Năm 2008, mặc dù còn nhiều khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất có nơi còn tạm bợ, phương tiện làm việc thiếu, một số thể chế trong lĩnh vực thi hành án còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ, trong công tác thường xuyên phát sinh những tồn tại, vướng mắc nhưng toàn thể cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định đã nỗ lực phấn đấu công tác, khắc phục những khó khăn, phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, triển khai thực hiện chương trình công tác trọng tâm theo Quyết định số: 49/QĐ-BTP, ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Bộ Tư pháp, về việc ban hành chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008; bám sát nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương và chương trình công tác năm 2008 của Thi hành án dân sự tỉnh, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều mặt công tác đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.
I. Kết quả công tác trong năm 2008:
1. Về công tác tổ chức cán bộ:
- Trong năm 2008, Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã tổ chức thi tuyển và tiếp nhận: 14 công chức. Đến 30/9/2008, có mặt làm việc là: 123/130 biên chế (THADS tỉnh 18, các huyện 105 người). So với biên chế Bộ Tư pháp giao năm 2007, còn thiếu 07 biên chế. Trong năm, đã lập thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm 04 Trưởng Thi hành án cấp huyện (trong đó bổ nhiệm lại 01, bổ nhiệm mới 03), 11 Chấp hành viên, trong đó: 01 CHV cấp tỉnh, 10 CHV cấp huyện; đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp quyết định bổ nhiệm Phó trưởng THADS thành phố Qui Nhơn và Phù Cát. Đến nay, không còn đơn vị không có Trưởng Thi hành án hoặc có 01 chấp hành viên.
- Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh đã lập thủ tục đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp điều động: 04 cán bộ, công chức trong tỉnh, nhằm tăng cường cán bộ cho các đơn vị còn thiếu hoặc yếu; chuyển ngạch cho 02 công chức từ ngạch kế toán sang ngạch cán sự; cử 04 công chức theo học lớp nghiệp vụ thi hành án khoá VII tại Học viện Tư pháp; 09 công chức theo học lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và ngạch chuyên viên; 05 công chức theo học lớp trung cấp lý luận chính trị.
- Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan Thi hành án được tiếp tục giữ vững và tăng cường. Năm 2008, không còn cán bộ, công chức vi phạm pháp luật và Qui chế của cơ quan đến mức phải xử lý kỷ luật (trong năm 2007 có 02 trường hợp). Nhiều chấp hành viên, cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm trong công việc, sẵn sàng phục vụ nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Trong năm, cán bộ, công chức ở các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tiếp tục thực hiện cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, luôn tự rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng là người đảng viên Cộng sản, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
2. Về kết quả tổ chức thi hành án dân sự:
2.1 Kết quả tổ chức thi hành án về việc:
- Tổng số việc thụ lý thi hành án : 11.073 việc
+ Số việc uỷ thác : 97 việc
- Số việc phải thi hành án : 10.976 việc
- Số việc có điều kiện thi hành : 7.845 việc
Trong đó: Số thi hành xong : 6.359 việc
Tỷ lệ thi hành án xong đạt: 81,06 % trên số việc có điều kiện thi hành án.
2.2. Kết quả tổ chức thi hành về tiền và tài sản:
- Tổng số tiền thụ lý thi hành án : 168.103.826.000đ
+ Số uỷ thác : 7.087.581.000đ
- Số tiền phải thi hành án : 161.016.245.000đ
- Số có điều kiện thi hành : 54.283.312.000đ
Trong đó: Thi hành xong : 36.898.937.000đ
Tỷ lệ số tiền thi hành xong đạt: 67,97 % trên số tiền có điều kiện thi hành.
- Giải quyết việc tồn đọng trong năm đạt: 37,40%
2.3. Công tác thu, quản lý và sử dụng phí thi hành án:
Trong năm 2008,, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã thu được: 565.187.000đ, nộp vào ngân sách: 169.556.000đ, chuyển về Cục Thi hành án dân sự: 113.035.000đ, số tiền để lại tại đơn vị: 282.589.000đ.
3. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nghiệp vụ:
3.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị:
- Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, ngay từ đầu năm các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã cụ thể hoá nhiệm vụ của Ngành, xây dựng, lập kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị mình. Từng đơn vị đã kịp thời quán triệt và triển khai thực hiện, tổ chức thi hành những vụ việc có điều kiện thi hành án, xử lý theo qui định pháp luật đối với những việc chưa có điều kiện thi hành; quyết tâm không để dây dưa, kéo dài việc thi hành án, làm phiền hà cho công dân, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường kiểm tra, đôn đốc Chấp hành viên và công chức trong các mặt công tác; rà soát, xác minh, phân loại án, phấn đấu đạt được cả 3 chỉ tiêu về việc, tiền và tỷ lệ giải quyết số việc tồn đọng theo chỉ tiêu của Bộ Tư pháp qui định.
- Đẩy mạnh thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác Thi hành án dân sự ở từng đơn vị, bộ phận; xây dựng các quy trình giải quyết công việc hợp lý, khoa học gắn với trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở các cơ quan Thi hành án dân sự; thực hành tiết kiệm, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc, điện, nước, điện thoại, xăng dầu, văn phòng phẩm. Thực hiện tốt chế độ khoán kinh phí, góp phần tạo nguồn kinh phí để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức trong cơ quan. Nghiêm chỉnh quán triệt thực hiện Chỉ thị số: 05/2008/CT-TTg, ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thời giờ làm việc đối với cán bộ, công chức. Trong năm, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thực hiện tốt Qui chế làm việc của cơ quan; xây dựng chương trình, kế hoạch, lịch công tác cụ thể theo tuần, tháng, quí, năm; đề cao việc chấp hành kỷ luật lao động, làm việc đạt năng suất chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính trong đơn vị. Tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị, ổn định đội ngũ lãnh đạo đơn vị, tăng cường số lượng Chấp hành viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân của người cán bộ, công chức thi hành án; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn để bổ nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên vả Thẩm tra viên chính.
3.2. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án:
Trong năm 2008, Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đã chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án cho Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm tháo gỡ, xử lý những vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án. Đối với những trường hợp vướng mắc về thể chế, cơ chế, kịp thời có văn bản xin ý kiến Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành. Đến ngày 30/9/2008, Thi hành án dân sự tỉnh đã ban hành 12 văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ cho các huyện, thành phố trong tỉnh; ban hành 02 văn bản xin ý kiến Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về nghiệp vụ thi hành án.
4. Công tác phối hợp liên ngành:
Để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong công tác phối hợp thi hành án dân sự, lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, như: Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính thống nhất giải quyết một số vụ việc tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các ngành, các cấp chưa thi hành được; thống nhất qui trình phối hợp trong việc xử lý tang vật, tài sản thi hành án; xử lý tiền tạm ứng án phí đối với những vụ việc đã tạm ứng án phí nhưng Toà án chưa bàn giao án cho Cơ quan Thi hành án (có những vụ việc đã 10 năm nhưng không bàn giao án). Ngoài ra, trong quá trình thi hành án, cơ quan Thi hành án đã phối hợp yêu cầu một số cơ quan liên quan cung cấp về quyền sở hữu, nguồn gốc, mốc giới tài sản, số dư tài khoản, thu nhập của đương sự; thực hiện việc phong toả tài khoản, cấm chuyển dịch tài sản của người phải thi hành án.
5. Công tác xét miễn, giảm thi hành án:
Năm 2008, các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan, tiến hành xác minh, phân loại, lập hồ sơ đề nghị xét miễn giảm thi hành án: 197 hồ sơ (trong đó miễn 195, giảm: 02 việc), số tiền đề nghị miễn, giảm: 348.718.000đ (trong đó giảm là: 25.817.000đ); kết quả, Toà án đã có quyết định xét miễn, giảm: 128 việc (trong đó 127 việc miễn, 01 việc giảm), số tiền: 118.948.000đ.
