Góp ý dự thảo quy trình kiểm tra công tác thi hành án dân sự

07/11/2014


1. Điểm b khoản 1 Điều 2 (dự thảo)

"…. theo chỉ đạo của Lãnh đạo cấp có thẩm quyền".

Bản dự thảo quy trình kiểm tra công tác thi hành án dân sự (gọi tắt là: Quy trình kiểm tra), là dự thảo Quy trình một cuộc kiểm tra công tác thi hành án dân sự theo kế hoạch hành năm đã được người có thẩm quyền phê duyệt. Điểm b khoản 1 Điều 2 bản dự thảo còn qui định: "… và cuộc kiểm tra theo chỉ đạo của Lãnh đạo cấp có thẩm quyền", dự thảo còn hỏi: (Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng có được không?).

Vậy, trong trường hợp nào thì Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng chỉ đạo một cuộc kiểm tra? Theo chúng tôi hiểu, ngoài các cuộc kiểm tra theo kế hoạch hàng năm, các cuộc kiểm tra không nằm trong kế hoạch là "Kiểm tra đột xuất". Việc kiểm tra đột xuất, chỉ xảy ra khi có thông tin cho rằng: Việc thi hành án không kịp thời, không đúng các qui định của pháp luật; Gây khó khăn, cản trở việc thi hành án; Gây thiệt hại cho một trong các bên đương sự; Có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình tổ chức thi hành án; … Các nguồn thông tin này từ Báo chí, truyền thông; khiếu nại, tố cáo của các bên đương sự, của cá nhân, tổ chức, cơ quan; …

Dựa trên các thông tin này, người có thẩm quyền (Tổng cục trưởng, Cục trưởng) chỉ đạo một cuộc kiểm tra để làm rõ nguồn thông tin phản ánh. Từ đó, có căn cứ để trả lời cho chủ thể có nguồn thông tin phản ánh và giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, theo chúng tôi điểm b, khoản 1, Điều 2 bản dự thảo không nên đưa đoạn "Và cuộc kiểm tra theo chỉ đạo của Lãnh đạo cấp có thẩm quyền" vào quy trình kiểm tra hay nói cách khác "bỏ" đoạn này. Nên chăng, bổ sung vào điểm c, khoản 1, Điều 2.

2. Về thời hạn tiến hành một cuộc kiểm tra

Tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo này, quy định: Thời hạn tiến hành một cuộc kiểm tra. Đối với Tổng cục Thi hành án dân sự (gọi tắt là: Tổng cục) là 15 ngày làm việc (điểm a, khoản 1, Điều 5 dự thảo); Cục Thi hành án dân sự (gọi tắt là: Cục) 05 ngày làm việc. Những cuộc kiểm tra diện rộng, phức tạp, thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc (điểm b, khoản 1, Điều 5 dự thảo).

Theo tôi hiểu, đây là bản dự thảo quy trình kiểm tra cho một cuộc kiểm tra công tác thi hành án dân sự. Với thời kỳ kiểm tra công tác thi hành án dân sự (có thể 6 tháng hoặc một năm) đối với đối tượng bị kiểm tra là một cơ quan Thi hành án dân sự hoặc tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc (hay gọi là cấp dưới). Từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc một cuộc kiểm tra, theo kế hoạch hàng năm đã được người có thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm tra phải tuân thủ các quy định của pháp luật; Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; … Tiến hành kiểm tra đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và tính hợp lệ của hồ sơ thi hành án. Sự phù hợp về trình tự, thủ tục của các chứng từ, tài liệu trong hồ sơ thi hành án và các tài liệu khác; …

Một đơn vị bị kiểm tra (chưa kể kiểm tra tất cả các đơn vị trực thuộc), trong thời hạn 6 tháng hoặc một năm phải thụ lý và đưa ra thi hành rất nhiều vụ việc thi hành án (có một số đơn vị ít việc khoảng 30 việc/năm, cũng có đơn vị hàng nghìn việc). Có việc, tài liệu có trong hồ sơ thi hành án hàng trăm trang, thậm chí cả ngàn trang, phải mất rất nhiều thời gian đọc, nghiên cứu, áp dụng pháp luật để kiểm tra.

Vậy, thời hạn kiểm tra như khoản 1, Điều 5 dự thảo có đủ để đọc một hồ sơ thi hành án hay không? Chưa nói đến thời gian thực hiện một cuộc kiểm tra theo kế hoạch. Thời gian quy định như vậy không đạt được mục đích, ý nghĩa của một cuộc kiểm tra. Bởi, kiểm tra công tác thi hành án dân sự nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án. Có biện pháp ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự. Đảm bảo việc thi hành án đúng pháp luật, hạn chế khiếu nại, tố cáo trong thi hành án làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Bên cạnh đó, qua một cuộc kiểm tra đánh giá được trình độ, năng lực, phẩm chất của đội ngũ làm công tác thi hành án dân sự, từ đó, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ đúng năng lực, sở trường; phát huy được trình độ, năng lực của từng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hiệu quả công tác thi hành án ngày được nâng lên.

Việc kiểm tra không chỉ kiểm tra trên hồ sơ, có những vụ việc cần phải đi thực tế mới đánh giá chính xác, có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo chúng tôi, thời hạn tiến hành một cuộc kiểm tra, quy định tại khoản 1, Điều 5 bản dự thảo, sửa đổi như sau:

"Tùy theo số lượng án phải đưa ra thi hành của mỗi đơn vị bị kiểm tra, thời hạn tiến hành một cuộc kiểm tra quy định như sau:

a) Đối với cuộc kiểm tra do Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự ký Quyết định, thời hạn kiểm tra là 15 ngày làm việc;

b) Đối với cuộc kiểm tra do Cục trưởng Thi hành án dân sự ký Quyết định thời hạn kiểm tra là 02 ngày làm việc. Những cuộc kiểm tra diện rộng, phức tạp, thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc".

Trên đây là ý kiến góp ý của cá nhân tôi, mong Ban soạn thảo xem xét, để việc kiểm tra công tác thi hành án dân sự có hiệu quả.

Phạm Công Ý