Những kết quả công tác thi hành án dân sự nổi bật 10 tháng năm 2017

26/09/2017
Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, là năm đầu triển khai các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua. Đây là năm thứ hai Hệ thống Thi hành án dân sự tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. 10 tháng năm 2017, Hệ thống Thi hành án dân sự đã triển khai toàn diện các mặt công tác với nhiều kết quả nổi bật, khích lệ.


Triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự (thi hành án dân sự). Trên cơ sở đó, với phương châm “hướng về cơ sở”, ngày 12/4/2017, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/BCS lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Chỉ thị, 63/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản lãnh đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Chú trọng xác minh, phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành chính xác, đúng pháp luật; (2) Nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự về việc và về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành xong cao hơn so với năm 2016 (trên 70% về việc và trên 30% về tiền); (3) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong toàn Hệ thống.
Kết quả thi hành án dân sự về việc, về tiền
Về việc: Đến hết tháng 9/2016, số cũ chuyển sang là 290.788 việc; từ 01/10/2016 đến 31/7/2017, thụ lý mới 501.174 việc. Như vậy, tổng số thụ lý là 791.962 việc, tăng 44.066 việc (5,89%) so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số phải thi hành là 782.272 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 626.504 việc (80,09%); số chưa có điều kiện thi hành là 155.768 việc (19,91%). Kết quả: Thi hành xong 422.069 việc, đạt tỉ lệ 67,37% (tăng 21.293 việc so với cùng kỳ năm 2016).
Về tiền: Đến hết tháng 9/2016, số cũ chuyển sang là 104.520 tỷ 864 triệu 080 nghìn đồng; từ 01/10/2016 đến 31/7/2017, thụ lý mới là 66.882 tỷ 032 triệu 184 nghìn đồng. Như vậy, tổng số thụ lý là 171.402 tỷ 896 triệu 264 nghìn đồng, tăng 33.782 tỷ 447 triệu 635 nghìn đồng (24,55%) so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số phải thi hành là 163.576 tỷ 739 triệu 291 nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 113.140 tỷ 482 triệu 279 nghìn đồng (69,17%); số chưa có điều kiện thi hành là 50.436 tỷ 257 triệu 012 nghìn đồng (30,83%). Kết quả: Thi hành xong 33.541 tỷ 358 triệu 080 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 29,65% (tăng 12.783 tỷ 079 triệu 779 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2016).
+ Về kết quả thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tổng số phải thi hành loại này là 21.176 việc, với số tiền là 96.145 tỷ 523 triệu 644 nghìn đồng, tương ứng với 2,71% về việc và 58,80% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả: Thi hành xong: 2.866 việc, thu được số tiền là 20.893 tỷ 613 triệu 791 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 13,54% về việc và 21,73% về tiền, tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về giá trị tuyệt đối (tăng 574 việc và tăng 7.942 tỷ 679 triệu 744 nghìn đồng) và về tỷ lệ (tăng 1,29% về việc và 6,51% về tiền).
Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã có hiệu lực pháp luật.
+ Tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 91.222 việc tương ứng với số tiền 29.297 tỷ 848 triệu 417 nghìn đồng. Kết quả: Thi hành xong 38.939 việc, thu được số tiền là 1.652 tỷ 923 triệu 570 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 42,7% về việc và 5,64% về tiền. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 571 việc nhưng tăng 756 tỷ 599 triệu 307 nghìn đồng; giảm 1,6% tỷ lệ về việc nhưng tăng 0,74% tỷ lệ về tiền.
Trên cơ sở Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân và Quy chế phối hợp số 911/QCLN-TCTHADS-TCTHAHS ngày 26/11/2015 giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các trại giam, trại tạm giam tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, nhất là trong rà soát, xử lý khoản tiền do phạm nhân là người phải thi hành phần nghĩa vụ dân sự nộp còn tồn đọng và công tác kiểm tra liên ngành.