6. Việc chuyển giao án có giá trị không quá 500.000đ cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành
Trong năm, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố trong tỉnh đã chuyển giao cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành: 853 việc; số tiền phải thu: 276.895.000đ; số việc đã đôn đốc xong: 459 việc, đạt: 53,8%, số tiền đã thu được: 120.869.000đ, đạt 43,7%. Sau khi thực hiện Chỉ thị số: 21/2008/TTg, ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, các đơn vị đã rà soát rút toàn bộ về huyện để tổ chức thi hành, trừ những trường hợp ở cấp xã có điều kiện đôn đốc thi hành.
7. Công tác hỗ trợ tài chính để thi hành án:
Thực hiện Quyết định số: 136/2005/QĐ-TTg, ngày 09/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số: 86/2005/TT-BTC, ngày 03/10/2005 của Bộ Tài chính, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã hướng dẫn người phải thi hành án thuộc diện được hỗ trợ kinh phí thi hành án lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thi hành án: 07 việc, với số tiền: 271.995.000đ. Tuy nhiên, đến nay chưa được cơ quan quản lý ngân sách cấp trên hỗ trợ kinh phí.
8. Về phối hợp thực hiện công tác đặc xá:
Trong năm, đã quyết định kết thúc thi hành án và xác nhận việc thi hành án cho hơn 200 trường hợp yêu cầu nhằm phục vụ cho công tác đặc xã.
9. Công tác kiểm tra nghiệp vụ thi hành án:
Năm 2008, Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức 03 đợt kiểm tra công tác thi hành thi hành án dân sự ở các đơn vị trong toàn tỉnh nhằm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị và kỹ năng tác nghiệp của chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Nội dung kiểm tra tập trung đi sâu kiểm tra nghiệp vụ thi hành án, công tác thu, chi thi hành án và thực hiện qui chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trong năm 2008, Bộ Tư pháp đã cử 03 đoàn kiểm tra trực tiếp kiểm tra công tác thu phí thi hành án và một số vấn đề có liên quan đến công tác nghiệp vụ và kế toán tài chính của Thi hành án dân sự tỉnh.
10. Công tác thi hành án phá sản doanh nghiệp:
Trong năm 2008, Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh tổ chức thi hành 03 vụ án phá sản mà Toà án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản theo qui định của Luật phá sản. Tổng số tiền phải thi hành đã được hội nghị chủ nợ xác định hơn: 103 tỷ đồng, đã thu được: hơn 7 tỷ đồng. Hiện nay, đang xúc tiến việc thẩm định giá, hợp đồng bán đấu giá các tài sản của doanh nghiệp để thu các khoản nợ theo qui định, tiến tới ra quyết định tuyên bố phá sản.
11. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự:
Từ ngày 01/10/2007 đến ngày 30/9/2008, các Cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 75 đơn khiếu nại việc thi hành án (không có đơn tố cáo), đã ra Quyết định giải quyết 64 đơn, chuyển 08 đơn có nội dung không rõ ràng, không thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo qui định của pháp luật, còn 03 đơn hiện đang thụ lý giải quyết. So với năm 2007, giảm: 20 đơn và tính chất khiếu nại ít phức tạp hơn.
12. Hoạt động quản lý, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, UBND, BCĐ thi hành án, việc giám sát của Hội đồng nhân dân và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự:
12.1. Sư chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, giám sát của HĐND:
Trong năm 2008, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tranh thủ được nhiều hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và giám sát của Hội đồng nhân dân; thường xuyên báo cáo công tác thi hành án tại các cuộc họp nội chính, tham mưu giúp Cấp uỷ Đảng, HĐND theo dõi, giám sát, chỉ đạo công tác thi hành án ở địa phương; kịp thời đề nghị cấp uỷ Đảng, HĐND giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm Chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan Thi hành án. Ngoài ra, tại các kỳ họp HĐND, một số Thi hành án dân sự huyện, thành phố đã trực tiếp báo cáo tình hình hoạt động và trả lời chất vấn về những vấn đề nổi cộm trong hoạt động thi hành án ở địa phương để HĐND cho ý kiến và theo dõi giám sát.
