Hiện trạng án dân sự tồn đọng

11/05/2011
Trong những năm vừa qua với sự lỗ lực của cán bộ, công chức ngành thi hành án, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, sự ủng hộ của các tổ chức, công tác thi hành án ngày càng ổn định và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định:


Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương, bao gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự;  nhiều bản án, quyết định của Toà án đã được thi hành dứt điểm, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của cơ quan, tổ chức và các cá nhân công dân, một số vụ án phức tạp, kéo dài đã được tập chung giải quyết, việc thi hành án dân sự tồn đọng giảm đáng kể, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước, tạo tiền đề cho phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số lượng lớn bản án, quyết định đã có hiệu lực chưa được thi hành, gây bức xúc trong xã hội, nhất là người được thi hành án, phải thi hành án. Cụ thể, theo báo cáo 6 tháng năm 2011 (tính đến 31/3/2011), thì số việc thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau còn phải thi hành tính từ khi chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang cho Chính phủ quản lý (Tháng 7 năm 1993) là 285.482 việc với 24.186.587.393.000 đồng. Trong phạm vi bài viết này, xin được giới thiệu về hiện trạng việc, tiền thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau trên cơ sở tiêu chí phân loại của Chế độ thống kê thi hành án dân sự, đồng thời có sự nhận xét, đánh giá, xác định nội dung, bản chất, nguyên nhân dẫn tới việc thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ (giải pháp xử lý việc, tiền thi hành án dân sự tồn đọng sẽ được giới thiệu trong bài viết sau).

Xác định thế nào là việc thi hành án dân sự tồn đọng và phân loại có nhiều quan điểm khác nhau, trong phạm vi bài viết này sẽ không đề cập đến. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhìn nhận nội dung, bản chất của việc thi hành án dân sự tồn đọng cũng như thiết thực phục vụ cho việc quản lý, điều hành, xác định giải pháp tháo gỡ và tăng cường trách nhiệm của Chấp hành viên, của cơ quan Thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án và các cơ quan hữu quan trong giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng việc chia việc thi hành án dân sự tồn đọng được xác định trên các căn cứ sau:

1. Căn cứ vào điều kiện thi hành án dân sự

1.1. Việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành

Việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành còn tồn là 114.261 việc (chiếm 40,02% số việc còn tồn chuyển sang kỳ sau) với 6.629.205.195.000 đồng (chiếm 27,41% số tiền còn tồn chuyển sang kỳ sau).

Số việc này chủ yếu là các việc đang thi hành dở dang và số việc chưa thi hành. Đây là những việc có điều kiện hoặc được coi là có điều kiện nhưng chưa được cơ quan Thi hành án tổ chức xác minh và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp để tổ chức thi hành dứt điểm.

1.2. Việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành

Việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành còn tồn là 171.221 việc (chiếm 59,98% số việc còn tồn chuyển sang kỳ sau); với 17.557.382.198.000 đồng (chiếm 72,59% số tiền còn tồn chuyển sang kỳ sau). Trong đó:

- Quyết định dân sự trong hình sự: 123.611 việc;

- Quyết định dân sự:                      127.345 việc;

- Quyết định hôn nhân và gia đình:    25.911 việc;

- Quyết định kinh tế:                          8.069 việc;

- Quyết định lao động:                          416 việc;

- Quyết định phá sản và loại khác:           33 việc;

- Quyết định hành chính:                         85 việc.

Loại chưa có điều kiện thi hành chủ yếu là những việc đương sự không có tài sản để thực hiện các nghĩa vụ về tài sản hoặc những vụ việc đương sự không có khả năng để thực hiện các nghĩa vụ về hành vi. Qua thống kê thực tế cho thấy chủ yếu nằm trong án hình sự liên quan đến các khoản tiền phạt, tiền án phí…Tuy nhiên, bên cạnh đó, thì vẫn còn có một số việc mặc dù đương sự có điều kiện thi hành án, nhưng do bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoãn hoặc kháng nghị tạm đình chỉ hoặc các bên đương sự thoả thuận với nhau cho hoãn thi hành án, hoặc bản án tuyên không rõ, khó thi hành; các cơ quan có ý kiến khác nhau về quan điểm giải quyết vụ việc, thì cơ quan thi hành án cũng không thể tổ chức thi hành được (số liệu cụ thể sẽ được nêu tại điểm 1.2 sau đây).