+ Về kết quả xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đã lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tổng số 3.990 việc, với số tiền là 20 tỷ 264 triệu 161 nghìn đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã xét miễn, giảm tổng số 3.323 việc, tương ứng với số tiền 17 tỷ 398 triệu 899 nghìn đồng, so với cùng kỳ năm 2016, tăng 565 việc tương ứng với 5 tỷ 129 triệu 717 nghìn đồng.
+ Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án, đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 9.039 trường hợp (tăng 618 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016), sau khi có Quyết định cưỡng chế, có 1.039 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án. Như vậy, tổng số việc phải tổ chức cưỡng chế là 8.000 trường hợp (tăng 564 trường hợp so với cùng kỳ).
+ Tổng số vụ việc đã kê biên, định giá lại và đấu giá nhưng không thành là 8.423 việc, tương ứng với số tiền là 10.561 tỷ 357 triệu 074 nghìn đồng, chiếm 1,34% số việc và 9,33% số tiền có điều kiện đang thi hành của toàn quốc (trong đó số việc bán đấu giá từ 3 lần trở lên là 5.810 việc, tương ứng với số tiền là 6.855 tỷ 669 triệu 453 nghìn đồng); so với cùng kỳ năm 2016, giảm 3.035 việc tương ứng với số tiền là 7.948 tỷ 518 triệu 080 nghìn đồng.
Triển khai Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (có hiệu lực từ 01/7/2017) và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Sở Tư pháp các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định mới về đấu giá, bảo đảm minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi..., qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu giá nói chung và đấu giá tài sản thi hành án nói riêng.
+ Trong công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, thực hiện Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện nghiêm túc việc ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử thi hành án dân sự, qua đó, giúp người dân và đương sự giám sát tốt hơn việc phân loại án. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức các đoàn kiểm tra toàn diện và chuyên đề, định kỳ và đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra công tác xác minh điều kiện thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cũng ban hành Kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xác minh điều kiện thi hành án không đúng thời hạn, phân loại án không chính xác để chạy theo thành tích. Do bảo đảm tính công khai, minh bạch nên về cơ bản không phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động phân loại án.
Về số án chuyển kỳ sau, tổng số việc chuyển kỳ sau là 360.203 việc, trong đó, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 204.435 việc, so với số việc có điều kiện thi hành cùng kỳ năm 2016 (215.977 việc) giảm 11.542 việc (giảm 5,34%). Tổng số tiền chuyển kỳ sau là 130.035 tỷ 381 triệu 212 nghìn đồng, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 79.599 tỷ 124 triệu 200 nghìn đồng, so với số tiền có điều kiện thi hành cùng kỳ năm 2016 (81.988 tỷ 255 triệu 815 nghìn đồng) giảm 2.389 tỷ 131 triệu 615 nghìn đồng (giảm 2,91%).
Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
10 tháng năm 2017, Tòa án nhân dân đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự các địa phương 746 bản án, quyết định về vụ án hành chính, trong đó có 262 việc thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan thi hành án dân sự và 484 bản án, quyết định của Tòa án không có nội dung phải theo dõi. Các cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 244 việc, 18 vụ việc Tòa án ban hành Quyết định buộc thi hành án.
Thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, các cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản kiến nghị xem xét đối với 14 trường hợp có nghĩa vụ chấp hành án, đồng thời nghiêm túc tổ chức công khai, đăng tải quyết định buộc thi hành án hành chính trên Cổng, Trang thông tin điện tử thi hành án dân sự đối với 53 trường hợp.
Kết quả phối hợp với Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản về thi hành án dân sự và tổ chức thi hành án dân sự
Từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/7/2017, các cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp với Thừa phát lại thực hiện tống đạt 66.390 văn bản và tổ chức thi hành án đối với 73 việc. Nhìn chung, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và Thừa phát lại tương đối chặt chẽ, hiệu quả, việc tống đạt được thực hiện kịp thời, qua đó, bước đầu giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự.
Tình hình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và công tác hoàn thiện thể chế
Năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai nghiêm túc Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất; rà soát, công bố các thủ tục hành chính theo quy định.
