Thi hành án dân sự: Từng bước giảm án kỳ trước chuyển kỳ sau và cấp thiết sửa Luật THADS

23/11/2023


Năm 2023, công tác Thi hành án dân sự đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ 83,24% án thi hành xong. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới, để công lý được thực thi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được bảo đảm. Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái

Số lượng án phải thi hành: Năm sau cao hơn năm trước
Đề cập đến những kết quả cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái cho biết: Năm 2023, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, sự quan tâm phối hợp của các bộ, nghình trung ương, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của toàn Hệ thống THADS nên đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, số việc thụ lý mới tăng nhiều (tăng xấp xỉ 90 nghìn việc, tương ứng trên 16% so với cùng kỳ năm 2022). Số tiền thụ lý mới tăng (tăng trên 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong số việc có điều kiện thi hành (gần 700 nghìn việc), với trên 192 nghìn tỷ đồng, đã thi hành xong tăng trên 36 nghìn việc (tăng 6,75%) và trên 14 nghìn tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với án tham nhũng, kinh tế, tổng số phải thi hành tăng 906 việc (tăng 22,80%), tăng trên 7 nghìn tỷ đồng (tăng 8,54%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số có điều kiện thi hành trên 3 nghìn việc, tăng 635 việc (tăng 23,18%), tương ứng số tiền gần 50 nghìn tỷ đồng (tăng 13,85%) so với cùng kỳ năm 2022. Đã thi hành xong trên trên 2 nghìn việc, tăng 369 việc (tăng trên 19%) tương ứng số tiền trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng trên 4 nghìn tỷ đồng (tăng gần 28%) so với cùng kỳ năm 2022.
Về một số tồn tại, hạn chế, nổi lên là số án chuyển kỳ sau còn nhiều, thực tế cho thấy kết quả thi hành án năm sau luôn cao hơn năm trước như năm 2023 thi hành xong cao hơn năm 2022 trên là 36 nghìn việc, trên 14 nghìn tỷ, nhưng số chuyển kỳ sau vẫn cao (trên 300.000 việc).
Án kỳ trước chuyển kỳ sau còn nhiều
Phân tích nguyên nhân của tình trạng án chuyển kỳ sau còn nhiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho rằng có 02 nhóm nguyên nhân chính.
Về nguyên nhân chủ quan, vẫn còn một số Chấp hành viên trình độ chuyên môn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn trường hợp vi phạm kỷ luật bị xử lý. Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao; có lúc, có việc còn chậm, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản THA, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai, đặc biệt là trong cưỡng chế THADS.
Về khách quan, có 7 yếu tố tác động chính. Đó là, số lượng việc, tiền phát sinh tăng (năm 2023 tăng gần 90 nghìn việc, trên 34 nghìn tỷ so với năm 2022), trong khi biên chế, số lượng CHV giảm (do tinh giản hơn 100 biên chế), nên mặc dù kết quả THADS năm 2023 cao hơn so với năm 2022, nhưng vẫn không thể giảm được số chuyển kỳ sau.
Số lượng việc người phải THA chưa có điều kiện chiếm số lượng lớn trên 200 nghìn việc (chiếm hơn 62% tổng số chuyển kỳ sau), nhưng cơ quan THADS không thể trả đơn (đối với THA theo đơn yêu cầu), không thể làm thủ tục xét miễn do chưa đủ điều kiện miễn, giảm theo Điều 61 Luật THADS (đối với khoản thu ngân sách nhà nước). Chưa kể đối với loại việc này, dù biết chưa có điều kiện thi hành nhưng định kỳ vẫn phải xác minh nên mất rất nhiều thời gian.
Nhiều vụ việc đang trong thời hạn tự nguyện THA và thực hiện tác nghiệp thủ tục THA theo quy định (như xác minh điều kiện THA; áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THADS, đương sự đang thỏa thuận về giá, về lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá hoặc yêu cầu thẩm định giá lại...).
Một số vụ việc có điều kiện THA, nhưng tài sản duy nhất của đương sự là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà có giá trị lớn hơn rất nhiều so với nghĩa vụ phải THA.
Ở các địa bàn trọng điểm như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, chủ yếu là quyền sử dụng đất, nhưng đang có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật như dự án chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý...
Bình quân một Chấp hành viên phải thi hành 230 việc tương ứng số tiền hơn 102 tỷ đồng (năm 2022 trung bình một CHV phải thi hành 221 việc tương ứng số tiền trên 90 tỷ đồng). Một số nơi Chấp hành viên phải giải quyết lượng án rất cao như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Tiền Giang, Cà Mau...
Bất cập về thể chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật THADS trong nhiệm kỳ này.
Về kết quả công tác thi hành án hành chính, trong năm 2023, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án, quyết định, tăng 453 bản án so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả, đã thi hành xong 582/1.375 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2022). Như vậy, so với cùng kỳ đã thi hành nhiều hơn 153 bản án, quyết định nhưng vẫn chưa giảm được nhiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân do hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều nghình giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất đã có nhiều biến động, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi dẫn đến quá trình tổ chức THA gặp khó khăn (tập trung nhiều ở các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Bình Thuận, Kiên Giang...).
Cấp thiết sửa đổi Luật THADS
Về giải pháp, TS. Nguyễn Quang Thái cho biết: Ngoài các giải pháp lớn hiện nay, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự tập trung vào nhóm án chuyển kỳ sau còn nhiều, cụ thể:
Thứ nhất, đối với nhóm các vụ việc có điều kiện thi hành, sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo thi hành dứt điểm những vụ việc có thể thi hành. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vương mắc; tập trung chỉ đạo xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, án liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị thi hành lớn.
Thứ hai, với nhóm vụ việc chưa có điều kiện thi hành cần tiếp tục rà soát, xác minh điều kiện THA và tổ chức THA ngay khi có điều kiện; phân tích, phối hợp với VKSND, TAND lập hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước đủ điều kiện miễn, giảm.
Thứ ba, các vụ việc đang hoãn, tạm đình chỉ, tạm dừng để giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ chỉ đạo bám sát, yêu cầu các cơ quan THADS tổ chức THA ngay khi điều kiện hoãn, tạm đình chỉ không còn.
Ngoài giải pháp nêu trên, TS. Nguyễn Quang Thái nêu rõ, hiện nay Bộ Tư pháp đang tập trung công tác hoàn thiện thể chế với việc khẩn trương tổng kết, tham mưu sửa đổi toàn diện Luật THADS này với 5 nhóm chính sách lớn. Trong đó, xác định Luật THADS là luật thủ tục nên sẽ tập trung đột phá vào thủ tục THA, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Đồng thời, tính toán kỹ lưỡng hướng xử đối với loại án chưa có điều kiện THA, không để tình trạng như hiện nay là án không có điều kiện nhưng vẫn phải theo dõi, xác minh.
Lê Sơn