Một số ý kiến về đình chỉ thi hành án

21/08/2018
Theo Từ điển Tiếng Việt “đình chỉ” là “ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại trong một thời gian hoặc vĩnh viễn”,theo Từ điển Pháp lý thì “đình chỉ thi hành án” là “ngừng việc thi hành bản án, quyết định dân sự”. Đình chỉ thi hành án là việc cơ quan thi hành án ngừng hẳn việc thi hành bản án, quyết định dân sự khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật. 


Đặc điểm của đình chỉ thi hành án là việc chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết địnhdân sự. Việc thi hành án sau khi bị đình chỉ sẽ không được đưa ra thi hành nữa, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vấn đề đình chỉ thi hành án được quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
1. Căn cứ đình chỉ thi hành án
Theo Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành ántrong trường hợp sau đây:
Một là: Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế
Căn cứ đình chỉ trong trường hợp người phải thi hành án chết không để lại di sản phù hợp với quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, trong trường hợp người phải thi hành án chết không để lại di sản thì những người thừa kế cũng không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản.
Đối với trường hợp đình chỉ do người phải thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết địnhcủa tòa án không được chuyển giao cho người thừa kế. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, các nghĩa vụ gắn liền với nhân thân là nghĩa vụ không được chuyển giao. Ví dụ: người phải thi hành án có nghĩa vụ xin lỗi, cải chính trên báo chí về việc mình đã viết bài sai sự thật, nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đó mà người phải thi hành án chết thì nghĩa vụ này không được chuyển giao cho người thừa kế của họ; người phải thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng chết mà theo quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:“Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”.
Hai là: Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết địnhkhông được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế
Khoản 9 Điều 372 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ dân sự chấm dứt khi: Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác.Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Do đó, đối với những quyền liên quan đến nhân thân của người được thi hành án thì sẽ không được chuyển giao cho người thừa kế.
 Ví dụ: Quyền được cấp dưỡng. Theo quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sự kiện pháp lý làm chấm nghĩa vụ cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng đã có các điều kiện đủ để không cần sự cấp dưỡng ví dụ như đã thành niên, có tài sản để tự nuôi mình, người được cấp dưỡng chết….Do đó, nếu người được thi hành án chết thì nghĩa vụ cấp dưỡng cũng đương nhiên chấm dứt.
Hướng dẫn cụ thể về trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế, khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án.
Ba là: Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Theo đó có hai trường hợp cơ quan thi hành án dân sự có thể ra quyết định đình chỉ, đó là: (1) Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản về việc đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định;
(2) Người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định.
Như vậy, khi các đương sự gửi tới cơ quan thi hành án dân sự các văn bản thể hiện ý chí của họ về việc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ việc thi hành án mà việc đình chỉ thi hành án đó phải không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Trong trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì CHV phải lưu ý về thẩm quyền của người ký văn bản thỏa thuận, văn bản yêu cầu đó.
Bốn là: Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật Thi hành án dân sự
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự khi cơ quan thi hành án dân sự nhận được quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm với nội dung hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết địnhđã có hiệu lực pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản cho người trúng đấu giá theo khoản 2 Điều 103 Luật Thi hành án dân sự mà không ra quyết định đình chỉ thi hành án. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người trúng đấu giá tài sản thi hành án.
Năm là: Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác
Giải thể là việc một tổ chức tiến hành các thủ tục pháp lý về giải thể, nhằm chấm dứt tư cách pháp nhân và các quyền, nghĩa vụ liên quan của tổ chức đó. Điều 93 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc giải thể pháp nhân, theo đó pháp nhân giải thể trong các trường hợp: Theo quy định của điều lệ; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.
Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 201 Luật doanh nghiệp (trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp. Như vậy, một doanh nghiệp phải thi hành án nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệpthì phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao các khoản nợ của doanh nghiệp cho người quản lý có liên quan để cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác.
Sáu là: Có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án
Điều 376 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: nghĩa vụ chấm dứt khi bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.Khi có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ đối với khoản thi hành án được miễn.
