Bàn về các quy định liên quan đến trình tự thủ tục xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong công tác thi hành án dân sự (Phần II)

28/11/2024


3. Thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả
3.1. Thẩm quyền và thời hạn thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả
Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường nhanh chóng thực hiện việc thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại nhằm thu hồi nhanh kinh phí nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại. Do vậy, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả (sau đây gọi là Hội đồng). Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan đến việc gây thiệt hại (Khoản 1 Điều 66 của Luật TNBTCNN năm 2017).
Theo đó, tại khoản 01, 02, 03 Điều 28 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về việc thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả như sau:
 a) Trường hợp chỉ có 01 cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường phải hoàn thành việc thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
b) Trường hợp Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường là người thi hành công vụ gây thiệt hại thì đại diện lãnh đạo khác của cơ quan đó thành lập Hội đồng.
c) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại, việc thành lập Hội đồng được thực hiện: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường gửi văn bản đề nghị các cơ quan có liên quan cử người tham gia Hội đồng;  trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cử người, các cơ quan có liên quan đến vụ việc có văn bản cử người tham gia Hội đồng; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản cử người, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường hoàn thành việc thành lập Hội đồng.
3.2. Thời hạn xem xét trách nhiệm hoàn trả
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải hoàn thành việc xác định những người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại, trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả của từng người và có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng tối đa là 30 ngày[1].
3.3. Thành phần Hội đồng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP thì thành phần Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan đã chi trả tiền bồi thường là Chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo các cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau cùng gây thiệt hại; đại diện Công đoàn cơ sở của cơ quan đã chi trả tiền bồi thường; đại diện Công đoàn cơ sở của các cơ quan khác (trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại); đại diện cơ quan đã ban hành văn bản làm căn cứ YCBT (trong trường hợp văn bản làm căn cứ YCBT không có nội dung xác định lỗi của người thi hành công vụ); đại diện cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại (trong trường hợp người đó đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác); đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả lương hưu cho người thi hành công vụ (trong trường hợp người đó đã nghỉ hưu) và các thành phần khác mà cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thấy cần thiết.
3.4. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng
- Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm: triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Hội đồng, phân công trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng, ký biên bản họp Hội đồng, văn bản kiến nghị của Hội đồng và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại khoản 4 Điều 28 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
- Thành viên Hội đồng có trách nhiệm: trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
3.5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
Khoản 6 Điều 28 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, cụ thể như sau:
- Xác định những người thi hành công vụ gây thiệt hại trên cơ sở nội dung văn bản làm căn cứ YCBT và hồ sơ giải quyết công việc liên quan đến việc thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Đánh giá, xác định mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại trên cơ sở nội dung văn bản làm căn cứ YCBT.
Lưu ý: Trường hợp văn bản làm căn cứ YCBT chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ thì Hội đồng đánh giá, xác định mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ do người YCBT cung cấp khi YCBT hoặc trong quá trình giải quyết YCBT và các tình tiết khác của vụ việc.
- Xác định trách nhiệm hoàn trả và mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
- Kiến nghị bằng văn bản với Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường về các nội dung: xác định những người thi hành công vụ gây thiệt hại
đánh giá, xác định mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại, xác định trách nhiệm hoàn trả và mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.
             3.6. Phương thức làm việc của Hội đồng
Phương thức làm việc của Hội đồng được quy định tại Điều 29 của Nghị định 68/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Hội đồng chỉ họp khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập có mặt.
- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Trong quá trình thảo luận và quyết định, các thành viên Hội đồng phải khách quan, dân chủ và tuân theo quy định của pháp luật.
- Các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 28 Nghị định 68/2018/NĐ-CP phải được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập đồng ý.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả và trong Hội đồng còn có ý kiến khác nhau thì việc bỏ phiếu kín theo quy định tại khoản này được thực hiện đối với từng người thi hành công vụ gây thiệt hại. 
- Nội dung cuộc họp của Hội đồng phải được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của các thành viên tham gia cuộc họp. Trường hợp Hội đồng họp nhiều lần thì sau mỗi lần họp đều phải lập thành biên bản.
- Căn cứ kết quả họp và bỏ phiếu về các nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 28 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP, Chủ tịch Hội đồng ký và gửi ngay văn bản kiến nghị đến Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.
- Các trường hợp vụ việc phức tạp có thể kéo dài thời hạn xác định trách nhiệm hoàn trả quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật TNBTCNN bao gồm:
+ Người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc mà tại thời điểm xem xét trách nhiệm hoàn trả, cơ quan đã chi trả tiền bồi thường không xác định được nơi cư trú của người đó.
+ Có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại và văn bản làm căn cứ YCBT không có nội dung xác định lỗi của những người đó.
4. Quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả
4.1. Thẩm quyền ra quyết định hoàn trả
Khoản 3, 4 Điều 66 của Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về thẩm quyền ra quyết định hoàn trả và gửi quyết định hoàn trả, theo dó, trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại, trừ trường hợp (người thi hành công vụ gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự do cơ quan khác quản lý) quy định tại điểm b khoản 3 Điều 66 của Luật TNBTCNN.
Lưu ý: Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ban hành quyết định hoàn trả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó. Quyết định hoàn trả phải được gửi tới người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả, cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thu tiền hoàn trả.
4.2. Thời hạn ban hành và nội dung của quyết định hoàn trả
Điều 30 của Nghị định số 68 /2018/NĐ-CP quy định về thời hạn ban hành và nội dung của quyết định hoàn trả, cụ thể như sau:
- Thời hạn ra quyết định hoàn trả: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường phải ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP.
- Nội dung của quyết định hoàn trả:
+ Họ và tên người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả;
+ Mức độ lỗi của người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả;
+ Mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại;
+ Phương thức thực hiện việc hoàn trả.
- Quyết định hoãn thực hiện việc hoàn trả: Trường hợp sau khi ra quyết định hoàn trả mà có người thi hành công vụ thuộc trường hợp được hoãn thực hiện việc hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định hoàn trả ban hành quyết định hoãn thực hiện việc hoàn trả đối với người đó.
4.3. Hiệu lực của quyết định hoàn trả
Điều 67 của Luật TNBTCNN quy định về hiệu lực của quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả có hiệu lực kể từ ngày ký.
4.4. Thu, nộp tiền hoàn trả
Trong trường hợp quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả không phù hợp với quy định tại Điều 65 và Điều 66 của Luật TNBTCNN thì cơ quan QLNN về công tác bồi thường nhà nước kiến nghị Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xem xét lại quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả. Căn cứ vào quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu số tiền phải hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác quy định tại Điều 70 của Luật TNBTCNN.
5. Phương thức thực hiện việc hoàn trả
5.1. Phương thức thực hiện hoàn trả
Điều 68 của Luật TNBTCNN quy định phương thức thực hiện việc hoàn trả, cụ thể như sau:
- Việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và phải được xác định trong quyết định hoàn trả.
- Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào thu nhập từ tiền lương hằng tháng của người thi hành công vụ thì mức trừ tối thiểu là 10% và tối đa là 30% thu nhập từ tiền lương hằng tháng.
- Trường hợp người thi hành công vụ phải hoàn trả là người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai thì được hoãn việc hoàn trả theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
5.2. Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác; đã nghỉ hưu, nghỉ việc và đã chết
5.2.1. Trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác
 Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả; cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật (Điều 70 Luật TNBTCNN năm 2017).
5.2.2. Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc
- Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại có hưởng lương hưu thì cơ quan Bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 70 Luật TNBTCNN).
- Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 70 Luật TNBTCNN).
5.2.3. Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết
Quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết (Điều 72 Luật TNBTCNN).
6. Xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ YCBT không còn là căn cứ YCBT
6.1. Trường hợp chưa ban hành quyết định hoàn trả
Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại chưa ban hành quyết định hoàn trả thì đình chỉ việc xác định trách nhiệm hoàn trả.
6.2. Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả
Trường hợp văn bản làm căn cứ YCBT bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định không còn là căn cứ YCBT mà người thi hành công vụ gây thiệt hại đã hoàn trả thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm trả lại số tiền mà người đó đã hoàn trả.
6.3. Trường hợp đang thực hiện nghĩa vụ hoàn trả
Trường hợp người thi hành công vụ đang thực hiện nghĩa vụ hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người đó ra quyết định hủy quyết định hoàn trả và ra quyết định trả lại tiền hoàn trả.
a) Việc trả lại tiền hoàn trả cho người thi hành công vụ trong trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người đó còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định trả lại tiền hoàn trả, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ trả lại cho người thi hành công vụ số tiền người đó đã hoàn trả.
- Sau khi trả lại tiền cho người thi hành công vụ, cơ quan trực tiếp quản lý người đó có văn bản đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí bằng số tiền hoàn trả đã nộp ngân sách nhà nước.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan tài chính có thẩm quyền hoàn thành việc cấp bổ sung kinh phí cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ.
b) Việc trả lại tiền hoàn trả cho người thi hành công vụ trong trường hợp cơ quan trực tiếp quản lý người đó không còn đủ dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định trả lại tiền hoàn trả, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có văn bản đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí để trả lại tiền hoàn trả cho người thi hành công vụ.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ.
- Ngay sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ trả lại tiền hoàn trả cho người thi hành công vụ.
Vụ NV3

[1] Khoản 2 Điều 66 của Luật TNBTCNN năm 2017