Trong quá trình tổ chức thi hành những vụ việc THADS liên quan đến các tổ chức TDNH, cơ quan THADS gặp “muôn hình, vạn trạng” khó khăn. Bởi một số tổ chức TDNH khi cho vay chỉ căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không xác minh thực tế. Có trường hợp tài sản thế chấp trên thực tế không đúng với giấy tờ hoặc người vay đã bán, tặng, cho người khác quản lý, sử dụng từ rất lâu; có nhiều trường hợp tài sản thế chấp có mồ mã; tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng thực tế trên đất có nhà…Từ đó, gây nhiều khó khăn cho cơ quan THADS trong việc kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án. Cụ thể, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 36/2011/QĐST-KDTM ngày 1-7-2011 của Tòa án nhân dân tỉnh, thì ông Thạch Hắc Long và bà Huỳnh Thị Việt có trách nhiệm hoàn trả cho Ngân hàng tiền vốn gốc 150 triệu đồng và tiền lãi tính đến ngày 23-6-2011 là gần 42 triệu đồng cộng với tiền lãi phát sinh cho đến khi thanh toán dứt nợ. Thời hạn thanh toán chậm nhất là đến ngày 15-12-2011 nhưng đến thời hạn ông Long, bà Việt không thực hiện theo thỏa thuận trên nên Ngân hàng có đơn yêu cầu thi hành án. Qua xác minh thực tế, chính quyền địa phương cung cấp các quyền sử dụng đất gồm: Giấy chứng nhận số B655583 do UBND huyện Mỹ Xuyên cấp ngày 13-81993 (thửa đất số 276, 692, 672, 702, tờ bản đồ số 3) với diện tích 8.920 m2 về mặt giấy tờ do ông Long đứng tên nhưng trên thực tế các thửa đất đó đã trả lại cho chủ đất gốc từ năm 1993; Giấy chứng nhận số AO757889 do UBND huyện Mỹ Xuyên cấp ngày 3-3-2009 (thửa đất số 456, tờ bản đồ số 3) với diện tích 340 m2 nhưng hiện nay trên diện tích đất này đã xây cất 1 căn nhà tình thương theo chương trình 167; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI363807 do UBND huyện Mỹ Xuyên cấp ngày 17-5-2007 (thửa đất số 1047 tờ bản đồ số 3) với diện tích 178 m2 nhưng ông Long đã bán cho em vợ và cho con ruột cất nhà trên phần diện tích đất đó từ năm 1980. Chính vì vậy, Cục THADS chưa thể tiến hành kê biên các quyền sử dụng đất nêu trên để đảm bảo thi hành án.
Một số trường hợp tổ chức TDNH khi cho vay định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế, khi cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản thế chấp thì không đủ hoàn trả cho Ngân hàng phần vốn gốc và tiền lãi. Điễn hình như Bản án số 44/2011/KDTM-ST ngày 27-9-2011 của Tòa án nhân dân tỉnh, tuyên buộc bà Lê Ngọc Diệp và ông Võ Hữu Tâm cùng có nghĩa vụ hoàn trả cho Ngân hàng, tổng số tiền vốn vay, lãi là trên 485 triệu đồng và trả lãi phát sinh trên số nợ gốc, theo mức lãi suất quá hạn trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày 28-9-2011 đến khi trả tất số tiền vốn vay. Ông Tâm, bà Diệp còn phải nộp án phí là 23.411.460 đồng theo luật định. Do ông Tâm, bà Diệp không thực hiện việc hoàn trả tiền nên Ngân hàng đã yêu cầu Cục THADS kê biên phát mãi căn nhà gắn liền quyền sử dụng đất thế chấp để đảm bảo thi hành án. Theo chứng thư thẩm định giá số 13/06/39/SIVC.ST ngày 19-6-2013 của Công ty cổ phần thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Sóc Trăng thì căn nhà gắn liền quyền sử dụng đất có giá là trên 340 triệu đồng. Sau 6 lần giảm giá còn lại gần 308 triệu đồng nhưng vẫn không có người đăng ký mua tài sản, dù bán tài sản được vẫn không thể đủ đảm bảo thi hành án.