12.2 Việc quản lý nhà nước, chỉ đạo của UBND, BCĐ thi hành án:
- Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, năm 2008 Ban chỉ đạo thi hành án ở các huyện, thành phố trong tỉnh được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy được vị trí, vai trò của mình, giúp Chủ tịch UBND cùng cấp quản lý nhà nước và chỉ đạo kịp thời công tác Thi hành án dân sự ở địa phương. Hàng tháng, quí duy trì các cuộc họp định kỳ để nghe Trưởng Thi hành án dân sự báo cáo những vụ việc phức tạp, vướng mắc, những việc có liên quan đến các ngành, các cấp chưa thi hành được để cho ý kiến hoặc đề nghị Chủ tịch UBND có ý kiến chỉ đạo phối hợp thực hiện; giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc, ách tắc trong lĩnh vực thi hành án.
13. Những vụ việc tồn đọng do án tuyên không rõ, có sai sót, sai lầm hoặc tuyên không có khả thi:
Qua thực tế thi hành án, trong năm 2008 các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh Bình Định phát hiện trên 50 bản án, quyết định của Toà án tuyên về số liệu hoặc nội dung có sai sót, nhất là tỷ lệ phân chia tiền, diện tích, mốc giới, tứ cận của nhà và đất; các tài sản như xe máy các thông số liệu kỹ thuật không đúng với thực tế nên cơ quan Thi hành án không thể tổ chức thi hành được. Qua đó, các cơ quan đã kịp thời có văn bản yêu cầu Toà án giải thích, đính chính để tổ chức thi hành hoặc xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm nhưng có nhiều trường hợp Toà án không có văn bản giải thích, để kéo dài nhiều năm, xem đó là việc đã rồi.
14. Công tác quản lý tài chính, xây dựng trụ sở cơ quan thi hành án, kho vật chứng và kinh phí hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự:
15.1 Công tác quản lý tài chính- kho, quỹ:
Thực hiện Thông tư số: 06/2007/TT-BTP, ngày 05/7/2007 và Quyết định số: 572 của Bộ Tư pháp, trong năm qua các đơn vị đã thực hiện đúng qui trình, thủ tục thu, chi tiền trong nghiệp vụ thi hành án; lập chứng từ, các sổ sách, để theo dõi các mục thu, chi và sung công quỹ nhà nước đúng theo qui định.
Tuy, hầu hết các cơ quan Thi hành án dân sự chưa được xây dựng kho vật chứng theo qui định tại Nghị định số: 18/2002/NĐ-CP, ngày 18/02/2002 của Chính phủ về ban hành Qui chế quản lý kho vật chứng, các đơn vị phải sử dụng phòng làm việc để làm kho tạm hoặc hợp đồng thuê giữ, nhưng công tác thủ kho, thủ quỹ của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh được đảm bảo, an toàn không xảy ra việc mất mát, xâm tiêu tiền, tài sản của đơn vị.
15.2 Về xây dựng trụ sở cơ quan thi hành án, kho vật chứng và mua sắm phương tiện làm việc:
Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trụ sở cho 3 đơn vị, đó là: Thi hành án dân sự tỉnh và cụm kho vật chứng Thi hành án dân sự tỉnh - thành phố Qui Nhơn; trụ sở Thi hành án dân sự huyện Tuy Phước và kho vật chứng huyện Phù Mỹ. Đến nay đã triển khai thực hiện việc xây dựng trụ sở Thi hành án dân sự huyện Tuy Phước và kho vật chứng THADS huyện Phù Mỹ. Riêng trụ sở và cụm kho tang vật Thi hành án dân sự tỉnh – thành phố Qui Nhơn Bộ Tư pháp đã cấp kinh phí gần 3 tỷ đồng, bằng 30% vốn, nhưng do chưa được cấp đất để xây dựng nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông báo sẽ khởi công xây dựng trong năm 2009, nếu được UBND tỉnh giao đất.
Để việc mua sắm tài sản, trang thiết bị đảm bảo chất lượng, đúng thông số kỹ thuật và đúng theo qui định, năm 2008 Thi hành án dân sự tỉnh đã thành lập Hội đồng mua sắm tài sản để thống nhất mua sắm tài sản và phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh. Định kỳ công khai việc mua sắm của đơn vị cho cán bộ, công chức trong cơ quan biết theo dõi, giám sát.
16. Các mặt công tác khác:
Trong năm 2008, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan Thi hành án dân sự tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và kỷ niệm ngày thành lập Ngành, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của có quan giao. Trong năm, Công đoàn Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt đối với cán bộ, công chức, như: gặp mặt ôn lại truyền thống, trao đổi kinh nghiệm công tác đối với nữ cán bộ, công chức trong các cơ quan Thi hành án dân sự nhân ngày 8/3; tổ chức giao lưu giữa các Công đoàn cơ sở trực thuộc; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm với các tỉnh bạn. Ngoài ra, Công đoàn Thi hành án dân sự tỉnh đã hưởng ứng và tham gia Hội thao do công đoàn viên chức tỉnh Bình Định phát động, tạo điều kiện cho từng cán bộ, đoàn viên tham gia thể hiện năng khiếu, sở trường của mình. Bên cạnh đó, trong năm các đoàn viên thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh của cơ quan đã tổ chức nhiều đợt về nguồn, mang ánh sáng pháp luật về tận các buôn làng, vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện miền núi sinh sống; tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý trên các lĩnh vực liên quan đến đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tiếp tục phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, hàng tháng, quý và các ngày lễ, tết, lãnh đạo Thi hành án dân sự tỉnh đến tặng quà, động viên và chúc mừng thọ mẹ; khi ốm đau, cử cán bộ, công chức cơ quan đến tận nơi chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ đến hết bệnh. Tiếp tục thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, trong năm cán bộ, công chức đã đóng góp 04 ngày cho các quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, động đất ở trong nước và Quốc tế; đóng góp các quỹ khác do địa phương kêu gọi…
II. Nhận xét, đánh giá chung:
1. Những mặt làm được:
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2007, biết tranh thủ nhiều hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành hữu quan, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã triển khai đồng bộ về các nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành theo Quyết định số: 49/QĐ-BTP, ngày 16/01/2008 của Bộ Tư pháp. Trong đó, đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường giải quyết án có điều kiện thi hành, xử lý án tồn đọng ở các năm trước chuyển sang, chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều đơn vị phối hợp tốt với các ngành, UBND cấp xã tổ chức thi hành án theo hình thức tập trung theo địa bàn, như: Thi hành án dân sự huyện An Nhơn, Vân Canh. Nhờ đó, đã đạt nhiều kết quả tốt, xử lý được việc tồn đọng kéo dài. Song song với những công tác trên, Thi hành án dân sự tỉnh đã thường xuyên phát động phong trào thi đua, tạo khí thế sôi nổi trong công tác, khơi dậy tinh thần, động lực mạnh mẽ trong cán bộ, công chức thi hành án dân sự. Trong năm, mặc dù còn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lượng án tồn và án phát sinh ngày càng nhiều, biên chế còn thiếu nhưng với lòng quyết tâm của tập thể các Cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch có hiệu quả, đề ra nhiều biện pháp để xử lý án tồn đọng, kiên quyết tổ chức thi hành án đối với những vụ việc có điều kiện thi hành. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo bước đột phá mới để đưa công tác thi hành án dân sự của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhờ đó, trong năm 2008 các cơ quan Thi hành án trong tỉnh đã cơ bản giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài, tổ chức thi hành án về việc đạt: 81,06% và về tiền đạt: 67,97 % so với số việc và tiền có điều kiện thi hành; giải quyết án tồn đọng đạt tỷ lệ: 37,4%.
2. Những mặt còn tồn tại, yếu kém:
Một số Thi hành án dân sự cấp huyện chưa đề cao tinh thần, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác của đơn vị mình, kế hoạch công tác có lúc, có nơi đề ra chưa kịp thời, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; có một số ít đơn vị lãnh đạo chưa gương mẫu đi đầu trong công việc; việc uốn nắn và xử lý các hành vi sai sót, lệch lạc đôi lúc xề xoa, cả nể, buông xuôi; chưa tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao trong đơn vị; công khai tài chính và các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho cán bộ, công chức chưa thường xuyên. Một số ít Chấp hành viên, công chức chấp hành Nội quy, Qui chế còn kém, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công vụ, trong sinh hoạt; chưa xây dựng được chương trình công tác theo tuần, tháng, quý; chưa tích cực học tập để nâng cao trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn theo yêu cầu của công việc, thể hiện rõ nhất là còn lúng túng trong việc xử lý những tình huống trong tổ chức thi hành án, kỹ năng giao tiếp, làm việc với đương sự để tổ chức thi hành án còn hạn chế, có những tình huống đơn giản nhưng yêu cầu tỉnh hướng dẫn nhiều lần làm chậm cho việc thi hành án.
- Kết quả tổ chức thi hành án trong toàn tỉnh tuy vượt chỉ tiêu, có nhiều cố gắng trong các mặt hoạt động khác, nhưng do số lượng việc thi hành án còn tồn đọng chuyển qua năm sau nhiều và có xu hướng tiếp tục gia tăng nhưng chưa có cơ sở vững chắc để giải quyết dứt điểm; việc phân loại án không có điều kiện thi hành ở một số đơn vị thiếu chính xác, đôi lúc mang tính đối phó để xử lý án; tỷ lệ án được xác định không có điều kiện thi hành, án lý do khác còn nhiều; một số cơ quan Thi hành án có số lượng án quá lớn dẫn đến quá tải so với biên chế được giao, như: Thi hành án dân sự thành phố Qui Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn lúng túng, thiếu thuyết phục, còn để đương sự khiếu nại nhiều lần, vượt cấp.
- Nhiều đơn vị đánh giá công chức còn xuề xoa, nể nang, mang tính hình thức, không phản ánh đúng với kết quả và năng lực công tác của từng cán bộ, công chức trong đơn vị. Việc bố trí cán bộ còn mang tính chủ quan, thiếu khoa học, bất hợp lý.
- Việc thực hiện công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ, công chức của các đơn vị thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời, còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ được giao của từng đơn vị;
- Công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kế toán và người làm công tác kế toán đối với các đơn vị còn chậm, thiếu sâu sát; việc báo cáo, báo cáo tài chính chưa được uốn nắn, khắc phục kịp thời; nhiều đơn vị người làm kế toán không đáp ứng được yêu cầu công việc, chưa thực hiện được phần mềm kế toán mới, chưa làm được báo cáo, báo cáo tài chính nhưng lãnh đạo đơn vị không báo cáo, đề xuất thay thế.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém:
- Các qui định của pháp luật về thi hành án dân sự đã bộc lộ sự bất cập, thiếu đồng bộ; cơ chế, tổ chức bộ máy, công tác quản lý điều hành còn nhiều chồng chéo không phù hợp đã tạo ra sức ỳ trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự;
- Một ít lãnh đạo của đơn vị chậm và chủ quan trong việc đánh giá, nắm bắt tình hình, cập nhật các thông tin và các qui định mới; thiếu sâu sát trong việc điều hành tại đơn vị; chưa nắm bắt hết tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh của từng công chức để bố trí và tạo điều kiện cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Số lượng án tồn đọng có chiều hướng gia tăng có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi lên nhất ở một số nguyên nhân sau: nhiều vụ việc thi hành án phải tổ chức thi hành theo định kỳ (thi hành án cấp dưỡng nuôi con…) liên tục kéo dài nhiều năm, có vụ việc kéo dài gần 18 năm mới kết thúc thi hành án; nhiều vụ việc đã tổ chức cưỡng chế, kê biên, định giá và thông báo bán đấu giá tài sản, nhất là về nhà ở và quyền sử dụng đất phải tổ chức lại nhiều lần do không có người mua tài sản; tài sản kê biên không bán được do vướng mắc về nguồn gốc, mốc giới đất đai; nhiều bản án chuẩn bị tổ chức cưỡng chế lại bị hoãn, tạm đình chỉ, sau đó xét xử nhiều lần làm cho vụ việc kéo dài, đôi lúc phức tạp hơn; nhiều bản án Toà án tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi, có trường hợp sai lệch với thực tế; bản án Toà án chậm chuyển giao cho cơ quan thi hành án, nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án đã thi hành án xong phần theo đơn yêu cầu nhưng Toà án chưa chuyển bản án để tổ chức thi hành án phần chủ động; có thời điểm biến động giá cả thị trường làm phát sinh chênh lệch giá tài sản giữa thời điểm xét xử và thi hành án. Nhiều trường hợp đương sự có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án, thậm chí còn chống đối quyết liệt khi tổ chức thi hành án hoặc khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
- Một số ít chấp hành viên, cán bộ, công chức trình độ nhận thức và năng lực chuyên môn còn hạn chế, không có khả năng cập nhật được thông tin, trao dồi nghiệp vụ, không tận tâm với công việc, làm đến đâu hay đến đó.
- Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thiếu quan tâm đến công tác thi hành án dân sự, như chỉ đạo thành lập chi bộ đảng trong cơ quan THA, nên công tác xây dựng đảng trong các cơ quan THA bị xem nhẹ; chính quyền địa phương chưa tạo điều kiện giải quyết về vật chất, cơ sở làm việc; các cơ quan hữu quan chưa phối hợp tốt trong việc tổ chức thi hành án, nhiều vụ việc còn đùn đẩy, né tránh làm cho việc thi hành án ở từng lúc, từng nơi còn gặp nhiều trở ngại. Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên chưa thật sự đầy đủ, chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao; địa vị pháp lý của cơ quan Thi hành án dân sự chưa tương xứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phụ thuộc quá nhiều vào các cơ quan khác, đôi lúc phải chịu nhiều rủi ro do các cơ quan Tư pháp khác áp đặt.
- Về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người làm công tác thi hành án, nhất là chế độ đặc thù công việc chưa được qui định hoặc có qui định nhưng không đồng bộ, thiếu kịp thời giữa các chức danh và các ngành trong khối nội chính. Trang thiết bị và phương tiện làm việc chưa đáp ứng, kinh phí không đảm bảo, trụ sở làm việc, kho tang vật không đạt yêu cầu với công việc được giao.
III. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong năm 2009:
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác thi hành án dân sự thời gian qua, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong năm 2009, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
1. Về công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ:
Tổ chức tuyển đủ số lượng biên chế cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Tư pháp; từng bước luân chuyển công chức phù hợp với điều kiện ở từng đơn vị; sắp xếp và phân công công việc hợp lý đối với từng các bộ, công chức. Đánh giá công chức đúng với năng lực công tác; có kế hoạch qui hoạch kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức, chủ động phát hiện những cá nhân có năng lực, phẩm chất đạo đức để cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý và lý luận chính trị, đưa vào diện tuyển chọn bổ nhiệm thẩm tra viên, chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan Thi hành án; khắc phục tình trạng thiếu lãnh đạo ở các đơn vị. Kịp thời chấn chỉnh tình trạng thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công việc của chấp hành viên, cán bộ công chức; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan Thi hành án dân sự, nâng cao tính chiến đấu, sức sáng tạo, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm trong mỗi cán bộ, đảng viên, qua đó có biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân, tập thể có thành xuất sắc trong công tác.
