Năm 2002, Chị Nguyễn Thị V và anh Nguyễn Văn C kết hôn với nhau, năm 2003 sinh được một đứa con trai, tài sản có một ngôi nhà cấp 3 mặt đường của Tp H, một thời gian chung sống vợ chồng C rất hạnh phúc, sau đó phát sinh mâu thuẫn không ở với nhau được, chị Nguyễn Thị C nộp đơn lên TAND thành phố H xin ly hôn với anh Nguyễn Văn C và đã được TAND thành phố H thụ lý, xét xử cho ly hôn. Tại bản án số 54/HNGĐ-ST ngày 20/5/2010 đã tuyên:
“- Về quan hệ hôn nhân: Giao cháu T cho chị Nguyễn Thị V nuôi dưỡng và anh C phải cấp dưỡng nuôi con hàng tháng 1triệu đồng kể từ tháng 10/2010 và chấm dứt khi phát sinh một trong các điều kiện quy định tại điều 61 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
- Về quan hệ tài sản: chị Nguyễn Thị V được sở hữu căn nhà cấp 3 tại thành phố H, đồng thời chị V có trách nhiệm thối lại giá trị chênh lệch căn nhà là 500 triệu đồng cho anh C…”
Sau đó, anh Nguyễn Văn C, kháng cáo lên cấp tỉnh để xét xử phúc thẩm với nội dung yêu cầu xin được nhận nhà, nuôi con và thối lại tiền cho chị V. Tại bản án số 04/HNGN-PT ngày 14/01/2011của TAND tỉnh P xét xử cho ly hôn và tuyên:
“… Giao cho anh Nguyễn Văn C quản lý, sử dụng căn nhà cấp 3 và đất tại TP H có giá trị 1 tỉ đồng và có trách nhiệm thối lại cho chị Nguyễn Thị V ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng. Khi cháu T đủ 18 tuổi, anh Nguyễn Văn C có trách nhiệm giao lại nhà và đất nói trên cho cháu T toàn quyền sở hữu…”
Ngày 30/02/2011 chị Nguyễn Thị V, gửi đơn đến cơ quan thi hành án (THA) -thành phố H để yêu cầu như bản án phúc thẩm đã tuyên. Căn cứ theo khoản 1 điều 35, khoản 2 điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cơ quan thi hành án TP H, phải thụ lý đơn của chị V và ra quyết định thi hành án với nội dung yêu cầu: “Buộc Anh Nguyễn Văn C cấp dưỡng nuôi con, mỗi tháng 1triệu đồng và thối lại ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị V…”
Quá trình thi hành án và xác minh thực tế tại địa phương thì ông Nguyễn Văn C, đang công tác tại công ty B, thu nhập lương hàng tháng khoản 6 triệu đồng và chỉ có duy nhất một tài sản là căn nhà cấp 3 và đất tại TP H mà bản án phúc thẩm đã tuyên, ngoài ra không còn tài sản, thu nhập nào khác. Sau đó, cơ quan thi hành án tiến hành làm việc với hai bên đương sự để thoả thuận việc thi hành án nhưng anh C không có khả năng để thối lại số tiền 500 triệu đồng cho chị V, còn chị V thì yêu cầu cơ quan THA tiến hành kê biên, xử lý căn nhà cấp 3 tại TP H để trả số tiền theo án tuyên cho Chị. Đây là một yêu cầu chính đáng của chị V nhưng cơ quan thi hành án không thể tổ chức kê biên tài sản được.
Để có cơ sở thi hành, cơ quan thi hành án có công văn gửi TAND tỉnh P đề nghị giải thích rõ bản án, có được kê biên, xử lý tài sản là ngôi nhà đó không, thì nhận được công văn trả lời một cách chung chung và quan điểm của Tòa phúc thẩm cho rằng bản án phúc thẩm tuyên “...Khi cháu T đủ 18 tuổi, anh Nguyễn Văn C có trách nhiệm giao lại nhà và đất nói trên cho cháu T toàn quyền sở hữu…” là theo yêu cầu thoả thuận của hai bên đương sự giữa anh C và chị V đều thống nhất, là đúng pháp luật không trái với đạo đức xã hội. Cho nên Tòa phúc thẩm tuyên như vậy là đúng. Nếu như lập luận của Tòa phúc như vậy thì cơ quan thi hành án không thể tổ chức kê biên, xử lý ngôi nhà đó được mà phải đối mặt với nhiều đơn thư khiếu nại từ phía chị V. Chính vì lẽ đó mà phát sinh nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Cho rằng, bản án phúc thẩm tuyên “Giao cho anh Nguyễn Văn C quản lý, sử dụng căn nhà cấp 3 và đất tại TP H có giá trị 1 tỉ đồng và có trách nhiệm thối lại cho chị Nguyễn Thị V ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng. Khi cháu T đủ 18 tuổi, anh Nguyễn Văn C có trách nhiệm giao lại nhà và đất nói trên cho cháu T toàn quyền sở hữu…” có nghĩa là, anh C phải có nghĩa vụ thối lại số tiền 500 triệu đồng cho chị C và đồng thời cũng muốn quản lý căn nhà đến khi cháu T đủ 18 tuổi thì giao lại cháu T toàn quyền sở hữu. Như vậy, bản án phúc thẩm đã khẳng định ngôi nhà đó là tài sản của cháu T, khi cháu T đủ 18 tuổi. Do đó, không thể coi là tài sản đảm bảo thi hành án cho khoản nợ 500 triệu đồng trả cho chị V thì không thể cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đó được mà cơ quan thi hành án phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khác để thi hành án. Cho nên, ngoài nguồn lương hàng tháng 6.000.000đ mà anh C công tác tại Công Ty B, không còn tài sản, thu nhập nào khác, chỉ đủ đảm bảo cho khoản thi hành cấp dưỡng nuôi con mà thôi. Vậy để xử lý vụ việc này, theo quan điểm thứ nhất chỉ có thể áp dụng theo quy định tại điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, để ra Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho chị V là phù hợp quy định pháp luật.