Nghiệm thu chính thức Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”

24/11/2023
Sáng 24/11/2023, Đề tài khoa học cấp Bộ Cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam” do ThS. Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự làm Chủ nhiệm đề tài đã được Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý tổ chức nghiệm thu chính thức thành công.



Hội đồng nghiệm thu Đề tài gồm 07 thành viên, trong đó GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng. Phản biện 1 là PGS.TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Phản biện 2 là TS. Nguyễn Công Long, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và các Ủy viên là TS. Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; TS. Nguyễn Thanh Tân, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ 1, Ban Nội chính Trung ương; TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
Thay mặt Ban chủ nhiệm, đồng chí Trần Thị Phương Hoa đã báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài. Theo đó, ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 03 chương. Chương 1: giải quyết các vấn đề lý luận của Đề tài, trong đó: làm rõ một số khái niệm (tài sản tham nhũng, kinh tế; khái niệm thất thoát chiếm đoạt; khái niệm “thất thoát”, “chiếm đoạt”;  “tham nhũng”, “kinh tế”; vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế); đặc thù so với thu hồi tài sản khác; ý nghĩa thu hồi tài sản; khái niệm trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chương 2: làm rõ các vấn đề thực tiễn về cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế ở Việt Nam, trong đó nhóm nghiên cứu làm rõ: (1) quy định của pháp luật hiện hành về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản ở các hoạt động: Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và (2) kết quả thu hồi tài sản trên thực tiễn ở tất cả các hoạt động này, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các vấn đề về lý luận và thực tiễn tại Chương 1 và Chương 2, Chương 3 đã đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, Hội đồng nghiệm thu nhận định Đề tài là một công trình nghiên cứu có chất lượng, chiều sâu, có giá trị khoa học và thực tiễn cao.
Các kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ trực tiếp được cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, thể chế công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; nghiên cứu, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành và một số văn bản pháp luật liên quan đến công tác này.

Hội đồng nhất trí thông qua kết quả nghiệm thu chính thức. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra một số góp ý, trao đổi để Ban Chủ nhiệm tiếp tục hoàn thiện Đề tài và gửi kết quả nghiên cứu đến các cơ quan, ban, ngành có liên quan để đưa đề tài vào ứng dụng trong thực tiễn trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Thu Hằng - Vụ Nghiệp vụ 2