Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật tố tụng hành chính

01/11/2018
Ngày 26/9/2018 và ngày 28/9/2018 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có báo cáo số 1516/BC-UBTP14 và Văn bản số 1524/UBTP14 kiến nghị sau giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân.


Theo đó, thực hiện chương trình công tác năm 2018, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch ủy ban nhân dân, ủy ban nhân dân”. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, công tác ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính của ủy ban nhân dân các cấp ngày càng được tăng cường. Trong 03 năm 2015, 2016, 2017, cả nước chỉ có 11.180 quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện đến Tòa án (chiếm 5,9% tổng số khiếu nại hành chính); trong đó chỉ có 983 quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật (chiếm 8,8% tổng số QĐHC, HVHC bị khởi kiện). Nhiều địa phương, Chủ tịch UBND chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa. Đặc biệt, sau kiến nghị của ủy ban Tư pháp tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã thi hành dứt điểm các bản án hành chính tồn đọng từ nhiều năm (từ tháng 12/2017 tháng 8/2018: đã có 53/85 bản án được thi hành xong, hiện chỉ còn 32 bản án chưa thi hành xong).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tố chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này” Tuy nhiên qua giám sát ủy ban Tư pháp nhận thấy, một số địa phương chưa chấp hành nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính năm 2015, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính; quá trình giải quyết vụ án.
Từ kết quả giám sát nêu trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương những địa phương thời gian qua chấp hành nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính đồng thời yêu cầu những địa phương chưa nghiêm túc trong việc tham tố tụng cần có biện pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới. Đối với 32 bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý cá nhân, cơ quan có liên quan. Trên cơ sở rà soát, những bản án có điều kiện thi hành thì đề nghị chỉ đạo các địa phương khẩn trương thi hành; những bản án có những khó khăn, phức tạp trong quá trình thi hành thì đề nghị chỉ đạo các địa phương đề ra giải pháp xử lý dứt điểm.
Ngày 17/10/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10119/VPCP-V.I về việc thực hiện kiến nghị của UBTP của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp: (1) Giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành Luật tố tụng hành chính, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; (2) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo số 1516/BC-UBTP14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành án hành chính; (3) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra công tác thi hành án hành chính, nhất là các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành, có nhiều vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; (4) Rà soát, kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để tồn đọng 32 bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành; trao đổi với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành có liên quan có biện pháp giải quyết đối với bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trước ngày 31 tháng 12 năm 2018; (5) Tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Văn phòng Tổng cục