2. Căn cứ vào nghiệp vụ thi hành án dân sự

2.1. Số thi hành án dân sự dở dang (76.955 việc)

Đây là những việc được cơ quan Thi hành án dân sự xác minh, xác định được người phải thi hành án có điều kiện thi hành án và đang trong quá trình tác động để thi hành án (giáo dục, thuyết phục; kê biên, bán đấu giá, giao tài sản để thi hành án…), nhưng chưa có kết quả hoặc đã có kết quả một phần, phần còn lại đang tiếp tục áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ của mình hay tiếp tục cưỡng chế thi hành án để thi hành dứt điểm nghĩa vụ. Những việc này, kết quả thi hành án hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm của Chấp hành viên được phân công trực tiếp thi hành và sự kiểm tra, giám sát của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự.

2.2. Số chưa thi hành được (37.306 việc)

Hầu hết là những việc cơ quan Thi hành án dân sự mới thụ lý ngay tại thời điểm khoá sổ lập báo cáo thống kê. Lúc này cơ quan Thi hành án mới ra quyết định thi hành án, vào sổ thụ lý và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án. Do đó, vụ việc còn chưa được xác minh làm rõ xem đương sự có điều kịên hay không có điều kiện thi hành án hoặc mới xác minh có kết quả ban đầu, nhưng do không đủ thời gian để tiến hành các hoạt động nghiệp vụ, chưa tổ chức thi hành được phần nào theo quyết định thi hành án. Đối với những vụ việc này cần một khoảng thời gian nhất định để Chấp hành viên tiến hành xác minh và làm các thủ tục cần thiết khác theo quy định của pháp luật (thông báo tự nguyện thi hành án, thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản…) để tổ chức thi hành. Vì vậy, kết quả thi hành đối với những vụ việc này chỉ được xác định và quy trách nhiệm cho Chấp hành viên ở năm báo cáo kế tiếp, khi đã có đủ thời gian cho Chấp hành viên xác minh nhưng vẫn không thực hiện việc phân loại hoặc không tổ chức thi hành đối với những vụ việc có điều kiện thi hành án.

Do quy định hiện hành về thống kê thi hành án dân sự không chia tiền chưa thi hành tương ứng với việc, nên số tiền thi hành án dở dang công chung với số chưa thi hành là 6.629.205.195.000 đồng.

2.3. Số hoãn thi hành án dân sự (83.916 việc với 2.290.497.874.000 đồng)

Hoãn Thi hành án dân sự được qui định tại Điều 26 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Đây là những vụ việc vì lý do khách quan hoặc chủ quan, theo quy định của pháp luật cơ quan Thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án và sẽ tổ chức thi hành tiếp khi điều kiện hoãn thi hành án không còn. Do đó, trong đó sẽ có những vụ việc thời hạn hoãn kéo dài từ kỳ báo cáo này qua kỳ báo cáo khác hoặc từ năm báo cáo này qua năm báo cáo khác cũng là nguyên dân dẫn tới việc thi hành án dân sự tồn đọng. Số hoãn này bao gồm: hoãn do người phải thi hành án ốm nặng hoặc chưa xác định được nơi cư trú hoặc vì lý do chính đáng khác không thể thực hiện được nghĩa vụ, mà theo bản án, quyết định người đó phải tự mình thực hiện là 21.926 việc với 1.238.319.933.000 đồng; hoãn do được người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn việc thi hành là 2.947 việc với 336.798.139.000 đồng; hoãn do người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên là 46.559 việc với 356.844.068.000 đồng; hoãn do có tranh chấp về tài sản kê biên theo quy định tại Khoản 5 Điều 41 của Pháp lệnh mà đang được Toà án thụ lý, giải quyết là 12.419 việc với 290.554.754.000 đồng; hoãn thi hành án theo yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát để xem xét việc kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 65 việc với 67.980.980.000 đồng. Việc kéo dài thời gian thi hành đối với những vụ việc này tại thời điểm thống kê năm không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan Thi hành án. Do đó, không thuộc trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, trừ trường hợp hoãn do người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên mà phát hiện ra việc Chấp hành viên xác minh thiếu thận trọng trong việc xác minh điều kiện thi hành án hoặc chưa làm đẩy đủ các thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì Chấp hành viên cơ quan Thi hành án phải chịu trách nhiệm đối với số vụ việc này. Những việc này sẽ được tiếp tục tổ chức thi hành trong kỳ kế tiếp, khi điều kiện hoãn thi hành án không còn.

