Một vài ý kiến với Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân

07/11/2014
Ngày 22/9/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã họp đơn vị triển khai về việc góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân. Chúng tôi có một số ý kiến góp ý sau đây:


Thứ nhất, một trong những điểm phối hợp trong công tác thi hành án giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân là công tác xét miễn, giảm thi hành án, tuy nhiên trong biểu số 01 và biểu số 02 thống kê kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc và thống kê kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền, số việc miễn, giảm thi hành án chưa được đưa vào trong bảng biểu thống kê. Do vậy, cần thiết nên đưa mục miễn, giảm thi hành án vào bảng biểu thống kê 01 và 02.

Thứ hai, tại biểu 01 và biểu 02:

Việc đề các mục trong cột Số thứ tự tại biểu 01 và biểu 02: 1= 2+ 3+ 4+ 5 chưa thực sự khoa học, làm cho việc theo dõi sẽ khó hơn. Để bảng biểu khoa học, rõ ràng hơn đơn vị cho rằng nên đặt số thứ tự là: 1 = 1.1 + 1.2 +…

Dòng thứ nhất là “Tổng số việc, tiền thụ lý” = Kỳ trước chuyển sang + thụ lý mới + uỷ thác hoặc do Cục Thi hành án dân sự rút lên thi hành + Thu hồi, huỷ bỏ quyết định thi hành án là chưa hợp lý, bởi vì “Tổng số việc, tiền thụ lý” thể hiện số việc, tiền thụ lý mới trong năm, trong kỳ, không bao gồm số việc, số tiền kỳ trước chuyển sang. Do vậy, đặt mục “Tổng số việc, số tiền thụ lý  là chưa chính xác, theo ý kiến của đơn vị nên đặt tiêu mục“Tổng số việc, số tiền giải quyết”.

Hơn nữa, dòng 1 = dòng 2+ dòng 3 + dòng 4 + dòng 5 là chưa hợp lý. Theo đơn vị, chỉ nên đặt dòng 1 = dòng 2+ dòng 3, để dòng 4, dòng 5 là mục riêng.

Tại dòng 8 biểu số 02 thống kê kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền chỉ để tiêu đề “Đã thi hành xong”, bỏ chữ “Thực thu”. Vì nếu đặt tiêu đề “Thực thu” tức là số tiền đã thu được, nộp Ngân sách Nhà nước. Do đó, việc đặt tiêu đề như vậy, sẽ không bao quát hết nếu xét trong trường hợp nếu Quyết định thi hành án tuyên trả tiền cho đương sự.

Về việc trả đơn yêu cầu thi hành án đưa vào số việc chưa có điều kiện, theo ý kiến của đơn vị là chưa hợp lý vì trả đơn yêu cầu thi hành án là khi có những căn cứ tại khoản 1, Điều 51 Luật Thi hành án dân sự (đương sự không có điều kiện về tiền, tài sản để thi hành án). Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành Bản án, quyết định trong thời hạn pháp luật thi hành án quy định, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, tức là cơ quan Thi hành án sẽ thụ lý bằng một hồ sơ mới; nếu cho vào mục này thì số việc chưa có điều kiện tăng lên, thống kê phải theo dõi mặc dù hồ sơ đã lưu trữ là không hợp lý.

Thứ ba, tại điểm c, khoản 1, Điều 7 trong Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân quy định về việc chưa có điều kiện thi hành: “Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác”. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định đây là một căn cứ để ra Quyết định trả đơn thì trong Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự giữa cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân lại quy định điểm trên vào mục chưa có điều kiện thi hành. Thiết nghĩ, nên bỏ điểm c, khoản 1, Điều 7 trong Dự thảo Thông tư vì nếu “Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác” để trong mục chưa có điều kiện thi hành là một trong những nguyên nhân dẫn đến hồ sơ bị kéo dài, tồn đọng.

Lê Thị Ngời

Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương, thành phố Hải Phòng