Tìm tiếng nói chung cho giải quyết án tồn đọng

24/05/2011
“Có nhiều vụ án tồn hàng chục năm, thậm chí là 30, 40 năm từ khi Thi hành án dân sự (THADS) còn ở ngành Tòa án đến nay vẫn không thể thi hành, trong đó nhiều vụ mãi mãi nằm đó không xử lý được”, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Luyện nói về tình trạng án tồn đọng của ngành Tư pháp.
Hôm qua 23/5 tại Yên Bái, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) , Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm khái niệm việc THADS tồn đọng.

Chưa rõ tiêu trí án tồn

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Luyện cũng cho biết, mỗi năm ngành Tư pháp tồn đọng hàng trăm ngàn vụ án, gần đây nhất năm 2010 số án phải chuyển sang năm 2011 phải thi hành là trên 200 ngàn việc. “Cái lâu nay chúng ta vẫn coi là tồn nhưng thực chất chưa rõ tiêu trí. Tòa vừa xử xong 1 tháng có được coi là tồn không, hoặc đã xử lý một phần, phần còn lại chưa thi hành, lại có những vụ vĩnh viễn không thể thi hành. ..Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận xem nguyên nhân do đâu, và khắc phục nó như thế nào”. Tổng cục trưởng nói.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác THADS, Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ cũng cho rằng, phải cắt nghĩa cho được như thế nào là án tồn đọng “Quan trọng nhất là phát hiện ra những bất cập của hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung”. Ông Nhũ cũng cam kết ngành Tòa án sẽ phối hợp tốt với Tư pháp để tháo gỡ những bản án có vấn đề trong khâu tuyên án.

Cho rằng, cần thiết phải xác định rõ tiêu trí án tồn đọng, Cục trưởng Cục THADS Bắc Ninh Nguyễn An Ly cho rằng, phải căn cứ vào các tiêu trí: nguyên nhân khách quan của việc thi hành trên thực tế; phải dựa trên cơ sở các thủ tục pháp lý mà cơ quan THA đã thực hiện. Đặc biệt việc xác định án tồn đọng phải căn cứ vào khả năng điều kiện THA của người phải THA.

“Chỉ những trường hợp người phải THA thực sự không có điều kiện khiến cho việc thi hành không thể thực hiện được và việc thi hành được hay không phải trông chờ vào sự thay đổi điều kiện của họ trong tương lai- khi họ có tài sản thu nhập để THA mới được coi là án tồn đọng”. Ông Ly nói.

Bị cáo sống lang thang thì thi hành làm sao?

Đây là vấn đề mà ông Vũ Quốc Doanh, Phó Cục trưởng Cục THADS Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị. Theo ông Doanh, việc, tiền tồn trong báo cáo của cơ quan THA bao gồm cả việc, tiền tồn đọng. Nhưng khi nói đến việc, tiền tồn đọng trong THADS thì không bao gồm loại việc, tiền tồn có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành, đang thi hành dở dang.

Ông Doanh cũng cho biết: 6 tháng, ngành THADS Tp. Hồ Chí Minh thụ lý 59 ngàn hồ sơ, trong đó 28 ngàn chưa có điều kiện thi hành, chiếm khoảng 1/3 là án không có điều kiện, không thể thi hành.

“Có bản án ghi bị cáo sống lang thang (không có địa chỉ cụ thể -PV), thế thì làm sao mà thi hành, phải chờ 5 năm, 10 năm mới được miễn giảm, nhưng theo quy định phải thi hành 1 phần mới được đề nghị miễn giảm”. Ông Doanh cũng lưu ý về thời điểm xác minh việc tồn nên tính là “từ sau khi Chấp hành viên đã xác minh đầy đủ”.

Lấy thời điểm thống kê để tính án tồn đọng, theo Cục trưởng THADS tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Nghĩa, nên hiểu án tồn đọng trong THADS là những quyết định THA tính đến thời điểm báo cáo thống kê (thời điểm lấy số liệu thống kê) chưa thi hành xong, phải chuyển sang kỳ sau tiếp tục thi hành.

Cụ thể trách nhiệm các ngành trong giải quyết án tồn đọng

Nói đến án tồn đọng, nhiều người luôn “quy” trách nhiệm đầu tiên cho ngành Tư pháp. Tuy nhiên, một bản án không thi hành được còn do nhiều nguyên nhân như quá trình điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết tranh chấp, ý thức chấp hành pháp luật…

Theo ông Hoàng Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, thông tin và thống kê, Tổng cục THADS cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức THA, nhất là những việc THA tồn đọng, cần đánh giá các yếu tố ảnh hưởng để xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tìm ra giải pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả.                         

                                          PV Nội chính (Thu Hằng – nội chính)