2.4. Số tạm đình chỉ thi hành án dân sự (688 việc với 420.920.574.000 đồng)

Cũng như hoãn thi hành án dân sự, tạm đình chỉ thi hành án dân sự là những việc cơ quan Thi hành án dân sự bắt buộc phải dừng mọi hoạt động tác nghiệp để tổ chức thi hành án dân sự cho đến một thời điểm khác chậm hơn. Do vậy, những việc này cũng có thể kéo dài ở các kỳ khác nhau và cơ quan Thi hành án dân sự phải theo dõi để thi hành tiếp khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc tạm đình chỉ này được qui định tại Điều 27 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Điều 49 Luật Thi hành án dân sự hiện nay, bao gồm các trường hợp Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ khi Toà án ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu phá sản và Người có thẩm quyền kháng nghị tạm đình chỉ thi hành án. Thời hạn tạm đình chỉ này dài ngắn tuỳ thuộc vào các trường hợp khác nhau, phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ việc phá sản và thời gian xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thông thường, người có thẩm quyền kháng nghị tạm đình chỉ thời gian tối đa là 6 tháng. Còn trường hợp Thủ trưởng cơ quan Thi hành án ra quyết định tạm đình chỉ thì không xác định được thời hạn, mà phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ việc phá sản. Theo thống kê tính đến 31/3/2011 có 688 việc. Trong đó Tòa án nhân dân tạm đình chỉ 227 việc với 217.734.461.000 đồng, Viện Kiểm sát nhân dân tạm đình chỉ 93 việc với 100.636.536.000 đồng để xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo qui định của Luật Tố tụng. Số còn lại 368 việc với 102.549.577.000 đồng là do cơ quan Thi hành án dân sự tạm đình chỉ do có quyết định thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản của Toà án có thẩm quyền.

2.5. Số lý do khác (86.617 việc với 14.845.963.750.000 đồng)

Đây là những việc cơ quan Thi hành án dân sự không thể tổ chức thi hành được trong một kỳ hay nhiều kỳ, thậm chí nhiều năm do có những lý do khách quan hoặc chủ quan làm cản trở tới quá trình thi hành án. Những việc này, theo quy định của Chế độ thống kê thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bao gồm: bản án, quyết định Toà án tuyên không rõ, có sai sót, hoặc khó thi hành; việc còn có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến giải quyết nội dung vụ án hoặc về xử lý tài sản hoặc quan điểm về việc tổ chức thi hành án; việc có tài sản kê biên, tài sản phải giao theo bản án, quyết định của Toà án nhưng chưa xử lý được; việc tạm ngưng để giải quyết khiếu nại.