Công tác hoàn thiện thể chế thi hành án dân sự 10 tháng năm 2017 tiếp tục được tập trung đẩy mạnh với việc ban hành 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 05 Thông tư. Đến nay hệ thống văn bản pháp luật về thi hành án dân sự đã được hoàn thiện với 02 Nghị định, 01 Chỉ thị, 08 Thông tư liên tịch và 13 Thông tư.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ
Để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo những vụ án lớn, những vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, những vụ việc liên quan đến tín dụng, bảo hiểm xã hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng pháp luật. Đồng thời, ban hành Quy định về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm, rà soát, lập danh sách; thành lập các Tổ công tác chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài, xây dựng Kế hoạch giải quyết các vụ việc, tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các vụ việc loại này.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng thống nhất pháp luật, khắc phục những sai sót thường gặp trong quá trình tác nghiệp, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự ban hành Quy trình tổ chức thi hành án trong Hệ thống thi hành án dân sự; kịp thời rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự và ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ 13 nhóm vấn đề phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh những vi phạm, sai sót trong công tác thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án; đôn đốc, chấn chỉnh các địa phương tập trung tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự và thi hành quyết định giải quyết vụ việc phá sản. Tại địa phương, Cục Thi hành án dân sự đã thường xuyên hướng dẫn, quan tâm chỉ đạo khắc phục các sai sót, vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ; chủ động tổ chức họp liên ngành với các sở, ban, ngành hoặc kịp thời báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự đối với các vụ việc khó khăn, phức tạp; thường xuyên duy trì chế độ họp giao ban để nắm bắt tình hình và kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc công tác thi hành án dân sự trên địa bàn. Hầu hết các địa phương đã thành lập Hội đồng Chấp hành viên để giúp Thủ trưởng cơ quan thi hành án hướng dẫn nghiệp vụ đối với các vụ việc phức tạp trên địa bàn. Trong 10 tháng năm 2017, toàn Hệ thống đã tiếp nhận tổng số 540 vụ việc đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ. Kết quả: đã giải quyết 499/540 vụ việc, đạt tỷ lệ 92,4%.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong 10 tháng năm 2017, Bộ Tư pháp đã tiếp 781 lượt công dân, tăng 266 lượt so với cùng kỳ năm 2016; tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác này.
Hệ thống Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 8.417 đơn (bao gồm: 7.201 đơn khiếu nại và 1.216 đơn tố cáo) tương ứng với 5.609 việc, tăng 1.597 đơn (23,42%) nhưng giảm 334 việc so với cùng kỳ năm 2016; kết quả phân loại, có 2.865 việc thuộc thẩm quyền. Kết quả: Giải quyết xong 2.595 việc/2.865 việc (2.374 việc khiếu nại và 221 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 90,58%, tương đương cùng kỳ năm 2016 (89,63%); số việc đang tiếp tục giải quyết là 270 việc (231 việc khiếu nại và 39 việc tố cáo). Nhìn chung, các khiếu nại, tố cáo tập trung vào nội dung cưỡng chế kê biên tài sản và cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá.
Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy định về tiêu chí xác định khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài và trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong đó nêu cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự trong việc rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo giải quyết. Tính đến hết ngày 31/7/2017, toàn Hệ thống còn 102 vụ việc loại này.
Hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tập trung kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế của những năm trước đây. Năm 2017, sau khi ban hành Kế hoạch kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 111/2015/QH13 tại các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự. Tại địa phương, các cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra đối với các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác thụ lý, phân loại án, trình tự, thủ tục thi hành án, hồ sơ thi hành án.
