mức hoàn trả
Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017, để xác định mức hoàn trả phải căn cứ vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ (là lỗi cố ý hay vô ý) và số tiền Nhà nước đã bồi thường.
2.2 Xác định mức hoàn trả theo từng trường hợp cụ thể
Khi xác định nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại thì người ra quyết định hoàn trả cần căn cứ vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt và và số tiền Nhà nước đã bồi thường. Theo đó, mức độ lỗi được xác định là lỗi cố ý hay lỗi vô ý; trong lỗi cố ý có lỗi cố ý đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và lỗi cố ý nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này cho thấy, pháp luật về TNBTCNN có chế tài về hoàn trả do lỗi cố ý của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại nghiêm khắc hơn so với lỗi vô ý. Các trường hợp về việc xác định mức hoàn trả được quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017, cụ thể như sau:
2.2.1. Trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại
Khoản 2 Điều 65 của LTNBTCNN quy định việc xác định mức hoàn trả trong trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại, cụ thể như sau:
a) Trường hợp thứ nhất, người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại (Điểm a khoản 2 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017).
b) Trường hợp thứ hai, người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường (Điểm b khoản 3 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017).
Trường hợp 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương của người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường (Điểm d khoản 1 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017).
Theo đó, tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về trường hợp này như sau:
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó.
-  Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 40 đến dưới 50 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 60 đến 80 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là từ 30 đến dưới 40 tháng lương của người đó nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
c) Trường hợp thứ ba, người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường (Điểm c khoản 2 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017).
Theo đó, tại khoản 3 Điều 26 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về trường hợp này như sau:
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 05 tháng lương của người đó.
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ trên 08 đến 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 04 tháng lương của người đó.
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường từ 06 đến 08 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 03 tháng lương của người đó.
- Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 06 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Lưu ý:
Lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Trường hợp tại thời điểm có quyết định hoàn trả, người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước thì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP).
2.2.2. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật TNBTCNN nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại (Khoản 3 Điều 65 của Luật TNBTCNN năm 2017).
Theo đó, khoản 4 Điều 26 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về trường hợp này như sau:
(i) Xác định mức hoàn trả của một người thi hành công vụ trên toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường tương ứng với mức độ lỗi theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật TNBTCNN.
(ii) Tính tổng mức hoàn trả của những người thi hành công vụ gây thiệt hại trên cơ sở kết quả xác định mức hoàn trả của một người thi hành công vụ gây thiệt hại quy định tại mục (i) nêu trên.
(iii) Tính tỷ lệ % mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại quy định tại mục (i) so với tổng mức hoàn trả quy định tại mục (ii) nêu trên.
(iv) Mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại được xác định bằng số tiền Nhà nước đã bồi thường nhân với tỷ lệ % quy định tại mục (iii) nêu trên.
Ví dụ: Trong một vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động THADS, Nhà nước đã phải bồi thường cho người bị thiệt hại số tiền là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và có 03 người cùng gây ra thiệt hại là A, B và C. Trong số 03 người thi hành công vụ này thì:
- A là người đã có bản án của Tòa án có thẩm quyền tuyên là phạm tội do có hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại, bản án đã có hiệu lực pháp luật.
- B là người thi hành công vụ được Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định là có lỗi cố ý trong việc gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- C là người thi hành công vụ được Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định là có lỗi vô ý trong việc gây ra thiệt hại.
Tại thời điểm có quyết định hoàn trả:
- A là chuyên viên bậc 5 với hệ số lương là 3,66.
- B là chuyên viên bậc 4 với hệ số lương là 3,33.
- C là chuyên viên bậc 2 với hệ số lương là 2,67.
Lương cơ sở tại thời điểm xem xét trách nhiệm hoàn trả là 1.390.000 đồng.
Cách xác định mức hoàn trả của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại như sau:
Bước 1: Xác định trách nhiệm hoàn trả của từng người thi hành công vụ theo giả định chỉ có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại trên tổng số tiền 500 triệu đồng.
- A bị tuyên là phạm tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật.
=> Giả định mức hoàn trả của A là 500.000.000 đồng.
- B được xác định là có lỗi cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS, B là chuyên viên bậc 4 với hệ số lương là 3,33.
