Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận nhiều nỗ lực của các cơ quan Thi hành án dân sự ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên

18/04/2018
Trong chuyến công tác của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đến các tỉnh Tây Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên) vừa qua, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với các Cục Thi hành án dân sự. Tham gia chuyến công tác có Quền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi.

Tại các cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn đều khẳng định, Tỉnh ủy rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác tư pháp, thi hành án dân sự; tạo điều kiện cho các cơ quan này hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Riêng công tác thi hành án dân sự, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp hoạt động thường xuyên, hiệu quả, có vai trò tích cực trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp ở địa phương.
Tại Cục Thi hành án dân sự Lào Cai, Cục trưởng Lê Văn Thông cho biết, 6 tháng đầu năm, trong số việc có điều kiện đã giải quyết xong 1767 việc, đạt tỷ lệ 78%, đã giải quyết xong trên 32 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 22%. Cục, Chi cục đã bố trí phòng tiếp dân, phân công lãnh đạo, cán bộ trực tiếp dân, công khai nội quy, quy trình và lịch tiếp dân; tại cơ quan thi hành án dân sự không phát sinh việc bồi thường. Cục Thi hành án dân sự đã tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, không để xảy ra vi phạm. Năm 2017 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai được xếp hạng A.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn được Cục Thi hành án dân sự Lào Cai chỉ rõ là số việc thụ lý mới tăng dần qua các năm với số tiền phải thi hành lớn, tính chất phức tạp tăng. Số vụ việc chưa có điều kiện thi hành chủ yếu là án ma túy, người phải thi hành án không có điều kiện thi hành hoặc đang chấp hành án phạt tù. Bên cạnh đó, do đặc điểm của tỉnh miền núi, biên giới, đối tượng thi hành án chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, một số vụ việc đối tượng phải thi hành án là người Trung Quốc cơ quan thi hành án dân sự không có điều kiện tổ chức thi hành án.
Trước những khó khăn nói trên, Cục Thi hành án dân sự đề nghị, Bộ Tư pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong triển khai áp dụng; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho 1 số chi cục đã được phê duyệt trong Danh mục các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 -2020; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự; có chính sách thu hút nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ phù hợp giữa các vị trí công tác trong ngành.
Sau khi nghe ý kiến đại diện các đơn vị, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cơ bản đã đầy đủ, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện, Tổng cục cũng sớm tổng hợp khó khăn vướng mắc của địa phương để kịp thời tháo gỡ. Một số Thông tư bộc lộ nhiều bất cập cũng sẽ được xem xét, nghiên cứu sửa đổi. Trong bối cảnh số lượng việc, tiền tăng, Tổng cục trưởng đề nghị thi hành án dân sự tập trung vào các việc thi hành án trọng điểm, có giá trị lớn, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành không được “khoán trắng” cho Chấp hành viên.
Biểu dương năm 2017 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đạt được 4 chỉ tiêu và dành nhiều hiệu thi đua của ngành, không để xảy ra vi phạm trong công tác, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhấn mạnh, những đột biến gia tăng về việc, tiền với thi hành án dân sự Lào Cai đòi hỏi Lào Cai phải nỗ lực hơn để tiếp tục đạt các chỉ tiêu đề ra, có thứ tự ưu tiên đối với từng vụ việc.
Tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lai Châu, báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, Q. Cục trưởng Trần Công Hướng cho biết, trong năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương và kế hoạch của từng đơn vị, đồng thời khắc phục khó khăn để triển khai tương đối đồng bộ các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền, giảm việc, tiền chuyển kỳ sau đều vượt chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Các công tác khác đều được triển khai thực hiện có hiệu quả.
6 tháng đầu năm 2018, tiếp tục bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương và kế hoạch của từng đơn vị, ngay từ đầu năm, các đơn vị thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã tập trung quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 được giao; Hoạt động chỉ đạo, điều hành trong nội bộ ngành bám sát kế hoạch, có trọng tâm, các mặt công tác được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, công chức, người lao động đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.Tỷ lệ thi hành xong về việc đạt 84%, về tiền đạt 57% (vượt 10,5% về việc và 23,5% về tiền so với chỉ tiêu được giao năm 2018)
Tuy nhiên, theo Q. Cục trưởng Trần Công Hướng, khó khăn với Lai Châu là số việc, tiền thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước đặc biệt là số tiền tăng đột biến; phát sinh nhiều vụ việc phức tạp với số tiền phải thi hành án lớn. Số việc và tiền chuyển kỳ sau còn cao,Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn còn chậm. Biên chế còn thiếu so với chỉ tiêu được giao, đội ngũ Chấp hành viên còn thiếu do thiếu nguồn tuyển dụng
Cục Thi hành án dân sự Lai Châu đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án hướng dẫn quy trình bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp không qua thi tuyển;Đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sựxem xét, tạo điều kiện phê duyệt chủ trương nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc Cục Thi hành án dân sự và sửa chữa Chi cục thi hành án dân sự huyện Mường Tè; cấp kinh phí sửa chữa Cụm kho vật chứng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục thi hành án dân sự thành phố, đồng thời xây dựng Kho vật chứng cho các Chi cục thi hành án dân sự chưa có Kho vật chứng để đảm bảo an toàn vật chứng, tài sản theo quy định.
Quan ngại về khả năng đạt chỉ tiêu về tiền, và công tác cán bộ còn nhiều vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chia sẻ với Lai Châu và yêu cầu thi hành án dân sự phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao, đặc biệt là tỷ lệ thi hành về tiền. Về công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng đề nghị toàn bộ cán bộ giữ mối đoàn kết; rà soát tổng thể việc quy hoạch và các điều kiện liên quan đến các chức danh nghề nghiệp để có giải pháp cụ thể; cần đề cao, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan liên quan để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những gì trong phạm vi Tổng cục và Cục có thể thì cố gắng giải quyết để đảm bảo chế độ chính sách cho anh em trong ngành khi công tác ở một địa phương đặc biệt khó khăn như Lai Châu.
Tại Cục Thi hành án dân sự Điện Biên, theo báo cáo của Cục trưởng Lường Văn Sương 6 tháng đầu năm, trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong hơn 1100 việc, đạt tỷ lệ hơn 85%, đã thi hành xong gần 14 tỷ đồng. Toàn hệ thống đã tổ chức tiếp 218 lượt công dân, giải quyết 1 đơn thư khiếu nại. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 không có công chức nào vi phạm kỷ luật.
Tuy nhiên, hiện nay Cục Thi hành án dân sự hiện mới có 1 Cục trưởng, 1 Phó Cục trưởng, thiếu 2 Phó Cục trưởng, cấp phòng thiếu 2 trưởng phòng, 4 Phó trưởng phòng, 13 Phó Chi cục trưởng do thiếu nguồn Chấp hành viên để kiện toàn.
Thiếu các chức danh quản lý và Chấp hành viên song số lượng việc, tiền thi hành án ở Điện Biên ngày càng tăng, nhiều việc mới phát sinh với số tiền phải thi hành lớn, một số quy định của pháp luật liên quan đã bộc lộ nhiều bất cập…cũng là khó khăn lớn tác động trực tiếp đến công tác thi hành án dân sự.
Cục Thi hành án dân sự Điện Biên đề nghị Bộ Tư pháp cho phép áp dụng cơ chế ưu tiên trong bổ nhiệm lãnh đạo Cục, Chi cục đối với các trường hợp chưa phải là Chấp hành viên. Đồng thời quan tâm bổ sung biên chế cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính để đảm bảo kiện toàn các chức danh lãnh đạo. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, đầu tư xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các Chi cục chưa có trụ sở và kho vật chứng.
Giải đáp một số vấn đề Cục Thi hành án dân sự kiến nghị, Quyền Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi cho biết, trong việc giao biên chế, Tổng cục đã tính toán rất kỹ, trong đó có tính đến cả các yếu tố đặc thù để phân bổ. Về bổ sung Chấp hành viên, ông Khôi đề nghị các trường hợp đủ tiêu chuẩn cần tạo điều kiện để thi, hàng năm Tổng cục đều tổ chức các kỳ thi, với trường hợp xét tuyển cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ. Luật Thi hành án dân sự cũng cho cơ chế đặc thù vì yêu cầu kiện toàn lãnh đạo cũng có thể xem xét bổ nhiệm khi thu hút người có trình độ ngoài ngành vào công tác trong ngành. Quyền Tổng cục trưởng cũng lưu ý có thể thực hiện cơ chế biệt phái, luân chuyển Chấp hành viên ưu tiên cho những địa bàn nhiều việc để khắc phục tình trạng thiếu Chấp hành viên.
Thu Hằng