Về hoạt động thanh tra, Bộ Tư pháp đã thực hiện 16 cuộc thanh tra trong lĩnh vực thi hành án dân sự, ngoài ra Bộ Tư pháp đã thành lập 02 Tổ xác minh, thu thập thông tin về việc thi hành án. Kết quả thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời cũng đã phát hiện, xử lý nghiêm một số thiếu sót, sai phạm về nghiệp vụ, về công tác tổ chức cán bộ, về công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Hoạt động giám sát, kiểm sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục được tăng cường. Các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện 190 cuộc giám sát đối với công tác thi hành án dân sự, tăng 84 cuộc so với cùng kỳ năm 2016. Hàng năm, theo yêu cầu của HĐND và UBND cùng cấp, các cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự trước HĐND và UBND theo quy định. Qua giám sát, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 142 kết luận giám sát (trong đó có 115 kết luận đúng và 21 kết luận đúng một phần), còn 48 cuộc chưa có kết luận giám sát. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện 712 cuộc kiểm sát đối với công tác thi hành án dân sự, tăng 64 cuộc so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả, đã ban hành 98 kháng nghị (trong đó, số kháng nghị đúng là 91, số kháng nghị đúng một phần là 06, số kháng nghị không đúng là 01) và 500 kiến nghị. Hầu hết các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát đã được các cơ quan thi hành án dân sự nghiêm túc tiếp thu và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót.
Công tác bồi thường Nhà nước và bảo đảm tài chính
Toàn quốc có 30 vụ việc bồi thường đang được chỉ đạo giải quyết (năm trước chuyển sang là 19 vụ việc, thụ lý mới 11 vụ việc). Kết quả: 16 vụ việc đã thương lượng hoặc có quyết định giải quyết bồi thường, có Bản án, Quyết định của Tòa án, trong đó 05 vụ đã chi trả cho người bị thiệt hại với tổng số tiền 1 tỷ 102 triệu 619 nghìn 296 đồng. Bộ Tư pháp đã khẩn trương tổ chức quán triệt Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, ban hành hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về bảo đảm tài chính, toàn quốc có 08 vụ việc (năm 2016 chuyển sang là 02 vụ việc, phát sinh mới 06 vụ việc với tổng số tiền 5 tỷ 577 triệu 037 nghìn 720 đồng). Kết quả: 03 vụ việc (01 vụ từ kỳ trước chuyển sang, 02 vụ mới phát sinh) đã được cấp kinh phí bảo đảm tài chính với số tiền 3 tỷ 755 triệu 053 nghìn 039 đồng; còn lại 05 vụ đang xem xét giải quyết.
Công tác tổ chức cán bộ
Đến 31/7/2017, về biên chế, đã thực hiện 9.444/9.657 biên chế, 3.915 Chấp hành viên, 695 Thẩm tra viên và 1.832 Thư ký thi hành án. Đã hoàn thành Kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, hiện đang tập trung tổ chức đợt tuyển dụng công chức và Kỳ thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính.
Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự; kiện toàn, bổ nhiệm 61/63 Cục trưởng, 01 Quyền Cục trưởng, 01 Phó Cục trưởng phụ trách và 140 Phó Cục trưởng. Tại cấp huyện có 651/710 Chi cục trưởng, 23 Quyền Chi cục trưởng, 36 Phó Chi cục trưởng phụ trách và 1.064 Phó Chi cục trưởng.
 Năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm tạo nguồn cán bộ ổn định, bền vững. Học viện Tư pháp đã tập trung ban hành các Chương trình đào tạo khung mới đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án đáp ứng tốt hơn yêu cầu về kỹ năng thi hành án dân sự cho đội ngũ công chức thi hành án giai đoạn tới.
Biên chế của cơ quan thi hành án dân sự còn chưa tương xứng với khối lượng công việc, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng (năm 2016 tăng 5,64% về việc và 14,74% về tiền; 10 tháng năm 2017 tăng 5,98% về việc và 24,55% về tiền), gây áp lực không nhỏ cho hoạt động thi hành án dân sự. 10 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh mỗi Chấp hành viên giải quyết 325 việc tương ứng với trên 245 tỷ đồng; TP. Hà Nội mỗi Chấp hành viên giải quyết 188 việc tương ứng với trên 97 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương mỗi Chấp hành viên giải quyết 454 việc tương ứng với 85 tỷ đồng; tỉnh Long An mỗi Chấp hành viên giải quyết 336 việc tương ứng với trên 60 tỷ đồng. Cùng với đó, chính sách cán bộ còn chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng đối với công chức luân chuyển, biệt phái về những địa bàn trọng điểm, cấp bách. Cơ chế bảo vệ đối với Chấp hành viên còn chưa được quy định, tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao, nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, trực tiếp hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Chấp hành viên.
Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc
Công tác quản lý tài chính ngân sách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định và ngày càng đạt hiệu quả. Chế độ thu, chi, lập chứng từ, cập nhật sổ sách được thực hiện thường xuyên, chính xác, đáp ứng đầy đủ, kịp thời việc báo cáo quyết toán. Công tác kiểm tra về quản lý ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được chú trọng thực hiện, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại trong lĩnh vực này.
Trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, năm 2017, tổng số vốn đầu tư xây dựng cấp cho khối các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 102 tỷ 781 triệu đồng, giảm 233 tỷ 219 triệu đồng so với năm 2016. Trong đó, 92 tỷ 826 triệu đồng cấp cho 44 dự án xây dựng trụ sở làm việc và 9 tỷ 955 triệu đồng cấp cho 11 dự án xây dựng kho vật chứng. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư Chính phủ giao bị giảm mạnh nên năm 2017, Bộ Tư pháp không được mở mới dự án mà chỉ tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành và cho các dự án thi công dở dang. Đến nay, đã giải ngân 55 tỷ 422 triệu/102 tỷ 781 triệu đồng, đạt 54% kế hoạch vốn được giao. Dự kiến 15 dự án sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2017. Như vậy, đến nay, có 63 Cục và 675 Chi cục được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; 60 Cục và 201 Chi cục được đầu tư xây dựng kho vật chứng.
Trên cơ sở Kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp đã cấp 120 tỷ để tiến hành triển khai mua sắm theo kế hoạch đối với các trang thiết bị, phương tiện làm việc như xe ô tô, máy tính, máy in, máy photocoppy.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
Thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử thi hành án dân sự, công bố các thủ tục hành chính, thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục phát triển hệ thống truyền hình trực tuyến đa phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả và tính kịp thời của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự đến 63 Cục thi hành án dân sự địa phương, năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị trực tuyến đa phương tiện, phấn đấu đến năm 2018 có thể tổ chức giao ban, hội nghị trực tuyến đến cấp Chi cục trên toàn quốc. Bên cạnh đó, để hiện đại hóa hoạt động quản lý công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng để triển khai trong toàn quốc phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự.
Công tác phối hợp, chỉ đạo giữa các bộ, ngành, địa phương
Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đặc biệt quan tâm chú trọng ở cả trung ương cũng như địa phương. Các Quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, giúp các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 2017, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có nhiều buổi làm việc với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Hiện nay, Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp và Tổng cục Quản lý đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ và hoạt động chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài.
Tại địa phương, công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương theo quy định tại Điều 173, 174, 175 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Nhiều Cục Thi hành án dân sự đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, UBND cùng cấp ban hành Chỉ thị hoặc văn bản chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, nhất là các đợt thi hành án cao điểm và thi hành án các vụ việc trọng điểm; kiện toàn và ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự.
Như vậy, nhìn chung, 10 tháng năm 2017, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 với những chuyển biến tích cực. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 5,89% về việc và 24,55% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (trên 171.000 tỷ đồng), song các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 21.293 việc và tăng trên 12.783 tỷ đồng). Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước (80,09% về việc và 69,17% về tiền). Công tác theo dõi thi hành án hành chính được thực hiện nghiêm túc. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết. Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính không ngừng được tăng cường. Có thể nói, công tác thi hành án dân sự tiếp tục có những tiến bộ rõ rệt, với xu hướng ngày càng bền vững, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
                                                                                   Nguyễn Xuân Tùng