Bảy là: Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án
Khi cơ quan thi hành án dân sự nhận được quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ thi hành án. Trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Toàn bộ tài sản của tổ chức bị phá sản được sử dụng để thực hiện các yêu cầu thanh toán, các nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức theo thứ tự ưu tiên nhất định theo quy định của pháp luật về phá sản. Các nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp sau khi có quyết định tuyên bố phá sản được quy định cụ thể tại các Điều luật từ Điều 52 đến Điều 58 Luật Phá sản năm 2014.
 Đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thi hành án, theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Luật Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo chấp hành viên chịu trách nhiệm thi hành quyết định thi hành án bị đình chỉ bàn giao cho tòa án các tài liệu thi hành án có liên quan đến việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.
Tám là: Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết địnhđã chết hoặc đã thành niên
 Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Việc xác định độ tuổi của người được giao nuôi dưỡng được căn cứ theo ngày, tháng, năm sinh của người được giao nuôi dưỡng trong bản án, quyết định.
 Bên cạnh căn cứ đình chỉ thi hành án trong trường hợp người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 đã bổ sung căn cứ đình chỉ thi hành án trong trường hợp “người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết”. Khoản 1, khoản 4 Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng đối với trường hợp người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết.
 Về các căn cứ đình chỉ thi hành án, thực tiễn áp dụng vẫn còn một số vấn đề bất cập như:Theo quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự thì một trong những căn cứ chấm dứt nghĩa vụ gồm “Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một”, “vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác”. Để phù hợp với quy định mới này của Bộ luật Dân sự, cần xem xét bổ sung vào Điều 50 Luật Thi hành án dân sự với 2 căn cứ quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự khi bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một và căn cứ vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác.
 2. Về quyết định đình chỉ thi hành án
Khoản 2 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự đã quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Về quyền yêu cầu thi hành án sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án, hiện nay, việc đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại mới chỉ được thể hiện tạibiểu mẫu số D51-thi hành án ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp. Luật Thi hành án dân sự chưa quy định về việc đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại khi có Quyết định đình chỉ thi hành án. Mặt khác, tại khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự cũng không có quy định các trường hợp từ chối yêu cầu thi hành án đối với trường hợp việc thi hành án đã bị đình chỉ. Do đó, việc quy định rõ ràng tại điều luật về việc đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với trường hợp đình chỉ thi hành án là rất cần thiết để các đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình.
Hiện nay, đang có những băn khoăn về trường hợp đương sự rút đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án thì đương sự có được tiếp tục làm đơn yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng đương sự được quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án trở lại, vì theo khoản 1 Điều 35 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại lại hoặc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Nghị định số 61/2009/NĐ- CP và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc Văn phòng Thừa phát lại không được thụ lý các vụ việc thi hành án cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Quan điểm khác cho rằng, một khi đã có quyết định đình chỉ thi hành án thì đương sự không được quyền yêu cầu thi hành án trở lại. Nghị định về Thừa phát lại không có quy định nào cho phép Văn phòng Thừa phát lại được thụ lý  yêu cầu thi hành án dân sự trong trường hợp đã có quyết định đình chỉ thi hành án. Theo Điều 36 Nghị định 135/2013 chỉ quy định trường hợp đã được tổ chức thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự  nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại lại tổ chức thi hành án. Quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ  chức thi hành theo quy định này chỉ áp dụng đối với những trường hợp đã tổ chức thi hành án một phần nhưng sau đó đương sự  có văn bản yêu cầu thi hành án dân sự không tiếp tục và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại có thể chấp nhận bảo lưu kết quả thi hành án trước đó của đương sự để tiếp tục tổ chức thi hành. Trường hợp chưa tổ chức thi hành thì không có kết quả bảo lưu nên không thể tiếp tục tổ chức thi hành án. Đến nay pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chưa hoàn thiện và Luật Thi hành án dân sự cũng không quy định cụ thể để giải quyết trường hợp này. Do vậy, các  cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất để giải quyết những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn thi hành, đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án.
Đình chỉ thi hành án là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quyền và lợi ích của các đương sự, do đó việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện vấn đề này là rất cần thiết.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội