Sign In

Cần quy định chế độ, chính sách luân chuyển cán bộ trong Ngành Thi hành án dân sự

07/09/2015

      Luân chuyển cán bộ là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, nhằm từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đào tạo, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận, góp phần sắp xếp cán bộ một cách hợp lý hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương khép kín trong thực hiện nhiệm vụ do cán bộ giữ một chức vụ khá lâu hoặc bố trí chưa phù hợp với năng lực, sở trường công tác.

     Triển khai, thực hiện qui định về luân chuyển cán bộ

     Các cơ quan Thi hành án dân sự, đã triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Nghị quyết số 152-NQ/BCSĐ ngày 28/11/2012 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 45-QĐ/BCS ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự giai đoạn 2014-2016. Qua theo dõi cho thấy, thời gian qua, Tổng cục và các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương này và đã thực hiện việc luân chuyển mạnh, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, phù hợp với điều kiện của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số địa phương đã xác định rõ nơi cần luân chuyển cán bộ đến đang yếu cái gì, nội bộ ra sao để chọn cán bộ phù hợp, vừa góp phần giúp cơ sở củng cố, kiện toàn đội ngũ, vừa tạo môi trường để rèn luyện, thử thách cán bộ, qua đó nhận xét, đánh giá cán bộ trong quá trình luân chuyển. Ngoài ra, thông qua luân chuyển cán bộ, giúp những đơn vị có khó khăn về cán bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, giúp các cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu, nơi thừa, nơi thiếu… từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và chủ động xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cán bộ sát, đúng tình hình và đòi hỏi thực tiễn công việc.
     
      Thực trạng việc luân chuyển cán bộ


      Phải thấy rằng, đối với các cán bộ được luân chuyển có một điểm chung là, với nhiệm vụ mới, môi trường, điều kiện làm việc mới, cả nơi ăn chốn ở đều mới ... là những khó khăn không nhỏ đối với cán bộ luân chuyển. Nhưng đó cũng là cơ hội để cán bộ cọ xát thực tiễn, nâng cao bản lĩnh, rèn luyện tác phong công tác, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công và từng bước trưởng thành. Phần lớn cán bộ được luân chuyển đều phấn khởi, yên tâm công tác và đồng thuận với chủ trương luân chuyển cán bộ của ngành. Đó là những cảm nhận của chúng tôi qua tìm hiểu thực tế. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ của Ngành Thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế: Luân chuyển cán bộ từ Cục về Chi cục, từ Chi cục về Cục và luân chuyển ngang từ Chi cục này sang Chi cục khác chưa được nhiều. Chưa mạnh dạn luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ trẻ xuống cơ sở. Chưa thường xuyên theo dõi đánh giá cán bộ luân chuyển nhằm phát huy mặt tốt, kịp thời uốn nắn hạn chế, sai sót. Trong quá trình sắp xếp tổ chức, cán bộ, chưa phân định thật rõ giữa cán bộ luân chuyển với cán bộ điều động để có chế độ, chính sách phù hợp. Một số cán bộ luân chuyển để đáp ứng yêu cầu trước mắt do thiếu cán bộ, chưa thực sự gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân sự cho tương lai. Trên thực tế vẫn có một số thủ trưởng cơ quan chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong công tác luân chuyển cán bộ. Một số nơi còn có biểu hiện né tránh, cục bộ, chưa thật sự tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hòa nhập. Không ít cán bộ ngại luân chuyển về những địa bàn khó khăn, phức tạp. Những hạn chế đó, tuy không phải là phổ biến chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng cần được sự quan tâm, khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành.

      Cần quy định kịp thời chế độ luân chuyển như ở địa phương

     
Một vấn đề rất quan trọng là về các chế độ chính sách luân chuyển, như: hỗ trợ khó khăn ban đầu hoặc hỗ trợ thường xuyên, tiền ăn, ở… cho cán bộ luân chuyển chưa được Bộ Tư pháp qui định nhằm giải quyết những khó khăn ban đầu, tạo điều kiện động viên hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ được luân chuyển khi nhận nhiệm vụ ở môi trường mới, điều kiện làm việc mới, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, công tác. Trong khi đó các ngành khác của địa phương, khi luân chuyển lại được hưởng đầy đủ các chế độ theo qui định của Ủy ban nhân dân tỉnh như: Hỗ trợ khó khăn một lần, trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ tiền thuê nhà... Để tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển  cán bộ trong các các cơ quan Thi hành án dân sự, đề nghị Bộ Tư pháp sớm qui định chế độ luân chuyển, nhằm đảm bảo chế độ, động viên sự an tâm công tác đối với cán bộ trong thời gian luân chuyển.

Nguồn: http://moj.gov.vn/TongCucThiHanhAn

Các tin đã đưa ngày: