Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác, có đồng chí Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đại diện Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính thuộc Bộ Tư pháp. Về phía các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, có Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố Tây Ninh và toàn thể công chức, người lao động Cục THADS tỉnh Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Xuân Biên - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự báo cáo tóm tắt kết quả công tác thi hành án dân sự, hành chính 10 tháng năm 2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh. Trong 10 tháng, các mặt công tác của cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã được triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện và đạt một số kết quả nhất định. Kết quả thi hành về việc: tổng số thụ lý là 29.020 việc, tăng 1.031 việc so với cùng kỳ năm 2018, có điều kiện thi hành là 20.835 việc, chưa có điều kiện thi hành là 7.918 việc. Thi hành xong 12.195 việc (tăng 703 việc so với cùng kỳ năm 2018), đạt tỷ lệ 58,53 %. Kết quả thi hành về giá trị: tổng số thụ lý là 2.712.664.703.000 đồng, tăng 99.260.852.000 đồng so với cùng kỳ năm 2018. Số có điều kiện thi hành là 1.590.173.833.000 đồng (60,98%); chưa có điều kiện thi hành là 1.017.661.382.000 đồng (39,02%). Thi hành xong 395.433.927.000 đồng, đạt tỷ lệ 24,87%. Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, đồng chí Cục trưởng đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự một số nội dung cụ thể như: Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét cơ chế cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh được tổ chức thi tuyển công chức để đảm bảo đủ biên chế giải quyết án; cấp kinh phí xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng cho các đơn vị có trụ sở làm việc đã xuống cấp, không có kho vật chứng; phối hợp, tác động Toà án nhân dân tối cao sớm có văn bản trả lời các kiến nghị giám đốc thẩm của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố cũng đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự của đơn vị cũng như những đề xuất, kiến nghị đến Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự.
Khẳng định Tây Ninh là địa bàn trọng điểm về thi hành án dân sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự luôn đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, theo đồng chí Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực, công tác thi hành án dân sự tại tỉnh Tây Ninh chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Lãnh đạo Bộ và Tổng cục, đã có ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn quốc. Phó Tổng Cục trưởng đã chỉ đạo Lãnh đạo Cục, Chi cục khẩn trương thực hiện một số nội dung như: rà soát thực trạng kho vật chứng, trên cơ sở đó đề xuất thuê kho, đề nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp hỗ trợ kinh phí thực hiện; tổng hợp, báo cáo Tổng cục các trường hợp đề nghị giám đốc thẩm, án tuyên không rõ, khó thi hành; thực hiện tốt công tác thi hành án liên quan tổ chức tín dụng, ngân hàng theo Quy chế phối hợp đã ký kết, mạnh dạn báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự, Ngân hàng cấp trên các trường hợp tổ chức tín dụng không phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự; Cục Thi hành án dân sự Tây Ninh phát huy hiệu quả công tác tham mưu, báo cáo xin ý kiến Tổng cục, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phó Tổng Cục trưởng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, thời gian tới sẽ cùng Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho Tây Ninh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chia sẻ những khó khăn của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh về biên chế, số lượng việc thụ lý, trụ sở làm việc xuống cấp… đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được. Mong muốn các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh nỗ lực phấn đấu thực hiện đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao năm 2019, đóng góp vào kết quả chung của toàn quốc. Trong bối cảnh công tác thi hành án dân sự ngày càng gia tăng về số lượng việc thụ lý giải quyết với tính chất ngày càng phức tạp cùng với nguồn lực tài chính, con người còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh mong muốn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tập trung các nguồn lực hiện có, có giải pháp đột phá trong công tác thi hành án dân sự, hoàn thành chỉ tiêu được giao hàng năm. Để đạt mục tiêu trên, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh yêu cầu Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh quán triệt, thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ sau: (i) Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, sâu sát cơ sở và quá trình tác nghiệp của Chấp hành viên; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (ii) Xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết các vụ việc, án trọng điểm, án liên quan tổ chức tín dụng, ngân hàng; (iii) Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc quy định Lãnh đạo đơn vị trực tiếp tiếp công dân định kỳ, giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, tăng cường công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu Lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài; (iv) Tăng cường công tác quản lý ngân sách, thu chi nghiệp vụ thi hành án, quản lý vật chứng. Chủ động nghiên cứu, đề xuất áp dụng các quy định về thuê kho vật chứng, tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; (v) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong nội bộ, thực hiện tốt công tác phòng ngừa vi phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án; (vi) Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, công tác thi hành án, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường trao đổi, xử lý công việc trên môi trường mạng, nghiêm túc cập nhật Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự và các phần mềm chuyên môn khác; (vii) Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác thi hành án dân sự, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, sức khoẻ cho Chấp hành viên, công chức Thi hành án dân sự khi làm nhiệm vụ; (viii) Thực hiện nghiêm túc việc theo dõi thi hành án hành chính đối với 100% bản án, quyết định hành chính của Toà án nhân dân chuyển giao có nội dung theo dõi, chấp hành tốt chế độ báo cáo, thống kê theo quy định.
Đồng chí Võ Xuân Biên thay mặt Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và hứa sẽ nghiêm túc triển khai, thực hiện các ý kiến chỉ đạo, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm 2019.
Trương Thị Hồng Hoa