=> Tính số tháng lương của B trên tổng số tiền 500.000.000 đồng là: 500.000.000: (3.33 x 1.390.000) ~ 108 tháng lương.
=> Đối chiếu với quy định tại Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP. B thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP: “Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó”.
=> Mức hoàn trả của B là 50 tháng lương của B ~ 231.435.000 đồng.
- C được xác định là có lỗi vô ý, C là chuyên viên bậc 2 với hệ số lương là 2,67.
=> Tính số tháng lương của C trên tổng số tiền 500.000.000 đồng là: 500.000.000: (2.67 x 1.390.000) ~ 134 tháng lương.
=> Đối chiếu với quy định tại Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP. C thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP: “Trường hợp số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 10 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm có quyết định hoàn trả thì mức hoàn trả là 05 tháng lương của người đó”.
=> Mức hoàn trả của C là 05 tháng lương của C ~ 18.556.500 đồng.
Bước 2: Tính tổng mức hoàn trả của A, B và C.
Trên cơ sở mức hoàn trả của từng người đã tính ra ở bước 1, tổng mức hoàn trả của của A, B và C là: 500.000.000 đồng + 231.435.000 đồng + 18.556.500 đồng = 749.991.500 đồng.
Bước 3: Tính tỷ lệ % mức hoàn trả của A, B và C trên tổng số tiền 749.991.500 đồng.
- Tỷ lệ % của A là: 500.000.000: 749.991.500 ~ 66,67%
- Tỷ lệ % của B là: 231.435.000: 749.991.500 ~ 30,86%
- Tỷ lệ % của C là: 18.556.500: 749.991.500 ~ 2,47%
Bước 4: Tính mức hoàn trả của A, B và C trên số tiền 500.000.000 đồng
Trên cơ sở tỷ lệ % mức hoàn trả của từng người đã tính ra ở bước 3, tính mức hoàn trả của của A, B và C trên số tiền 500.000.000:
- Mức hoàn trả của A là: 500.000.000 x 66,67 % = 333.350.000 đồng.
- Mức hoàn trả của B là: 500.000.000 x 30,86 % = 154.300.000 đồng.
- Mức hoàn trả của C là: 500.000.000 x 2,47 % = 12.350.000 đồng.
2.3. Căn cứ xem xét giảm mức hoàn trả
2.3.1. Các điều kiện được giảm mức hoàn trả
Khoản 4 Điều 65 của Luật TNBTCNN và Điều 27 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định người thi hành công vụ được giảm mức hoàn trả khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chủ động khắc phục hậu quả là việc người thi hành công vụ gây thiệt hại tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Thứ hai, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường (YCBT) và đã hoàn trả được ít nhất 50% số tiền phải hoàn trả.
Thứ ba, người thi hành công vụ gây thiệt hại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
+ Người thi hành công vụ gây thiệt hại là người lao động duy nhất của gia đình mà nếu phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ hoàn trả thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia đình và thuộc một trong các trường hợp: phải nuôi con chưa thành niên hoặc nuôi con thành niên bị tàn tật, không có khả năng lao động; nuôi vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; nuôi bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động.
+ Người thi hành công vụ có điều kiện kinh tế thiếu thốn kéo dài do thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn dẫn đến mất mát tài sản hoặc do bị tai nạn dẫn đến sức khỏe bị tổn hại từ 31% trở lên hoặc do bị bệnh hiểm nghèo.
2.3.2. Quyết định giảm mức hoàn trả
Điểm c khoản 4 Điều 65 của LTNBTCNN và khoản 3 Điều 27 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chứng minh về các điều kiện giảm mức hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có đủ các điều kiện giảm mức hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định hoàn trả ban hành quyết định giảm mức hoàn trả đối với người đó nhưng tối đa là 30% trên tổng số tiền phải hoàn trả. Quyết định giảm mức hoàn trả phải có nội dung chính sau đây:
- Họ và tên người thi hành công vụ gây thiệt hại được giảm mức hoàn trả.
- Lý do giảm mức hoàn trả.
- Mức hoàn trả được giảm.
- Số tiền còn lại phải hoàn trả (nếu còn).
Vụ NV3