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nếu xử lý vụ việc trên bằng quan điểm thứ hai thì chị V sẽ khiếu nại cơ quan thi hành án là không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho chị C. Cho nên cơ quan thi hành án phải thực hiện kỹ năng thuyết phục giữa anh C và chị V về việc thỏa thuận xử lý ngôi nhà, trả cho chị V số tiền 500 triệu đồng, phần tiền còn lại gửi tiết kiệm đến khi cháu T đủ 18 tuổi giao lại cho cháu T là phù hợp. Bỡi vì phần tiền đó là giá trị của ½ căn nhà theo án tuyên và cũng tài sản để đảm bảo quyền lợi cho cháu T khi đủ 18 tuổi giao cho cháu T toàn quyền sở hữu. Hơn nữa cháu T được Chị V nuôi dưỡng, sẽ không có khả năng khi cháu T đủ 18 tuổi yêu cầu được nhận nhà và đất, mặc dù quyền lợi được nhận nhà và đất của cháu T xác định trong bản án phúc thẩm, nhưng ngôi nhà và đất đó đã xử lý ở giai đoạn thi hành án đảm bảo khoản tiền cho chị V và Anh C, chị V lập biên bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề khiếu nại về sau của cháu T, thì cơ quan thi hành án kê biên xử lý ngôi nhà và đất đó đảm bảo khoản tiền cho chị cũng phù hợp, vừa hợp lý vừa hợp tình.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Bản án phúc thẩm của toà án tỉnh P đã xét xử và tuyên “…Khi cháu T đủ 18 tuổi, anh Nguyễn Văn C có trách nhiệm giao lại nhà và đất nói trên cho cháu T toàn quyền sở hữu” thì cơ quan thi hành án không thể kê biên, xử lý tài sản đó được, nếu kê biên, xử lý ngôi nhà và đất đó thì đến khi cháu T đủ 18 tuổi, anh C sẽ không có nhà và đất đó giao lại cho cháu T. Như vậy, việc kê biên, xử ngôi nhà đất là trái pháp luật, còn nếu giải quyết theo quan điểm thứ nhất, áp dụng điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 trả lại đơn yêu cầu cho Chị V thì vụ việc sẽ phức tạp hơn, chị V sẽ khiếu nại khắp nơi để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bởi vì, sau khi ly hôn, anh C được quyền quản lý, sử dụng ngôi nhà đó để ở, còn chị V sẽ ra khỏi nhà không có chỗ ở, tức nhiên là chị V bức xúc khiếu nại là lẽ đương nhiên. Rõ ràng tại Bản án phúc thẩm cũng đã tuyên ngôi nhà và đất đó là tài sản chung và phân chia tại toà án, ½ trị giá căn nhà và đất là 500 triệu thuộc quyền sở hữu của chị V, còn ½ trị giá căn nhà còn lại đương nhiên là của anh C và anh C được quyền tự nguyện giao lại cho cháu T toàn quyền sở hữu cũng phù hợp pháp luật. Nhưng bản án phúc thẩm lại ghi nhận sự tự nguyện không phù hợp ở chỗ là “anh C có trách nhiệm giao cả căn nhà và đất cho cháu T khi cháu T đủ 18 tuổi”. Như vậy, ngôi nhà đó đã xác định rõ ràng thuộc quyền sở hữu của cháu T, không còn là tài sản chung để phân chia đảm bảo cho nguyên tắc quyền và nghĩa vụ (một bên được nhận tài sản và có nghĩa vụ thối lại giá trị chênh lệch cho bên kia). Điều đó là không phù hợp. Bởi vì, mọi tài sản chung đều được cung cấp, xác định tại Toà án để phân chia cho nhau và Toà phúc thẩm đã biết rõ vấn đề này, nếu ghi nhận sự tự nguyện của anh C giao cả nhà và đất chung đó cho cháu T thì sẽ không còn tài sản nào khác để thối lại ½ giá trị căn nhà 500 triệu cho chị V, mà Anh C chỉ được hưởng tài sản chung theo quy định pháp luật là ½ trị giá căn nhà thôi, còn lại là của chị V, mà anh C lại giao cả căn nhà cho cháu T, có được coi là phù hợp pháp luật không? Cho nên, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng không khả thi trong thực tiễn thi hành án. Chính vì thế, theo quan điểm thứ ba cho rằng, nên kiến nghị lên cấp Giám đốc thẩm để xem xét lại vụ việc chia tài sản sau khi ly hôn này là phù hợp nhất, bảo vệ được quyền lợi cho các bên đương sự và vụ việc sẽ khả thi hơn cho cơ quan thi hành án. Tác giả bài viết này cũng đồng tình theo quan điểm thứ nhứ ba.
Lê Lanh