Khó khăn không kém đối với những bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng các tổ chức TDNH không làm đơn yêu cầu thi hành án mà trực tiếp tác động người phải thi hành án, tự bán tài sản để hoàn trả tiền cho ngân hàng. Nhiều trường hợp người phải thi hành án đã tự bán tài sản để hoàn trả tiền xong cho Ngân hàng; còn khoản án phí, cơ quan THADS chưa thể xử lý được, đành “ôm” án. Có những trường hợp, tiền án phí chỉ vài ba triệu đồng, cơ quan THADS không muốn ôm án nhưng khi xác minh qua xác minh tài sản duy nhất là đất ao nuôi tôm, trồng mía có giá trị lớn hơn nhiều lần số tiền phải thi hành án. Trong khi, tổ chức TDNH chưa làm đơn yêu cầu thi hành án và tài sản lại đang thế chấp Ngân hàng thì làm sao cơ quan THADS có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên một phần diện tích đất tương đương với số tiền phải thi hành án!... Nói chung, rất nhiều khó khăn đang đè trên vai các chấp hành viên trong thi hành án liên quan đến hoạt động TDNH. Từ đó, dẫn đến tỉ lệ thi hành án đạt chưa cao và lượng án chuyển kỳ trong ngành THADS ngày càng tăng.
Tất cả các vấn đề trên, phần lớn là do các tổ chức TDNH không xác minh tài sản thực tế trước khi cho vay, dẫn đến việc xử lý tài sản thế chấp của cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn. Một phần, cũng do tài sản kê biên, bán đấu giá là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, nông dân thì thất mùa, kinh tế gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng; nhu cầu giao dịch bất động sản thấp nên khi đưa ra thông báo bán đấu giá thì không có người đăng ký mua. Nhưng cái chính cốt lõi nhất, là người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thi hành án về tiền đạt tỷ lệ thấp. Đồng thời, cũng mạnh dạng thừa nhận, một phần là do công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số Thủ trưởng cơ quan THADS chưa quyết liệt; công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong công tác THADS có lúc, có nơi chưa thật sự tốt và thiếu sự phối hợp hỗ trợ. Một bộ phận chấp hành viên thì lại chưa tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người phải thi hành án chưa cao và còn có thái độ xem thường pháp luật, cố tình khiếu nại kéo dài nhằm trì hoãn quá trình tổ chức thi hành án. Một số Bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành, cơ quan THADS đã có công văn đề nghị giải thích nhưng chưa nhận được văn bản trả lời của Tòa án từ đó dẫn đến việc tổ chức thi hành án chậm trễ, kéo dài.
Trước tình hình đó, đồng chí Lưu Khánh Đường - Phó Cục trưởng Cục THADS cho biết: Thủ trưởng cơ quan THADS 2 cấp sẽ tập trung rà soát, phân loại các vụ việc thi hành án liên quan đến TDNH. Trên cơ sở rà soát, phân loại án đề ra những biện pháp giải quyết phù hợp đối với từng loại việc. Trước hết, sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức TDNH trong việc đề nghị họ xem xét có chính sách khoanh nợ, giảm một phần lãi cho người phải thi hành án, để tạo động lực cho người phải thi hành án tích cực trong việc thi hành án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, kết thúc vụ việc. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức TDNH rà soát những trường hợp tài sản đã kê biên, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá để cơ quan THADS tiếp tục lập thủ tục giảm giá, đưa ra thông báo bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan THADS 2 cấp sẽ chủ động, thường xuyên tổ chức họp với các tổ chức TDNH để rà soát và tổng hợp những khó khăn vướng mắc phát sinh. Trên cơ sở đó, để cùng phối hợp tìm ra những giải pháp tổ chức thi hành án hiệu quả đối với từng vụ việc cụ thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Cơ quan THADS sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là các tổ chức TDNH trong việc trao đổi, cung cấp thông tin; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người phải thi hành án để động viên họ tự nguyện thi hành. Riêng đối với Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án của Cục THADS sẽ phối hợp với Tổ chỉ đạo thi hành án các vụ việc liên quan đến tổ chức TDNH để tìm ra giải pháp khả thi, tham mưu cho Lãnh đạo Cục THADS trong việc chỉ đạo giải quyết những vụ việc THADS liên quan đến tổ chức TDNH. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất, cơ quan THADS còn phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp rà soát, thống kê những Bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót khó thi hành. Từ đó, sẽ yêu cầu Tòa án giải thích làm rõ nội dung bản án để cơ quan THADS đủ cơ sở đưa Bản án, quyết định ra thi hành theo đúng quy định của pháp luật.
Sớm Mai