Thực tế, qua theo dõi đối với những việc này, cho thấy phần lớn trong số này là có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, do quá trình giải thích án, đính chính sai sót kéo dài chưa đáp ứng được yêu cầu nên làm cho việc thi hành án bị kéo dài (724 việc với 169.570.117.000 đồng), hoặc có ý kiến khác nhau từ các cơ quan hữu quan liên quan đến việc xử lý tài sản của người phải thi hành án để thi hành án, thậm trí có những trường hợp có ý kiến khác nhau về kết quả xét xử của Toà án, nên không đồng tình với việc thi hành án (9.749 việc với 1.688.902.888.000 đồng). Một số trường hợp khác là không có sự đồng bộ trong việc chuyển giao tài sản và các tài liệu kèm theo liên quan đến tài sản và xử lý tài sản giữa các cơ quan có liên quan như Toà án, cơ quan điều tra, khiến cho việc xử lý tài sản thi hành án không thực hiện được, hoặc một số trường hợp cơ quan Thi hành án kê biên nhưng vì lý do khách quan không thể giao được tài sản cho người có quyền nhận tài sản (75.681 việc với 12.987.490.745.000 đồng). Ngoài ra để phục vụ cho quá trình giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cơ quan Thi hành án đã tạm ngưng việc thi hành án đối với 463 việc với 2.457.051.000 đồng đã góp phần làm gia tăng đáng kể lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng (Số lý do khác 86.617/285.617, chiếm 30,34% về việc và 14.845.963.750.000 đồng/24.186.587.393.000 đồng chiếm 61,38% tổng số việc, tiền tồn chuyển sang kỳ sau thi hành tiếp). Cũng như với trường hợp hoãn thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự chỉ có thể tổ chức thi hành những vụ việc này khi mọi vưỡng mắc kiên quan đến vụ việc được tháo gỡ như: nhận được giải thích, đính chính của Toà án có thẩm quyền; thống nhất được ý kiến trong việc thi hành án với các cơ quan hữu quan hoặc có đủ điều kiện để giao tài sản theo nội dung bản án, quyết định….Do đó, Chấp hành viên không phải chịu trách nhiệm về sự kéo dài thời gian thi hành từ năm này qua năm khác đối với những việc thi hành án này, trừ trường hợp việc xác định nội dung, điều kiện của Chấp hành viên để đưa việc thi hành án đang tổ chức thi hành vào mục lý do khác thiếu chính xác hoặc cố tình chuyển số liệu vào mục này để nâng cao kết quả thi hành án. Tuy nhiên, với trách nhiệm là người tổ chức thi hành vụ việc, Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc, phối hợp với các cơ quan hữu quan và tham mưu các biện pháp tháo gỡ vướng mắc đối với những trường hợp này.

3. Phân loại về cơ cấu giá trị phải thi hành

Phân loại theo tính chất giá trị (được tính bằng đơn vị VNĐ), thì trong số 24.186.587.393.000 đồng chuyển sang kỳ sau thi hành tiếp bao gồm:

- Khoản phải thi hành bằng tiền: 22.146.924.798.000 đồng;

- Khoản phải thi hành là tài sản phải xử lý theo nội dung bản án, quyết định: 2.039.662.595.000 đồng;

4. Nhận xét, đánh giá

Qua việc phân tích số liệu và tình trạng, tính chất của việc, tiền thi hành án dân sự tồn đọng chuyển kỳ sau trên cho thấy:

- Việc, tiền thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau giải quyết tiếp được xác định tại các thời điểm điểm báo cáo, do vậy bao gồm cả việc mới thụ lý và việc thụ lý đã qua nhiều kỳ báo cáo;

- Việc, tiền thi hành án dân sự tồn đọng chuyển kỳ sau bao gồm cả việc có điều kiện thi hành án và việc không có điều kiện;

- Việc thi hành án dân sự tồn đọng biến động nhanh, phụ thuộc vào số lượng việc thụ lý mới hàng tháng của cơ quan Thi hành án dân sự, trong khi số vụ việc được thi hành chậm hơn do cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức xác minh, phân loại việc thi hành án;

          - Số tồn đọng vì lý do khác so với các loại khác (hoãn, tạm đình chỉ, thi hành dở dang, chưa thi hành được) chiếm số lượng lớn trong tổng số chuyển kỳ sau cả về việc và về tiền;

          - Số tồn chuyển kỳ sau là khoản thu cho Ngân sách nhà nước tính bình quân lượng giá trị/việc, thì số việc lớn, nhưng tiền nhỏ. Do đó, bình quân tiền/việc nhỏ (7.664.000 đồng/việc).

          - Số tồn chuyển kỳ sau thuộc trường hợp tài sản phải giao, xử lý chưa thi hành được chiếm số lượng lớn nhất trong số lý do khác (75.681 việc với 12.987.490.745.000 đồng).

          - Số tiền tồn chuyển kỳ sau so với cùng kỳ năm trước luôn tăng lên tại mỗi thời điểm báo cáo;

          - Tỷ lệ tiền tồn chuyển kỳ sau thi hành luôn lớn hơn so với tỷ lệ việc tồn chuyển kỳ sau.

          Nguyên nhân của hiện trạng việc, tiền thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau hiện nay là:

          Thứ nhất, nguyên nhân chủ quan

         Một là, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ cơ quan Thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án

          - Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thi hành án ở nhiều địa phương đối với nhiều vụ việc còn chưa tốt, dẫn tới để tồn đọng việc thi hành án, chủ yếu là những vụ việc có điều kiện nhưng chưa được tổ chức thi hành hoặc tổ chức thi hành nhưng chưa có kết quả;

          - Vẫn còn một bộ phận không nhỏ Chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực được phân công thi hành;

- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thi hành án dân sự trong toàn bộ hệ thống từ cơ quan quản lý thi hành án đến các cơ quan Thi hành án dân sự chưa thực sự có nề nếp; có lúc, có nơi, có việc có đơn vị buông lỏng công tác quản lý. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương;

- Việc phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án ở một số nơi chưa đồng đều, có Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành nhiều vụ việc, trong khi đó có Chấp hành viên số lượng vụ việc phải tổ chức thi hành ít;

- Công tác rà soát, phân loại án, lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự, lập kế hoạch tổ chức thi hành án và giám sát việc tổ chức thi hành án chưa được tiến hành thường xuyên, nhiều trường hợp còn thiếu chính xác, khiến cho việc đôn đốc tổ chức thi hành án chưa được kịp thời làm gia tăng án dân sự tồn đọng;

- Nhiều nơi Thủ trưởng cơ quan Thi hành án chưa quan tâm đến việc sử dụng kết quả thống kê, phân tích thống kê phục vụ công tác điều hành thi hành án dân sự nên chưa phát huy hết sức mạnh về nguồn lực con người, cơ sở vật chất cho công tác tổ chức thi hành án;

- Chưa chủ động, tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Toà án nhằm thi hành dứt điểm bản án, quyết định và tham mưu cho Cấp uỷ, chính quyền đị phương trong chỉ đạo phối hợp trong thi hành án dân sự nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác thi hành án dân sự;

- Việc phân bổ nguồn lực về con người trong thực hiện nhiệ vụ chưa đạt yêu cầu đặt ra, dẫn tới hiện trạng một số địa phương bình quân việc, tiền phải thi hành trên một Chấp hành viên và trên một biên chế lớn, thậm trí rất lớn, nhưng ở một số địa phương lượng việc, tiền bình quân một biên chế hoặc một Chấp hành viên phải thi hành lại nhỏ.

- Hoạt động kiểm tra trong một số trường hợp còn mang tính hình thức, chưa xác định được trọng tâm trọng điểm của các đợt kiểm tra; kết luận kiểm tra ca biệt có những trường hợp còn có sự “nể nang”; công tác hậu kiểm chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy việc thực hiện kết luận kiểm tra còn chưa tốt, thậm chí có trường hợp chưa khắc phục triệ để các sai sót mà các đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Việc tổng kết công tác kiểm tra để rút kinh nghiệm về tổ chức các Đoàn kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật thông qua nội dung kiểm tra, từ đó tổng kết, ban hành văn bản, hướng dẫn chỉ đạo chung trong toàn ngành chưa được quan tâm đúng mức.

- Công tác tổng hợp, tham mưu trong các cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự còn yếu, chưa thực sự là “điểm tựa” tin cậy cho việc ban hành các quyết định quản lý, điều hành của lãnh đạo các cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự.

Hai là, những nguyên chủ quan khác

- Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa tốt, nhiều truờng hợp người phải thi hành án chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án.

- Các hoạt động thanh tra, kiểm sát thi hành án chưa thực sự phát huy được tác dụng trong việc thanh tra, kiểm sát nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động tổ chức thi hành bản án, quyết định để tạo điều kiện nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án dân sự. Hoạt động thanh tra, kiểm sát của cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm sát mới chủ yếu tập trung vào việc chấp hành pháp luật của cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên, mà chưa mở rộng ra đối với các đối tượng khác như người được thi hành án, người phải thi hành án và các cơ quan hữu quan trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.

          - Một số trường hợp Toà án tuyên án không rõ, có sai sót, không có tính khả thi, cơ quan Thi hành án đã đề nghị giải thích, đính chính hay xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nhưng chậm được đáp ứng dẫn tới bản án, quyết định bị chậm thi hành hoặc không thể thi hành được.

          - Sự phối hợp giữa Toà án và cơ quan Thi hành án trong việc chuyển giao bản án, quyết định hoặc các tài liệu có liên quan đến xử lý tang vật, tài sản chưa chặt chẽ, kịp thời.

          - Những việc còn có ý kiến các khác nhau giữa các ngành, chính quyền địa phương chưa được kịp thời giải quyết, trong khi loại này chiếm số lượng lớn; nhiều việc đang bị hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân có thẩm quyền nhưng chậm có kết quả, nên hầu hết các trường hợp này đều đến hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ mới có kết quả, thậm chí có trường hợp hết thời hạn hoãn mà không có kháng nghị, người đã yêu cầu hoãn cũng không thông báo cho cơ quan thi hành án kết quả xem xét kháng nghị nên gây khó khăn cho việc thi hành án.

          - Nhiều việc bên phải thi hành án là các cơ quan nhà nước không tự nguyện thi hành, trong khi chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu buộc các đơn vị này phải thi hành.

          - Nhiều nơi, nhiều lúc Toà án nhân dân chậm chuyển giao bản án, chuyển giao số lượng bản án, quyết định lớn cho cơ quan Thi hành án dân sự vào cuối kỳ báo cáo, cuối năm báo cáo, làm gia tăng số lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng.

          Thứ hai, nguyên nhân khách quan

          Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, tình trạng án tồn đọng còn xuất phát từ những nguyên nhân có tính khách quan. Đây là những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ điều kiện khó khăn của đương sự (người phải thi hành án). Theo cách phân loại hiện hành thì đây chủ yếu là những vụ việc chưa có điều kiện thi hành.

          Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì có điều kiện thi hành án dân sự là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Do đó, ngoài những trường hợp này thì người phải thi hành án được coi là chưa hoặc không có tài sản để thi hành án.

          - Người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp để thi hành án hoặc không xác định được nơi cư trú của đương sự; đặc biệt đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản.

          - Người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án.

- Người phải thi hành án chỉ có tài sản đã kê biên, phát mãi nhưng không bán được, mà người được thi hành án không đồng ý nhận để trừ vào số tiền được thi hành án và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác.

- Người phải thi hành nghĩa vụ giao vật đặc định mà vật đó đã bị mất, hư hỏng mà hai bên không thoả thuận được về phương thức thanh toán, cơ quan thi hành án đã hướng dẫn các đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết việc bồi thường, nhưng chưa có quyết định giải quyết của Toà án;

- Việc thi hành nghĩa vụ gắn liền với nhân thân, nếu do điều kiện khách quan (ốm đau, đi công tác...) mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được các nghĩa vụ đó hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án;

- Các trường hợp khác do nguyên nhân khách quan mà cơ quan thi hành án không thể thi hành được.

          - Khối lượng công việc các cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành nhiều, trong khi lực lượng mỏng, trình độ, năng lực còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn dẫn đến quá tải trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Ths. Hoàng Thế Anh, P.Giám đốc Trung tâm Dữ liệu,

Thông tin và Thống kê THADS Tổng cục THADS