Đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm
PV: Theo đánh giá của ông, việc triển khai thí điểm Thừa phát lại ở nước ta hiện nay là thuận lợi hay khó khăn?
Cũng như việc thí điểm các chế định khác, việc thí điểm chế định Thừa phát lại bên cạnh những thuận lợi cũng còn gặp nhiều, đặc biệt là giai đoạn đầu thực hiện. Có thể kể một số khó khăn lớn mà quá trình thí điểm đang gặp phải, như: Thừa phát lại là một chế định mới, còn trong giai đoạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn còn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, từ công tác quản lý Nhà nước đến mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc của Thừa phát lại... Nhận thức của người dân và cán bộ, công chức trong Ngành Tư pháp về chế định này còn hạn chế nên có ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, công tác chỉ đạo điều hành còn có lúc, có nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một số địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thí điểm...
Do trong thời gian thí điểm nên các quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn thiếu, chưa hoàn toàn đồng bộ với các quy định pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan khác, dẫn đến vướng mắc trong việc sửa đổi, bổ sung và áp dụng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.
Hiện nay, chế định này được mở rộng đến một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, không thuận lợi như tại thành phố Hồ Chí Minh, nên việc thí điểm sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là những địa phương có hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, đội ngũ Thừa phát lại còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm. Hiện nay số lượng Thừa phát lại mới chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, còn tại các địa phương khác, số lượng người tham gia tập huấn để bổ nhiệm Thừa phát lại và hành nghề Thừa phát lại còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ này cũng cần phải được quan tâm, bồi đắp thêm nhiều.
Nói như vậy, không có nghĩa là việc thí điểm không có thuận lợi gì. Theo chúng tôi, thuận lợi lớn nhất là đó là sự thực hiện một chủ trương của Đảng do đó quá trình thực hiện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm của các cơ quan thực hiện. Ngoài ra, chế định này cũng được sự đón nhận tích cực của người dân, xã hội, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp
PV: Ông đánh giá thế nào về tương lai của nghề thừa phát lại?
Về tương lai nghề Thừa phát lại, đây cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người đang hành nghề Thừa phát lại. Theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, việc thí điểm được thực hiện đến hết năm 2015; Chính phủ tổng kết và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp cuối năm 2015. Như vậy, về mặt pháp lý, việc có tiếp tục thực hiện chế định này nữa hay không sẽ do Quốc hội sẽ quyết định tại kỳ họp cuối năm 2015.
Tuy nhiên, từ kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã chứng tỏ rằng chế định này cần thiết trong đời sống pháp lý và là một nhu cầu tự nhiên của xã hội. Đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự, góp phần thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, cải chách hành chính mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Cũng cần nói thêm, hiện nay trên thế giới mô hình này đã được thực hiện thành công tại rất nhiều quốc gia.
Từ các yếu tố như đã nêu, chúng ta có thể tin tưởng rằng, trong tương lai, nghề Thừa phát lại sẽ phát triển tại Việt Nam.
Trọng tâm của việc thí điểm đã chuyển về các địa phương
PV: Bộ Tư pháp đã và đang chỉ đạo triển khai việc thí điểm chế định Thừa phát lại như thế nào và có những hỗ trợ gì cho chế định mới này, thưa ông?
Là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. Hiện nay, các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập tại tất cả các địa phương thí điểm; trọng tâm của việc thí điểm là đẩy nhanh hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại bởi kết quả hoạt động của các Văn phòng là cơ sở quan trọng để đánh giá sự thành công của việc thực hiện thí điểm chế định này. Vì vậy, các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để nhanh chóng đưa các Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động có hiệu quả. Có thể nói, đến thời điểm này, trọng tâm của việc thực hiện thí điểm đã chuyển về các địa phương.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng xác định trách nhiệm của Bộ, của các Ngành Trung ương còn rất nặng nề. Nhiệm vụ của Trung ương trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa liên ngành Trung ương, đặc biệt là giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo, điều hành, nắm tình hình, đôn đốc và giải quyết những vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thí điểm.
Thí điểm chế định Thừa phát lại đã được Bộ Tư pháp đã xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác của ngành, được triển khai thực hiện với quyết tâm cao để việc thí điểm thành công. Thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã có nhiều văn bản gửi các Bộ, Ngành, Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp, hỗ trợ đối với hoạt động Thừa phát lại. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự địa phương phối hợp, hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn, kiến nghị của các văn phòng Thừa phát lại. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp đã có các chính sách, giải pháp hỗ trợ đối với hoạt động của Thừa phát lại, như: Hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tập huấn; phát hành các tài liệu ấn phẩm cung cấp kiến thức pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp và tuyên truyền về Thừa phát lại...
Nếu tiếp tục thực hiện thì cần ban hành Luật
PV: Có ý kiến cho rằng cần phải sớm có Luật về Thừa phát lại làm cơ sở pháp lý cho hoạt động này phát triển một cách tích cực, theo ông, điều này đã là cần thiết chưa?
Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chỉ gồm Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn; trong đó Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chủ trương, nguyên tắc, còn tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, quá trình thực hiện đã gặp không ít vướng mắc về áp dụng pháp luật, đặc biệt khi có xung đột với các quy định pháp luật có liên quan. Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Thừa phát lại, cần thiết ban hành Luật về Thừa phát lại. Về thời điểm ban hành, khi hết thời gian thí điểm, nếu Quốc hội quyết định cho tiếp tục thực hiện chế định này thì cần ban hành Luật.
Để chuẩn bị cho vấn đề này, hiện nay Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động của chế định này cũng như các nội dung khác để phục vụ cho việc tổng kết, trong đó có việc chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Luật về Thừa phát lại khi Quốc hội cho phép.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thúy (thực hiện)
Việc thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp về cải cách Tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và đang được triển khai tại 13 địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau là: Thành phồ Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long.
Đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho 273 trường hợp đạt kết quả; bổ nhiệm 197 trường hợp làm Thừa phát lại. Tính đến nay, 13 địa phương thí điểm đã thành lập được 45 trên số lượng tối đa 63 Văn phòng được phê duyệt, trong đó: Tại thành phố Hồ Chí Minh thành lập 10/số lượng 12 Văn phòng được phê duyệt (hiện đang làm thủ tục để thành lập thêm 01 Văn phòng); 12 địa phương mở rộng thí điểm thành lập được 35 Văn phòng. Hiện nay các Văn phòng Thừa phát lại đã đăng ký hoạt động và bắt đầu đi vào hoạt động. |