2. Về công tác tổ chức thi hành án:
Sau khi án được thụ lý thi hành, phải nhanh chóng tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, trên cơ sở đó phân loại án, lập kế hoạch giải quyết kịp thời từng vụ, việc cụ thể theo định kỳ tháng, quí, qua đó cần tập trung thực hiện tốt các công việc sau:
- Lập sổ theo dõi đối những vụ, việc đã thụ lý thi hành, thi hành dở dang, việc có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành; phân loại cụ thể từng vụ việc, xác định tính chất việc thi hành án và trách nhiệm của từng chấp hành viên, cán bộ thi hành án, qua đó ấn định thời hạn để giải quyết. Đối với những vụ việc có điều kiện thi hành, cương quyết tổ chức thi hành dứt điểm, trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành hoặc chây ỳ thì phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Ngoài việc xây dựng kế hoạch, chương trình, lịch công tác theo tuần, tháng, quý, năm, hàng tháng, quý Trưởng thi hành án dân sự phải tổ chức họp cơ quan trao đổi và cho ý kiến về xử lý nghiệp vụ thi hành án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động của chấp hành viên, giải quyết kịp thời các đề nghị, kiến nghị của chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Đối với những vụ việc có vướng mắc, khó khăn cần có sự phối hợp, Trưởng Thi hành án dân sự phải kiểm tra, nắm bắt đầy đủ các thông tin, đánh giá ký lưỡng để có biện pháp chỉ đạo hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thi hành án. Đối với những trường hợp có ý kiến khác nhau thì cần tập hợp những vướng mắc cụ thể, báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án hoặc Chủ tịch UBND cùng cấp để chỉ đạo; nếu có vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án thì báo cáo về Thi hành án dân sự tỉnh để hướng dẫn thực hiện. Đối với những vụ việc không có điều kiện thi hành án, thì tùy từng thựcng hợp cụ thể có thể ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, trả đơn yêu cầu hoặc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức thi hành án tập trung, thi hành án theo đợt cao điểm trên địa bàn, tăng cường chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong đợt cao điểm để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, vụ việc còn tồn đọng. Trong thời gian đến, Thi hành án dân sự tỉnh sẽ chọn những đơn vị có số lượng án lớn, án phức tạp, án có vướng mắc hoặc kết quả thi hành án thấp để theo dõi thường xuyên, nhằm tăng cường sự chỉ đạo giải quyết án. Các cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố cần phải thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời tập hợp đầy đủ những vụ, việc có khó khăn, vướng mắc phát sinh báo cáo về Thi hành án dân sự tỉnh để chỉ đạo thực hiện.
3. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Trưởng thi hành án dân sự cần coi trọng công tác quyết khiếu nại, tố cáo thi hành án dân sự, nếu giải quyết tốt việc khiếu nại, tố cáo của đương sự sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án ở địa phương. Vì vậy, cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
Sau khi nhận đơn khiếu nại, tố cáo, Trưởng Thi hành án dân sự phải phân loại đơn, xác định nội dung và nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở đó, Trưởng thi hành án dân sự phải chủ động đề ra những biện pháp giải quyết cho phù hợp, làm rõ đúng sai, phân công trách nhiệm của từng cá nhân, đồng thời ấn định thời hạn để giải quyết thích hợp. Đối với việc khiếu nại, tố cáo do nguyên nhân khách quan, liên quan đến các ngành, các cấp thì cần tập hợp đầy đủ các thông tin, những vấn đề vướng mắc để trao đổi, kiến nghị với cơ quan liên quan hoặc báo cáo với cơ quan cấp trên để bàn biện pháp giải quyết. Đối những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, Trưởng thi hành án dân sự phải xem xét cặn kẽ sự việc, trong quá trình giải quyết phải tiến hành xác minh, đối thoại người khiếu nại, tố cáo và những người có liên quan để ra quyết định giải quyết thấu tình đạt lý, không được giải quyết qua loa, không khách quan, không đúng với nội dung, diễn biến của vụ việc. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tôn trọng người khiếu nại, tố cáo, không được định kiến, xem thường, thờ ơ hoặc có các biểu hiện khác. Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện đúng các trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết. Đối với các khiếu nại tố cáo không thuộc thẩm quyền hoặc khiếu nại nội dung không rõ ràng thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển trả cho người khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bằng hình thức ra quyết định giải quyết, chấm dứt việc ra công văn trả lời. Đối với những vụ việc khiếu nại bức xúc, kéo dài, Trưởng thi hành án dân sự cần phải xem xét kỹ lưỡng nội dung, phân tích các nguyên nhân, xem xét các vướng mắc, qua đó xin ý kiến hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp.
Võ Công Hoàng